
Quy định về kiểm soát quyền lực trong thu hồi đất cần được lồng ghép trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
25/04/2023TN&MTQuá trình thu hồi đất đã đạt được hiệu quả nhất định góp phần rất lớn vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, thu hồi đất còn nhiều hạn chế, bất cập dẫn đến những bất bình trong nhân dân và nhiều dự án không thể triển khai đúng tiến độ do không giải quyết được vấn đề đất đai,… Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó là do nhiều chủ thể mang quyền lực nhà nước chưa thực tốt vai trò của mình trong thu hồi đất. Có hai xu hướng nổi cộm: (1) Lạm dụng quyền lực nhà nước khi thu hồi đất; (2) Đùn đẩy trách nhiệm khi thu hồi đất.
Kiểm soát quyền lực trong hoạt động thu hồi đất (THĐ) được cần được kiểm soát từ bên trong, từ ngay trong cơ chế quản lý và thực hiện THĐ. Bởi, việc kiểm soát quyền lực từ bên trong là hoạt động kiểm soát diễn ra bên trong nội bộ của một hệ thống cơ quan.
Nâng cao kiểm soát quyền lực khi Nhà nước thu hồi đất
Chúng tôi đề xuất, cần có một cơ quan định giá đất độc lập để có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có đất bị thu hồi bởi địa tô chênh lệch giữa giá đất để THĐ với giá thị trường có thể chênh từ 50-700 lần. Việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 cần có sự đổi mới căn bản về cơ chế chuyển dịch đất đai để phục vụ cho lợi ích theo cơ chế thị trường trong đó có vấn đề quan trọng nhất là vấn đề giá đất của Nhà nước bồi thường cho người sử dụng đất.
Điểm mấu chốt là cần làm sao để bảng giá đất sát với thị trường và việc ứng dụng nó trong thực tiễn thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp cũng như nhanh chóng nhận được sự đồng thuận của người dân. Phương án dịch chuyển đất đai phải quan tâm đến nguyên tắc chia sẻ lợi ích của người được nhận, giao đất và người đang sử dụng đất bị THĐ. Làm sao để người dân nói “được Nhà nước THĐ” chứ không phải là “bị Nhà nước THĐ”. Tức là giá đất của người sử dụng đất được nhận về, được bồi thường phải khiến họ hài lòng, vui vẻ và đồng thuận với giá mà Nhà nước thu hồi. Chỉ khi nào Nhà nước nhận được tín hiệu từ người dân rằng là “tôi được Nhà nước THĐ” và họ hài lòng với tài sản, nguồn tài chính, hỗ trợ tái định cư mà họ được thu nhận từ việc bồi thường thì lúc đó tiến độ giải phóng mặt bằng mới được đẩy nhanh. Trong lần sửa đổi Luật Đất đai lần này, hi vọng bảng giá đất “phải mang hơi thở của cuộc sống” để khơi dậy tiềm năng có được từ đất đai chứ không nên chỉ khô cứng trên bàn giấy bởi khung giá đất trên thị trường. Giá đất bồi thường cần đáp ứng các quy luật của thị trường: Quy luật tiền tệ, quy luật cạnh tranh, quy luật giá trị, quy luật cung cầu. Đề xuất với các cơ quan QLNN tăng cường trách nhiệm trong các lĩnh vực:
Thứ nhất, cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ, đột xuất; theo chuyên đề, chuyên ngành; của cấp trên đối với cấp dưới; cấp dưới giám sát cấp trên, tự kiểm tra, giám sát trong nội bộ; giám sát từ dưới lên, giám sát chéo giữa các cơ quan, tổ chức và giám sát của nhân dân. Từ đó, việc kiểm soát quyền lực mới thực sự diễn ra từ nhiều góc độ, nhiều khía cạnh khác nhau. Đảm bảo hoạt động kiểm tra, giám sát diễn ra theo đúng mục đích là kiểm soát quyền lực. Đồng thời, việc thanh tra, kiểm tra, giám sát này cần phải được thực hiện dựa trên các căn cứ pháp lý hoặc bản chất sự việc nhằm thực hiện nhanh chóng, kịp thời phát hiện xử lý các hành vi sai phạm.
Cần nâng cao kiểm soát quyền lực trong thu hồi đất
Thứ hai, cần tiếp tục rà soát, kiểm tra, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động THĐ. Đồng thời, thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động của cơ quan thanh tra nhằm bắt kịp xu hướng phát triển của xã hội. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng có những quy định nhằm phân định, tách biệt giữa chức năng, nhiệm vụ của các chủ thể tiến hành hoạt động THĐ với những chủ thể thực hiện quyền thanh tra, kiểm tra, giám sát. Từ đó, đảm bảo sự độc lập trong hoạt động của cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát. Việc quy định cụ thể chủ thể tham gia trực tiếp ở những giai đoạn THĐ sẽ làm tăng thêm việc xác định trách nhiệm của mỗi cán bộ trong quá trình thực hiện.
Thứ ba, phát huy vai trò của nhân dân, cơ quan báo chí trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động THĐ. Cần quy định cụ thể về lịch tiếp dân nhằm lắng nghe ý kiến phản hồi của người dân về các hoạt động quản lý của cơ quan Nhà nước. Đồng thời, cần nhanh chóng xác minh các hoạt động do công dân trình báo nhằm kịp thời, ngăn chặn các hành vi xâm phạm gây ra. Bên cạnh đó, cơ quan báo chí cũng là một trong những bộ phận quan trong của hoạt động kiểm soát quyền lực. Bởi, đa số các vụ việc diễn ra đều có sự tham gia sát sao của cơ quan báo chí. Vì vậy, cần nhận định rõ vai trò của cơ chế này nhằm phát huy tốt vai trò, cũng như chức năng nhiệm vụ của nó.
Thứ tư, quy định rõ ràng chế tài đối với những chủ thể nào thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát không đúng, vẫn còn để xảy ra tình trạng lạm dụng quyền lực trong THĐ. Chính điều này đảm bảo tính răn đe đối với những chủ thể chưa thực hiện và có ý nghĩa xử lý đối với những hành vi đã để xảy ra vi phạm. Quyền lực càng cao thì trách nhiệm càng lớn nhằm đảm bảo tính cân xứng trong hoạt động QLNN. Không chỉ vậy, hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát này cần phải được thực hiện xuyên suốt từ khâu bắt đầu đến khi người dân cảm thấy hài lòng về hoạt động THĐ của Nhà nước. Từ đó, đảm bảo tính thống nhất cũng như tránh việc sai phạm xảy ra trong quá trình thực hiện.
Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện thể chế quy định về thanh tra theo hướng quy định cụ thể trong Luật Thanh tra (sửa đổi, bổ sung) và nghiên cứu để khắc phục những bất cập về thời gian thực hiện việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra đảm bảo tính linh hoạt và phù hợp với từng cấp thanh tra, hướng dẫn quy trình chi tiết về việc thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quá trình THĐ. Đồng thời, chủ thể thực hiện quyền lực thanh tra, kiểm tra, giám sát cần phải tăng cường nhân cao nhận thức, thấy được trách nhiệm và nhiệm vụ của bản thân trong hoạt động này. Không thể để xảy ra tình trạng tham nhũng, lạm dụng quyền lực tại chính cơ quan thanh tra. Điều này sẽ làm mất đi niềm tin của người dân vào việc kiểm soát quyền lực cũng như làm ảnh hưởng đển tiếng nói chung của cơ quan Thanh tra.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, phòng chống tham nhũng khi thu hồi đất
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động THĐ là công tác then chốt trong quá trình kiểm soát quyền lực. Bởi, công tác này tác động đáng kể đến tư duy cũng như nhận thức của mọi tầng lớp xã hội về hoạt động THĐ của Nhà nước. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động thanh tra, kiểm tra cũng có vai trò tích cực trong hoạt động THĐ. Đây là cơ chế đảm bảo cho người dân có đất không bị thiệt hại về quyền và lợi ích. Vì vậy, đối với mỗi cá nhân nhất là các chủ thể thực thi quyền lực cần phổ biến pháp luật cho các chủ thể trong xã hội để đảm bảo hoạt động này diễn ra đúng pháp luật.
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật từ ngay chính những chủ thể Nhà nước đến những chủ thể trong xã hội. Hoạt động tuyên truyền và phổ biến pháp luật về thanh tra, kiểm tra trong quá trình THĐ cần “việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai cho người dân, đặc biệt là quy định của pháp luật đất đai về THĐ”. Công tác tuyên truyền sẽ góp phần vào việc thay đổi nhận thức và tư duy của người dân nhằm xóa bỏ những nghi ngại của người dân vào hoạt động THĐ. Từ đó, sẽ đảm bảo quyền và lợi ích của người dân khi thực hiện hoạt động THĐ của Nhà nước.
Thứ hai, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần được thực hiện dựa trên sự phối hợp của cơ quan báo chí, cơ quan truyền thông. Những cơ quan này là chủ thể trực tiếp tham gia vào công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Chính vì thế, cần có những quy định về sự tham gia phố hợp với giữa cơ quan báo chí với những cơ quan thực thi quyền lực THĐ. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, giảng dạy pháp luật trực tiếp nhằm nâng cao hiểu biết cho người dân; hợp tác với các cơ quan báo chí để phổ biến pháp luật; lập nên các trang thông tin điện tử phổ biến pháp luật về đất đai.
Thứ ba, đối với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phải thường xuyên cập nhật thông tin về đất đai, về THĐ để người dân biết được về vai trò của hoạt động THĐ đối với phát triển kinh tế. Công tác tư tưởng đặc biệt quan trọng đối với những người dân đang chuẩn bị thực hiện hoạt động THĐ của Nhà nước. Chính vì thế, cần phải có những buổi gặp mặt trao đổi với người dân để làm công tác tư tưởng.
Tiếp cận thông tin đất đai - công cụ kiểm soát quyền lực từ phía người dân
Để thực hiện tốt hoạt động kiểm soát quyền lực trong THĐ từ phía người dân thì việc tiếp cận thông tin đất đai (TTĐĐ) được cho là “công cụ” mang tính hiệu quả cao. Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức của người dân trong việc xác định quyền tiếp cận thông tin về đất đai. Những hành vi ngăn cấm, cản trở hoạt động tiếp cận thông tin này của người dân đều bị coi là vi phạm pháp luật cần được xử lý nghiêm minh. Người dân cần hiểu rõ về những thông tin nào được quyền tiếp cận, những chủ thể nào thực hiện hoạt động giúp người dân tiếp cận thông tin về đất đai. Đặc biệt, cần có những chế tài nghiêm khắc hơn đối với những trường hợp “cán bộ, công chức có thái độ quan liêu, gây khó dễ cho người dân khi thực hiện quyền tiếp cận thông tin về THĐ, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”.
Thứ hai, cần có hướng dẫn cụ thể về những hồ sơ, tài liệu như thế nào được coi là tài liệu mật, tài liệu không công khai hoặc tài liệu không cho phép tiếp cận để người dân xác định đúng phạm vi tiếp cận thông tin của mình. Không thể để nhiều trường hợp không muốn người dân tiếp cận thông tin về THĐ thường gắn chữ “Tài liệu mật” để người dân không thể tiếp cận. Đây là một trong những hành vi khiến cho tình trạng tham nhũng diễn ra thường xuyên hơn. Vì vậy, cần được kiểm soát một cách chặt chẽ và đầy đủ bằng cơ chế kiểm soát từ phía người dân thông quan công cụ kiểm soát này.
Thứ ba, hiện nay chưa hoàn thiện được cơ sở dữ liệu về TTĐĐ, một số địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan nhà nước phụ trách công bố TTĐĐ. Vì vậy, mỗi chủ thể có thẩm quyền công bố TTĐĐ cần đảm bảo, hỗ trợ người dân thực hiện quyền tiếp cận này. Mỗi cán bộ, công chức nhà nước quản lý TTĐĐ cần phải hiểu rõ hơn về trách nhiệm của bản thân trong quá trình hỗ trợ người dân thực hiện quyền tiếp cận TTĐĐ. Đặc biệt đối với hoạt động thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân. Từ đó, góp phần đảm bảo sự chủ động của phía người dân đối với các quyết định của cơ quan Nhà nước
Quyền tiếp cận thông tin của công dân được pháp luật thừa nhận tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013 và trong Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 cũng khẳng định điều này. Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực thì hoạt động tiếp cận thông tin vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai. Vì vậy, để phát huy tốt vai trò của quyền tiếp cận TTĐĐ để nó trở thành công cụ hữu hiệu giúp ích cho quá trình kiểm soát quyền lực thì việc nâng cao nhận thức đóng vai trò quyết định. Bản chất của hoạt động tiếp cận TTĐĐ chủ yếu dựa trên trên mối quan hệ đại diện quản lý của Nhà nước về đất đai. Nhà nước là chủ thể có thể thực hiện, quyết định các vấn đề như quy hoạch, thu hồi, kế hoạch sử dụng, bồi thường, tái định cư,… Người dân có quyền tiếp cận những thông tin về đất đai đó nhằm bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích của mình.
PGS.TS. Doãn Hồng Nhung
Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội
(Bài đăng Tạp chí TN&MT số 7 (405): Tháng 4/2023)