
Thường Tín - Hà Nội: Nhà xưởng 1.000m2 xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại xã Khánh Hà
12/06/2023TN&MTVừa qua, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường liên tục nhận được thông tin của người dân về việc nhiều công trình nhà xưởng xây dựng trên đất nông nghiệp. Cụ thể, nhà xưởng xây dựng trái phép hơn 1000m2, hoạt động mổ lợn tại thôn Đan Nhiễm, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, Hà Nội. Nhưng đến nay chính quyền vẫn chưa xử lý dứt điểm.
Theo người dân phản ánh, thời gian qua, trên địa bàn xã, tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp diễn ra khá phức tạp, có nhiều công trình vi phạm, xây dựng nhà xưởng lấn chiếm với diện tích hàng nghìn m2 đất nông nghiệp, nhưng không được chính quyền địa phương xử lý dứt điểm suốt nhiều năm qua.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, nhà xưởng đã được xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng với quy mô lớn, được quây tôn rộng hàng nghìn m2 theo phản ánh là đất nông nghiệp. Thực tế nhiều năm nay, trên địa bàn xã Khánh Hà, các nhà xưởng vẫn hoạt động trái phép trên đất nông nghiệp, thiếu sự kiên quyết của chính quyền địa phương. Đặc biệt là cơ sở giết mổ lợn có diện tích khoảng hơn 1.000m2 nằm liền với nhiều nhà dân trong khu dân cư thuộc thôn Đan Nhiễm, xã Khánh Hà.
Nhà xưởng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, hoạt động mổ lợn
tại thôn Đan Nhiễm, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, Hà Nội
Ông Nguyễn Văn D người dân gần đó cho biết: Vì sao khu nhà xưởng này hoạt động với quy mô lớn, vi phạm nghiêm trọng Luật đất đai, có “dấu hiệu” gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân xung quanh nhưng không được xử lý triệt để? Khu nhà xưởng này không biết có giấy phép xây dựng; hoạt động giết mổ lợn hay không? Và còn rất nhiều câu hỏi liên quan đến hoạt động của xưởng mà dư luận quan tâm cần được chính quyền địa phương giải đáp.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, ông Dương Thanh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hà cho biết: Từ tháng 4/2022, việc lấn chiếm quây tôn trên đất nông nghiệp với diện tích 1.000m2 và nhà xưởng hàng trăm mét là có, xã phát hiện trường hợp này vi phạm xây dựng nhà xưởng khoảng 190m2 và đã kiểm tra lập biên bản. Sau đó họ ngừng đến khoảng tháng 9 năm 2022 họ lại tiếp tục xây dựng, chúng tôi phát hiện và đến kiểm tra lập biên bản nhiều lần.
"Về việc tự lấn chiếm đất nông nghiệp này đến nay xã chưa có phương án và cũng khó xử lý vì họ vi phạm đã lâu, hiện tại xã đã có kế hoạch xử lý các trường hợp vi phạm phát sinh mới còn về trường hợp này thì rất khó xử lý, chúng tôi sẽ báo cáo đến Chủ tịch để xin ý kiến có phương án chỉ đạo”. Ông Tuấn cho biết thêm!.
Từ thông tin người dân cung cấp, có thể thấy, trên địa bàn xã Khánh Hà đang có “dấu hiệu” buông lỏng về công tác quản lý đất đai, môi trường, hàng loạt công trình vi phạm vẫn tồn tại mà chưa thấy lực lượng chức năng vào cuộc xử lý quyết liệt.
Công trình nhà xưởng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, chủ sử dụng đất tự ý sử dụng đất, xây dựng công trình đã qua bao năm hoạt động vẫn chưa thấy sự quản lý nghiêm ngặt, xử lý triệt để đối với việc sử dụng đất trái phép tại địa phương gây bức xúc và hoang mang trong dư luận về năng lực quản lý đất đai của cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy, đề nghị UBND huyện Thường Tín sớm chỉ đạo phòng, ban chuyên môn vào cuộc kiểm tra, xử lý những sai phạm nêu trên; đồng thời có phương án xử lý, phát hiện, kịp thời ngăn chặn, không để những sai phạm tồn tại và đi vào hoạt động gây bức xúc dư luận.
Chỉ thị số 04/CT-UBND ban hành ngày 14/01/2014 của UBND TP Hà Nội về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với đất nông nghiệp và đất công nêu rõ: Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về quản lý quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn về các trường hợp vi phạm mà không bị xử lý theo quy định của pháp luật. Yêu cầu Chủ tịch các UBND phường, xã, thị trấn phải cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp (đặc biệt là các trường hợp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép) theo đúng thẩm quyền. Đối với địa phương nào để xảy ra vi phạm mà không xử lý thì Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, quyết định tạm dừng công tác điều hành của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để chỉ đạo xử lý cho đến khi vi phạm được xử lý, khắc phục.
Tạp chí Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc:
Sỹ Tùng