
Bài 1: Quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai
20/09/2022TN&MTNgày 7/9/2022, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã ký tờ trình số 307/TTr-CP gửi Ủy Ban thường vụ Quốc hội về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Dự thảo Luật gồm 16 chương, 240 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 156 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều. Tạp chí TN&MT xin trân trọng giới thiệu tới độc giả lần lượt những nội dung quan trọng nhất của Dự án Luật. Bài 1: Quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai
Thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết số 18-NQ/TW về thực hiện quyền của chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất đai theo lãnh thổ quốc gia, phân công họp lý giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương, đồng thời có sự phân cấp, phân quyền phù hợp, hiệu quả đối với địa phương và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, xử lý vi phạm. Dự thảo Luật đã quy định rõ quyền và trách nhiệm của Nhà nước ở các khía cạnh sau đây:
Quyền và trách nhiệm của Nhà nước là đại diện chủ sở hữu về đất đai
Thứ nhất, Nhà nước quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Điều 14): Nhà nước quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để phân bổ và khoanh vùng đất đai cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ảnh minh họa
Thứ hai, Nhà nước quyết định mục đích sử dụng đất (Điều 15): Nhà nước quyết định mục đích sử dụng đất thông qua quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Thứ ba, Nhà nước quy định hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất (Điều 15): Nhà nước quy định hạn mức sử dụng đất gồm hạn mức giao đất nông nghiệp, hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận quyền sử dụng đất ở, hạn mức chuyển mục đích sử dụng đất và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Nhà nước quy định thời hạn sử dụng đất bằng các hình thức: Sử dụng đất ổn định lâu dài; sử dụng đất có thời hạn.
Thứ tư, Nhà nước quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất (Điều 17): Nhà nước quyết định thu hồi đất trong các trường hợp: Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai; thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.
Nhà nước quyết định trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết và cấp bách để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.
Thứ năm, Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất (Điều 18): Quyết định giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất; quyết định cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; công nhận quyền sử dụng đất.
Thứ sáu, Nhà nước quyết định giá đất (Điều 19): Nhà nước quy định nguyên tắc, phương pháp định giá đất. Nhà nước ban hành bảng giá đất và quyết định giá đất cụ thể.
Thứ bảy, Nhà nước điều tiết thị trường quyền sử dụng đất (Điều 20): Điều tiết thị trường quyền sử dụng đất theo quy luật cung, cầu của thị trường thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất.
Công khai kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất trên Cổng thông tin đấu giá quyền sử dụng đất quốc gia và trên Cổng thông tin điện tử của UBDN cấp tỉnh. Nhà nước có kế hoạch để đảm bảo bố trí quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp.
Thứ tám, Nhà nước quyết định chính sách tài chính về đất đai (Điều 21): Nhà nước quyết định chính sách thu, chi tài chính về đất đai. Nhà nước điều tiết nguồn thu từ đất của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về ngân sách trung ương để hỗ trợ cho phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho các địa phương. Nhà nước điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại thông qua chính sách thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đầu tư cơ sở hạ tầng và chính sách hỗ trợ cho người có đất thu hồi.
Thứ chín, Nhà nước quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất (Điều 22): Nhà nước quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất phù hợp với hình thức giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nguồn gốc sử dụng đất và nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất.
Thứ mười, bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất (Điều 23): Bảo hộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người sử dụng đất. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì người sử dụng đất được Nhà nước bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật. Có chính sách tạo điều kiện cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối không có đất sản xuất do quá trình chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất và chuyển đổi cơ cấu kinh tế được đào tạo nghề, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thứ mười một, trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số (Điều 24): Có chính sách về đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng.
Có chính sách tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất để sản xuất nông nghiệp.
UBND cấp tỉnh theo điều kiện thực tế của địa phương, quy định cụ thể về chính sách đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Thứ mười hai, trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp thông tin đất đai (Điều 25): Bảo đảm quyền tiếp cận của tổ chức, cá nhân đối với hệ thống thông tin đất đai theo quy định của pháp luật. Công bố kịp thời, công khai thông tin thuộc hệ thống thông tin đất đai cho tổ chức, cá nhân, trừ những thông tin thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật. Thông báo quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai cho tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp.
Thứ mười ba, thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai (Điều 26):
Quốc hội ban hành luật, nghị quyết về đất đai; quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; thực hiện quyền giám sát tối cao đối với việc quản lý và sử dụng đất đai trong phạm vi cả nước; quyết định giải quyết tranh chấp liên quan đến địa giới của đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
HĐND các cấp thực hiện quyền thông qua quy hoạch sử dụng đất của địa phương mình trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; thông qua bảng giá đất, việc thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng của địa phương theo thẩm quyền; thông qua việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất theo thẩm quyền quy định tại Luật này; giám sát việc thi hành pháp luật về đất đai tại địa phương.
Chính phủ, UBND các cấp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai theo thẩm quyền quy định tại Luật này.
Quản lý nhà nước về đất đai
Quản lý nhà nước về đất đai (Điều 27) đã quy định 18 nội dung, bao gồm: Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai; Phổ biến, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học - công nghệ, hợp tác quốc tế trong quản lý, sử dụng đất đai; Xác định địa giới hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính; Đo đạc, chỉnh lý, lập các bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ quy hoạch sử dụng đất và các bản đồ chuyên đề về quản lý, sử dụng đất; Điều tra, đánh giá tài nguyên đất, bảo vệ và cải tạo đất; Lập, điều chỉnh, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, trưng dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Điều tra xây dựng bảng giá đất, giá đất cụ thể, quản lý giá đất; Quản lý tài chính về đất đai; Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất; Phát triển quỹ đất; Đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Thống kê, kiểm kê đất đai; Xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin đất đai; Quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; Giải quyết tranh chấp về đất đai; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý và sử dụng đất đai; Cung cấp, quản lý hoạt động dịch vụ công về đất đai; Thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các cấp (Điều 28), dự thảo quy định: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai trong phạm vi cả nước; Thủ tướng Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai theo quy định của Luật này; Bộ TN&MT chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thống nhất quản lý nhà nước về đất đai; Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ TN&MT giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quản lý nhà nước về đất đai theo quy định của Luật này; UBND các cấp có trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương theo thẩm quyền quy định tại Luật này; Cơ quan quản lý đất đai và công chức địa chính ở xã, phường, thị trấn (Điều 29): Hệ thống cơ quan quản lý đất đai được tổ chức thống nhất từ trung ương đến địa phương; Cơ quan quản lý nhà nước về đất đai ở trung ương là Bộ TN&MT; Cơ quan quản lý đất đai ở địa phương được thành lập ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương. Tổ chức dịch vụ công về đất đai được thành lập và hoạt động theo quy định của Chính phủ; Xã, phường, thị trấn có công chức làm công tác địa chính theo quy định của Luật Cán bộ, công chức. Công chức địa chính ở xã, phường, thị trấn có trách nhiệm giúp UBND cấp xã trong việc quản lý đất đai tại địa phương.
Kiều Đăng