
Bài 11: Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đất đai
06/10/2022TN&MTNgoài các nội dung kế thừa Luật Đất đai năm 2013, căn cứ vào mục tiêu cụ thể đến năm 2025 của Nghị quyết số 18-NQ/TW, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã dành Chương XI để quy định sửa đổi, bổ sung các vấn đề sau đây:
Quy định về hệ thống thông tin quốc gia về đất đai, Điều 137 Dự thảo quy định: Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai được thiết kế tổng thể và xây dựng thành một hệ thống tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông trên phạm vi cả nước; được xây dựng, vận hành để nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN về đất đai; kết nối, chia sẻ dữ liệu với CSDL của các bộ, ngành, địa phương tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Thành phần của hệ thống thông tin quốc gia về đất đai gồm: Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; Phần mềm xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác CSDL đất đai quốc gia; CSDL quốc gia về đất đai.
Quy định về CSDL quốc gia về đất đai, Điều 138 Dự thảo yêu cầu: CSDL quốc gia về đất đai được xây dựng thống nhất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, triển khai đồng bộ trong phạm vi cả nước. CSDL quốc gia về đất đai gồm các thành phần: CSDL về văn bản quy phạm pháp luật về đất đai; CSDL địa chính; CSDL điều tra, đánh giá đất đai; CSDL quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; CSDL giá đất; CSDL thống kê, kiểm kê đất đai; CSDL về thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; CSDL khác liên quan đến đất đai.
CSDL quốc gia về đất đai được thiết lập ở Bộ TN&MT và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành một hệ thống thống nhất, liên thông; là nền tảng cơ sở cho triển khai công tác quản lý, nghiệp vụ, hoạt động về đất đai; cung cấp dữ liệu thông tin cho quản trị nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phát triển Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số; tạo ra thông tin mới và các giá trị gia tăng; tạo nguồn thu từ phí cung cấp dữ liệu, thông tin đất đai để phát triển, duy trì, vận hành CSDL đất đai. Nội dung, cấu trúc và kiểu thông tin CSDL quốc gia về đất đai được thực hiện theo quy định của Bộ TN&MT.
Để quản lý, khai thác và kết nối liên thông CSDL quốc gia về đất đai, Điều 139 quy định: Thông tin trong CSDL quốc gia về đất đai được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác thực điện tử có giá trị pháp lý như trong hồ sơ dạng giấy. Đây là tài sản của Nhà nước và phải được bảo đảm an ninh, an toàn chặt chẽ; nghiêm cấm mọi hành vi truy cập trái phép, phá hoại, làm sai lệch thông tin trong CSDL đất đai.
CSDL quốc gia về đất đai là duy nhất, được quản lý tập trung và được phân cấp, phân quyền thống nhất từ trung ương đến địa phương; phải được cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời, đảm bảo phù hợp với hiện trạng quản lý, sử dụng đất đai trên thực tế. Các cộ, ngành, cơ quan có liên quan được kết nối liên thông CSDL chuyên ngành để cập nhật, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin với CSDL quốc gia về đất đai. Việc kết nối liên thông phải bảo đảm hiệu quả, an toàn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
Để khai thác thông tin trong CSDL quốc gia về đất đai, Dự thảo Luật cũng quy định: Cơ quan quản lý CSDL chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin trong CSDL quốc gia về đất đai thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; Người sử dụng đất được khai thác thông tin của mình trong CSDL quốc gia về đất đai; Tổ chức và cá nhân không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này có nhu cầu khai thác thông tin trong CSDL quốc gia về đất đai phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý CSDL quốc gia về đất đai theo quy định của pháp luật; Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân được tiếp cận, khai thác thông tin dữ liệu về đất đai. Khuyến khích các tổ chức cá nhân phản hồi, cung cấp, cập nhật thông tin cho CSDL quốc gia về đất đai. Việc khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu đất đai phải trả phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai và chi phí cung cấp dịch vụ thông tin, dữ liệu đất đai theo quy định. Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai đối với các nội dung do cơ quan trung ương quản lý 79 theo quy định của pháp luật; hướng dẫn xác định giá cung cấp dịch vụ thông tin, dữ liệu đất đai theo quy định của pháp luật về giá.
Bảo đảm kinh phí xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng hệ thống thông tin đất đai, Điều 141 quy định: Kinh phí xây dựng, nâng cấp hệ thống thông tin đất đai được sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vốn vay, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.
Việc quản lý, bảo trì, duy trì, vận hành và khai thác hoạt động hệ thống thông tin đất đai được sử dụng từ nguồn ngân sách cấp hàng năm, các khoản thu tài chính từ đất đai, từ hoạt động khai thác sử dụng hệ thống thông tin đất đai và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.
Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực tham gia trong việc đầu tư xây dựng, cung cấp dịch vụ hệ thống hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; cung cấp các phần mềm ứng dụng trong việc xây dựng CSDL đất đai và khai thác thông tin, dữ liệu đất đai; xây dựng CSDL đất đai và cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng từ CSDL đất đai.
Dự thảo Luật giao Bộ Tài chính quy định cụ thể việc sử dụng các khoản thu tài chính từ đất đai để xây dựng, cập nhật, duy trì vận hành, khai thác hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
Về trách nhiệm xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thông tin quốc gia về đất đai, Điều 142 nêu rõ: Bộ TN&MT có trách nhiệm: Tổ chức xây dựng, quản lý hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và hệ thống phần mềm hệ thống thông tin quốc gia về đất đai; Xây dựng, cập nhật dữ liệu đất đai cấp vùng, cả nước và CSDL khác liên quan đến đất đai ở trung ương; Quản lý, khai thác CSDL quốc gia về đất đai trong phạm vi cả nước; Kết nối, chia sẻ thông tin từ CSDL đất đai quốc gia với cổng dịch vụ công quốc gia, các hệ thống thông tin, CSDL các Bộ, ngành, địa phương và cung cấp; Thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đất đai theo quy định của Chính phủ.
Các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan có trách nhiệm kết nối, chia sẻ kết quả điều tra cơ bản và các thông tin có liên quan đến đất đai cho Bộ TN&MT để cập nhật, làm giàu CSDL quốc gia về đất đai.
UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức xây dựng, cập nhật, quản lý, khai thác CSDL đất đai trong phạm vi của địa phương; đảm bảo kết nối, tích hợp, liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai trong phạm vi của địa phương cho các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đất đai tại địa phương theo quy định của Chính phủ.
Dự thảo Luật giao cho Chính phủ quy định cụ thể về xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác hệ thống thông tin, CSDL quốc gia về đất đai.
Thanh Bình