
Bài 3: Điều tra cơ bản về đất đai
21/09/2022TN&MTThể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định cụ thể hoạt động điều tra, đánh giá đất đai; bảo vệ cải tạo, phục hồi đất đai; tổ chức thực hiện điều tra đánh giá đất đai và bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đai; thống kê, kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất (từ Điều 34 đến Điều 37).
Điều 34, Mục 2, Chương III quy định hoạt động điều tra, đánh giá đất đai bao gồm: a) Điều tra, đánh giá về chất lượng đất, tiềm năng đất đai; b) Điều tra, đánh giá thoái hóa đất, ô nhiễm đất; c) Điều tra, phân hạng đất nông nghiệp; d) Xây dựng, duy trì, nâng cấp hệ thống quan trắc tài nguyên đất. đ) Điều tra đánh giá đất theo chuyên đề.
Ảnh minh họa
Định kỳ điều tra, đánh giá đất đai: Các hoạt động điều tra, đánh giá đất đai quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này thực hiện theo định kỳ 5 năm một lần; điểm d khoản 1 Điều này thực hiện thường xuyên, hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu.
Hoạt động điều tra, đánh giá đất đai theo chuyên đề quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này thực hiện theo yêu cầu đột xuất phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai.
Về bảo vệ cải tạo, phục hồi đất đai (Điều 35) Dự thảo Luật quy định: Khu vực đất bị thoái hóa, ô nhiễm phải được khoanh vùng bảo vệ, cải tạo, phục hồi. Bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất thoái hóa: Phân loại mức độ phải bảo vệ cải tạo, phục hồi đất đối với diện tích đất bị thoái hóa đã được xác định; Lập, thực hiện kế hoạch bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất; Kiểm soát các khu vực đất bị thoái hóa chưa được bảo vệ, cải tạo theo điểm b, khoản 2 Điều này gồm: khoanh vùng, cảnh báo, không cho phép hoặc hạn chế hoạt động trên đất nhằm giảm thiểu tác động xấu đến đất.
Việc bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất bị ô nhiễm bao gồm đất có mặt nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Về tổ chức thực hiện điều tra đánh giá đất đai và bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đai (Điều 36), Dự thảo Luật quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, người sử dụng đất như sau:
Chính phủ quy định: a) Điều kiện về năng lực của đơn vị thực hiện điều tra, đánh giá đất đai; b) Điều kiện về năng lực, trách nhiệm và quyền lợi của nhà đầu tư thực hiện dự án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất ở khu vực đất bị ô nhiễm theo quy định tại điểm b khoản 3 và khoản 4 Điều này.
Bộ TN&MT có trách nhiệm: Quy định cụ thể việc điều tra, đánh giá đất đai; bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đai theo quy định tại Điều 34 và Điều 35 của Luật này. Tổ chức thực hiện điều tra, đánh giá đất đai theo vùng và theo chuyên đề; Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đối với các khu vực đất thoái hóa nặng liên vùng, liên tỉnh; khu vực đất ô nhiễm do lịch sử để lại, khu vực đất ô nhiễm không xác định được tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm và đất ô nhiễm ở các khu vực công cộng khác. Chủ trì, phối hợp với Bộ TN&PTNT trong việc xây dựng kế hoạch và thực hiện bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đối với các khu vực đất thoái hóa nặng liên vùng, liên tỉnh. Chỉ đạo UBND cấp tỉnh thực hiện điều tra, đánh giá đất đai và bảo vệ, cải tạo phục hồi đất của địa phương. Tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và công bố kết quả điều tra, đánh giá đất đai và diện tích đất đã được bảo vệ, cải tạo, phục hồi của các vùng, cả nước.
UBND cấp tỉnh có trách nhiệm: Tổ chức thực hiện và công bố kết quả điều tra, đánh giá đất đai của địa phương; xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đối với các khu vực đất thoái hóa trên địa bàn tỉnh; cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; gửi kết quả về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp. Thống kê và công bố các khu vực ô nhiễm môi trường đất bao gồm đất có mặt nước; tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất ở khu vực đất bị ô nhiễm trên địa bàn.
Nhà đầu tư thực hiện dự án xử lý, cải tạo phục hồi đất bị ô nhiễm theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều này được khai thác, sử dụng toàn bộ hoặc một phần diện tích đất sau khi đã hoàn thành xử lý, cải tạo phục hồi đất, nước mặt bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường.
Người sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ đất; xử lý, cải tạo và phục hồi đất đối với khu vực đất bị ô nhiễm, thoái hóa do mình gây ra.
Các hoạt động điều tra, đánh giá đất đai; bảo vệ cải tạo phục hồi đất đai được thực hiện bằng nguồn vốn sự nghiệp môi trường và các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật.
Về thống kê, kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất, Điều 37 Dự thảo Luật nêu rõ: Thống kê, kiểm kê đất đai bao gồm thống kê, kiểm kê đất đai theo định kỳ và kiểm kê đất đai theo chuyên đề.
Việc thống kê, kiểm kê đất đai định kỳ được thực hiện: Theo đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn và được tiến hành mỗi năm một lần, trừ năm thực hiện kiểm kê đất đai.
Việc kiểm kê đất đai được tiến hành 5 năm một lần. Bản đồ hiện trạng sử dụng đất được lập 5 năm một lần gắn với việc kiểm kê đất đai. Việc kiểm kê đất đai chuyên đề để phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TN&MT, Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Dự thảo cũng quy định trách nhiệm thực hiện việc thống kê, kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất như sau: UBND các cấp tổ chức thực hiện việc thống kê, kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất của địa phương; UBND cấp xã, cấp huyện báo cáo UBND cấp trên trực tiếp; UBND cấp tỉnh báo cáo Bộ TN&MT về kết quả thống kê, kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất của địa phương; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND cấp tỉnh thực hiện thống kê, kiểm kê đất quốc phòng, an ninh và gửi báo cáo kết quả về Bộ TN&MT; Bộ TN&MT tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và công bố kết quả thống kê đất đai hàng năm, kết quả kiểm kê đất đai 5 năm của cả nước.
Dự thảo Luật giao cho Bộ trưởng Bộ TN&MT quy định chi tiết việc thống kê, kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất.
Kiều Đăng