
Bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu
07/10/2021TN&MTVới chiều dài 288 km, lưu vực sông Cầu gồm 6 tỉnh (Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương) và một phần Thủ đô Hà Nội. Giai đoạn 2006 - 2020, trải qua hơn 10 năm Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu điều hành, chỉ đạo triển khai Đề án sông Cầu thông qua 15 phiên họp với 5 nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường lưu vực sông liên vùng, liên tỉnh.
Ảnh minh họa
Những kết quả nổi bật
Trong nhiệm 5 nhiệm kỳ (2006 - 2020), Ủy ban BVMT LVS Cầu (Ủy ban) đã tổ chức thành công được 16 phiên họp và 5 lễ chuyển giao nhiệm kỳ Chủ tịch Uỷ ban BVMT LVS; đã đánh giá tình hình triển khai các nhiệm vụ cụ thể của Đề án BVMT LVS Cầu (Đề án) tại từng địa phương; thống nhất kế hoạch triển khai tại từng địa phương và trên toàn LVS; đánh giá những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp thực hiện cho các năm tiếp theo. Ủy ban có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai Đề án; đề xuất cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện triển khai Đề án. Văn phòng Ủy ban đã có nhiều nỗ lực giúp chuẩn bị các phiên họp; xây dựng các báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề BVMT LVS Cầu nói riêng và LVS nói chung; chuẩn bị các nội dung cho Bộ trưởng Bộ TN&MT trả lời các kiến nghị của cử tri và các đại biểu Quốc hội.
Giải quyết vấn đề ô nhiễm liên tỉnh trên sông Cầu giáp ranh 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh các năm 2016, 2018, 2020; điểm nóng ONMT như cá chết trên sông; khai thác cát,... Hệ thống cơ chế, chính sách trong công tác BVMT, BVMT LVS đã từng bước được xây dựng và dần hoàn thiện từ trung ương đến địa phương, tạo tiền đề thúc đẩy công tác BVMT LVS Cầu. Cùng với đó, các tỉnh trên LVS Cầu cũng đã ban hành hơn 100 văn bản thực thi tại địa tập trung vào xả lý nước thải và rác thải sinh hoạt.
Tính đến nay, có 6/6 tỉnh LVS đã xây dựng, phê duyệt và thực hiện “Kế hoạch triển khai Đề án sông Cầu 2013-2015” trên địa bàn tỉnh; đã xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện 18 dự án tại 6 tỉnh thuộc LVS Cầu với tổng kinh phí hàng nghìn tỷ đồng. Các tỉnh đã triển khai hàng chục dự án, công trình hạ tầng, mô hình quản lý, BVMT trong lưu vực như: dự án trồng rừng đầu nguồn sông Cầu tại tỉnh Bắc Kạn, dự án Nạo vét sông Cầu đoạn chảy qua nội thành thành phố Bắc Kạn, lò đốt rác thải tập trung công suất 150 tấn/ngày.đêm và đưa vào vận hành vào cuối năm 2017; hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung khu vực phía Bắc TP. Thái Nguyên; Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc, cơ chế hỗ trợ xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt của các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc; cơ chế thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn của các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc; công nghệ xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt của các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc; kiểm soát xả thải của các KCN tại tỉnh Vĩnh Phúc; mô hình xử lý chất thải của Nhà máy nhiệt điện Phả Lại,… Bên cạnh đó, các dự án có nguồn ngân sách từ trung ương, giai đoạn 2013-2015, Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đã hỗ trợ các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh với các dự án xử lý ô nhiễm trọng điểm; nguồn vốn ODA đã triển khai nhiều dự án, như “Ngăn ngừa ô nhiễm và cải thiện nguồn nước sông Cầu bằng việc kiểm soát và xử lý các chất thải hữu cơ có độ bền cao trong nước rỉ rác bằng phương pháp oxi hóa nâng cao kết hợp sinh học”, địa điểm thí điểm bãi rác Xuân Hòa, tỉnh Vĩnh Phúc thuộc LVS Cầu; Dự án Jica “Tăng cường năng lực quản lý môi trường nước LVS” trong 3 năm từ 2016-2018; cập nhật thông tin về nguồn thải và cơ sở dữ liệu môi trường về LVS Cầu.
Đến nay, đã có 3/6 tỉnh, thành phố đã lập và phê duyệt Quy hoạch chuyên ngành thoát nước trên địa bàn gồm các tỉnh: Hải Dương (Quyết định số 4328/QĐ-UBND); Thái Nguyên (Quyết định số 2547/QĐ-UBND); Vĩnh Phúc (Quyết định số 3879/QĐ-UBND); đối với Quy hoạch quản lý chất thải rắn LVS Cầu đến năm 2020: Đã có 5/6 địa phương trong lưu vực phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn, riêng tỉnh Bắc Ninh chưa phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn.
Công tác thanh tra kiểm tra tiến hành cả cấp trung ương và địa phương: Từ năm 2015 đến năm 2019, Bộ TN&MT đã phối hợp với các Sở TN&MT tiến hành triển khai công tác thanh, kiểm tra tổng số 345 cơ sở trên 6 tỉnh: Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Dương và Vĩnh Phúc; trong đó 68 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt là 12.207.662 triệu đồng. Giai đoạn 2006 – 2020, Bộ Công an (lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường) đã tiến hành trực tiếp xử lý 4000 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 72,5 tỷ đồng. Giai đoạn 2006 - 2020, các địa phương tiến hành thanh tra, kiểm tra hơn 8.181 sở và xử lý nghiêm 1.437 cơ sở vi phạm pháp luật về BVMT với số tiền hơn 77.645 tỷ đồng; Không phát sinh cơ sở gây ONMT nghiêm trọng mới trên LVS Cầu. Hệ thống quan trắc, phân tích được thiết lập từ trung ương đến địa phương. Công tác điều tra, thống kê nguồn thải đang được triển khai đồng bộ trên hầu hết các tỉnh.
Một số hoạt động gây ONMT đã được kiểm soát và quản lý chặt chẽ hơn như: Hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông đã đi vào nề nếp, tình trạng khai thác trái phép giảm đáng kể; xoá bỏ các lò gạch ngói thủ công, lò nung vôi. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức cho tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng nói chung được tăng cường mạnh mẽ với nhiều hình thức phong phú, đa dạng và đạt hiệu quả tích cực. Việc phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường một cách tổng thể, đồng bộ đã được triển khai và có các bước chuyển biến mới. Một số địa phương đã chủ động đề xuất các vấn đề môi trường cấp bách cần giải quyết liên vùng, liên tỉnh, kịp thời giải quyết các phản ánh từ thông tin báo chí, người dân, như tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.
Đổi mới tạo đột phá trong quản lý
Trong giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương xây dựng kế hoạch BVMT mới, cũng đồng thời phải gắn kết với quy hoạch BVMT quốc gia, quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, quy hoạch quan trắc môi trường. Ủy ban cần xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với các sông, hồ liên tỉnh có vai trò quan trọng đối với phát triển KT-XH, BVMT” được quy định tại Điều 8 và 9 của Luật BVMT sửa đổi, trong đó ưu tiên LVS Cầu để thay thế Quyết định số 174/2006/QĐ-TTg về “Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan LVS Cầu” đã kết thúc năm 2020.
Về tổ chức Ủy ban BVMT LVS: Ủy ban BVMT sông Cầu kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép kiện toàn mô hình tổ chức và hoạt động của Ủy ban đề xuất đổi mới tổ chức bộ máy hoạt động của Ủy ban.
Về nguồn lực tài chính: Nghiên cứu cơ chế chính sách đặc thù cho LVS nói chung và LVS Cầu nói riêng, đặc biệt là chính sách thu hút, phân bổ nguồn vốn để thực hiện một số nhiệm vụ, dự án về cải thiện chất lượng nước LVS Cầu, chính sách hỗ trợ tỉnh Bắc Kạn trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng đầu nguồn; đặc biệt là cơ chế ưu tiên các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật đối với xử lý nước thải sinh hoạt đô thị và rác thải sinh hoạt, ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để xử lý ô nhiễm trên sông Cầu; chỉ đạo ưu tiên tập trung vào việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật hệ thống thoát nước, xử lý nước thải đô thị cho các địa phương trên LVS Cầu theo hướng hợp tác công - tư, xã hội hoá và địa phương nào gây ô nhiễm chính chịu trách nhiệm chính trong xử lý ô nhiễm LVS.
Về trách nhiệm của UBND các địa phương trên LVS Cầu: Xây dựng, tổ chức thực hiện Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với các sông, hồ nội tỉnh và các nguồn nước mặt khác trên địa bàn có vai trò quan trọng đối với phát triển KT-XH; tổ chức thực hiện Kế hoạch quản lý chất lượng nước mặt đối với sông, hồ liên tỉnh trên địa bàn quy định tại Điều 8 và 9 cuûa Luaät BVMT năm 2020.
NGUYỄN DƯƠNG THÁI
Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu