
Bến Tre tăng cường phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020
20/07/2022TN&MTHiện nay, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Bến Tre ngày càng gia tăng tạo áp lực cho công tác quản lý BVMT của địa phương. Trước thực trạng trên, tỉnh Bến Tre tăng cường triển khai các giải pháp phân loại rác thải tại nguồn theo quy định của Luật BVMT năm 2020. Việc tổ chức phân loại, thu gom chất thải tại nguồn không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho người dân mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.
Gia tăng lượng CTRSH trên địa bàn
Theo Báo cáo của UBND tỉnh Bến Tre về thực trạng quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh (tại Quyết định số 8708/KH-UBND ngày 30/12/2021), hiện nay, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 1.000 tấn/ngày. Tuy nhiên, lượng rác được thu gom, xử lý tại các cơ sở xử lý rác thải khoảng 350 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ khoảng 35% so với tổng lượng rác phát sinh. Lượng rác tại khu vực đô thị bao gồm thành phố Bến Tre và thị trấn của các huyện được thu gom, xử lý tại các cơ sở xử lý rác thải khoảng 280 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ 93%.
Ảnh minh họa
Đối với khu vực nông thôn, lượng rác được thu gom, xử lý tại các cơ sở xử lý rác thải khoảng 70 tấn/ngày và tự thu gom, xử lý tại hộ gia đình khoảng 315 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải ước đạt khoảng 55%.
Thành phần trong rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh chủ yếu là rác thải hữu cơ, chiếm tỷ lệ khoảng 73,7%, có độ ẩm lớn và khả năng phân hủy sinh học cao. Nhóm rác thải có khả năng tái sử dụng, tái chế chiếm 13,5% bao gồm giấy, kim loại và các loại nhựa. Nhóm rác thải sinh hoạt cần xử lý bằng phương pháp đốt hoặc chôn lắp trực tiếp (chiếm 12,5%) là gạch, gốm, thủy tinh và các loại khác. Nhóm chất thải nguy hại có trong rác thải sinh hoạt chiếm tỷ lệ rất thấp (0,3%). Công tác phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn vẫn chưa được thực hiện tốt; tuy nhiên, trong những năm gần đây, công tác này được các cấp chính quyền địa phương rất quan tâm thực hiện, thông qua các mô hình triển khai và hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân.
Hoạt động thu gom và vận chuyển CTRSH trên địa bàn thành phố Bến Tre, huyện Châu Thành và các khu vực lân cận được thực hiện bởi Công ty Cổ phần công trình đô thị Bến Tre. Ở các khu vực còn lại của các huyện, việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt thông quan phòng Kinh tế - Hạ tầng, phòng Tài nguyên và Môi trường hợp đồng với các đơn vị tư nhân thực hiện như Công ty TNHH Môi trường xanh Bến Tre, Công ty TNHH dịch vụ thiết bị môi trường Bến Tre, Công ty TNHH dịch vụ môi trường Rồng Xanh...; điều kiện kinh phí tại các huyện còn hạn chế nên việc mở rộng địa bàn thu gom gặp nhiều khó khăn, phương tiện vận chuyển chưa đảm bảo vệ sinh môi trường, rơi vãi rác thải, rò rỉ nước rác trong khi vận chuyển vẫn còn diễn ra.
Hiện Bến Tre có 8 bãi chôn lắp rác và 1 nhà máy xử lý rác thải với tổng diện tích khoảng 18,1 ha. Tại các bãi chôn lấp, hình thức xử lý chủ yếu là chôn lắp hở, chưa xử lý triệt để gây ô nhiễm môi trường. Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre có công suất thiết kế là 250 tấn/ngày với công nghệ xử lý chủ yếu là phân loại bán phế liệu, ủ phân compost và đốt. Tuy nhiên, hiện tại, Nhà máy chậm hoàn thành tiến độ đầu tư, hoạt động không hiệu quả gây ô nhiễm môi trường. Kết quả quan trắc khí thải lò đốt không đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, mùi hôi thường xuyên phát sinh, nước rỉ rác thoát ra các kênh rạch xung quanh, đặc biệt vào mùa mưa đã gây bức xúc trong cộng đồng. Qua theo dõi công tác xử lý rác, nhà máy chỉ xử lý được dưới 50 tấn/ngày, chiếm 30% khối lượng rác chuyển về nhà máy; lượng còn lại được chuyển vào khu vực bãi chứa của Nhà máy; hiện tại, tổng lượng rác tồn đọng hơn 50.000 tấn.
Nhìn chung, cơ sở xử lý rác của các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, lẻ, phân tán, công nghệ xử lý chủ yếu chôn lấp hở gây ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên đất. Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre có quy mô nhỏ (diện tích 4,2 ha) chưa đáp ứng được yêu cầu xử lý chất thải rắn đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Triển khai phân loại CTRSH tại nguồn
Nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại CTRSH tại nguồn sẽ mang lợi ích kinh tế cho người dân. Thời gian qua, UBND tỉnh Bến Tre đặc biệt quan tâm đến công tác triển khai các hoạt động này thông qua ban hành các đề án, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện. Cụ thể như: Đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030; Đề án nâng cao nhận thức và năng lực để xây dựng Bến Tre xanh giai đoạn 2021 - 2026; đồng thời, ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu phát thải rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, Chương trình phân loại CTRSH tại nguồn được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2014 đến nay nhưng vẫn chưa đem lại kết quả như kỳ vọng.Phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn nhìn chung vẫn chưa thực sự đi vào đời sống của đại đa số người dân Bến Tre.
Để tăng cường công tác phân loại CTRSH tại nguồn, đồng thời nhằm triển khai hiệu quả Luật BVMT năm 2020 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật, UBDN tỉnh Bến Tre đã ban hành Quyết định số 2598/QĐ-UBND ngày 08/11/2021 về Sổ tay hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn tỉnh Bến Tre. Quyết định đề ra chỉ tiêu đến cuối năm 2022 phân loại rác thải tại nguồn là 20%, đến năm 2025 là 70%. Theo đó, UBND tỉnh đã giao Sở TN&MT tổ chức Hội nghị triển khai phân loại CTRS tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Qua kết quả triển khai Hội nghị, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 956/UBND-KT, ngày 23/2/2022 đề nghị các cơ quan, đơn vị triển khai phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bến Tre, với một số nội dung như:
Quán triệt việc triển khai phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trong cả hệ thống chính trị là bắt buộc và phải thực hiện từ năm 2022; đây cũng là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, hướng tới mục tiêu xây dựng Bến Tre xanh, phát triển bền vững. Tiếp tục tuyên truyền, vận động, yêu cầu mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại các cơ quan, đơn vị thực hiện tiên phong, nghiêm túc triển khai phân loại rác thải tại nguồn theo Sổ tay hướng dẫn phân loại rác thải và giảm thiểu sử dụng các sản phẩm bằng nhựa, đặc biệt là sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần tại các cơ quan, trụ sở làm việc, góp phần lan tỏa thông điệp tích cực trong việc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn đến người dân trong tỉnh.
Giao Sở TN&MT chủ trì, hướng dẫn về chuyên môn, hỗ trợ các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố triển khai hiệu quả công tác phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; tiếp tục xem xét hỗ trợ cho các huyện, thành phố thiết bị, thùng rác, xe đẩy tay… phục vụ cho công tác phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị-xã hội thực hiện mô hình điểm, trang bị thùng rác, túi chứa rác… hỗ trợ hộ gia đình, cơ sở thực hiện phân loại rác thải tại nguồn để nhân rộng. Tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy định về quản lý rác thải sinh hoạt phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, tạo cơ sở pháp lý hỗ trợ cho việc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn tỉnh; rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới Kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa tỉnh Bến Tre giai đoạn 2022 - 2025; phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng phương án điều chỉnh giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải theo các quy định hiện hành…
Ngoài ra, Quyết định cũng giao các Sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị… tổ chức chức tuyên truyền thực hiện phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa đối với hoạt động du lịch, xây dựng “Cơ quan, văn phòng xanh - sạch - năng động”, xây dựng “Du lịch xanh - văn minh”, lồng ghép với phân loại rác thải tại nguồn và giảm thiểu rác thải nhựa; triển khai các nội dung về phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, tác hại của rác thải nhựa khó phân hủy đến các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh; tổ chuqwcs các phong trào thi đua tại trường học; chủ trì xây dựng “Trường học xanh - sạch - năng động”; xây dựng “Chợ xanh - sạch - an toàn vệ sinh thực phẩm - văn minh thương mại”….
Đối với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn đến từng hộ gia đình, chủ nguồn thải trên địa bàn; nhân rộng sáng kiến, mô hình hiệu quả trong phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình, khu dân cư, nơi công cộng, nhằm mở rộng phạm vi và quy mô thực hiện; từng bước đồng bộ cơ sở hạ tầng, thiết bị thu gom, vận chuyển đáp ứng cho công tác phân loại rác thải tại nguồn…
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn đối với chủ nguồn thải, các đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải sau phân loại theo phân cấp; yêu cầu các cá nhân, đơn vị tham gia phải cân đối, đầu tư thêm các trang thiết bị, phương tiện phục vụ phân loại, thu gom, vận chuyển để đảm bảo thực hiện đúng theo các quy định hiện hành…
Mỗi người dân, từng gia đình hãy chủ động, khuyến khích động viên nhau thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn. Các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan, đoàn thể cùng hợp tác, triển khai tuyên truyền, thực hiện phân loại rác tại nguồn tại trụ sở, văn phòng. Cả xã hội hãy cùng chung tay, nổ lực thực hiện thành công chương trình phân loại rác thải tại nguồn, nhất định trong thời gian ngắn thì hành vi này sẽ trở thành thói quen thường nhật của mỗi người, mỗi nhà. Một hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn góp phần chung tay xây dựng lối sống văn minh, hiện đại và xây dựng “Bến Tre xanh”, một địa phương đáng sống trong tương lai.
Nhật Minh