
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo Nghị quyết 57 -NQ/TW của Bộ Chính trị
07/05/2025TN&MTNgày 27/3, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN & MT) Đỗ Đức Duy đã ký Quyết định số 503/QĐ-BNNMT, ban hành Kế hoạch của Bộ NN & MT thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Cùng với các nhiệm vụ thường xuyên, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ: Giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, đổi mới tư duy, quyết tâm chính trị cao trong toàn ngành NN & MT về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Môi trường Đỗ Đức Duy
Tư duy mới về vị trí vai trò, tầm quan trọng của KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong ngành NN & MT
Phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Với thông điệp “KHCN là ngọn hải đăng soi sáng tương lai ngành NN & MT”; đây được xem là “kim chỉ nam”, khai sáng với mọi ngành nghề, không chỉ có tính thúc đẩy và thay đổi về bản chất cách thức hoạt động mà còn tác động sâu sắc đối với cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số. Thời gian qua, quán triệt chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Lãnh đạo Bộ NN & MT cùng cấp uỷ, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong Ngành đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số và đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng trong kỷ nguyên mới, Bộ NN & MT cần tiếp tục vươn mình đột phá mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn trong những lĩnh vực Ngành có thế mạnh.
Đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng chuyên trang thông tin về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Chuyên trang này sẽ là kênh thông tin chính thức, cung cấp dữ liệu và định hướng cho các tổ chức trong ngành. Đồng thời, Bộ sẽ ban hành Bộ chỉ số đánh giá định kỳ hàng năm, xếp hạng chuyển đổi số của các cơ quan, đơn vị, người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức, nhằm tạo động lực cạnh tranh lành mạnh.
Bộ NN & MT cũng đặt mục tiêu phát triển nền tảng số dùng chung, kết nối liên thông với các nền tảng số quốc gia. Các danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở và dữ liệu lớn sẽ được xây dựng, tạo nền tảng cho việc quản lý và khai thác thông tin hiệu quả. Đặc biệt, Kiến trúc Chính phủ số của Bộ (Phiên bản 4.0) sẽ được hoàn thiện, đảm bảo sự đồng bộ và hiện đại hóa trong quản lý.
Để nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả điều hành, Bộ NN & MT sẽ triển khai Trung tâm giám sát điều hành thông minh. Trung tâm này sẽ hỗ trợ chỉ đạo, điều hành trực tuyến dựa trên dữ liệu, đồng thời tăng cường tương tác giữa cơ quan quản lý, người dân và doanh nghiệp. Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh rằng việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp giải quyết các điểm nghẽn trong quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ công.
Kế hoạch cũng đặt mục tiêu đảm bảo trên 90% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến, thông suốt và hiệu quả. Các dịch vụ công trực tuyến sẽ được phát triển, bao gồm cấp giấy phép tự động và cung cấp các dịch vụ số cá nhân hóa dựa trên dữ liệu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp.
Hợp tác Công – Tư
Bộ NN & MT khuyến khích mô hình hợp tác công - tư (PPP) trong việc phát triển hạ tầng số và KHCN. Các đơn vị được yêu cầu xây dựng đề án thành lập hoặc tham gia góp vốn vào doanh nghiệp KHCN công lập, nhằm thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Đồng thời, các viện, trường và trung tâm chuyên ngành sẽ được tăng cường năng lực thông qua việc phát triển hệ thống nghiên cứu, thử nghiệm và phòng thí nghiệm. Mỗi lĩnh vực trọng điểm của Ngành, như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và bảo vệ môi trường, sẽ có ít nhất một phòng thử nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ công tác hội nhập và xuất nhập khẩu hàng hóa. Bộ cũng đề xuất cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm và trung tâm nghiên cứu, tạo điều kiện cho sự phát triển đồng bộ của hệ thống KHCN.
Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng sẽ được tổ chức để nâng cao tay nghề cho đội ngũ lao động. Bộ cũng đề xuất cơ chế đặt hàng đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược. Ngoài ra, các nhóm nghiên cứu uy tín trong lĩnh vực NN & MT sẽ được thành lập, với sự tham gia của các nhà khoa học đầu ngành trong và ngoài nước.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong Bộ NN & MT; tuy nhiên vẫn còn có mặt chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, nguồn nhân lực khoa học NN & MT, nhất là đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao, chuyên gia đầu ngành còn mỏng, thiếu; chất lượng một số đề tài, công trình nghiên cứu chưa sâu; cơ sở dữ liệu, tổ chức lực lượng chuyên trách về chuyển đổi số còn mỏng; hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin còn thiếu, chưa đồng bộ…
Hiện nay và thời gian tới, thế giới tiếp tục có nhiều biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn, song đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tiếp tục tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có Bộ NN & MT. Vì vậy, phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong Ngành NN & MT đã và đang là vấn đề cấp thiết, nhằm xây dựng, phát triển nông nghiệp thông minh và bảo vệ tài nguyên môi trường công nghệ cao trở thành xu thế tất yếu của ngành NN & MT.
Định hướng giải pháp chiến lược tạo bước đột phá quan trọng trong phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong Bộ NN & MT
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Bộ NN & MT, góp phần xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cần chủ động, sáng tạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ một số định hướng giải pháp chiến lược, tạo bước đột phá quan trọng trong thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong Bộ NN & MT.
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ và của các cấp ủy, người đứng đầu các tổ chức, cơ quan của Bộ NN & MT đối với phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây là định hướng quan trọng hàng đầu, bảo đảm cho nhiệm vụ đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong Bộ NN & MT phát triển đúng hướng và đạt hiệu quả thiết thực, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá mạnh mẽ về nhận thức và tổ chức thực hiện. Vì vậy, lãnh đạo Bộ NN & MT và các cơ quan, tổ chức trong Bộ xác định tiếp tục quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, chủ trương, kế hoạch, đề án của lãnh đạo Bộ, Kế hoạch của từng cơ quan, tổ chức đối với nhiệm vụ quan trọng này.
Hai là, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng KHCN nhằm tạo ra các sản phẩm công nghệ cao phục vụ nhiệm vụ chiến lược quan trọng của ngành. Tiếp tục triển khai kế hoạch và tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong Bộ NN & MT; phát triển nhân lực KHCN, chuyên gia KHCN; đầu tư nghiên cứu ứng dụng các công nghệ lõi, công nghệ nền tảng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 phục vụ nghiên cứu kỹ thuật đặc thù có ý nghĩa chiến lược. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, đề án, nhiệm vụ KHCN trọng điểm cấp quốc gia, cấp Bộ đang triển khai. Đẩy nhanh quá trình ứng dụng các kết quả và sản phẩm nghiên cứu vào ứng dụng thực tế. Xây dựng mới một số đề án sản phẩm quốc gia. Xây dựng mới một số chương trình, dự án KHCN cấp Bộ, ngành. Theo đó, cần phát triển các trung tâm nghiên cứu, các phòng thí nghiệm, các đơn vị thử nghiệm công trình khoa học đạt trình độ thế giới phục vụ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, trang bị kỹ thuật. Chú trọng đầu tư các phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu các công nghệ lõi về NN & MT; ưu tiên nguồn lực phát triển đồng bộ hạ tầng số, bảo đảm hạ tầng số phải được đầu tư trước một bước, tạo nền tảng cho chuyển đổi số.
Ba là, tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, định hướng phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo trong chiến lược phát triển KHCN đến năm 2030, tầm nhìn 2045, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển ngành NN & MT trong kỷ nguyên mới. Đây là định hướng chiến lược của Bộ; đòi hỏi cấp ủy, người đứng đầu các cấp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức đẩy mạnh nghiên cứu phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo lộ trình xây dựng Ngành NN & MT theo nghị quyết của Bộ Chính trị đã đặt ra. Bên cạnh đó, để thực hiện chuyển đối số trong lĩnh vực NN & MT, các cơ quan, đơn vị cần tập trung xây dựng hạ tầng số đồng bộ, vững chắc, theo hướng hiện đại, trọng tâm là tổ chức phát triển hệ thống mạng máy tính đến các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành. Đồng thời, phải phát triển các trung tâm dữ liệu tập trung, nghiên cứu các công nghệ mới để xây dựng hạ tầng mềm, các nền tảng số dùng chung theo hướng cung cấp dịch vụ tập trung đáp ứng yêu cầu của các cơ quan, đơn vị và xu thế phát triển Ngành. Tổ chức các chương trình nghiên cứu, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ tiên tiến trong hoạt động NN & MT, ưu tiên các công nghệ: mô phỏng, di động, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet kết nối vạn vật, mã nguồn mở, chuỗi khối, tính toán lượng tử. Nghiên cứu xây dựng nền tảng lưu trữ dữ liệu lớn và các công cụ phân tích, xử lý dữ liệu ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, tự động hóa, số hóa, bảo đảm an toàn thông tin, …. Xây dựng các môi trường thử nghiệm cho các ứng dụng mới, công nghệ mới, các phương án huấn luyện, có ứng dụng công nghệ thông tin, làm cơ sở để đánh giá, hoàn thiện trước khi đề xuất triển khai tại các cơ quan, đơn vị.
Bốn là, kiện toàn các tổ chức nghiên cứu KHCN theo hướng chuyên sâu, gắn với chức năng nhiệm vụ, gắn nghiên cứu với thực tiễn. Đây vừa là định hướng, vừa là giải pháp chủ yếu để đột phá vào nhiệm vụ nghiên cứu KHCN theo định hướng phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, năng lực sở trường của các tổ chức nghiên cứu khoa học. Theo đó, các trung tâm, viện nghiên cứu, nhà trường hướng về nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu nền; các viện nghiên cứu hướng vào nghiên cứu ứng dụng, gắn với đ ịa phương cơ sở NN & MT. Chủ động phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp ngoài ngành, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ, tiếp cận thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các đơn vị trong Bộ NN & MT phải nâng cao khả năng hợp tác, tránh tình trạng độc quyền, vì lợi ích riêng của cơ quan; có cơ chế để các đơn vị ngoài Ngành NN & MT nắm bắt thông tin, nhu cầu để hợp tác, tuy nhiên, phải bảo đảm yếu tố bảo mật, giao nhiệm vụ có tính phân đoạn, độc lập, hướng vào thế mạnh của các đơn vị bên ngoài. Tập trung ưu tiên đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu KHCN với các quốc gia có trình độ KHCN tiên tiến, chuyển đổi số phát triển, nhất là các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử, bán dẫn và các công nghệ lõi mang tính chiến lược khác. Đề xuất các chính sách mua, chuyển giao công nghệ tiên tiến phù hợp với đặc thù c ủa Ngành. Chủ động, tích cực tham gia xây dựng các quy tắc, tiêu chuẩn về công nghệ mới bảo đảm an toàn thông tin và xây dựng phát triển ngành.
Năm là, tổ chức thực hiện, hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ đột xuất được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quy phạm nội bộ tạo hành lang pháp lý cho hoạt động phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tập trung triển khai các nội dung đột phá đã xác định, như: Hoàn thành xây dựng, đưa vào vận hành Trung tâm dữ liệu Bộ NN & MT; cơ sở dữ liệu điện tử về NN & MT. Tăng cường bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ cho các hệ thống thông tin trong Bộ NN & MT. Đẩy mạnh triển khai đường truyền số liệu, phát triển mạng máy tính kết nối đường truyền số liệu NN & MT đến các đầu mối cơ quan, đơn vị cấp 3... Xây dựng kế hoạch và lộ trình đưa toàn bộ hoạt động của các cơ quan, đơn vị lên môi trường số, bảo đảm liên thông, đồng bộ, bí mật ngành, bí mật nhà nước nhằm từng bước ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản lý, điều hành. Đổi mới toàn diện việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trong nội bộ của Bộ NN & MT. Phát triển các nền tảng số theo hướng dùng chung, đảm bảo an toàn và tăng cường ứng dụng công nghệ số, hình thành “cơ quan số”. Xây dựng môi trường số an toàn, lành mạnh, rộng khắp trong toàn Ngành Phát triển văn hóa số, xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng của từng bộ phận, giảm thiếu tác động tiêu cực của công nghệ số trong hoạt động thực tiễn. Tăng cường hiện đại hóa, số hóa, thông minh hóa đảm bảo phù hợp với từng hoạt động của từng cơ quan, đơn vị trong ngành trong tình hình mới. Đầu tư, phát triển các hệ thống tự động hóa tiên tiến trong đó ưu tiên các đơn vị được xác định đặc thù quan trọng
Sáu là, thu hút, trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực ngành NN & MT đáp ứng yêu cầu phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo với nghiên cứu KHCN, chú trọng mở mới một số mã ngành và gửi đào tạo các trường ngoài Ngành, trường nước ngoài để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nhu cầu sử dụng; thực hiện hiệu quả công tác xét duyệt chức danh nghề nghiệp chuyên môn - kỹ thuật - nghiệp vụ; thường xuyên quan tâm công tác khen thưởng, tạo động lực, khuyến khích các tổ chức KHCN, nhà khoa học sáng tạo, cống hiến. Ban hành cơ chế chính sách vượt trội để thu hút trọng dụng nhân tài vào công tác trong lĩnh vực NN, nông thôn, nông dân và MT, bảo vệ các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia, các “tổng công trình sư” trong và ngoài nước có trình độ cao trên các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là cán bộ đầu ngành trong nghiên cứu kỹ thuật công nghệ cao.
Bảy là, kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong ngành NN & MT. Đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong Bộ NN & MT có vị trí, vai trò rất quan trọng, nhưng đó cũng là một trong những nội dung mà các thế lực thù địch tập trung chống phá. Vì vậy cần chủ động đấu tranh, tăng cường “hàng rào kỹ thuật” giúp nhanh chóng phát hiện, ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin xấu độc trên môi trường mạng xã hội; phát hiện, sàng lọc các trang web, mạng xã hội thường xuyên đăng tải những nội dung xấu, thù địch để ngăn chặn từ sớm, từ xa. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ, năng lực sắc bén, tinh nhuệ để đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; trong đó, nhân tố con người có mối quan hệ thống nhất với công nghệ và vũ khí trang bị kỹ thuật, trên cơ sở đó vận hành một cách linh hoạt, sáng tạo; góp phần quan trọng vào xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên phát triển thịnh vượng, hùng cường./.
Đại tá, PGS. TS. KHQS Trần Nam Chuân
Nguyên Cán bộ Viện Chiến lược và Lịch sử Quốc phòng, Bộ Quốc phòng