
Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng kết tình hình quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường
24/12/2024TN&MTNgày 24/12/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị tình hình quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc đất từ các nông, lâm trường quốc doanh tại tỉnh Quảng Bình. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân chủ trì hội nghị.
Theo đó, hội nghị được tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận, phân tích và đánh giá toàn diện tình hình quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông lâm trường đã bàn giao cho địa phương quản lý hoặc giữ lại giao cho các công ty nông, lâm nghiệp sử dụng, phát triển sản xuất. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và PTNT của 52 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị tình hình quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc đất từ các nông, lâm trường quốc doanh
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng” và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 32/QĐ-CP ngày 07/01/2020. Mặt khác, Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai Dự án “Điều tra, đánh giá tình hình quản lý và hiệu quả sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp sau khi rà soát, sắp xếp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP” nhằm đánh giá hiệu quả của diện tích đất nông, lâm trường quốc doanh giữ lại, giao cho các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng sau khi rà soát, sắp xếp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP. Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Bộ, ngành có liên quan và 52 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã điều tra, rà soát, đánh giá tình hình thực hiện của các đối tượng quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường quốc doanh.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành và UBND các tỉnh, thành phố có đất nông, lâm trường, kết quả sau 4 năm thực hiện Đề án đã đạt được một số kết quả. Cụ thể, có 28/52 tỉnh xây dựng và phê duyệt Đề án, trong đó có 14 tỉnh xây dựng và phê duyệt TKKT-DT để thực hiện việc rà soát ranh giới, cắm mốc giới, đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính; 26/52 tỉnh, thành phố còn lại chưa lập hoặc không lập đề án. Có 256 công ty nông, lâm nghiệp và chi nhánh đã cơ bản hoàn thành việc rà soát, xử lý các vấn đề đất đai gắn với sắp xếp lại tổ chức.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân phát biểu khai mạc hội nghị
Đã trình Thủ tướng Chính phủ 41/41 phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp của các địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty có công ty nông, lâm nghiệp; đã thực hiện nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hình thức phá sản công ty nông, lâm nghiệp; giải thể đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài; cơ chế giao khoán sử dụng đất nông nghiệp của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật. Ban hành cơ chế, chính sách bảo vệ rừng, gắn với giảm nghèo bền vững; hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, người trồng rừng, quản lý, bảo vệ rừng có thu nhập từ rừng để bảo đảm ổn định cuộc sống.
“Đây là kết quả của sự phối hợp rất chặt chẽ, hết sức trách nhiệm, tinh thần, làm việc nghiêm túc của các cơ quan Trung ương, địa phương và người lao động trong toàn thể hệ thống chính trị. Qua đó, góp phần quản lý hiệu quả nguồn lực đất nông, lâm trường, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”: Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh!.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân đã đề xuất một số vấn đề gợi mở để hội nghị thảo luận như: Trao đổi việc sử dụng đất của các công ty Nông, lâm nghiệp sau khi thực hiện rà soát, sắp xếp lại theo Nghị định 118/2014NĐ-CP; thực trạng quỹ đất các nông, lâm trường bàn giao về địa phương quản lý, sử dụng; mô hình quản trị, cơ chế hoạt động của các công ty nông lâm nghiệp sắp xếp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP trên cơ sở phương án sử dụng đất đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt; thảo luận các quy định của pháp luật đất đai 2024 đối với đất nông, lâm trường.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phan Phong Phú, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho rằng: Mặc dù, việc quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường đã có nhiều chuyển biến tích cực, song vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Tiến độ thực hiện rà soát, sắp xếp, đổi mới về quản lý, sử dụng đất còn chậm; tình trạng tranh chấp, vi phạm pháp luật về đất đai tuy đã giảm song vẫn còn xảy ra.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 04 công ty nông, lâm nghiệp thực hiện sắp xếp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP và 09 công ty nông, lâm nghiệp và ban quản lý rừng không thuộc diện sắp xếp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP đang hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý, bảo vệ rừng. Đến nay, tỉnh Quảng Bình cơ bản đã hoàn thành công tác rà soát ranh giới sử dụng đất; đo đạc lập bản đồ địa chính; giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất giữ lại của các Công ty nông, lâm nghiệp và các ban quản lý rừng, với tổng diện tích là 391.717,15 ha. (Trong đó, diện tích đất cho các công ty thuê để tổ chức sản xuất 24.932,63 ha; diện tích đất giao các công ty nông, lâm nghiệp và các ban quản lý rừng để quản lý, bảo vệ rừng là 366.784,52 ha); diện tích đất đã bàn giao về cho các địa phương quản lý 15.471,18 ha.
Ông Phan Phong Phú, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình phát biểu tại hội nghị
Sau khi rà soát, sắp xếp lại, việc quản lý, sử dụng đất tại các công ty nông, lâm nghiệp và các ban quản lý rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có sự thay đổi đáng kể. Tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai và kiến nghị, khiếu nại của người dân cơ bản không còn, toàn bộ diện tích đất giữ lại đã được các công ty đưa vào tổ chức sản xuất.
Tuy nhiên, việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân đối với phần diện tích bàn giao về cho địa phương vẫn còn chậm. Nguyên nhân do nhiều diện tích bàn giao về địa phương nằm ở những khu vực xa dân cư, giao thông đi lại khó khăn, đất manh mún nên người dân khó tổ chức sản xuất; Thực trạng trên diện tích đất do các công ty bàn giao về cho địa phương có tài sản là rừng cây, công trình xây dựng, nhà ở,... của các hộ gia đình, cá nhân trước đây đã lấn, chiếm đất của công ty nông, lâm nghiệp để sản xuất, nếu xét giao, cho thuê đất cho những người đang sử dụng đất thì xảy ra tình trạng những hộ trước đây đi lấn, chiếm đất của các công ty thì nay có diện tích đất lớn, còn những hộ trước đây chấp hành tốt pháp luật về đất đai, không lấn, chiếm đất của các công ty nông, lâm nghiệp thì nay không được giao đất, tạo nên sự mất công bằng. Mặt khác, nếu thực hiện bồi thường tài sản trên đất cho người đang sử dụng thì họ không đồng ý, do đó địa phương vẫn còn vướng mắc trong việc xây dựng phương án giao đất cho người dân.
Để giải quyết những tồn tại, hạn chế nêu trên, cũng như nâng cao hiệu quả về quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng đề xuất một số giải pháp như: tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đất đai, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024; UBND cấp huyện tổ chức thực hiện việc quản lý, sử dụng bảo đảm hiệu quả; thực hiện giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân sản xuất, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các hộ sống gần rừng nhưng thiếu đất để sản xuất; rà soát, thu hồi phần diện tích đất giữ lại của các công ty nông, lâm nghiệp theo phương án sử dụng đất đã được phê duyệt nhưng không trực tiếp sử dụng mà cho thuê, cho mượn, giao khoán hoặc khoán trắng cho người khác sử dụng trái pháp luật để quản lý theo quy định của pháp luật; bổ sung, điều chỉnh phương án sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, đảm bảo sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với nguồn lao động của các công ty, không để tình trạng bao chiếm đất để cho thuê, cho mượn trái pháp luật.
Cũng tại hội nghị, ông Mai Văn Phấn, Cục trưởng Cục Đăng ký và dữ liệu thông tin đất đai đã trình bày báo cáo tóm tắt tình hình quản lý và hiệu quả sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp sau khi rà soát, sắp xếp: Về một số kết quả đạt được, hiện nay cơ bản đã phê duyệt xong phương án tổng thể sắp xếp đổi mới công ty nông lâm nghiệp của cả nước cho 40 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và 4 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước. Các công ty nông lâm nghiệp đã được rà soát, xây dựng phương án tổng thể theo đúng nội dung quy định của Nghị định số 118/2014/NĐ-CP.
Ông Mai Văn Phấn, Cục trưởng Cục Đăng ký và dữ liệu thông tin đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) trình bày báo cáo
Nhìn chung, sau khi sắp xếp, đổi mới nhiều công ty có chuyển biến về phương thức quản trị, hoạt động hiệu quả hơn, tạo sinh kế, nâng cao về đời sống người lao động; đã hình thành một số vùng sản xuất nông, lâm nghiệp tập trung, quy mô lớn, hiệu quả cao. Các công ty nông, lâm nghiệp đã tạo việc làm trên 193 ngàn người lao động; trong đó 19 ngàn lao động là đồng bào dân tộc thiểu số; có trên 99 ngàn lao động được đóng bảo hiểm; gần 97 ngàn hộ nhận khoán. Ngoài đóng góp về kinh tế - xã hội các công ty nông lâm nghiệp hiện đang quản lý 1,85 triệu ha đất trong đó có 1,15 triệu ha rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên, chiếm 62% tổng diện tích quản lý. Các công ty thực hiện nhiệm vụ lý rừng bền vững, giữ diện tích rừng và nâng cao chất lượng rừng, góp phần bảo về môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học.
Đến nay, đã xây dựng phương án sử dụng đất 228/246 công ty (đạt 92,68%), có 180/228 công ty công ty được phê duyệt phương án sử dụng đất với tổng diện tích 1.345.732,06 ha (đạt 78,94%). Các công ty đã bàn giao phần diện tích quy mô lớn về cho địa phương. Đã góp phần quan trọng giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất của người dân ở địa phương, giảm dần tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, khiếu nại về đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp và các vấn đề xã hội phát sinh ở địa phương. Tổng hợp kết quả của 180 công ty, chi nhánh đã phê duyệt phương án sử dụng đất năng suất, sản lượng bình quân của cây trồng, vật nuôi có xu hướng tăng trong 03 năm trở lại đây. Có đơn vị sản xuất đã hoàn thành sắp xếp, đổi mới cà phê tăng 2 tấn/ha, cao su tăng 0,84 tấn/ha,... Doanh thu của các công ty, chi nhánh tăng 21,69%/năm. Lợi nhuận tăng 27,03%/năm. Nộp ngân sách nhà nước tăng 17,92%/năm so với trước sắp xếp. Bảo vệ tài nguyên rừng và môi trường sinh thái được tốt hơn qua các năm. Diện tích rừng trực tiếp quản lý, sử dụng được bảo vệ, chăm sóc tốt hơn, diện tích rừng trồng đặc dụng của 246 công ty tăng hơn 5.000 ha. Tăng độ che phủ rừng đạt 43,75%. Đa dạng hóa các lâm nghiệp, tăng độ che phủ dưới tán rừng, thảm thực vật, cây trồng lâu năm khác.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Mai Văn Phấn cũng chỉ ra một số tồn tại hạn chế về sắp xếp đổi mới công ty nông lâm nghiệp. Kết quả sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường thực hiện chậm, hiệu quả đạt thấp; nhiều nông, lâm trường hoạt động không hiệu quả nhưng vẫn tồn tại; hầu hết các nông, lâm trường mới thực hiện chuyển đổi tên gọi thành Công ty hoặc Ban quản lý mà chưa có sự thay đổi trong quản trị đơn vị và quản lý, sử dụng đất đai; việc rà soát sử dụng đất của các nông, lâm trường mới chủ yếu thực hiện trên sổ sách mà không được rà soát trên thực địa. Vẫn còn phần lớn các công ty nông, lâm nghiệp kể cả thuộc Trung ương và địa phương quản lý, mô hình đã sắp xếp và chưa hoàn thành sắp xếp đều vẫn đang lúng túng trong vận hành mô hình hoạt động, hiệu quả sử dụng đất đai, kết quả sản xuất kinh doanh chưa đổi mới đáng kể, thậm trí tại một số địa phương, đơn vị nhiều mặt còn xấu đi. Còn lại phần lớn các công ty nông, lâm nghiệp chủ yếu vẫn là sản xuất và cung ứng nguyên liệu thô cho các đơn vị thu mua. Hàm lượng khoa học, công nghệ, cơ giới hóa rất thấp. Lao động thủ công và công cụ sản xuất thô sơ vẫn là phổ biến. Chậm nghiên cứu, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích ứng và hiệu quả.
Đối với công ty lâm nghiệp quản lý chủ yếu là rừng tự nhiên và Ban Quản lý rừng gặp nhiều khó khăn lung túng, chưa có thay đổi về nội dung tổ chức quản lý kinh doanh, mà chủ yếu vẫn là cách làm cũ của công ty lâm nghiệp; nguồn thu của công ty lâm nghiệp sau chuyển đổi vẫn chủ yếu từ nguồn ngân sách chi chăm sóc bảo vệ rừng. Các công ty đã phê duyệt phương án sử dụng đất (180 công ty) vẫn chưa giải quyết triệt để vấn đề tranh chấp, thậm chí trung bình số điểm tranh chấp/công ty còn cao hơn. Phần lớn diện tích đất các hộ dân đang làm nhà ở (1.564 ha); đang giao khoán cho hộ dân (105.847 ha); đang liên doanh liên kết, cho thuê mượn (27.801 ha); đang có tranh chấp, lấn chiếm (133.800 ha) các công ty đã lên phương án bàn giao về địa phương để các địa phương xử lý theo quy định của pháp luật. Nhưng tình trạng tranh chấp, lấn chiếm vẫn còn phát sinh.
Quang cảnh hội nghị
Để giải quyết những hạn chế, vướng mắc còn tồn tại, Cục trưởng Cục Đăng ký và dữ liệu thông tin đất đai cũng đề xuất: Thực hiện phân cấp phân quyền để địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty và các công ty nông, lâm nghiệp chịu trách nhiệm rà soát lại thực trạng tình hình của các công ty, điều chỉnh đề án hoạt động, phương án sử dụng đất thực sự khả thi; Sớm xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024 như quy định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất… hoặc quy định về khoán vườn cây; Có cơ chế chính sách phát triển công ty nông, lâm nghiệp theo hướng bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các chương trình ứng dụng khoa học và công nghệ. Thúc đẩy cơ chế mua bán chứng chỉ các bon rừng, phát triển dịch vụ môi trường rừng, kinh tế dưới tán rừng; Có chính sách để xử lý dứt điểm đối với đất đai có nguồn gốc nông lâm trường đang tồn tại vướng mắc khi điều tra khảo sát. Chú trọng công tác cán bộ, gắn trách nhiệm của người quản lý, nhất là người đứng đầu với hiệu quả hoạt động doanh nghiệp và kết quả thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước; kiên quyết thay thế cán bộ yếu kém. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm, tham nhũng, lãng phí trong quản trị doanh nghiệp, quản lý sử dụng đất, tài sản của nhà nước.
Đối với các địa phương, tập trung hoàn thành việc phê duyệt phương án sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp của địa phương và của các Bộ, cơ quan trung ương trên địa bàn. Hoàn thành việc tiếp nhận và xây dựng kế hoạch sử dụng diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương quản lý. Xử lý dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp; Rà soát, đánh giá về tình hình, kết quả thực hiện Đề án sắp xếp, đổi mới, và phát triển các nông, lâm trường quốc doanh và Phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tập trung chỉ đạo để hoàn thành dứt điểm các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phân công tại Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 07/01/2020. Trong đó, tập trung chỉ đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp chặt chẽ trong việc rà soát ranh giới, diện tích các loại đất đang quản lý, sử dụng của các Ban quản lý rừng, Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn thiên nhiên, Kiểm lâm.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe báo cáo tích hợp dữ liệu địa chính đối với đất có nguồn gốc từ các nông lâm trường vào cơ sở dữ liệu đất đai Trung ương; Báo cáo thực trạng mô hình hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp thực hiện sắp xếp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP; Giới thiệu các quy định của pháp luật đất đai 2024 đối với đất nông, lâm trường; Thảo luận và giải đáp các vấn đề bất cập trong quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh.
Hoàng Anh