
Chặng đường gần 10 năm Kế thừa để tiếp nối hành trình phát triển!
18/12/2023TN&MTLễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường - đây là dịp để các thế hệ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên và viên chức người lao động qua các thời kỳ hội ngộ, cùng nhìn lại chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển. Nhiều kỷ niệm, thành tựu được nhắc lại bằng những ngôn từ dung dị, chân thành sẽ là những hồi ức đẹp, nguồn tư liệu quý để Tạp chí tiếp nối hành trình và phát triển.
Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí TN&MT Chu Thái Thành
Phóng viên: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường được thành lập đến nay đã tròn 20 năm, là một trong những thế hệ lãnh đạo tiếp nối hành trình xây dựng, phát triển, nhiệm kỳ của ông đã để lại dấu ấn gì, nhân dịp này, ông có thể kể lại những kết quả đã đạt được giai đoạn đó?
TS. Chu Thái Thành: Tôi về nhận công tác ở Tạp chí TN&MT từ 12/2010 - 11/2019. Qua hai nhiệm kỳ nỗ lực xây dựng và phát triển, tôi thấy Tạp chí đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Có thể kể đến một số kết quả nổi bật sau:
Trước hết, trong công tác xuất bản nội dung Tạp chí, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Bộ TN&MT, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc trong và ngoài Ngành, từ năm 2010 - 2019, được sự ủng hộ của lãnh đạo Bộ TN&MT, Tạp chí đã tiếp tục xuất bản 2 kỳ/tháng, phát hành vào các ngày 15 và 30 hằng tháng. Bình quân mỗi số Tạp chí đăng tải 23-25 bài chuyên luận khoa học. Tạp chí không ngừng đổi mới nội dung, hình thức, xây dựng 7 chuyên mục chính: “Xã Luận”; “Vấn đề - Sự kiện”; “Nghiên cứu - Trao đổi”; “Thực tiễn - Kinh nghiệm”; “Nhìn ra Thế giới” “Nhịp cầu bạn đọc”; “Văn hóa - Văn nghệ”. Tạp chí đặc biệt chú trọng hai chuyên mục “Nghiên cứu - Trao đổi”, “Thực tiễn - Kinh nghiệm” là chuyên mục thu hút trí tuệ, tâm huyết của các nhà quản lý, nhà khoa học uy tín. Tạp chí đã góp phần quan trọng vào tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh, hướng dẫn dư luận về công tác quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ TN, MT; tổ chức các sự kiện, diễn đàn trao đổi về khoa học, thông tin lý luận, nghiệp vụ và nghiên cứu tổng kết thực tiễn; phát hiện nêu gương các điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, nhân tố mới; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về các hiện tượng tiêu cực, góp phần bảo vệ TN&MT và phát triển bền vững.
Cùng với sự phát triển của Tạp chí, công tác xây dựng Đảng cũng được chú trọng, Chi bộ Tạp chí đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Từ một chi bộ hoạt động ghép với Báo TN&MT (chỉ có 02 đảng viên), Chi bộ Tạp chí đã phát triển thành chi bộ trực thuộc Đảng bộ Bộ TN&MT với 12 đảng viên (100% chính thức), đảng viên có trình độ đại học 12/12 đồng chí, đạt tỷ lệ 100%. Chi bộ 10 năm liền được công nhận là Chi bộ trong sạch, vững mạnh.
Trong nhiệm kỳ 10 năm điều hành, tôi cùng tập thể Tạp chí xây dựng và phát triển, tổ chức, bộ máy được củng cố, ngày càng hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ Bộ giao. Mặc dù Tạp chí chỉ có 15 người, nhưng các đoàn thể như: Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ luôn được Chi bộ, Ban Biên tập tạo điều kiện hoạt động hiệu quả, động viên, khích lệ người lao động cố gắng, khắc phục khó khăn, tích cực học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, đóng góp công sức, trí tuệ vào hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn. Đoàn thanh niên Tạp chí với sức trẻ, lòng nhiệt huyết, đã tích cực, chủ động tham gia thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ được giao, xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng. Với các thành tích đạt được, Công đoàn và Đoàn thanh Tạp chí đã được Công đoàn viên chức Bộ, Đoàn thanh niên khối Bộ,... tặng nhiều bằng khen.
Xác định “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, Tạp chí đã làm tốt công tác cán bộ để có được kết quả như ngày hôm nay. Đội ngũ biên tập, viên chức và người lao động được tuyển dụng, tiếp nhận bảo đảm quy định của Nhà nước và được đề bạt, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, bố trí công việc phù hợp năng lực, sở trường, yêu cầu nhiệm vụ của Tạp chí. Mọi quyết định liên quan đến công tác cán bộ đều được bàn bạc công khai, dân chủ, tuân thủ trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Tạp chí khuyến khích, tạo điều kiện để người lao động tự học hỏi để nâng cao trình độ về lý luận chính trị, trình độ về chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm, đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 15/15 cán bộ trong Tạp chí đều có trình độ từ đại học trở lên. Dù đời sống còn khó khăn, nhưng cán bộ phóng viên Tạp chí luôn yên tâm và say mê làm việc, sống vui tươi hòa thuận, “chung thủy” với cơ quan, phấn đấu trở thành những cây bút có quyền uy trong Tạp chí.
Bên cạnh đội ngũ cán bộ biên tập của Tạp chí, cộng tác viên (CTV) có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nội dung, xây dựng uy tín, thương hiệu của Tạp chí. Vì thế, ngay khi mới về nhận nhiệm vụ Tổng Biên tập Tạp chí, tôi đã rất coi trọng xây dựng tổ chức, gắn kết đội ngũ CTV lâu dài với Tạp chí, viết bài theo kế hoạch tuyên truyền. Rà soát, đánh giá đội ngũ CTV hiện có, trên cơ sở đó có kế hoạch bồi dưỡng, sử dụng, đặc biệt quan tâm nhóm CTV nòng cốt, thường xuyên. Phát hiện, bổ sung những tác giả, cây bút mới có khả năng trở thành CTV thường xuyên thông qua các đợt phát động cuộc thi viết theo chủ đề của Tòa soạn. Lập danh sách các CTV, thông tin cá nhân về tác giả; đặc biệt là thông tin về năng lực, sở trường cộng tác. Hằng năm, xây dựng kế hoạch gặp gỡ CTV để tập huấn nghiệp vụ báo chí và định hướng tuyên truyền, giới thiệu những vấn đề Tạp chí cần ở CTV. Giữ mối quan hệ thường xuyên với CTV, thông qua nhiều hình thức: Tổ chức hội nghị, hội thảo, gặp gỡ trực tiếp.
Tạp chí đã xây dựng mối quan hệ, gắn bó sâu sắc với nhiều địa phương cơ sở trong cả nước. Đặc biệt là, Tạp chí đã tổ chức nhiều chương trình, sự kiện ở Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, như: Chương trình về nguồn, Nghĩa tình Côn đảo, Trao tặng nhà tình nghĩa, Vì một tương lai xanh, Hưởng ứng ngày Môi trường thế giới 5/6 và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Diễn đàn cộng đồng doanh nghiệp với BVMT và phát triển bền vững, Chương trình đi bộ Vì môi trường xanh-sạch-đẹp, trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó huyện Côn Đảo, tặng nhà cho nhiều gia đình gặp khó khăn, phát thuốc, sách vở, quần áo,… cho người dân. Các chương trình đã để lại nhiều ấn tượng và kỷ niệm sâu sắc giữa Tạp chí với người dân huyện Đảo. Ghi nhận việc làm có ý nghĩa đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tặng bằng khen cho Tạp chí và cá nhân Tổng Biên tập.
Ghi nhận, đánh giá cao kết quả đạt được, giai đoạn tôi điều hành, Tạp chí đã được Bộ trưởng Bộ TN&MT 2 lần tặng Cờ thi đua xuất sắc, nhiều năm liền được tặng Bằng khen cho tập thể và các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Kết quả đạt được nêu trên là của tập thể Tạp chí, trong đó có cá nhân tôi, (qua 2 nhiệm kỳ làm Tổng Biên tập) đã góp phần vào những thành tựu chung của Ngành TN&MT. Đây là niềm tự hào của tập thể Ban Biên tập, biên tập viên, viên chức, người lao động; là hành trang để thế hệ sau tiếp bước xây dựng và phát triển Tạp chí lớn mạnh.
Phóng viên: Tuy đã về nghỉ hưu nhưng ông vẫn luôn dõi theo những bước đi của Tạp chí, ông nhận thấy Tạp chí có những đổi thay như thế nào trong bối cảnh mới, thưa ông?
TS. Chu Thái Thành: Điều đáng mừng là hiện nay bên cạnh Tạp chí TN&MT in đã có thêm Tạp chí Điện tử. Đây là một bước tiến mới giúp Tạp chí có thêm “phương tiện, vũ khí sắc bén”, thực hiện chức năng thông tin nghiên cứu khoa học, lý luận, nghiệp vụ; tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ TN, MT về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, gồm: Đất đai, tài nguyên nước, địa chất và khoáng sản, môi trường, khí tượng thuỷ văn, biến đổi khí hậu, đo đạc và bản đồ, viễn thám, quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo. Bên cạnh đó, Tạp chí đã đào tạo, bồi dưỡng được đội ngũ cán bộ biên tập có trình độ, năng lực chuyên môn cao, còn huy động được đông đảo đội ngũ cộng tác viên ngành TN&MT, các tổ chức đoàn thể xã hội tích cực tham gia cung cấp thông tin, viết bài cho Tạp chí. Nhờ đó, nội dung bài vở trên Tạp chí phong phú, tuyên truyền rộng khắp, có chiều sâu, giải quyết được nhiều vấn đề khoa học công nghệ, thực tiễn, các điểm nóng về bảo vệ tài nguyên, giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp, làm tiền đề cho du lịch sinh thái theo chủ trương của Đảng.
Tạp chí luôn đi đúng tôn chỉ mục đích, nắm vững nguyên tắc, sự lãnh đạo chỉ đạo của Bộ và không ngừng phát huy tính năng động sáng tạo trong nhiệm vụ tuyên truyền, xây dụng và phát triển Tạp chí ngày càng có chỗ đứng trong nền Báo chí Cách mạng Việt Nam, được bạn đọc yêu thích. Tạp chí đã tranh thủ được sự hỗ trợ, tài trợ (qua hình thức Quảng cáo, ở mức khiêm tốn), nhờ đó đã cải thiện được phần nào đời sống của cán bộ, phóng viên, biên tập viên.
Điều đáng ghi nhận là trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng Tạp chí không chạy theo các lợi ích trước mắt về kinh tế mà hy sinh những lợi ích lâu dài về xây dựng hình ảnh, thương hiệu cao đẹp của Tạp chí lý luận, khoa học, nghiệp vụ của Bộ. Luôn chú trọng nâng cao hiệu quả tuyên truyền của Tạp chí trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và dự án đầu tư phát triển bộ, ngành, lĩnh vực và địa phương, cơ sở trong lĩnh vực TN&MT. Cán bộ, phóng viên Tạp chí luôn có ý thức chấp hành Luật Báo chí và các Luật khác, tăng cường ý thức và trách nhiệm thực thi nhiệm vụ tuyên truyền về bảo vệ môi trường ở trung ương, địa phương và cơ sở.
Có được bước tiến mới nêu trên, phải kể đến sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của lãnh đạo Bộ, nhưng điều quan trọng nhất là Tạp chí đã huy động được sự ủng hộ, giúp đỡ của đông đảo CTV trong cả nước cung cấp thông tin, viết bài cho Tạp chí. Trong điều kiện mới của nền kinh tế thị trường, sự phát triển phong phú, đa dạng của lĩnh vực TN&MT, công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường trên Tạp chí càng đặt ra hết sức cấp thiết. Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, thuyết phục của Tổng Biên tập, Ban Biên tập, nhất là trong việc tổ chức bộ máy Tạp chí tinh gọn, hợp lý nên vận hành có hiệu quả. Tạp chí điện tử trong thời gian qua, tuy còn non trẻ nhưng bước đầu đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, được hàng ngàn lượt người xem, truy cập và đánh giá cao.
Phóng viên: Là thế hệ đi trước, có nhiều kinh nghiệm, ông có điều gì chia sẻ và mong muốn thế hệ nhà báo trẻ và chặng đường tiếp theo của Tạp chí?
TS. Chu Thái Thành: Điều tôi muốn chia sẻ với thế hệ nhà báo trẻ và chặng đường tiếp theo của Tạp chí là: Tạp chí muốn có nội dung tuyên truyền tốt, phải có phóng viên giỏi. Phóng viên Tạp chí phải có nghiên cứu chuyên sâu, có phông kiến thức, hay nói đúng hơn là nắm vững lĩnh vực TN&MT mình được phân công theo dõi, lại phải thể hiện vấn đề được nghiên cứu dưới hình thức những bài báo khoa học. Người làm Tạp chí vừa phải có tư chất nghiên cứu, vừa phải có năng khiếu báo chí, có chút năng khiếu văn học thì mới viết hay được. Tôi rất kỳ vọng mỗi cán bộ biên tập, phóng viên phải trở thành chuyên gia trên lĩnh vực TN&MT, đồng thời phải có trình độ, năng lực biên tập tốt. Muốn biên tập tốt lại phải viết bài tốt. Phải thừa nhận rằng, thời gian qua chúng ta nắm vấn đề, chuyên ngành, lĩnh vực TN&MT chưa sâu, chưa sát, nên chưa có nhiều “bài đinh” tuyên truyền trên Tạp chí
Phóng viên Tạp chí cần tích cực đi sâu vào cuộc sống, nghiên cứu, tổng kết các vấn đề từ thực tế của công tác bảo vệ TN&MT. Cái khác nhau của đi thực tế giữa báo và chí là, phóng viên báo “săn tin”, khai thác, khám phá, phát hiện thông tin; đưa tin “sốt dẻo” về một vấn đề nào đó; ngược lại, phóng viên Tạp chí khai thác, khám phá vấn đề, nghiên cứu, tổng kết, đề xuất, kiến nghị, rút kinh nghiệm các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn cuộc sống, có thể những vấn đề đã qua, hoặc đang đặt ra. Thật sự bài nghiên cứu tổng kết thực tiễn đăng trên Tạp chí còn ít bài có sức truyền cảm mạnh mẽ. Nhiều bài còn nặng chất báo cáo. Chưa có nhiều bài viết ra từ thực tiễn bảo vệ TN&MT trên những vùng cao, vùng sâu, vùng biển, hải đảo xa xôi của đất nước. Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính vẫn là chúng ta chưa thật sự đam mê với nhiệm vụ này và đó là lý do khiến sức hấp dẫn, yếu tố thông tin, tuyên truyền chưa cao. Tạp chí cần khắc phục những mặt yếu này, tạo mọi điều kiện để phóng viên, biên tập viên lăn lộn trên mọi miền đất nước, viết, biên tập được nhiều bài báo về TN&MT có chất lượng thông tin lý luận cao.
Phải bảo đảm tính khoa học, lý luận và nghiệp vụ của Tạp chí. Ưu tiên hàng đầu là bài khoa học, lý luận và nghiệp vụ. Đây cũng là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, lý luận và nghiệp vụ của từng cá nhân cán bộ biên tập. Nếu Tạp chí không làm đúng chức năng này là báo hóa Tạp chí, sẽ thua kém báo, Tạp chí không mạnh thông tin bằng báo. Tạp chí mạnh hơn báo ở chỗ làm tốt chức năng thông tin lý luận, khoa học và nghiệp vụ. Điều này báo lại không có thế mạnh như Tạp chí. Nhiều phóng viên, cán bộ biên tập chưa nhận thức đúng vấn đề này. Do đó, yêu cầu cấp thiết đặt ra cho cán bộ biên tập, phóng viên là cần phải tiếp tục nâng cao tính lý luận, chính trị, khoa học và nghiệp vụ trên Tạp chí.
Tập trung đổi mới hình thức và nội dung tuyên truyền trên Tạp chí. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, báo chí phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Hình thức phong phú, nội dung sinh động, sâu sắc, hấp dẫn, đa dạng, thu hút bạn đọc. Tạp chí hiện nay phải có hình thức đẹp nhưng nội dung phải sâu sắc, hàm lượng khoa học cao. Những tờ Tạp chí chiếm lĩnh được thị trường, trước hết phải có nội dung tốt, hình thức hấp dẫn. Tạp chí TN&MT cũng không nằm ngoài dòng chảy của báo chí thời đại mới; muốn không bị lạc hậu cần phải phấn đấu để vừa có nội dung hay, phong phú, đa dạng vừa có hình thức đẹp, hấp dẫn bạn đọc.
Cần tiếp tục cải tiến: Từ cách trình bày, cách đặt tít bài, phông chữ, cỡ chữ sao cho phù hợp với từng thể loại bài đến tăng cường thể loại bài nóng hổi với các sự kiện TN&MT. Mỗi bài viết phải có hình ảnh minh họa cụ thể, thiết thực, sinh động. Bài điều tra, phóng sự phông chữ đầu đề phải khác với bài nghiên cứu trao đổi, bài thực tiễn kinh nghiệm phông chữ phải khác với bài xã luận, chuyên luận và thể loại bài điều tra, phóng sự khác với tin lý luận, hoạt động địa phương, doanh nghiệp... Cách trình bày các bài trong Tạp chí sao cho phong phú, đa dạng phù hợp với từng thể loại, tạo nên nét đẹp, hấp dẫn trong từng trang, từng số. Tuy nhiên, cách trình bày trên Tạp chí phải trang trọng, chuẩn xác không thể bay bướm, gây hiểu lầm về câu chữ. Cái đẹp của Tạp chí chính là ở chỗ hình thức chân phương, giản dị, phổ thông, dễ hiểu, bạn đọc có thể tìm thấy ở đó không chỉ sự chuẩn xác về nội dung thông tin mà cả hình thức thể hiện.
Xây dựng Tạp chí là một công cụ đắc lực trong công tác tuyên truyền của Bộ. Vấn đề cốt tử nhất lại là cán bộ biên tập và đội ngũ cộng tác viên, khâu quan trọng hàng đầu làm nên thành công của Tạp chí là đội ngũ này. Cần xây dựng đội ngũ cán bộ biên tập Tạp chí có tay nghề và hiểu biết chuyên sâu TN&MT. Đó là lực lượng làm nên diện mạo Tạp chí. Phóng viên, cán bộ biên tập Tạp chí cần nhiều người viết bài nghiên cứu, trao đổi, chuyên sâu và kinh nghiệm thực tiễn về bảo vệ môi trường. Bài đinh, chất lượng, tầm vóc của cán bộ biên tập đăng trên Tạp chí phải chiếm 30%, cộng tác viên 70%. Như vậy, đội ngũ cộng tác viên rất quan trọng, nắm vững kiến thức về TN&MT.
Hiện nay, số lượng người truy cập Tạp chí Điện tử đã tăng lên mỗi ngày. Điều đó nói lên sự nỗ lực, phấn đấu rất lớn của Tổng Biên tập, các phó Tổng Biên tập, cán bộ biên tập, phóng viên và sự đóng góp đáng trân trọng của đội ngũ cộng tác viên. Tạp chí cần tiếp tục đầu tư đổi mới cả về nội dung và hình thức để không ngừng vươn xa hơn nữa, trở thành vũ khí tuyên truyền sắc bén, hiệu quả của Bộ TN&MT.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông !
Hồng Minh (thực hiện)
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 17+18 (Kỳ 1+2 tháng 9) năm 2023