
Chất lượng không khí ngày đầu tuần đi làm sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5: Mức độ ô nhiễm tăng cao trở lại
05/05/2025TN&MTSáng thứ Hai, ngày 5/5, ngày đầu tiên người dân cả nước quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 - chất lượng không khí tại nhiều đô thị lớn đã nhanh chóng suy giảm, cảnh báo một thực trạng dai dẳng về ô nhiễm môi trường đô thị chưa được kiểm soát hiệu quả.
Tại Hà Nội, nồng độ bụi mịn PM2.5 tăng cao vào giờ cao điểm sáng, đặc biệt ở các trục giao thông chính như đường Giải Phóng, Nguyễn Trãi (Hà Nội). Chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí) tại nhiều điểm đo vượt ngưỡng 150 - mức "có hại cho sức khỏe" theo phân loại của WHO.
Theo phóng viên ghi nhận tại thời điểm 9h41’ ngày 05/5, AQI⁺ tại Hà Nội là ở mức 148 với nồng độ bụi PM2.5 là 54.5 µg/m³. Tại Hà Đông ghi nhận là 142 với nồng độ bụi 52.1 µg/m³. Ghi nhận tại Cầu Giấy ở mức 130 với nồng độ bụi 47.4 µg/m³. Đây là mức ô nhiễm không tốt, có thể có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của những người nhạy cảm.
Chỉ số (AQI⁺) tại Hà Nội
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân sau kỳ nghỉ dài, cùng với điều kiện thời tiết ít gió và độ ẩm cao khiến các chất ô nhiễm không thể khuếch tán. Ngoài ra, hoạt động sản xuất, xây dựng cũng được khởi động lại, góp phần làm tăng nồng độ bụi trong không khí.
Các chuyên gia môi trường khuyến cáo người dân nên hạn chế ra ngoài vào giờ cao điểm, đặc biệt là trẻ em, người già và những người có bệnh hô hấp. Khi ra ngoài, nên đeo khẩu trang chuyên dụng có khả năng lọc bụi mịn và sử dụng các ứng dụng theo dõi chất lượng không khí để điều chỉnh lịch trình hợp lý.
Trái ngược với bức tranh mù mịt sau kỳ nghỉ, trong những ngày 30/4 và 1-2-3/5, chất lượng không khí tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng đều được cải thiện đáng kể. Theo dữ liệu từ hệ thống quan trắc PAMAir và IQAir, nồng độ bụi mịn tại các đô thị lớn giảm từ 30% đến 50% so với ngày thường. Các chuyên gia lý giải rằng, đây là thời điểm lưu lượng xe cộ và hoạt động sản xuất, xây dựng giảm xuống mức tối thiểu, minh chứng rõ ràng cho tác động của con người đối với môi trường không khí.
Sau kỳ nghỉ, với hàng triệu người dân đồng loạt di chuyển trở lại thành phố, tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra trên diện rộng, kéo theo khói bụi và khí thải từ ô tô, xe máy tăng đột biến. Cùng lúc, điều kiện thời tiết không thuận lợi, không mưa, gió yếu và độ ẩm cao, khiến các hạt bụi mịn không thể phát tán mà tích tụ ở tầng thấp, trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), PM2.5 là loại bụi cực nhỏ có thể xâm nhập sâu vào phổi và máu, gây ra các bệnh hô hấp, tim mạch và làm trầm trọng thêm các bệnh mãn tính.
Ảnh minh họa
Trước thực trạng này, các chuyên gia khuyến nghị người dân nên theo dõi chỉ số chất lượng không khí qua các ứng dụng uy tín, hạn chế vận động ngoài trời vào các khung giờ cao điểm, đặc biệt là trẻ nhỏ, người cao tuổi và người có bệnh nền. Việc sử dụng khẩu trang lọc bụi mịn đạt chuẩn (như N95) và máy lọc không khí trong nhà là những biện pháp thiết thực trước mắt.
Điều đáng nói là tình trạng ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn không phải câu chuyện mới. Mỗi đợt nghỉ lễ lại như một "phép thử tự nhiên", cho thấy môi trường có thể hồi phục nhanh nếu giảm được các nguồn phát thải chính. Vấn đề đặt ra là: Liệu các cơ quan quản lý có thể triển khai những chính sách mang tính bền vững, như quy hoạch lại giao thông đô thị, phát triển phương tiện công cộng sạch, kiểm soát nguồn thải từ công trình và nhà máy?
Nếu không có những hành động cụ thể và quyết liệt, bầu không khí của ngày đầu tuần sau kỳ nghỉ lễ có thể sẽ chỉ là khởi đầu cho một chuỗi ngày ô nhiễm nối tiếp nơi người dân luôn phải gồng mình sống chung với bụi mịn và khí độc.
Sỹ Tùng