
Chất thải rắn sinh hoạt - Thảm hoạ hay tài nguyên: Tình trạng ùn ứ CTRSH tại Hà Nội do đâu?
07/08/2022TN&MTHà Nội hiện đang trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh mẽ cùng vớ sự gia tăng dân số, kéo theo CTRSH tăng về khối lượng gây áp lực lớn cho công tác bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, là việc liên tục chậm tiến độ của điện rác Sóc Sơn khiến mật độ ùn ứ rác thải ở khu vực nội đô càng trở nên nghiêm trọng.
Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội dẫn đầu đoàn khảo sát tại Nhà máy điện rác Sóc Sơn.
Theo thống kê tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội ước tính khoảng 7.000 tấn/ngày đêm; được tiếp nhận, xử lý hàng ngày khoảng 6.500 tấn, tập trung tại hai khu xử lý chính là Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn nhưng đôi khi vẫn xảy ra việc ùn ứ cục bộ gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan và ảnh hưởng đến đời sống của người dân Thủ đô trong khi đó, những dự án nhà máy rác được hình thành ra dần dần chết yểu ảnh hưởng trực tiếp tới người dân nơi sinh sống.
Ông Phạm Cao Thắng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO)
Theo Phó Tổng giám đốc URENCO Phạm Cao Thắng cho biết: “Các khu xử lý chất thải Nam Sơn, Xuân Sơn đều được đưa vào vận hành từ năm 1999, hiện nay hạ tầng kỹ thuật xuống cấp gây khó khăn cho công tác xử lý. Mặt khác, công tác quy hoạch các khu xử lý chất thải còn gặp nhiều vướng mắc…”
Liên quan đến đầu tư công cho xử lý CTRSH cũng cần xây dựng mô hình thu gom, vận chuyển rác thải bảo đảm vệ sinh môi trường theo các hướng tuyến vận chuyển phù hợp, kết hợp với quy hoạch mạng lưới các bãi chôn lấp. Cùng với đó, kết hợp nhiều loại hình công nghệ xử lý rác thải như: Chôn lấp, đốt, ủ phân compost... để xử lý rác thải tại các huyện phù hợp với đặc thù của địa phương và khả năng bố trí ngân sách. Khuyến khích nghiên cứu khoa học - công nghệ, đầu tư cho tái chế chất thải nhằm tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng chất thải và coi chất thải là một nguồn tài nguyên để giải quyết triệt để vấn đề rác thải.
Tại những khu vực rác thải ùn ứ khiến nước rỉ rác chảy tràn ra đường trong lúc thời tiết nóng bức, bốc mùi hôi thối khó chịu. Nguyên nhân được xác định do Khu liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn) ở huyện Sóc Sơn đang bị quá tải khiến phương tiện đi vào bãi khó khăn, ảnh hưởng đến việc xử lý.
Lượng rác thải sinh hoạt được phân bổ và xử lý tại bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) khoảng 5.000 - 5.300 tấn/ngày đêm; tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây khoảng 1.200 - 1.300 tấn/ngày đêm. Hiện tại việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt được thực hiện với 2 phương pháp chôn lấp khoảng 89% và 11% được xử lý bằng phương pháp đốt. Như vậy, cơ bản mới tạo lợi ích vệ sinh môi trường, ít có lợi ích về kinh tế, xã hội.
Ông Mai Trọng Thái, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, công tác quản lý chất thải luôn được Thành phố quan tâm, là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp chính quyền cần tập trung chỉ đạo thực hiện. Đến nay, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn tại khu vực đô thị đạt xấp xỉ 100%, tại khu vực nông thôn đạt 90%.
Tuy nhiên, việc quản lý chất thải còn gặp nhiều khó khăn. Đó là hệ thống thu gom chất thải rắn vẫn chủ yếu là thủ công; việc đầu tư xây dựng các trạm trung chuyển chất thải theo quy hoạch đến nay chưa đáp ứng theo yêu cầu thực tế. Bên cạnh đó, phương pháp xử lý chất rác thải hiện nay chủ yếu là chôn lấp.
Đánh giá về việc giải quyết ùn ứ rác thải tại Hà Nội trong thời gian qua, các chuyên gia cho rằng, dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) là điển hình chậm tiến độ gây ảnh hưởng chủ yếu đến tình trạng hiện nay dù với tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỉ đồng bằng vốn nước ngoài. Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Môi trường năng lượng Thiên Ý, Tổng thầu MCC (Trung Quốc) là đơn vị thực hiện.
Nhà máy điện rác Sóc Sơn được UBND TP.Hà Nội chấp thuận chủ trương từ cuối năm 2017, do nhà đầu tư nước ngoài thi công và vận hành. Nhà máy với công suất xử lý 4.000 tấn rác/ngày, được cho là lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Cũng theo ông Mai Trọng Thái cho biết thêm: “Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ xử lý rác tại 9 quận nội thành. Dự án sử dụng công nghệ đốt rác bằng lò ghi cơ học của Bỉ. Dự kiến lượng điện thu được từ nhà máy khoảng 75 MW điện mỗi giờ”.
Theo dự kiến Dự án sẽ hoàn thành dự án vào tháng 8/2020 và vận hành chính thức đốt rác phát điện vào đúng dịp tháng 10/2020. Tuy nhiên, sau đó Công ty Thiên Ý đề nghị thành phố cho phép lùi thời hạn bắt đầu tiếp nhận rác đến tháng 5/2021 (dự kiến tiếp nhận 2.000 tấn rác/ngày) và đến tháng 6/2021 sẽ bắt đầu tổ chức đốt rác theo quy định.
Thế nhưng ngày 17/6, Ban duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật Sở Xây dựng Hà Nội đã phải yêu cầu Nhà máy điện rác Sóc Sơn của Công ty năng lượng môi trường Thiên Ý chuẩn bị đầy đủ năng lực, thiết bị, nhân lực đảm bảo an toàn tiếp nhận khối lượng 3.000 tấn rác phân luồng từ các quận huyện kể trên. Thời gian tiếp nhận về nhà máy rác Thiên Ý dự kiến từ 7 giờ 30 phút đến 16 giờ từ ngày 18-20/6. Tuy nhiên nhà máy này vẫn chậm tiến độ hoạt động.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh chủ trì Hội nghị làm việc với UBND TP. Hà Nội về thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý CTRSH.
Ghi nhận thực trạng hiện nay tại Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu, doanh nghiệp. Đối với những khó khăn, vướng mắc, Ủy ban sẽ tiếp thu, gửi đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
“Các ý kiến sẽ được tổng hợp để làm rõ tại phiên giải trình về thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sắp tới” Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh khẳng định.
>>>>> Xem thêm: Chất thải rắn sinh hoạt - Thảm hoạ hay tài nguyên: Khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý CTRSH tại Hà Nội
Đỗ Hùng – Bảo Bảo