
Công viên Địa chất toàn cầu Việt Nam tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế
30/03/2025TN&MTNăm 2025, để thúc đẩy hoạt động của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu Việt Nam, Tiểu ban Công viên địa chất Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các Công viên địa chất toàn cầu triển khai các nhóm công việc xây dựng và phát triển Công viên địa chất đáp ứng yêu cầu và khuyến nghị của UNESCO và Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu.
Nhiều dấu ấn đáng kể
Tiến sĩ Nguyễn Đại Trung, Thư ký Tiểu ban Công viên địa chất Việt Nam cho biết, năm 2024, Tiểu ban Công viên địa chất Việt Nam đã phối hợp với các Ban quản lý Công viên địa chất (BQL CVĐC): Đồng Văn, Non nước Cao Bằng, Đắk Nông và Lạng Sơn triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế, tổ chức các hội thảo hội nghị quốc tế; tuyên truyền, quảng bá nâng cao nhận thức công đồng về các hoạt động của UNESCO về Công viên địa chất, về bảo tồn; xây dựng các mô hình phát triển Công viên địa chất tại các địa phương; hỗ trợ trong công tác tái thẩm định danh hiệu Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO. Ban Quản lý Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn tổ chức lớp tập huấn nâng cao chuyên môn và cập nhật kiến thức, phương pháp tuyên truyền giáo dục cộng đồng về công viên địa chất; lớp tập huấn tuyên truyền về nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng phó với biến đổi khí hậu và tai biến địa chất trên vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn năm 2024.
Theo đó, Công viên địa chất Lạng Sơn đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng năm 2024 như: Tổ chức cuộc thi hùng biện tiếng anh về góc Công viên địa chất tại trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ, Lạng Sơn; Khóa bồi dưỡng thuyết minh viên du lịch cộng đồng tại điểm cho tình nguyện viên của các huyện, thành phố trên 04 tuyến du lịch Công viên địa chất Lạng Sơn; nâng cao nhận thức cho đội ngũ lái xe của Công ty TNHH Một thành viên Xe Điện DK Việt Nhật về giá trị của Công viên địa chất; Tổ chức hoạt động thực tế tại vùng Công viên địa chất Lạng Sơn, khảo sát, lập tuyến thực hành cho sinh viên Đại học Mỏ - Địa chất về du lịch địa chất.
Đáng kể, trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Hội đồng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO đã tiến hành họp, đánh giá và biểu quyết công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Đền Mẫu Đồng Đăng, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nằm trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn. Công viên bao gồm 38 điểm tham quan thuộc 4 tuyến du lịch là “Khám phá thế giới thượng ngàn”; “Hành trình về miền thiên giới”; “Cuộc sống dân dã nơi trần thế” và “Đường đến thủy cung”. Công viên có hệ thống di sản địa chất đa dạng, phong phú, tiêu biểu cho lịch sử phát triển hàng triệu năm của Trái đất, cùng nhiều di sản văn hoá phi vật thể mang đậm bản sắc dân tộc.
Dự kiến, Công viên địa chất Lạng Sơn sẽ nhận bằng công nhận Công viên địa chất toàn cầu UNESCO vào năm 2025 tại Chile. Việc công nhận công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO sẽ góp phần tăng cường, đẩy mạnh công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa, lịch sử, khảo cổ, đa dạng sinh học, các danh lam thắng cảnh đặc sắc của tỉnh Lạng Sơn.
Ông Lưu Bá Mạc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn đánh giá, sự ghi nhận này sẽ giúp cho tỉnh Lạng Sơn có thêm động lực cũng như cơ hội tập trung nguồn lực đẩy mạnh công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa, lịch sử, khảo cổ, đa dạng sinh học, cũng như các danh lam thắng cảnh đặc sắc của tỉnh Lạng Sơn.
Ban Quản lý Công viên địa chất Non nước Cao Bằng tổ chức tuyên truyền giáo dục công tác bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường, các hoạt động phát triển du lịch bền vững vùng Công viên địa chất, được 15 cuộc tập huấn cho 853 lượt người; Tổ chức được 11 cuộc tập huấn cho 560 giáo viên và học sinh về hoạt động giáo dục Công viên địa chất tại các trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông trong vùng Công viên địa chất Non nước Cao Bằng; năm 2024 đã thành lập được 132 Câu lạc bộ “Cùng em khám phá Công viên địa chất Non nước Cao Bằng” trên toàn tỉnh với hơn 3000 thành viên học sinh. Tại Hội nghị quốc tế lần thứ 8 về mạng lưới Công viên địa chất khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APGN) tại Cao Bằng thành viên Câu lạc bộ đã tham gia trình bày tham luận tại 02 phiên hội thảo chuyên đề với chủ đề Câu lạc bộ “Cùng em khám phá Công viên địa chất” và hoạt động giáo dục về Công viên địa chất trong trường học,...
Công viên địa chất Đăk Nông phát động cuộc thi “Công viên địa chất và Bạn” do Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu tổ chức, nhân kỉ niệm 20 năm thành lập Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu đến đối tượng là các văn nghệ sĩ, học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Đặc biệt, năm 2024, Tiểu ban đã tích cực tuyên truyền, phát động và cùng với các Công viên địa chất thành viên tham dự các hoạt động và sự kiện do Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO và mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu khu vực châu Á Thái Bình Dương phát động tổ chức để tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các Công viên địa chất toàn cầu, các quốc gia trong khu vực và quốc tế. Cụ thể Ngày Trái đất (22/4), ngày Quốc tế bảo tàng (18/5 hàng năm), Ngày Môi trường thế giới (5/6 hàng năm); Ngày Đại dương thế giới (8/6 hàng năm); ngày Quốc tế các dân tộc thiểu số (09/8 hàng năm), ngày Du lịch thế giới (27/9 hàng năm); Ngày quốc tế đa dạng địa chất và giảm thiểu rủi ro và Ngày quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai (10/10 hàng năm).
Mở rộng hợp tác với các mạng lưới quốc tế
Nhằm xây dựng một mô hình quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO ở Việt Nam thống nhất, hiệu quả, ông Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ TN&MT, Trưởng Tiểu ban chuyên môn về Công viên địa chất toàn cầu Việt Nam nhấn mạnh, năm 2025, Tiểu ban chuyên môn về Công viên địa chất Việt Nam tiếp tục hướng dẫn các địa phương trong công tác quản lý, bảo tồn các điểm di sản trong vùng Công viên địa chất theo tiêu chí của UNESCO; trình Tiểu ban Khoa học Tự nhiên (Bộ KH&CN) một số đề xuất nhằm hỗ trợ các địa phương trong việc phát triển Công viên địa chất.
Đồng thời, Tiểu ban sẽ hỗ trợ triển khai Đề án “Khoanh vùng và đề xuất phương án bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong vùng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”; phối hợp với nhóm chuyên gia tư vấn khảo sát, lựa chọn điểm và vận hành tuyến du lịch thứ 4 trong vùng Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông.
Bên cạnh đó, Tiểu ban sẽ đề xuất với chính quyền các tỉnh Cao Bằng, Đắk Nông và Lạng Sơn xây dựng các Trung tâm nghiên cứu khoa học, Trung tâm hội nghị, hội thảo và khu lưu trú, dịch vụ cho chuyên gia gắn với công viên văn hóa tại các Công viên địa chất; xây dựng các Ban Quản lý Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO trở thành đơn vị hành chính sự nghiệp tiến tới tự chủ kinh phí hoạt động; tiếp tục phối hợp xây dựng triển khai phương án thu phí tham quan vùng Công viên địa chất để có nguồn tài chính hỗ trợ các hoạt động bảo tồn di sản địa chất, bảo vệ môi trường và hoạt động tăng cường sinh kế cho người dân trong vùng Công viên địa chất.
Đề xuất giải pháp thúc đẩy hoạt động của Tiểu ban trong năm 2025, ông Trần Nam Bình, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, Tiểu ban cần tiếp tục quan tâm hướng dẫn địa phương trong công tác quản lý, bảo tồn các điểm di sản trong vùng Công viên địa chất theo các tiêu chí của UNESCO. Cùng với đó, tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế, tham gia các hoạt động của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, Mạng lưới Công viên địa chất Khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu Việt Nam; tham dự Hội nghị quốc tế về Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu tại Chi Lê vào tháng 9/2025.
HƯƠNG TRÀ
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 4 năm 2025