
Đảm bảo sinh kế bền vững khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp từ đó đổi mới các hình thức bồi thường, hỗ trợ cho người dân
24/12/2021TN&MTQuy định của pháp luật đất đai hiện hành về bồi thường, hỗ trợ đang tập trung vào giai đoạn trước khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất, việc xây dựng, triển khai kế hoạch ổn định sinh kế cho người có đất thu hồi đang phân cấp cho địa phương. Tuy nhiên, do chưa có tiêu chí chung, nên mỗi địa phương hay dự án có cách làm khác nhau, những tiêu chí như ràng buộc trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan sau khi Nhà nước thu hồi đất còn chưa đầy đủ, hình thức; việc đánh giá, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện quá trình đảm bảo sinh kế cho người dân chưa có các tiêu chí đánh giá hiệu quả. Cũng theo quy định hiện hành, người có đất nông nghiệp thu hồi sẽ được bồi thường, hỗ trợ bằng đất hoặc tiền khi Nhà nước thu hồi đất, tuy nhiên do quỹ đất nông nghiệp hạn chế, các dự án phát triển kinh tế - xã hội thường tập trung ở những vị trí thuận lợi về địa hình và giao thông nên hầu hết tại các dự án lớn, khi Nhà nước thu hồi đất người dân sẽ được nhận tiền, điều này dẫn đến người có đất nông ngh
Từ các phân tích nêu trên, Đề tài “Nghiên cứu, đề xuất bộ tiêu chí đảm bảo sinh kế bền vững khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp từ đó đổi mới các hình thức bồi thường, hỗ trợ cho người dân” mang tính cấp thiết để giải quyết vấn đề thực tiễn làm thế nào để đảm bảo sinh kế bền vững cho người có đất nông nghiệp thu hồi của công tác bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp và cũng đáp ứng được yêu cầu hội nhập phát triển của đất nước.
Nội dung nghiên cứu
Nghiên cứu cơ sở khoa học về tiêu chí đảm bảo sinh kế bền vững khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp (THĐNN) và đổi mới hình thức bồi thường, hỗ trợ cho người dân;
Nghiên cứu, đánh giá thực trạng các hoạt động và tạo lập sinh kế từ kinh phí bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước THĐNN;
Đề xuất bộ tiêu chí đảm bảo sinh kế bền vững (SKBV) khi Nhà nước THĐNN và đổi mới hình thức bồi thường, hỗ trợ cho người dân;
Đề xuất một số giải pháp thực hiện bộ tiêu chí đảm bảo SKBV khi Nhà nước THĐNN và đổi mới hình thức bồi thường, hỗ trợ cho người dân.
Giải pháp về tổ chức thực hiện bộ tiêu chí
Cần tăng cường và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước ở cấp cơ sở (cấp xã/phường): Đối với đối tượng là người nông dân bị THĐ, do năng lực, nhận thức còn hạn chế, do đó, đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước trong lĩnh vực này cần có sự quan tâm sâu sát, hướng dẫn tận tâm, tư vấn tỉ mỉ để giúp họ tìm được việc làm phù hợp trong việc ổn định sinh kế.
Phân công rõ trách nhiệm và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc THĐ, bồi thường, hỗ trợ và tạo lập sinh kế cho người dân cụ thể làm rõ được trách nhiệm của ngành Lao động - thương binh và xã hội các cấp, ngành Kế hoạch và Đầu tư, ngành Tài chính,…
Về đào tạo nghề và giải quyết việc làm: Cần thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả chủ trương yêu cầu các doanh nghiệp có dự án đầu tư phải bố trí lao động địa phương vào làm việc trong các doanh nghiệp. Yêu cầu các doanh nghiệp có dự án đầu tư trên địa bàn phải bố trí lao động thuộc nhóm đối tượng có đất nông nghiệp thu hồi ở địa phương vào làm việc tại doanh nghiệp cần chính sách hóa các tiêu chí đảm bảo SKBV cho người dân (dựa trên năm nguồn vốn gồm vốn con người, vốn vật chất, vốn xã hội, vốn tài chính và vốn tự nhiên) để có tính chất bắt buộc khi xây dựng các phương án THĐNN, bồi thường, hỗ trợ cho người dân.
Cần hoàn thiện chính sách hỗ trợ và ổn định cuộc sống theo hướng cần bổ sung quy định trợ cấp cho người dân sau khi bị THĐ không có việc làm và thiếu việc làm đặc biệt đối với hộ chính sách và hộ nghèo, lao động trên 35 tuổi theo hướng cần được đảm bảo sinh kế sau khi mất đất cho tới khi sinh kế mới được hình thành.
Cần tăng cường vai trò cộng đồng trong việc tham gia công tác bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước THĐNN.
Cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin như xây dựng các cơ sở dữ liệu, phần mềm chuẩn về THĐNN, lập phương án bồi thường, hỗ trợ, các số liệu khảo sát,… để thống nhất chung ở các địa phương có đất nông nghiệp thu hồi vì các số liệu điều tra khảo sát nhiều, các số liệu này cần được đưa vào các mô hình để phân tích hiệu quả của việc đầu tư và an sinh xã hội.
Có chính sách, định hướng nâng cao trình độ, tính chủ động để người dân để họ tìm kiếm việc làm.
Giải pháp thực hiện đổi mới hình thức bồi thường, hỗ trợ cho người dân
Qua nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp về đổi mới hình thức bồi thường, hỗ trợ cho người dân khi Nhà nước THĐNN như sau:
Tiếp tục hoàn thiện các quy định về nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước THĐNN theo hướng sinh kế người dân sau khi THĐNN phải tốt hơn hoặc bằng trước khi THĐ.
Hoàn thiện quy định về xác định giá đất bồi thường khi Nhà nước THĐNN theo hướng xem xét điều chỉnh quy định thời điểm tính giá bồi thường là thời điểm có quyết định THĐ; xem xét, hoàn thiện thêm về quy trình định giá đất đều do cơ quan hành chính nhà nước thực hiện để người có đất nông nghiệp THĐ tham gia vào quy trình này.
Hoàn thiện các quy định về thông báo THĐ theo hướng tiến hành việc tham vấn ý kiến người dân với Nhà nước và chủ đầu tư.
Hoàn thiện các quy định về hỗ trợ theo hướng nên có chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm hưu trí đối với người bị THĐNN.
Kết luận và kiến nghị
Đảm bảo sinh kế cho người dân có đất nông nghiệp thu hồi được nhiều quan tâm trong những năm gần đây và là xu hướng tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, vận dụng khung phân tích sinh kế của DFID được coi là một cách tiếp cận toàn diện trong phân tích về sinh kế cho người có đất nông nghiệp thu hồi khi Nhà nước THĐNN. Khi thực hiện công tác bồi thường cần đặc biệt chú trọng việc giải quyết các vấn đề xã hội cho người bị THĐNN do những điều kiện khách quan và chủ quan đặc thù, người nông dân có đất nông nghiệp thu hồi khó tìm được việc làm thích hợp với khả năng của mình.
Việc quán triệt nguyên tắc người nào sử dụng đất thì người đó có trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ ổn định sinh kế cho người dân để gắn quyền lợi được hưởng với trách nhiệm phải thực hiện và tạo nên một sự công bằng trong việc THĐ đã được nhiều quốc gia triển khai và điều này cũng hoàn toàn phù hợp với điều kiện hiện tại của Việt Nam.
Việc người dân không còn đất nông nghiệp sản xuất đã tác động trực tiếp đến sinh kế lâu dài của họ, sự tác động này cũng diễn ra theo hai chiều hướng khác nhau. Một là, theo chiều hướng tích cực đối với các trường hợp phục hồi và phát triển được sinh kế tốt hơn trước khi có đất nông nghiệp sản xuất, làm cho chất lượng cuộc sống (vật chất, tinh thần) của họ ngày một đi lên. Hai là, theo chiều hướng tiêu cực đối với các trường hợp cuộc sống ngày một sụt giảm về đời sống kinh tế, tinh thần, SKBV lâu dài không được bảo đảm.
Khi Nhà nước THĐ cả năm nguồn vốn đảm bảo sinh kế cho người dân đều đã có sự thay đổi đáng kể. Trong đó, nguồn vốn tự nhiên (đất đai) bị giảm đã chuyển sang nguồn vốn tài chính (tiền bồi thường); nguồn vốn vật chất tăng nhờ người dân dùng tiền bồi thường về mua đất làm nhà, mua sắm trang thiết bị sinh hoạt trong gia đình. Tuy nhiên, nguồn vốn con người có vai trò quan trọng nhất, được đánh giá thông qua giáo dục, sức khỏe tốt và kỹ năng làm việc lại chưa thấy sự thay đổi căn bản.
Bộ tiêu chí đảm bảo SKBV cho người dân khi Nhà nước THĐNN là bộ tiêu chí khung, đối với mỗi dự án THĐNN, tùy theo từng điều kiện KT-XH, văn hóa, phong tục mỗi nơi để có những chi tiết hoặc điều chỉnh cho phù hợp nhưng phải theo nguyên tắc phân tích đầy đủ 5 nguồn vốn tạo sinh kế và bù đắp được những thiếu hụt đối với mỗi nguồn vốn ở từng dự án.
Trong thực hiện dự án THĐNN, việc phối hợp giữa các cơ quan QLNN như: TNMT, lao động xã hội, tài chính,… trong việc THĐ, bồi thường, hỗ trợ và tạo lập sinh kế cho người dân chưa đầy đủ dẫn đến việc quan tâm đảm bảo SKBV cho người dân khi Nhà nước THĐNN chưa đầy đủ.
Mặc dù quy định của pháp luật đã được đổi mới, hoàn thiện hơn so với thời kỳ trước, nhưng với sự phát triển nhanh chóng của KT-XH cũng như vấn đề đảm bảo quyền lợi, lợi ích của các bên khi Nhà nước THĐ ngày càng được minh bạch rõ ràng, nên một số chính sách hiện hành về đảm bảo đời sống lâu dài cho người có đất thu hồi vẫn còn một số nội dung chưa phù hợp với thực tiễn, đặc biệt trong việc đảm bảo sinh kế, đời sống vật chất và tinh thần cho người có đất nông nghiệp thu hồi.
Cần nghiên cứu đổi mới hoàn thiện các chính sách, quy định về nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước THĐNN, hoàn thiện quy định về xác định giá đất bồi thường khi Nhà nước THĐNN, hoàn thiện các quy định về thông báo THĐ vaø hoaøn thieän caùc quy ñịnh về bồi thường, hỗ trợ theo hướng lấy người có đất nông nghiệp thu hồi phải là trọng tâm và đối tượng ưu tiên cao nhất trong đánh giá hiệu quả của triển khai các dự án THĐ nông nghiệp.
Kiến nghị
Các cơ quan ban hành chính sách nghiên cứu, vận dụng và sửa đổi một số quy định về THĐNN, bồi thường, hỗ trợ cho người dân đảm bảo người dân được tham gia, tham vấn ý kiến ngay từ bước đầu của quá trình thu hồi đất nông nghiệp. Các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu thử nghiệm áp dụng một số tiêu chí trong một số dự án THĐNN để đảm bảo sinh kế cho người dân.
Tiếp tục có những nghiên cứu sâu hơn, đưa ra những mô hình, phần mềm tính toán hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội đối với các dự án khi Nhà nước THĐNN nhằm đảm bảo đời sống cho người nông dân trong quá trình hội nhập.
TS. LƯU VĂN NĂNG
Văn phòng Tổng cục Quản lý đất đai