
Điểm lại những doanh nghiệp ngành Sắn vi phạm môi trường
27/03/2022TN&MTNhững năm gần đây, xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam đã có những bước phát triển tích cực, đóng góp khá lớn cho phát triển kinh tế với giá trị khoảng 1,35 tỉ USD, đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Thái Lan. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn vẫn chưa chấp hành nghiêm túc pháp luật về bảo vệ môi trường.
Bị Cục Cảnh sát phòng, CTP về môi trường bắt quả tang
Rạng sáng 4/12/2020, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) phối hợp Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Sơn La, Sở Tài nguyên - môi trường, Ban quản lý các khu công nghiệp Sơn La, Công an huyện Mai Sơn phát hiện, bắt quả tang Công ty CP chế biến nông sản BHL Sơn La có địa chỉ tại KCN Mai Sơn, xã Mường Bằng, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La với hoạt động sản xuất tinh bột sắn xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.
Lực lượng chức năng kiểm tra tại khu vực hồ chứa có dấu hiệu xả thải chưa đúng quy định Công ty CP chế biến nông sản BHL Sơn La
Ngay trong ngày 4/12/2020, tại hiện trường của công ty, cảnh sát môi trường đã huy động máy xúc, tiến hành đào một số vị trí cạnh hồ chứa nước thải, phát hiện một đường ống ngầm bằng nhựa cứng, đường kính 200mm, dài khoảng 28m chôn sâu dưới lòng đất.
Với hành vi này, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 1,24 tỉ đồng đối với Công ty Cổ phần chế biến nông sản BHL Sơn La và tạm đình chỉ hoạt động 3 tháng với doanh nghiệp này.
Cụ thể, với hành vi lắp đặt hệ thống đường ống, máy bơm để xả nước thải không qua xử lý ra môi trường, doanh nghiệp này bị phạt 140 triệu đồng và xử phạt bổ sung là tạm đình chỉ hoạt động 3 tháng. Xử phạt hơn 1,1 tỷ đồng về hành vi xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải.
Đến Tổng cục Môi trường xử phạt
Ngày 20/11/2019, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) có quyết định số 112/QĐ-XPVPHC do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức ký xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 474 triệu đồng đối với nhà máy tinh bột sắn Fococev Thừa Thiên Huế (Chi nhánh Công ty Cổ phần Fococev Việt Nam, đóng tại xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Tổng cục Môi trường đối với Nhà máy tinh bột sắn Fococev Thừa Thiên Huế
Cụ thể , nhà máy tinh bột sắn Fococev Thừa Thiên Huế bị xử phạt 40 triệu đồng do thực hiện không đúng một trong các nội dung trong đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt. Cụ thể chưa lót bạt chống thấm cho hố lắng cát, 2 hồ sinh học, chưa đấu nối nước thải sinh hoạt tại khu vực văn phòng về hệ thống xử lý nước thải để xử lý; quy định tại điểm b, khoản 3, điều 10 của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, nhà máy tinh bột sắn Fococev Thừa Thiên Huế bị xử phạt 434 triệu đồng do xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 5 đến dưới 10 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 200 m3 đến dưới 400 m3/ngày; bị phạt tăng thêm 10% đối với thông số môi trường Coliform vượt quy chuẩn kỹ thuật 1,2 lần và phạt tăng thêm 30% đối với thông số môi trường COD vượt quy chuẩn kỹ thuật 2,03 lần. Tổng mức phạt tăng thêm là 40% của mức phạt tiền; quy định tại khoản 7, điều 13 của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP.
Nhà máy tinh bột sắn Fococev Thừa Thiên Huế bị Tổng cục Môi trường xử phạt 474 triệu đồng
Ngoài ra, Tổng cục Môi trường còn buộc nhà máy tinh bột sắn Fococev Thừa Thiên Huế đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường 3 tháng và buộc nhà máy phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn 3 tháng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sắn là cây trồng chủ lực quan trọng thứ 3 của Việt Nam, chỉ sau lúa, ngô với diện tích khoảng 530.000 ha và được trồng chủ yếu ở vùng trung du, miền núi khó khắn, đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số. Sắn đã và đang là cây trồng nhiều tiềm năng và đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT đưa vào danh sách 13 cây trồng chủ lực Quốc gia. Đặc biệt, sắn cũng được xem là cây xóa đói giảm nghèo cho bà con vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, góp phần quan trọng vào việc công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn của Chính phủ.
Những năm gần đây, xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam đạt giá trị khoảng 1,35 tỉ USD, đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Thái Lan. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 11 tháng năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 1,84 triệu tấn tinh bột sắn, trị giá 865,5 triệu USD, giảm 0,8% về lượng nhưng tăng 16,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 95,8% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước, với 1,76 triệu tấn, trị giá 826,68 triệu USD, tăng 1,3% về lượng và tăng 19,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. (Còn tiếp)
Đỗ Hùng