
Đổi mới để phát triển bền vững: Ngành Nông nghiệp và Môi trường bước vào giai đoạn bứt phá với nền tảng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số
10/05/2025TN&MTTrong bối cảnh chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo đang trở thành yêu cầu tất yếu đối với sự phát triển bền vững, sáng ngày 10/5, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh long trọng tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong ngành nông nghiệp và môi trường.
Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường
Hội nghị diễn ra với sự chủ trì của đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường; đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh uỷ Bắc Ninh; đồng chí Vương Quốc Tuấn - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh; và đồng chí Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường; đồng chí Nguyễn Văn Long- Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Nông nghiệp và Môi trường). Tới tham dự Hội nghị còn có bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân, ông Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Ngoài ra, sự kiện quy tụ hơn 1000 đại biểu đại diện cho các bộ, ban, ngành Trung ương; các địa phương; các viện, trường, tổ chức khoa học công nghệ; cộng đồng doanh nghiệp; cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài ngành.
Toàn cảnh Hội nghị
Khoa học và công nghệ: Đòn bẩy phát triển trong thời đại chuyển đổi
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã khẳng định: “Chúng ta đang bước vào một thời điểm rất đặc biệt, khi chuyển đổi số không còn là khái niệm xa vời mà đã trở thành xu thế tất yếu, buộc mỗi ngành, mỗi địa phương phải chuyển mình mạnh mẽ.” Theo Bộ trưởng, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, cùng các văn bản triển khai như Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 71/NQ-CP và Nghị định số 88/2025/NĐ-CP của Chính phủ, đã xác lập nền tảng pháp lý và định hướng chiến lược để đưa Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia giàu mạnh trong kỷ nguyên số.
Với ngành Nông nghiệp và Môi trường - lĩnh vực đang đối mặt với những thách thức chưa từng có như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, yêu cầu phát triển xanh và phát thải thấp - việc ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo không còn là lựa chọn, mà là điều kiện tiên quyết để tồn tại và phát triển.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp và môi trường đã ghi nhận nhiều mô hình tiên tiến như nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi thông minh, số hóa dữ liệu đất đai, rừng và khí tượng. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, để thực hiện đúng tinh thần “đột phá” như Nghị quyết số 57-NQ/TW đề ra, vẫn còn nhiều việc phải làm - từ cải cách thể chế, sắp xếp tổ chức đến tái cấu trúc phương thức đặt hàng nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, ông nhấn mạnh đến 5 nhóm vần đề cần được ưu tiên, có tính nền tảng:
Thứ nhất, cải cách thể chế và thủ tục hành chính: Rà soát, loại bỏ các rào cản pháp lý đang làm chậm bước tiến của khoa học và đổi mới sáng tạo, không chỉ trong khu vực công mà cả khu vực tư nhân - vốn đang đóng vai trò ngày càng lớn trong đầu tư nghiên cứu và chuyển đổi số.
Thứ hai, tổ chức lại hệ thống nghiên cứu khoa học công lập: Hướng đến mô hình tinh gọn, hiệu quả, có khả năng tự chủ toàn diện và cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường nghiên cứu, đồng thời chuyển hóa tri thức thành giá trị thực tiễn.
Thứ ba, đổi mới cơ chế đặt hàng nghiên cứu: Từ năm 2026, nhiệm vụ khoa học công nghệ cần xuất phát từ thực tiễn - đặc biệt là từ doanh nghiệp và người dân. Đây là cách để các đề tài nghiên cứu không còn “xa rời cuộc sống” mà trở thành công cụ nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng.
Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Rà soát, bồi dưỡng, thu hút nhân lực nghiên cứu trình độ cao từ trong và ngoài nước, đặc biệt từ khu vực tư nhân. Một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo chỉ bền vững khi được vận hành bởi những con người giỏi chuyên môn, vững tay nghề và am hiểu thực tế.
Cuối cùng, chuyển đổi số toàn diện trong toàn ngành: Từ quy trình quản lý đến sản xuất thực tiễn, cần được số hóa hoàn toàn, có thể truy xuất và giám sát chặt chẽ. Đây là nền tảng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, minh bạch, hiệu quả và bền vững.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định: “Chúng ta đã có Nghị quyết đúng, rõ, mạnh từ Bộ Chính trị; đã có kế hoạch hành động cụ thể từ Bộ; đã có sự đồng hành của địa phương, doanh nghiệp, nhà khoa học. Điều còn lại là ý chí hành động và sự kiên định trong triển khai”. Bộ trưởng đã bày tỏ kỳ vọng, Hội nghị sẽ là điểm khởi đầu của một giai đoạn mới, nơi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trở thành lực đẩy chính cho ngành nông nghiệp và môi trường phát triển năng suất, hiệu quả và bền vững.
Thúc đẩy hợp tác đa ngành: Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Bộ Nông nghiệp và Môi trường với các hiệp hội, doanh nghiệp hàng đầu
Một điểm nhấn quan trọng trong khuôn khổ Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW là lễ ký kết các chương trình phối hợp và hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Môi trường với các tổ chức khoa học - kỹ thuật, hiệp hội nghề nghiệp và doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường. Các thỏa thuận được ký kết nhằm đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, góp phần tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý và bảo vệ môi trường trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia.
Toàn cảnh Lễ Ký kết
Mở đầu Lễ ký kết, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã thực hiện nghi thức ký kết với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cùng Tổng hội Xây dựng Việt Nam. Sự kiện diễn ra dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy; Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn, nguyên Bộ trưởng Cao Đức Phát, cùng đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ và đại diện lãnh đạo các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ. Lễ Ký kết là bước khởi đầu quan trọng nhằm tạo ra mạng lưới phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức khoa học và các hiệp hội chuyên ngành.
Tiếp theo đó, Vụ Khoa học và Công nghệ thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường, dưới sự điều phối của Vụ trưởng Nguyễn Văn Long, đã tiến hành ký kết các chương trình hợp tác cụ thể với nhiều doanh nghiệp hàng đầu như: Tập đoàn Dabaco, Tập đoàn Masan, Đại học VinUni (thuộc Vingroup), Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam, Tập đoàn PAN, Công ty Thành Thành Công - Biên Hòa và Công ty BSB NANOTECH. Các cam kết hợp tác bao gồm chia sẻ nguồn lực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, phát triển sản phẩm thân thiện môi trường và triển khai các giải pháp chuyển đổi số trong quản trị và chuỗi giá trị. Lễ ký kết không chỉ thể hiện quyết tâm đồng hành giữa nhà nước và doanh nghiệp mà còn mở ra những cơ hội liên kết hiệu quả, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược mà Nghị quyết số 57 -NQ/TW đã đề ra.
Hội nghị tại Bắc Ninh không chỉ là dịp để phổ biến một nghị quyết chính trị quan trọng, mà còn là dấu mốc mở đường cho một giai đoạn phát triển mới của ngành nông nghiệp và môi trường Việt Nam - một giai đoạn mà “khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” không còn là khẩu hiệu, mà trở thành trụ cột thật sự cho sự nghiệp phát triển bền vững.
Minh Huyền
Theo chương trình, chiều ngày 10/5 sẽ diễn ra 4 phiên họp chuyên đề nhằm đánh giá thực trạng và giải pháp thúc đẩy phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Môi trường; nhất là việc trao đổi, thảo luận về một số định hướng, nhiệm vụ, giải pháp then chốt để tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia của Ngành. Tại Hội nghị, dự kiến sẽ tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW giữa các cơ quan, đơn vị, hiệp hội, doanh nghiệp.