
Góp ý nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong Dự thảo Luật Đất đai
23/08/2022TN&MTXin được đóng góp với Ban soạn thảo Dự án Luật Đất đai xung quanh quy định liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với nội dung như sau:
Tại Dự thảo Luật Đất đai, các Điều 40, 41 và 42 có quy định về các căn cứ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện nhưng qua nghiên cứu cho thấy đều không đưa cụ thể căn cứ vào Quy hoạch vùng đã được phê duyệt để xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Theo tôi, việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở tất cả các cấp, trước hết phải căn cứ vào quy hoạch vùng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia ở cấp vùng về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, xây dựng vùng liên tỉnh, kết cấu hạ tầng …) để xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được đồng bộ, tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn về quy hoạch.
Liên quan đến nội dung lập quy hoạch, nên chăng cần quy định cụ thể hơn về trình tự thực hiện lập quy hoạch sử dụng đất. Hay trình tự lập quy hoạch tuân thủ theo quy quy định có liên quan (Luật Quy hoạch) thì cũng cần quy định cụ thể tại Luật Đất đai để thuận tiện trong quá trình triển khai thực hiện. Vì dự thảo Luật Đất đai chỉ quy định về việc lấy ý kiến (Điều 45) và thẩm định quy hoạch (điều 46), ngoài hai thủ tục này, còn rất nhiều thủ tục khác có liên quan để có thể lập được quy hoạch mà Luật Đất đai không đề cập.
Về thẩm quyền quyết định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Điều 47): Theo Dự thảo thì UBND cấp tỉnh (hoặc UBND cấp huyện) trình HĐND cùng cấp thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trước khi trình lên cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Vấn đề này trên thực tế đã vấp phải tình huống: HĐND một năm chỉ họp 2 lần, nếu dự án cần phê duyệt kế hoạch sử dụng đất sau kỳ họp HĐND thì sẽ phải chờ tới kỳ họp HĐND lần tiếp sau mới có thể thông qua và trình phê duyệt.Đề nghị xem xét sửa lại: Quy hoạch sử dụng đất thì trình HĐND thông qua, nhưng đối với kế hoạch sử dụng đất hàng năm thì chỉ cần thường trực HĐND thông qua trước khi trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Về tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Điều 51): Khoản 5 Điều 51 Quy định: “... sau 03 năm kể từ ngày phê duyệt năm được đưa vào kế hoạch sử dụng đất mà chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ”. Trên thực tế hiện nay, có rất nhiều dự án chậm tiến độ không phải do lỗi của Chủ đầu tư (công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, cản trở). Nếu quy định như trên thì thiệt hại thuộc về chủ đầu tư trong khi họ không có lỗi và không mong muốn. Đề nghị nên bổ sung nếu việc chậm ra quyết định thu hồi đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất (không do lỗi cho Chủ đầu tư) thì có thể được gia hạn thời gian điều chỉnh hoặc hủy bỏ.
Khoản 6 Điều 51 quy định: “Đối với những dự án đầu tư công mà nếu quá 05 năm kể từ năm được đưa vào kế hoạch sử dụng đất mà chưa thực hiện thì người sử dụng đất trong vùng quy hoạch được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật”. Có thể thấy, quy định giữa khoản 5 và khoản 6 chưa có sự đồng nhất, Khoản 5 quy định cụ thể “03 năm từ ngày phê duyệt năm được đưa vào kế hoạch sử dụng đất mà chưa có quyết định thu hồi”. Nhưng tại khoản 6 lại quy định: “05 năm kể từ ngày đưa vào kế hoạch sử dụng đất mà chưa thực hiện”. Như thế nào được xem là chưa thực hiện? Rõ ràng giữa khoản 5 và khoản 6 chưa có sự thống nhất trong cách thức quy định và có phần quy định “thoáng” hơn cho các dự án đầu tư công; trong khi dự án ngoài đầu tư công thì quy định rất chặt chẽ, khắt khe.
Nguyễn Quốc Hiệp
Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC)