
Hà Nội: Các điểm "nóng" về ngập lụt và ô nhiễm rác thải sẽ được xử lý thế nào?
27/06/2022TN&MTViệc bãi rác Xuân Sơn tạm ngừng tiếp nhận rác và hệ thống thoát nước, các dự án thoát nước Hà Nội đang “lụt” tiến độ khiến người dân Thủ đô luôn trong trạng thái lo lắng về tình trạng ngập lụt và ô nhiễm môi trường.
Hà Nội loay hoay với bài toán cứ mưa là ngập.
"Khắc phục xong sẽ tiếp nhận rác bình thường"
Ngày 23.6, lãnh đạo Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết, vừa gửi Văn bản tới Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội với đề nghị tạm dừng tiếp nhận rác Khu liên hiệp xử lý rác thải Xuân Sơn (bãi rác Xuân Sơn) mà đơn vị được giao quản lý. Thời gian tạm dừng tiếp nhận từ 18 giờ ngày 23.6 cho đến khi giải quyết được khó khăn về hạ tầng lưu chứa nước rác tại hồ chứa.
Cùng đó, Urenco kiến nghị Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng Hà Nội chỉ đạo nhà thầu thi công hồ 1.3 có đánh giá và khắc phục triệt để sự cố để đảm bảo hồ chứa. Đồng thời, Urenco cũng đề nghị đơn vị liên quan vận hành trở lại Trạm xử lý nước rác Sơn Tây để giảm áp lực đối với công tác lưu chứa nước rác tại bãi.
Vấn đề này đặt ra câu hỏi: Liệu Hà Nội có ngập trong rác thải như nhiều lần trước đó hay không?
Ngày 24.6, trao đổi với Lao Động, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Nguyễn Huy Khánh cho biết, do lượng nước thải rác phát sinh tại bãi rác Xuân Sơn nên đơn vị này đang phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội khắc phục. "Đến hôm nay các đơn vị vẫn đang khắc phục nước thải phát sinh, phải tạm thời dừng tiếp nhận rác thải ở bãi rác Xuân Sơn để khắc phục. Sau khi khắc phục xong thì sẽ tiếp nhận rác bình thường".
Theo Phó Tổng Giám đốc Urenco Phạm Cao Thắng, ngày 7.6, Urenco đã có văn bản số 550/MTĐT-KTCN gửi Sở Xây dựng, Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị về tình hình khẩn cấp trong công tác quản lý vận hành bãi Xuân Sơn, Sơn Tây, trong đó dự báo nếu điều kiện hạ tầng không đảm bảo buộc phải dừng tiếp nhận từ ngày 22.6.2022.
Hiện nay, lượng nước rác phát sinh tại bãi Xuân Sơn khoảng 700-800m3, Trạm xử lý nước rác của Công ty CP Môi trường & CTĐT Sơn Tây công suất 700m3/ngày đã dừng hoạt động từ ngày 1.6.2022 (đây là trạm XLNR duy nhất tại bãi rác Xuân Sơn), dẫn đến lượng nước rác phát sinh hằng ngày không được xử lý, trong khi tổng khối lượng nước rác lưu chứa tại các hồ tính đến ngày 23.6.2022 khoảng 70.152 m3/71.000m3. Nếu tiếp tục thực hiện tiếp nhận rác tại bãi Xuân Sơn chắc chắn sẽ xảy ra sự cố tràn nước rác ra môi trường.
Theo đó, Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn đang tiếp nhận rác tại ô chôn lấp 2,2ha và hợp nhất với giai đoạn 2 tại cos +38.000 với công suất tiếp nhận 1.750 tấn/ngày. Dự kiến, nếu điều kiện hạ tầng lưu chứa nước rác bảo đảm, sẽ vận hành tiếp nhận rác tại vị trí này đến ngày 30.10 tới.
Xử lý ngập úng sau mỗi trận mưa thế nào?
Cùng với rác thải, tình trạng “cứ mưa là ngập” tại Thủ đô đang trở thành vấn đề “nóng” hơn bao giờ hết.
Ngày 29.5, mưa lớn xảy ra vào đầu giờ chiều đã khiến nhiều tuyến đường nội đô Hà Nội chìm trong biển nước, ngập sâu khiến các phương tiện không thể di chuyển. Đến tối 13.6, cơn mưa lớn lên đến 145mm/giờ tiếp tục gây úng ngập nhiều tuyến phố khu vực nội thành. Hà Nội “cứ mưa là ngập”, điệp khúc này đang xảy ra với tần suất dồn dập và ngày càng nặng nề hơn sau những trận mưa lớn.
Trao đổi với Lao Động ngày 24.6, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội - cho rằng, tình trạng úng ngập úng ở Hà Nội trong khoảng gần 10 năm nay luôn trở thành vấn đề "nóng" mỗi khi có mưa lớn.
Theo ông Nghiêm, để đối phó với vấn đề này, không thể chỉ xử lý những điểm ngập cục bộ mà phải đánh giá tổng thể hệ thống thoát nước toàn thành phố, kết hợp giữa yêu cầu thoát nước với phát triển đô thị. “Với tốc độ đô thị hóa tăng mạnh như hiện nay, cần có điều chỉnh phù hợp để ứng phó theo hướng nâng cao khả năng tiêu úng cho cả nội thành và ngoại thành” - ông Nghiêm nói.
Về các dự án chậm triển khai, theo ông Nghiêm, thành phố mới chỉ đầu tư dự án thoát nước giai đoạn 1 và giai đoạn 2 nằm ở lưu vực sông Tô Lịch. Còn đối với lưu vực Tây Nam, Hà Nội cũng có 3 dự án. Một là dự án cụm công trình đầu mối Liên Mạc, hai là dự án cải tạo trạm bơm tiêu Đông Mỹ (Thanh Trì), ba là dự án trạm bơm Yên Nghĩa. Tuy nhiên, trong ba dự án mới chỉ có trạm bơm Yên Nghĩa đang triển khai nhưng chưa được hoàn thành.
Đối với các dự án thành phần ở lưu vực phía Tây Nam chưa được triển khai nhiều, triển khai manh mún. Điều này khiến cho hệ thống tiêu thoát nước của thành phố không đảm bảo, hay xảy ra ngập úng. Ông Nghiêm nhấn mạnh, thoát nước cho Hà Nội cơ bản là bài toán khó. Về mặt lâu dài cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các trạm bơm đầu mối, đặc biệt là phía tây nam, Long Biên.
“Phải rút ra một bài học là không nên phát triển kiểu "xôi đỗ", nghĩa là chỉ chú trọng vào các khu đô thị, còn hệ thống kỹ thuật bên ngoài không hài hòa đồng bộ với khu đô thị. Công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch cần được thực hiện nghiêm túc, tránh việc tùy tiện điều chỉnh cục bộ một khu vực dẫn đến phá vỡ tính tổng thể và thống nhất của hạ tầng” - ông Nghiêm nói.
Còn ông Trịnh Ngọc Sơn - Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội - cho hay, 100% nhân lực của đơn vị được bố trí phục vụ thoát nước mùa mưa; ứng trực tua vớt rác, mở ga tăng cường thu nước mỗi khi trời mưa, mở cửa phai trữ nước hồ điều hòa; vận hành các trạm bơm nhằm đưa nước nhanh nhất về các nguồn tiêu. Cũng theo ông Sơn, các công trình của hệ thống thoát nước đô thị cần được nâng cấp để tránh lượng mưa tập trung lớn ở đô thị trong thời gian ngắn. Đồng thời sử dụng triệt để các khả năng lưu giữ và làm sạch của hệ thống sinh thái tự nhiên vào việc cải thiện chất lượng nước, bổ cập nguồn nước ngầm.
Theo laodong.vn