
Habeco có khắc phục được tình trạng gây ô nhiễm không khí?
14/09/2022TN&MTKể từ 2009 đến nay việc sản xuất của Nhà máy Bia Hà Nội - Mê Linh đã luôn gây khó chịu và bức xúc cho người dân sống quanh khu vực xã Tiền Phong, Tráng Việt, huyện Mê Linh và xã Đại Mạch huyện Đông Anh.
Nhà máy bia Hà Nội – Mê Linh
Những bức xúc của người dân
Nhà máy Bia Hà Nội – Mê Linh thuộc Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO) đóng tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2009. Kể từ đó người dân khu vực quanh nhà máy đã không thể sống thoải mái mỗi khi thời tiết thay đổi hay gió đảo chiều khiến mùi từ các hoạt động sản xuất bủa vây lấy người dân ở 3 xã Đại Mạch, Tráng Việt và Tiền Phong.
Theo như lời kể của ông N.V.T ở thôn Yên Nhân xã Tiền Phong cho biết, kể từ khi nhà máy bia về đây là đã gây ra ô nhiễm không khí khiến người dân quay khu vực này khó chịu mỗi khi thay đổi thời tiết có gió Đông Nam hoạt động mạnh.
Ông T. làm việc trên đồng sát với khu vực nhà máy đang hoạt động.
“Vào những thời điểm như sáng sớm hoặc tối muộn hoạt động của các ống khói sẽ thấy rõ ràng hơn” ông T nhấn mạnh.
Trong khi đó, tại khu vực xóm 8 xã Tráng Việt, ông Ngô Văn Quyền cũng cho biết, các hoạt động của nhà máy trước kia khi chỉ bán bã bia thì mùi cũng còn nhẹ hơn. Hiện nay do việc nhà máy chuyển đổi sang việc sản xuất thức ăn chăn nuôi nên hoạt động sấy bã bia đã gây nên mùi khó chịu cho người dân mỗi khi thời tiết thay đổi.
Ông Ngô Văn Quyền trao đổi với PV Tạp chí Tài nguyên và Môi trường
Được biết, đỉnh điểm của sự việc này là vào năm 2021 có tới cả trăm người dân kéo đến cổng nhà máy bia để phản đối và chúng tôi cũng gửi đơn đến các cơ quan chức năng yêu cầu Nhà máy bia Hà Nội – Mê Linh phải có biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm mỗi khi hoạt động.
Người dân cũng đã nhiều lần ý kiến lên đến các cơ quan chức năng địa phương nhưng đều mới chỉ dừng lại ở việc nhà máy hứa sẽ khắc phục” ông Quyền nhấn mạnh.
Cách nhà ông Quyền không xa cùng chung cảnh ngộ chịu ảnh hưởng của việc ô nhiễm mùi từ nhà máy bia Hà Nội, bà Trần Thị Bằng cũng khẳng định việc mùi gây ra bởi nhà máy bia khi có gió Đông Nam thôi có gây khó chịu. Và việc xảy ra này nó không có hạn định và chịu ảnh hưởng bởi thời tiết như vào mùa Đông thì ít chịu ảnh hưởng hơn.
Không chỉ riêng gì xã Tráng Việt, huyện Mê Linh mà người dân sống ở thôn Đại Đồng, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh (Hà Nội) cũng cùng bức xúc và cho rằng, Nhà máy bia Hà Nội – Mê Linh đã gây ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động khiến cho cuộc sống của người dân nơi đây bị đảo lộn, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế.
Tiếng kêu của người dân được chính quyền “lắng nghe”
Trao đổi với PV Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, ông Trần Văn Khang, Phó Chủ tịch UBND xã Tráng Việt cho biết, sau khi nhận được thông tin về Nhà máy bia Hà Nội – Mê Linh hoạt động gây ô nhiễm môi trường, UBND xã đã cho rà soát tất cả những ý kiến cử tri về nhà máy bia Hà Nội – Mê Linh nhiệm kì qua.
Qua rà soát, xác minh một số người dân xóm 8 và nguyên cán bộ xã sinh sống tại xóm 8, các bác xác nhận là khoảng năm 2020 – 2021 có ý kiến của cử tri cùng 1 số hộ dân xã Tiền Phong có kiến nghị gửi Thành phố về ô nhiễm môi trường của Nhà máy bia Hà Nội – Mê Linh.
Văn bản báo cáo vụ việc của UBND xã Tráng Việt lên UBND huyện Mê Linh do Phó Chủ tịch Trần Văn Khang ký.
Ông Trần Văn Khang cũng thông tin thêm, trước vấn đề bức xúc của người dân vì ô nhiễm từ Nhà máy bia Hà Nội – Mê Linh, ngày 28/7/2022, UBND xã Tráng Việt đã có công văn số 202/UBND–ĐC gửi UBND huyện Mê Linh về việc phản ánh của nhân dân liên quan đến xả thải ra môi trường của Nhà máy bia Hà Nội, xã Tiền Phong.
Nội dung công văn này cũng nêu rõ: “UBND xã Tráng Việt nhận được phản ánh trực tiếp của nhân dân Xóm 8, thôn Tráng Việt, xã Tráng Việt về việc xả thải ra môi trường của nhà máy bia Hà Nội, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của nhân dân trong xóm, cụ thể: Hàng ngày, có cụ già và trẻ nhỏ ở nhà, hàng đêm sau một ngày lao động, sản xuất, học tập công tác và nghi ngơi của nhân dân trong xóm, nhưng nhà máy bia xả thải gây ô nhiễm môi trường không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt, sức khỏe của người dân, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ, người dân trong xóm đã trực tiếp kiến nghị với nhà máy bia nhưng chưa được nhà máy tiếp thu, khắc phục.
Tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài nhiều năm, đặc biệt thời gian gần đây tình trạng xả thải sản xuất cùa nhà máy bia ngày càng ô nhiễm, mùi khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Qua xác minh thực tế, việc phản ánh của nhân dân liên quan đến môi trường xả thải của nhà máy bia ánh hướng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt là ban đêm là có thật”.
Sau văn bản này, huyện Mê Linh cũng đã tổ chức đoàn làm việc để thống nhất với Habeco về việc xử lý các phát sinh về nước thải, khí thải ảnh hưởng đến môi trường sống, sức khoẻ của người dân.
Sau đó, UBND huyện Mê Linh đã có văn bản của huyện Mê Linh số 2041/UBND-TNMT do Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Thanh Hoài ký ngày 17/8 mới đây yêu cầu Habeco nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, các nội dung đã cam kết tại báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
Ống khói vẫn xả ra không khí tại thời điểm PV Tạp chí Tài nguyên và Môi trường thực hiện khảo sát thực địa quanh nhà máy Bia Hà Nội – Mê Linh.
Cụ thể, Habeco cần phải vận hành thường xuyên, liên tục hệ thống xử lý nước thải, khí thải để kiểm soát chất lượng nước thải, bụi khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật cho phép trước khi thải ra môi trường; đặc biệt chú ý đến xử lý mùi, khí thải tại khu vực xưởng sấy bã bia đảm bảo không phát sinh mùi khó chịu ra môi trường xung quanh.
Đồng thời, phải thực hiện chương trình giám sát môi trường đúng và đầy đủ thông số quan trắc, tần suất, vị trí giám sát đối với nước thải, bụi, khí thải, không khí xung quanh theo đúng yêu cầu tại Văn bản số 52/GXN-TCMT của Tổng cục Môi trường ngày 12/5/2017.
Đỗ Hùng - Bảo Bảo