
Hội nghị Nhóm đối tác công - tư về hồ tiêu và gia vị 2025
18/04/2025TN&MTChiều ngày 17/4, đã diễn ra Hội nghị nhóm đối tác công - tư (PPP) về hồ tiêu và gia vị 2025 tại TP. Hồ Chí Minh, nhằm thảo luận các biện pháp phát triển bền vững trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động.
Chương trình có sự tham gia của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) và Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững tại Việt Nam (IDH), là 3 bên đồng chủ trì Nhóm đối tác công tư về Hồ tiêu và Gia vị đã được Bộ Nông nghiệp và Môi trường (Bộ NN&MT) thành lập và chỉ đạo hoạt động trong những năm vừa qua…
Chương trình Hội nghị nhóm đối tác công - tư về hồ tiêu và gia vị 2025
Hội nghị đã tập trung thảo luận một số nội dung về quy định, phân công tổ chức và chức năng nhiệm vụ Cục Trồng trọt và BVTV (Bộ NN&MT); kế hoạch quản trị dữ liệu test và chất lượng của Hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, Mỹ…; tình hình sản xuất và xuất khẩu tiêu trắng; kế hoạch sản xuất Hồ tiêu an toàn bền vững…
Khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và BVTV (Bộ NN&MT) thông tin, hiện nay Nhà nước đang có sự thay đổi mạnh mẻ về tổ chức bộ máy, hợp nhất các bộ ngành, địa phương. Tuy nhiên vẫn đảm bảo cơ cấu tổ chức mới đối với chức năng nhiệm vụ trong quản lý điều hành liên quan đến quá trình sản xuất, giống, chất lượng, dư lượng thuốc Bảo vệ thực vật (BVTV)… Đặc biệt, định hình lại vai trò trách nhiệm của Nhóm PPP trong điều kiện mới, nhưng không làm ngắt đoạn nhiệm vụ, công việc trước đó, mà phải song song hỗ trợ, đồng hành nhiều hơn cho các cá nhân, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan.
Ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và BVTV thông tin tại sự kiện
Phát biểu tại chương trình, ông Huỳnh Tiến Dũng - Giám đốc Quốc gia IDH Việt Nam chia sẻ, chúng ta hãy cùng nhau xây dựng nền tảng quan trọng cho sự chuyển đổi bền vững, cải thiện sản xuất, nâng cao năng lực nông dân và doanh nghiệp, mở rộng đối thoại công - tư và kết nối với các nhà mua lớn và các hiệp hội quốc tế (SSI, ESA, ASTA).
Để thích ứng tốt với bối cảnh mới hiện nay, chúng ta cần phải giữ vững sự phối hợp các chương trình trọng điểm từ trung ương đến địa phương, hợp tác minh bạch, hiệu quả giữa các ngành hàng, chủ động xây dựng chiến lược thích ứng với các qui định mới, thị trường mới trong giai đoạn 2026 - 2030. Đồng thời ông Dũng nhấn mạnh, chúng tôi tin rằng, với sự quyết tâm và phối hợp chặt chẽ của tất cả các bên, ngành hồ tiêu và gia vị Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định vị thế trên bản đồ thương mại toàn cầu.
Tại Hội nghị, bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch VPSA cho biết, nhu cầu nhập khẩu hồ tiêu đã quay trở lại từ nhiều thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, các nước châu Á... Tuy nhiên, trước thực tế ngành đang đối mặt thách thức khi Mỹ áp mức thuế 10% và hiện Việt Nam đang trong giai đoạn 90 ngày đàm phán với Mỹ, song chưa thể dự đoán kết quả cuối cùng.
Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch VPSA chia sẻ tại hội nghị
Với sự biến động trong chính sách thuế quan của Mỹ, nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, chờ đợi kết quả đàm phán, đồng thời tính đến khả năng mở rộng sang các thị trường khác... Nếu kết quả đàm phán không khả quan, doanh nghiệp Việt có nguy cơ mất thị phần tại Mỹ vào tay Indonesia, Brazil. Vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động tìm thị trường thay thế, đảm bảo chất lượng để cạnh tranh ở các khu vực khác. Bà Liên nhận định.
Theo dữ liệu từ VPSA, trong tháng 3/2025, Việt Nam đã nhập khẩu gần 5.000 tấn hồ tiêu, với tổng giá trị gần 29 triệu USD. Việt Nam không chỉ tiêu thụ nguyên liệu trong nước mà còn nhập khẩu hạt tiêu từ nhiều quốc gia khác nhằm phục vụ cho việc chế biến và tái xuất khẩu. Trước đó, tháng 2/2025, Mỹ nhập 5.942 tấn hồ tiêu, giảm hơn 33% so với tháng 1, trong đó Việt Nam cung cấp 3.296 tấn (chiếm 60,9% thị phần), nhưng giảm 18,6% so với cùng kỳ.
Với sự biến động trong chính sách thuế quan của Mỹ, nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, chờ đợi kết quả đàm phán, đồng thời tính đến khả năng mở rộng sang các thị trường khác.
Thiên Minh