
Kinh nghiệm bảo vệ môi trường biển ở Israel
04/10/2021TN&MTBiển và đại dương đang bị ô nhiễm nghiêm trọng và nguồn ô nhiễm chủ yếu là từ đất liền với khoảng 80% tổng số ô nhiễm vào biển và đại dương. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường biển do các nguồn từ đất liền, các quốc gia và các tổ chức quốc tế đã xây dựng và thông qua nhiều cam kết quốc tế bắt buộc và không bắt buộc về mặt pháp lý ở toàn cầu và ở cấp khu vực.
Ảnh minh họa
Ở cấp độ toàn cầu, bên cạnh Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và một số điều ước quốc tế liên quan, một loạt các thỏa thuận quốc tế đã được thông qua, trong đó có nội dung về BVMT biển do các nguồn từ đất liền như Chương trình Nghị sự 21, Tuyên bố Washingon và Chương trình hành động toàn cầu về BVMT biển do các nguồn từ đất liền năm 1995 (GPA), Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, các quốc gia đã nỗ lực xây dựng và thông qua các cam kết quốc tế ở khu vực và triển khai thực hiện ở cấp độ quốc gia. Thông qua kinh nghiệm của Israel trong việc nỗ lực ở cấp quốc gia, hợp tác khu vực, toàn cầu về BVMT biển do các nguồn từ đất liền sẽ là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Vùng biển Israel nằm ở khu vực biển Địa Trung Hải, có các nguồn năng lượng tiềm năng to lớn và là nguồn chính để sản xuất nước cho tiêu dùng và chứa đựng các TNTN, di sản có giá trị. Tuy nhiên, các hoạt động phát triển kinh tế từ đất liền đã và đang đe doạ đến môi trường biển của nước này. Một loạt các giải pháp đồng bộ đã được Chính phủ Israel quan tâm.
Tham gia các cam kết toàn cầu
Mặc dù Israel chưa phải là thành viên của UNCLOS, tuy nhiên, Chính phủ Israel tham gia hầu hết các hội nghị, hội thảo quốc tế quan đến các nguồn từ đất liền và các cam kết quốc tế không bắt buộc liên quan đến các nguồn từ đất liền. Chính phủ Israel tham gia và thông qua Chương trình Nghị sự 21 và Chương trình Nghị sự 2030. Chính phủ Israel cũng tham dự và thông qua Tuyên bố Washington và GPA, đồng thời tham gia Hội nghị liên Chính phủ đánh giá việc thực hiện GPA và ra các tuyên bố vào năm 2001, 2007 và 2018.
Tham gia cam kết và hợp tác khu vực
Israel là một trong những quốc gia ở khu vực biển Địa Trung Hải, nơi được xem là khu vực đầu tiên xây dựng các khung khổ pháp lý ở khu vực để kiểm soát ô nhiễm môi trường biển do các nguồn từ đất liền. Công ước về BVMT biển và vùng ven biển Địa Trung Hải được ban hành năm 1995 (Công ước Barcelona) và có hiệu lực từ ngày 9/7/2004. Công ước này được sửa đổi từ Công ước bảo vệ biển Địa Trung Hải chống ô nhiễm thông qua năm 1976.
Bên cạnh nghĩa vụ chung trong BVMT biển, Công ước còn quy định riêng một điều về BVMT do các nguồn từ đất liền, theo đó các Bên ký kết sẽ thực hiện tất cả các biện pháp thích hợp để ngăn chặn, loại bỏ, chiến đấu và ở mức độ tối đa có thể loại bỏ ô nhiễm của vùng biển Địa Trung Hải, đưa ra và thực hiện các kế hoạch giảm và loại bỏ các chất độc hại, chất hữu cơ khó phân hủy và các chất tích lũy sinh học từ các nguồn từ đất liền.
Thực hiện nội dung của Công ước Barcelona, Nghị định thư về bảo vệ biển Địa Trung Hải chống ô nhiễm do LBS được thông qua năm 1996, trên cơ sở sửa đổi của Nghị định thư về BVMT biển do các nguồn từ đất liền năm 1980. Nghị định thư quy định danh mục các chất độc hại, các chất hữu cơ khó phân hủy và có khả năng tích lũy sinh học phải được loại bỏ từ yếu tố đầu vào từ các nguồn và hoạt động từ đất liền; các quốc gia thành viên phải tự mình và hợp tác để xây dựng và thực hiện các kế hoạch, chương trình, biện pháp hành động cụ thể để đạt được mục tiêu chung của khu vực.
Bên cạnh đó, các quốc gia trong khu vực còn xây dựng và thực hiện Chương trình hành động chiến lược nhằm giải quyết ô nhiễm do các nguồn từ đất liền ở khu vực Địa Trung Hải, theo đó xác định các loại mục tiêu ưu tiên của các chất và hoạt động gây ô nhiễm sẽ được các nước Địa Trung Hải loại bỏ hoặc kiểm soát theo thời gian biểu theo kế hoạch (2000 - 2025); Chương trình đánh giá và kiểm soát ô nhiễm biển ở Địa Trung Hải được xây dựng và thực hiện từ năm 1975 đến nay; Kế hoạch khu vực về giảm lượng BOD5 từ nước thải đô thị năm 2009; Kế hoạch khu vực về việc loại bỏ Aldrin, Chlordane, Dieldrin, Endrin, Heptachlor, Mirex và Toxaphene năm 2009; Kế hoạch khu vực về việc loại bỏ DDT năm 2009; Kế hoạch khu vực về quản lý rác biển ở Địa Trung Hải năm 2013.
Xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia (NPA) chống lại ô nhiễm môi trường từ đất liền.
Ở cấp quốc gia, Israel đã chuẩn bị NPA đầu tiên vào năm 2005, thông qua năm 2006 và cập nhật vào năm 2015. NPA xác định các nguyên nhân chính gây ra tình trạng xả rác và ô nhiễm biển trên bờ Israel và chỉ định các địa điểm bị ô nhiễm cần phục hồi. NPA cũng xác định các biện pháp được thực hiện để bảo vệ môi trường Địa Trung Hải, đồng thời thiết lập các ưu tiên và thời gian cụ thể.
Năm 2015, NPA đã bổ sung, xác định các vấn đề chính của ô nhiễm môi trường biển do các nguồn từ đất liền gồm rác biển; nước thoát mặt đô thị, nguồn nước ven biển; điểm nóng và khu vực nhạy cảm. NPA tập trung vào các phương pháp giám sát khác nhau, một số đã được chứng minh và một số thử nghiệm và đặt ra các mục tiêu dài hạn trong chế độ giám sát và truy cập công khai vào dữ liệu. NPA cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải kết hợp các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng địa phương trong các nỗ lực giám sát và làm sạch. Đồng thời, NPA đã xác định các mục tiêu và nội dung cụ thể để giải quyết các vấn đã được xác định, gồm: Kế hoạch hành động chi tiết để giảm thiểu ô nhiễm và chất thải trong các nguồn nước ven biển; kế hoạch hành động chi tiết để giảm thiểu ô nhiễm do thoát mặt đô thị; kế hoạch hành động chi tiết cho các điểm nóng/khu vực nhạy cảm.
Xây dựng và tổ chức thực thi văn bản quy phạm pháp luật
Hiếm có quốc gia nào như Israel thông qua một đạo luật riêng về ô nhiễm biển do các nguồn từ đất liền. Ngay từ năm 1988, Israel đã thông quan Luật Phòng chống ô nhiễm biển do các nguồn từ đất liền, trong đó quy định việc nghiêm cấm xả chất thải và nước thải ra biển trong mọi trường hợp khi có các biện pháp thay thế thích hợp cho môi trường thực tế và kinh tế để xử lý hoặc tái sử dụng trên đất liền.
Luật cũng ủy quyền cho một ủy ban liên bộ do Bộ BVMT chủ trì cấp giấy phép cho các cơ sở xả nước và nước thải ra biển khi không có giải pháp thay thế tốt hơn, như: Kết nối với hệ thống nước thải đô thị; tái chế các chất liệu; xử lý chất liệu tại nguồn,... Cơ sở được cấp giấy phép xả thải vẫn có nghĩa vụ phải xử lý nước thải, sử dụng công nghệ có sẵn tốt nhất trước khi xả nó ra môi trường.
HỒNG THU
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam