
Lào Cai: Khó khăn trong xử lý và tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao
11/10/2022TN&MTLào Cai là địa bàn có nhiều nhà máy phân bón, hoá chất và đã phát thải ra một lượng rất lớn tro xỉ, thạch cao hàng năm. Tuy nhiên vấn đề xử lý và tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn. Phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổ với ông Vũ Đình Thủy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai xung quanh vấn đề này.
Xin ông đánh giá về hiện trạng các bãi tro xỉ thải từ các nhà máy hóa chất, phân bón trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện nay?
Ông Vũ Đình Thủy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai
Hiện nay tro, xỉ, thạch cao phát sinh trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu các nhà máy sản xuất hóa chất (phốt pho vàng) và sản xuất phân bón tại KCN Tằng Loỏng. Cụ thể, đối với các nhà máy sản xuất phốt pho vàng (07 nhà máy), có tổng khối lượng xỉ lò điện phát sinh hàng năm là trên 700.000 tấn.
Nhà máy sản xuất phân bón Điamon phốt phát (DAP) số 2 của Công ty Cổ phần DAP số 2 – Vinachem, khối lượng phát sinh Gyps thải hàng tháng khoảng 30.000 tấn/tháng (trung bình 6 tháng đầu năm 2022). Tổng lượng Gyps còn tồn đến hiện tại: khoảng 2,6 triệu tấn. Tổng dung lượng bãi chứa Gyps 10,5 ha theo ĐTM là 3,8 triệu tấn, tương đương với 05 năm vận hành 100% công suất. Dung lượng đã sử dụng của bãi chứa đến nay khoảng 2,6 triệu tấn và sức chứa còn lại theo ĐTM khoảng 1,2 triệu tấn.
Dây truyền sản xuất phân lân giầu TSP 100.000 tấn/năm của Công ty TNHH MTV hóa chất Đức Giang Lào Cai đã thải ra một lượng lớn chất thải Gyps
Nhà máy sản xuất sản xuất Axit trích ly 100.000 tấn/năm và nhà máy sản xuất phân lân giầu TSP 100.000 tấn/năm của Công ty TNHH MTV hóa chất Đức Giang Lào Cai có tổng khối lượng phát sinh đến thời điểm hiện tại là 4.200.000 tấn. Tổng khối lượng đã tiêu thụ là 630.195,17 tấn (khoảng 15% so với khối lượng phát sinh). Tổng khối lượng còn tồn đến thời điểm hiện tại 3.569.804,83 tấn. Bãi chứa Gyps có diện thích 12,1 ha, chiều cao đắp trung bình 25,5 m. Bãi thải có đáy và thành bền vững, có đáy chống thấm bằng HDPE. Hiện tại lượng Gyps lưu chứa tại bãi thải khá cao chiếm khoảng 80 % diện tích bãi thải, diện tích còn khả năng lưu giữ là khoảng 20%.
Để giảm thiểu nguy cơ về sự cố môi trường từ các bãi tro xỉ, Lào Cai đã có giải pháp như thế nào?
Nhằm giảm thiểu nguy cơ về sự cố môi trường từ các bãi tro xỉ, thạch cao. Trong thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời rà soát lại các quy trình vận hành xử lý chất thải (nước thải, khí thải, chất thải rắn). Đặc biệt là việc giám sát, theo dõi thường xuyên an toàn các bãi lưu chứa chất thải Gyps để khắc phục các tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường và giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố (Văn bản 3494/UBND-KT ngày 01/8/2022 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý và bảo vệ môi trường tại KCN Tằng Loỏng).
Chủ động phối hợp với các sở, ngành có liên quan tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra khi có kiến nghị phản ánh của nhân dân qua đường dây nóng, qua các kênh thông tin báo chí về các vấn đề ô nhiễm môi trường. Qua các cuộc kiểm tra đã kịp thời phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp và yêu cầu các doanh nghiệp phải khắc phục.
Đồng thời với các hành vi vi phạm pháp luật, Sở Tài nguyên và Môi trường đã lập biên bản vi phạm hành chính và trình UBND tỉnh ban hành Quyết định xử phạt theo đúng quy định như: Xử phạt Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Tiến 350 triệu đồng với hành vi xả nước thải ra ngoài môi trường; xử phạt Công ty Cổ phần DAP số 2 – Vinachem 350 triệu đồng với hành vi để xảy ra sự cố môi trường gây táp lá cây trồng của các hộ dân thôn Phú Hà 1, xã Phú Nhuận và các khu vực lân cận.
Vấn đề xử lý, tiêu thụ, sử dụng tro xỉ, thạch cao từ các nhà máy phân bón, hóa chất theo chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ đã được Lào Cai thực hiện ra sao?
Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017; Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 26/3/2021 về việc đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo và yêu cầu các doanh nghiệp phải có các giải pháp quản lý và chủ động xử lý tro, xỉ lò điện, Gysp thải phát sinh.
Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, các doanh nghiệp phát sinh tro xỉ, Gysp thải đã chủ động nghiên cứu tìm các giải pháp xử lý nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Cơ bản, đến nay một số doanh nghiệp đã thực hiện việc chuyển giao tro xỉ, Gysp thải cho các đơn vị có nhu cầu, tái chế, tái sử dụng.
Cụ thể, đối với xỉ lò điện phát sinh từ quá trình sản xuất phốt pho vàng, năm 2020 đã chuyển giao với khối lượng khoảng 710.840 tấn và năm 2021 chuyển giao với khối lượng khoảng 776.913 tấn cho các doanh nghiệp có nhu cầu tái sử dụng làm phụ gia trong quá trình sản xuất vật liệu xây dựng. Cơ bản cho đến nay xỉ lò điện không còn tồn lưu, góp phần giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời tăng thêm nguồn thu cho doanh nghiệp để tái đầu tư, nâng cấp cải tạo môi trường và các mục đích khác.
Đối với Gysp thải, Công ty TNHH MTV Hóa chất Đức Giang Lào Cai đã đầu tư dây chuyền xử lý thạch cao với công suất 200.000 tấn/năm. Tính đến năm 2021, Công ty TNHH MTV Hóa chất Đức Giang Lào Cai đã chuyển giao khoảng 187.000 tấn cho một số doanh nghiệp làm phụ gia xi măng, vật liệu xây dựng. Ngoài ra, hiện nay Công ty chủ động phối hợp với Viện Vật liệu xây dựng tiến hành thử nghiệm gyps làm vật liệu san lấp.
Còn Công ty Cổ phần DAP số 2 – Vinachem trong thời gian qua, thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh, Công ty Cổ phần DAP số 2 Vinachem đã nghiên cứu xây dựng Đề án xử lý gysp thải. Tuy nhiên do giá thành cao khó cạnh tranh với nguồn nguyên liệu nhập khẩu, vì vậy đến thời điểm hiện nay, Gysp thải phát sinh chưa được chuyển giao dẫn đến bãi thải hiện đang quá tải, có khả năng dừng hoạt động.
Bãi thải Gyps của Công ty Cổ phần DAP số 2 – Vinachem
Đâu là những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý, tiêu thụ, sử dụng tro xỉ, thạch cao theo chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ, thưa ông?
Hiện nay, khó khăn vướng mắc của tỉnh Lào Cai trong việc thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tập trung chủ yếu liên quan đến việc xử lý Gysp thải. Mặc dù các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng đề án xử lý, tiêu thụ tìm hướng giải quyết việc tồn lưu Gyps tại bãi chứa bằng việc nghiên cứu sản xuất thạch cao hoặc chuyển giao cho các cơ sở có nhu cầu. Tuy nhiên hiệu quả không cao, mức tiêu thụ không đáng kể do giá thành sản xuất ra thạch cao tiêu thụ cao, khó cạnh tranh nguồn nhập khẩu. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn để xử lý sang các dạng vật liệu khác (vật liệu xây dựng, san lấp, ...) hiện tại chưa đầy đủ.
Vậy Lào Cai có những kiến nghị gì để xử lý và sử dụng hiệu quả nguồn tro xỉ, thạch cao từ các nhà máy hóa chất, phân bón trên địa bàn?
Để xử lý tro, xỉ, thạch cao từ các nhà máy sản xuất hóa chất, phân bón, theo Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 26/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ Đề nghị các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng; khoa học và Công nghệ sớm ban hành hướng dẫn về xử lý Gysp theo chức năng nhiệm vụ của các bộ/ngành tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 26/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cũng như địa phương triển khai thực hiện.
Trường hợp Gyps thải đáp ứng được các tiêu chuẩn xem xét cho phép sử dụng làm vật liệu san lấp sẽ giảm tải được việc lưu chứa tại các bãi chứa Gyps thải và giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường.
Xin cảm ơn ông!
Đỗ Hùng thực hiện