
Lào Cai: Xử lý nghiêm vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản
17/10/2022TN&MTThời gian qua, Lào Cai đã tăng cường công tác thanh tra, kiêm tra xử lý những tổ chức và cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản. Phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Đình Thủy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai xung quanh vấn đề này.
Xin ông đánh giá công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong thời gian qua?
Trong thời gian quan, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản luôn được Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo sát sao. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh Lào Cai thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn, thể hiện trên các mặt sau đây.
Ông Vũ Đình Thủy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai
Về công tác tham mưu, tuyên truyền, hướng dẫn, Sở thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh nghiêm chỉnh chấp hành các quy định trong hoạt động khoáng sản và bảo vệ môi trường. Qua đó đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành các quy định pháp luật của các đơn vị trong quá trình hoạt động. Nhìn chung việc chấp hành các quy định pháp luật về khai thác, chế biến khoáng sản của các đơn vị đã được chuyển biến rõ rệt, như có đầy đủ hồ sơ pháp lý về đất đai, môi trường, thiết kế và khai thác đúng phạm vi, ranh giới, công suất, thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước,...
Công tác thẩm định cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, đảm bảo đúng quy định, đúng thẩm quyền, phù hợp với quy hoạch. Khai thác gắn với chế biến sâu, sử dụng công nghệ tiên tiến, bảo đảm về môi trường và không cấp phép mới thăm dò, khai thác vàng sa khoáng.
Công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác được tăng cường. Tình trạng khai thác vàng trái phép tại một số khu vực có nhiều nguy cơ đã được chính quyền địa phương và Sở, ngành tổ chức truy quét.
Một mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai đang được khai thác
Đối với hoạt động khoáng sản, nhìn chung các đơn vị cơ bản đã chấp hành tương đối tốt các quy định pháp luật về khai thác, chế biến khoáng sản, như trước khi tổ chức khai thác đều được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư/đăng ký đầu tư; thẩm tra/thẩm định về thiết kế mỏ; Phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xác nhận cam kết bảo vệ môi trường; ký quỹ BVMT; thuê đất triển khai thực hiện dự án; được cấp giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép khai thác sử dụng nước mặt, bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ và tổ chức khai thác đúng vị trí, ranh giới được cấp giấy phép;...
Công tác chấp hành các nghĩa vụ tài chính của các đơn vị đã chấp hành tương đối đầy đủ, như đã nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất hàng năm, ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường và nộp các khoản thu đóng góp đảm bảo hạ tầng giao thông và môi trường trên địa bàn tỉnh,...
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm 2020 đến nay các đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản gặp rất nhiều khó khăn, các đơn vị khai thác, chế biến không đạt so với kế hoạch đề ra. Một số đơn vị khai thác quặng sắt, graphit phải tạm dừng hoạt động, các đơn vị khai thác đồng, Apatit sụt giảm sản lượng mạnh.
Tuy nhiên, về công tác quản lý cơ bản đã được thắt chặt, hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã đi vào nền nếp, chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan.
Bãi đổ thải của Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền, Lào Cai - Vimico
Hiện trạng các bãi thải đất, đá thải của hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh hiện nay ra sao và có nguy cơ gây ra sự cố hay không, thưa ông?
Thực hiện chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Lào Cai, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức cá nhân hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, rà soát các dự án phát sinh đất đá thải, bãi thải, hồ thải, đập chắn bãi thải.
Qua kiểm tra, quản lý cho thấy một số khu vực hồ thải quặng đuôi có khối lượng đổ thải lớn tiềm ẩn nguy cơ cao gây các sự cố môi trường như bãi thải sắt Ba Hòn, Làng Lếch, đồng Sin Quyền, Apatit,...
Trước thực trạng đó, trong thời gian qua UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều các giải pháp như yêu cầu các đơn vị thực hiện đổ thải theo đúng hồ sơ cấp phép, thường xuyên kiểm tra, trực giám sát theo dõi an toàn hồ đập bãi thải để kịp thời dự báo phát hiện sự cố có biện pháp ứng phó phòng ngừa tràn vỡ đập, hồ bãi thải. Chỉ đạo yêu cầu các tổ chức cá nhân thực hiện nghĩa vụ đóng cửa mỏ, hoàn nguyên môi trường đối với các khu vực, dự án đã hết hạn giấy phép khai thác. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường theo phương án cải tạo phục hồi môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động khoáng sản đã được Sở quan tâm ra sao?
Về công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đã được Sở tăng cường trong những năm qua. Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã nâng cao hơn trách nhiệm của các cấp chính quyền. UBND cấp huyện, UBND cấp xã đã có nhiều cố gắng thực hiện các biện pháp để tăng cường công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn. Các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, mặt trận tổ quốc đã thực hiện tuyên truyền, vận động nhân dân không tham gia khai thác, tàng trữ, mua bán, vận chuyển khoáng sản trái phép. Những hoạt động khoáng sản trái phép đã được phát hiện, ngăn chặn và xử lý dứt điểm.
Trong 03 năm gần đây đã tiến hành thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất đối với 65 tổ chức, cá nhân. Đã xử phạt vi phạm hành chính 34 tổ chức, cá nhân với số tiền trên 4 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2020, thực hiện kiểm tra đối với 06 đơn vị đang hoạt động khai thác khoáng sản đối với các loại hình khai thác cao lanh, fenspat, quặng sắt và chế biến phân lân nung chảy. Kết quả kiểm tra xử lý vi phạm về lĩnh vực khoáng sản, đất đai và tài nguyên nước trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản với tổng số tiền xử phạt 471,277,714 đồng.
Năm 2021, thực hiện kiểm tra đối với 14 tổ chức, nội dung về thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước với tổng số tiền xử phạt 2,056,773,108 đồng.
Quyết định số 1407/QĐ-XPVPHC ngày 20/6/2022 của UBND tỉnh Lào Cai xử phạt 300 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Tiến
Năm 2022 (đến tháng 9), kiểm tra đối với 45 đơn vị về Bảo vệ môi trường, đất đai, lắp trạm cân và camera giám sát trong hoạt động khoáng sản với tổng số tiền xử phạt: 1,503,069,000 đồng.
Đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản của các doanh nghiệp trong năm 2021 và năm 2022 đã được khắc phục hay chưa?
Về cơ bản các đơn vị vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tài nguyên nước, Khoáng sản, Môi trường đã thực hiện nộp phạt và khắc phục hậu quả, cụ thể như Công ty Cổ phần Tập đoàn hóa chất Đức Giang đã vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, đã được thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường phát hiện và ra quyết định xử phạt với số tiền là 80.000.000 đồng (Quyết định số 15/QĐ-XPVPHC ngày 24/5/2021) đơn vị đã thực hiện nộp phạt và khắc phục hậu quả.
Quyết định số 15/QĐ-XPVPHC ngày 24/5/2021 của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai xử phạt 80 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn hóa chất Đức Giang
Hay Công ty Cổ phần Nhẫn đã vi phạm hành chính trong lĩnh vực Môi trường, đã được thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường phát hiện và ra quyết định xử phạt với số tiền là 70.000.000 đồng (Quyết định số 22/QĐ-XPVPHC ngày 26/7/2021) đơn vị đã thực hiện nộp phạt và khắc phục hậu quả. Công ty Cổ phần Thủy điện Nậm Xây Nọi 2 đã vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tài nguyên nước, đã được thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường phát hiện và tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định xử phạt với số tiền là 120.000.000 đồng (Quyết định số 812/QĐ-XPVPHC ngày 20/4/2022) đơn vị đã thực hiện nộp phạt và khắc phục hậu quả.
Riêng đối với Công ty TNHH Thịnh Phú vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, đã được thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường phát hiện và tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định xử phạt với số tiền là 800.000.000 đồng (Quyết định số 96/QĐ-XPVPHC ngày 14/01/2022) đến nay đơn vị chưa thực hiện nộp phạt và khắc phục hậu quả. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đang đôn đốc việc nộp phạt và khắc hậu quả của đơn vị theo đúng quy định.
Xin cảm ơn ông!
Đỗ Hùng thực hiện