
Luật Đất đai năm 2024 đã mở rộng quyền tiếp cận thông tin đất đai của công dân
28/05/2024TN&MTỞ Việt Nam hiện nay, quyền tiếp cận thông tin được ghi nhận tại Điều 25, Hiến pháp năm 2013; Luật Tiếp cận thông tin năm 2016. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện quyền này chưa được bảo đảm ở một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực đất đai. Quyền tiếp cận thông tin trong lĩnh vực đất đai là quyền mà người sử dụng đất cần được tiếp cận nhằm bảo đảm các nhu cầu hợp pháp của mình và để thực hiện các quyền cơ bản khác của người sử dụng đất mà pháp luật ghi nhận.
Khắc phục những hạn chế về vấn đề này, Luật Đất đai năm 2024 đã sửa đổi nhiều nội dung cho phù hợp với thực tiễn, đồng thời giúp người dân được tiếp cận thông tin tốt hơn.
Việc thiếu minh bạch về thông tin đất đai khiến cơ hội tham nhũng gia tăng, làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực khiến công dân, các doanh nghiệp phải tăng chi phí nỗ lực tìm kiếm thông tin. Vì vậy, việc tìm hiểu các quy định của pháp luật về quyền tiếp cận thông tin đất đai cũng như trong quá trình triển khai thực hiện nhằm đưa ra một số giải pháp hoàn thiện chính sách, đảm bảo thực hiện tốt quyền tiếp cận thông tin đất đai nói chung và tiếp cận thông tin trong lập và thực hiện QH, KHSDĐ nói riêng.
Quyền tiếp cận thông tin là một trong các quyền cơ bản của con người, của công dân thuộc nhóm quyền dân sự - chính trị đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn Thế giới về nhân quyền của Liên Hợp quốc năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam là thành viên. Quyền tiếp cận thông tin tiếp tục được khẳng định trong nhiều điều ước quốc tế khác như Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng, Tuyên bố Rio về môi trường và phát triển, Công ước UNECE về tiếp cận thông tin môi trường.
Ở Việt Nam, quyền tiếp cận thông tin được quy định tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013, từ khoản 1 đến khoản 3 Điều 2 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 quy định: “Thông tin là tin, dữ liệu được chứa đựng trong văn bản, hồ sơ, tài liệu có sẵn, tồn tại dưới dạng bản viết, bản in, bản điện tử, tranh, ảnh, bản vẽ, băng, đĩa, bản ghi hình, ghi âm hoặc các dạng khác do cơ quan nhà nước tạo ra”; “thông tin do cơ quan nhà nước tạo ra là tin, dữ liệu được tạo ra trong quá trình cơ quan nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, được người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước đó ký, đóng dấu hoặc xác nhận bằng văn bản” và “tiếp cận thông tin là việc đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp thông tin”.
Theo nghĩa hẹp, quyền tiếp cận thông tin là quyền của mỗi cá nhân được phép đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép và chụp các tài liệu chứa thông tin do các cơ quan nhà nước nắm giữ. Ở phạm vi rộng hơn, quyền tiếp cận thông tin bao gồm quyền tự do ý kiến và thông tin qua việc tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền bá thông tin.
Điều 53, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Theo đó, Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm trong việc quản lý đất đai và thông tin đầy đủ, công khai, minh bạch về quản lý đất đai cho các chủ sở hữu khác (toàn dân). Quyền tiếp cận thông tin về đất đai được hiểu là quyền của mỗi cá nhân được tự do ý kiến và tự do thông tin về đất đai, cụ thể là đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp thông tin tài liệu về đất đai do Nhà nước quản lý và xây dựng. Thông tin về đất đai có thể phân loại thành hai nhóm chủ yếu: Nhóm thông tin trong việc quản lý đất đai bao gồm hệ thống các thông tin cơ bản về đất đai do Nhà nước lưu trữ và sử dụng trong quá trình quản lý đất đai; nhóm thông tin trong việc quy hoạch đất đai bao gồm hệ thống các thông tin liên quan đến quy hoạch phát triển đất đai, cơ sở hạ tầng, các tài nguyên và chính sách khác trên đất.
Nội dung của quyền tiếp cận thông tin về đất đai của người dân được thể hiện dưới hai góc độ: Nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin về đất đai một cách công khai, đầy đủ và minh bạch; Mọi công dân đều có quyền yêu cầu Nhà nước phải cung cấp các thông tin về đất đai theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Luật Đất đai năm 2024, Quyền của công dân đối với đất đai bao gồm: Tham gia xây dựng, góp ý, giám sát trong việc hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai; tham gia quản lý nhà nước, góp ý, thảo luận và kiến nghị, phản ánh với cơ quan nhà nước về công tác quản lý, SDĐ đai; quyền về bình đẳng, bình đẳng giới trong quản lý, SDĐ đai; tham gia đấu giá QSDĐ, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có SDĐ theo quy định của pháp luật; đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất không đấu giá QSDĐ, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có SDĐ theo quy định của pháp luật; nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, thuê QSDĐ; mua, bán, nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp là giá trị QSDĐ theo quy định của pháp luật.
Công dân được tiếp cận các thông tin đất đai sau đây: QH, KHSDĐ, các quy hoạch có liên quan đến SDĐ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt; kết quả thống kê, kiểm kê đất đai; giao đất, cho thuê đất; bảng giá đất đã được công bố; phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp đất đai; kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai, kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đất đai; thủ tục hành chính về đất đai; văn bản QPPL về đất đai; các thông tin đất đai khác theo quy định của pháp luật.
Việc tiếp cận thông tin đất đai thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về tiếp cận thông tin và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Về nghĩa vụ của công dân đối với đất đai, Luật Đất đai năm 2024 quy định: Chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đất đai; giữ gìn, bảo vệ và phát triển tài nguyên đất; tôn trọng QSDĐ của người SDĐ khác.
Đây là những quy định mới, chưa được ghi nhận trong Luật Đất đai năm 2013, điều này thể hiện sự tiến bộ của Luật Đất đai năm 2024. Với các quy định này đã giúp ghi nhận, xác định cụ thể được các quyền và nghĩa vụ của công dân liên quan đến đất đai, để từ đó giúp bảo vệ kịp thời, hiệu quả các quyền lợi chính đáng của công dân, cũng như đảm bảo công dân thực hiện, tuân thủ đúng các nghĩa vụ đặt ra liên quan đến đất đai.
ThS. BÙI QUANG HẬU
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 8 năm 2024