
Luật hóa quy định liên quan đến sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven biển
24/02/2023TN&MTĐất bãi bồi là đất hoang hóa, đất mới do phù sa bồi đắp lên. Đất bãi bồi ven sông ven biển thuộc địa phận xã, phường, thị trấn nào thì do Ủy ban nhân dân cấp xã đó quản lý.
Đất bãi bồi đã được luật hóa và đưa vào Luật đất đai 2003 nhưng việc quản lý chưa thật sự hiệu quả và chặt chẽ, còn nhiều vướng mắc. Luật đất đai 2013 đã có nhiều quy định khắc phục tình trạng này phân định rõ quyền quản lý, quyền sử dụng, quyền sở hữu đất bãi bồi. Cụ thể quy định tại điều 141 Luật đất đai 2013 và điều 48 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, Chương II thông tư 02/2015/TT-BTNMT. Còn Tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất luật hóa một số quy định liên quan đến chế độ sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven biển.
Cụ thể, tại Điều 184 của dự thảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất quy định về sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven biển như sau: Đất bãi bồi ven sông, ven biển bao gồm đất bãi sông, đất bãi nổi, cù lao trên sông, đất bãi bồi ven biển và đất bãi nổi, cù lao trên biển.
Đất bãi bồi ven sông, ven biển thuộc địa phận quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương nào thì do Ủy ban nhân dân cấp huyện đó quản lý.
Đất bãi bồi ven sông, ven biển được Nhà nước cho thuê đối với tổ chức kinh tế, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư.
Cá nhân đã được Nhà nước giao đất bãi bồi ven sông, ven biển trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành để sử dụng vào mục đích nông nghiệp thì được tiếp tục sử dụng trong thời hạn giao đất còn lại. Khi hết thời hạn giao đất, nếu có nhu cầu sử dụng đất, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và không vi phạm pháp luật về đất đai thì được Nhà nước xem xét cho thuê đất.
Dự thảo nêu rõ, Nhà nước có trách nhiệm lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để khai hoang đưa đất bãi bồi ven sông, ven biển vào sử dụng và có chính sách khuyến khích tổ chức kinh tế, cá nhân đầu tư đưa đất bãi bồi ven sông, ven biển vào sử dụng theo quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với quy định của pháp luật.
Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm điều tra, khảo sát, theo dõi, đánh giá quỹ đất bãi bồi ven sông, ven biển thường xuyên được bồi tụ hoặc thường bị sạt lở để có kế hoạch khai thác, sử dụng. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thuê đất bãi bồi ven sông, ven biển thường xuyên được bồi tụ hoặc thường bị sạt lở cho người có nhu cầu.
Việc sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven biển phải dựa trên nguyên tắc bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường.
Các địa phương có đất bãi bồi ven sông, ven biển thuộc trách nhiệm quản lý của địa phương, phải quản lý chặt chẽ, việc khai thác sử dụng phải được phép của cơ quan có thẩm quyền; kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Diệp Anh