
Nghệ An: Tăng cường quản lý đất đai
26/06/2022TN&MTTrong những năm qua, Nghệ An đã có nhiều giải pháp tăng cường quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai. Phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Ngọc, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Xin ông đánh giá công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong thời gian qua?
Ông Võ Văn Ngọc: Được sự quan tâm hướng dẫn, chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương cũng như Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong thời gian qua được tổ chức thực hiện tốt, ngày càng đi vào nề nếp, hiệu quả sử dụng đất ngày càng cao, sai phạm ngày càng ít.
Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 22/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Đất đai và chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Nghệ An đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm, mục đích, yêu cầu nhiệm vụ chủ yếu và giao trách nhiệm cụ thể cho các ngành, các cấp triển khai thực hiện.
Ông Võ Văn Ngọc, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An phát biểu tại cuộc làm việc của HĐND tỉnh Nghệ An về các Dự án chậm triển khai ở TP Vinh
UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai tuyên truyền phổ biến Luật đất đai năm 2013, các Nghi định, Thông tư hướng dẫn thi hành luật theo nhiều hình thức, cho nhiều đối tượng quản lý các cấp và các chủ sử dụng đất, các tầng lớp nhân dân. Kịp thời ban hành đầy đủ hệ thống các VB QPPL thi hành Luật Đất đai trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền để tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời xây dựng đề án “Nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2020” và tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất của tỉnh.
Trong thời gian qua, Nghệ An tập trung vào nội dung đổi mới của Luật Đất đai năm 2013 như: Lập Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; xác định giá đất; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; trình tự thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận và đẩy mạnh việc cấp Giấy chứng nhận lần đầu, cấp đổi Giấy chứng nhận QSD đất đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra. Đặc biệt kiểm tra, xử lý các dự án chậm tiến độ, thanh tra kiểm tra đất đai tại các địa phương và các tổ chức sử dụng đất. Đồng thời quản lý chặt đất của các Công ty nông – lâm nghiệp theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP...Do đó, quá trình thực hiện, các Sở, ngành, địa phương cơ bản không lúng túng, bị động khi thực hiện các quy định của pháp Luật đất đai mới.
Cùng với đó là tổ chức kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan quản lý đất đai ở các cấp, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm một số thủ tục không cần thiết trong quá trình thực hiện một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Phóng viên: Vậy đâu là những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Nghệ An, thưa ông?
Ông Võ Văn Ngọc: Việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất nhìn chung còn chậm. Công tác dự báo trong lập quy hoạch sử dụng đất còn chưa đầy đủ, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng đất, tỷ lệ dự án thực hiện sau khi phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn hạn chế.
Việc xác định vị trí, diện tích đất để thực hiện một số dự án nhà ở, thương mại, dịch vụ, sản xuất, kinh doanh chưa phù hợp với hạ tầng kỹ thuật, xã hội của địa phương, khu vực.
Nguồn lực về đất đai vẫn chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Khó khăn trong tiếp cận đất đai vẫn là một trong những rào cản để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra còn chậm, chưa theo kịp nhu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung, cho phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn nói riêng. Đặc biệt, đất đai manh mún đang là yếu tố cản trở người dân và doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào nông nghiệp.
Dự án Khu Resort Bắc đảo Lan Châu có diện tích hơn 9ha mặc dù đã được giao đất từ lâu nhưng chưa triển khai xây dựng tại phường Nghi Thủy, TX. Cửa Lò do Công ty cổ phần Golden City làm chủ đầu tư
Phóng viên: Theo ông đâu là nguyên nhân của những tồn tại, bất cập nêu trên?
Ông Võ Văn Ngọc: Hệ thống pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu đồng bộ và thống nhất, dẫn tới không rõ trách nhiệm quản lý, gây khó khăn cho tổ chức thực hiện.
Một số nội dung quy định của Luật đất đai chưa phù hợp với thực tiễn triển khai, nhất là có một số nội dung phát sinh mới trong thực tiễn nhưng pháp luật chưa có quy định điều chỉnh.
Việc tổ chức thi hành pháp luật còn hạn chế (nhất là ở cấp xã), mặc dù pháp luật đã có quy định nhưng không được tổ chức thực hiện hoặc thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ trong khi công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật chưa thường xuyên. Cùng với đó là vai trò của chính quyền cấp cơ sở trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn còn hạn chế.
Bộ máy tổ chức làm công tác quản lý nhà nước nhiều nơi chưa tương xứng với yêu cầu tổ chức triển khai thi hành pháp luật trên thực tế. Năng lực của một số cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu và lạc hậu, lực lượng cán bộ, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Trân trọng cảm ơn ông!
Đỗ Hùng thực hiện