
Ninh Bình: Tổ chức hội nghị tập huấn triển khai thi hành luật đất đai 2024
02/08/2024TN&MTSáng 1/8, UBND tỉnh Ninh Bình đã tổ chức hội nghị tập huấn bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, lãnh đạo, quản lý các cấp sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, các phòng ban chuyên môn; lãnh đạo UBND các xã, thị trấn và cán bộ địa chính xã về những điểm mới, nổi bật của Luật Đất đai năm 2024.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, Phạm Quang Ngọc phát biểu chỉ đạo
Về dự và chủ trì hội nghị có đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các Ban xây dựng Đảng của Tỉnh ủy, các Ban của HĐND tỉnh; Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, các phòng chuyên môn; lãnh đạo UBND các xã, thị trấn và cán bộ địa chính xã. Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có đồng chí Đoàn Thị Thanh Mỹ, Vụ trưởng Vụ Đất đai cùng đại diện một số Cục, Vụ liên quan.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) giới thiệu những nội dung cốt lõi và một số điểm mới, nổi bật của Luật Đất đai 2024. Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, Luật Đất đai năm 2024 là đạo luật quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước và giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ với nhiều quy định khác của pháp luật.
Luật Đất đai 2024 còn hướng đến mục đích hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai phù hợp với phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai và các vấn đề vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất; tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế. Đồng thời, đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh; thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai; phát huy dân chủ, hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai.
Đồng chí Đoàn Thị Thanh Mỹ giới thiệu những nội dung cốt lõi và một số điểm mới, nổi bật của Luật Đất đai 2024
Theo đó, Luật Đất đai 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 18/1/2024, có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. Luật gồm 16 Chương, 260 Điều; trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai 2013 và bổ sung mới 78 Điều, bao gồm các chính sách liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường hỗ trợ tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; mở rộng quyền sử dụng đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Luật Đất đai 2024 đã bỏ khung giá đất, quy định bảng giá đất được xây dựng hằng năm và bảng giá đất lần đầu được công bố và áp dụng từ ngày 1/1/2026; Luật quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của công dân, người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…
Luật Đất đai 2024 tăng 2 chương so với Luật Đất đai 2013, bổ sung 1 chương về phát triển quỹ đất; tách chương về thu hồi đất, trưng dụng đất và chương về bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thành chương riêng.
Các đại biểu tham gia hội nghị tập huấn triển khai thi hành luật đất đai 2024
Nhiều nội dung mới của Luật Đất đai 2024 mang tính đột phá quan trọng, góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất. Luật phân cấp mạnh cho chính quyền cấp huyện, nhất là trong công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; công tác định giá đất,… Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, HĐND, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và Nhân dân. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy sử dụng đất hợp lý, hiệu quả, bền vững,...
Sau khi nghe đại diện Vụ Đất đai giới thiệu những nội dung chính, cốt lõi và một số điểm mới, nổi bật của Luật Đất đai 2024 các đại biểu đã tham gia phát biểu thảo luận và đề nghị Bộ Tài Nguyên và Môi trường hướng dẫn, giải đáp những thắc mắc liên quan đến: Bồi thường giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, các trường hợp không phải đấu giá quyền sử dụng đất, không phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, đất xây dựng cơ sở y tế, cơ sở dịch vụ xã hội, xây dựng cơ sở giáo dục, đào tạo,...
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh, đất đai là lĩnh vực rất quan trọng, do đó người đứng đầu phải hiểu, phải quan tâm và trực tiếp chỉ đạo, không phó mặc cho cấp dưới, né tránh trách nhiệm. Vì vậy, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, quyền và trách nhiệm phải đi đôi với nhau, đặc biệt là lĩnh vực đất đai.
Về hiệu quả thực hiện của 3 lần triển khai Luật vào các năm 1993, 2003, 2013, sau 10 năm ban hành Luật Đất đai, Đảng, Nhà nước đều tiến hành tổng kết và điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn, với mục đích phát triển đất nước. Nên việc điều chỉnh, bổ sung là việc làm bình thường, phù hợp với từng giai đoạn, tính chất lịch sử cụ thể. Do vậy, chúng ta phải nắm được những thay đổi của Luật, để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Luật.
Để công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh tiếp tục được tăng cường, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng hướng dẫn tiếp tục quán triệt, triển khai, tập huấn Luật Đất đai 2024 và các nghị định có liên quan. Rà soát tất cả các quy định của Luật Đất đai; những nội dung liên quan đến thẩm quyền, ủy quyền để tham mưu cho các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.
Toàn cảnh hội nghị
Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình chủ trì xây dựng nội dung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về những nội dung cần tuyên truyền; tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với từng đối tượng tuyên truyền.
Đối với các huyện, thành phố cần tiếp tục tổ chức, quán triệt Luật Đất đai ở cấp huyện và cấp xã. Tổ chức các lớp tập huấn, quán triệt triển khai Luật tại địa phương phù hợp với từng đối tượng để sớm đưa Luật đi vào thực tế cuộc sống một cách thực chất, đạt hiệu quả.
Tập trung triển khai thực hiện Đề án tổng thể đo đạc, lập bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính theo Quyết định số 769/QĐ-UBND ngày 6/9/2022 của UBND tỉnh, phấn đấu sớm hoàn thành việc đo đạc lập, chỉnh lý bản đồ địa chính, hoàn thiện hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền, đổi thửa.
Kiều Vượng