
Phụ nữ hưởng lợi gì khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực?
23/07/2024TN&MTLuật Đất đai 2024 đã lồng ghép vấn đề cấm phân biệt giới để góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội, giúp cả hai giới đều có quyền được tiếp cận tốt hơn các chính sách đất đai, công bằng và bình đẳng trong quyền quản lý và sử dụng đất.
Hiện nay, thực trạng bất bình đẳng, phân biệt giới trong quản lý, sử dụng đất vẫn còn tồn tại như việc con gái lấy chồng không được chia đất, chỉ để lại nhà đất cho con trai để thờ cúng truyền nối, phân chia thừa kế không ngang bằng giữa con trai và con gái…
Việc bất bình đẳng giới là một trong những điều bị cấm tại Điều 26 Hiến pháp 2013. Theo khoản 3 Điều 26 Luật bình đẳng giới số 73/2006 về Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới quy định việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền.
Theo khoản 5 Điều 5 Luật bình đẳng giới 73/2006 chỉ rõ việc phân biệt đối xử giới là việc hạn chế, loại trừ hoặc không công nhận, không coi trọng vai trò và vị trí của nam và nữ, gây bất bình đẳng giới trong các lĩnh vực đời sống xã hội và gia đình.
Luật Đất đai 2024 đã lồng ghép vấn đề cấm phân biệt giới để góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội.
Theo đó, công dân nam, nữ phải được bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước phải có các chính sách nhằm bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới của người dân.
Đến nay, các văn bản luật khác về các lĩnh vực dân sự, hôn nhân, thừa kế… đều ít nhiều đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp đến các quy định về bình đẳng giới trong thực tiễn đời sống. Tuy nhiên, tới nay Luật Đất đai 2024 mới có quy định cụ thể về việc nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới trong quản lý và sử dụng đất.
Tại khoản 11 Điều 11 Luật Đất đai số 31/2024 quy định, một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai bao gồm “Cấm phân biệt đối xử về giới trong quản lý, sử dụng đất đai”.
Có thể thấy việc bình đẳng giới đã được quan tâm hơn khi đã có quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của phụ nữ với vai trò là người sử dụng đất.
Văn Thanh