
Quân đội với nhiệm vụ khắc phục hậu quả chất độc hoá học tồn lưu sau chiến tranh
19/03/2025TN&MTTrong lịch sử chiến tranh thế giới, việc sử dụng vũ khí hóa học đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với con người và môi trường. Sau khi chiến tranh kết thúc, việc xử lý hậu quả của các chất độc hóa học do chiến tranh để lại trở thành một thách thức đối với nhiều quốc gia. Đối với Việt Nam, chất độc hoá học tồn lưu sau chiến tranh để lại cho tới ngày nay không chỉ là nỗi đau về thể xác, tinh thần với những chiến sĩ tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, mà còn là sự tàn phá bởi chất độc hoá học/dioxin đối với môi trường tự nhiên.
Xử lý chất độc da cam/Dioxin tại sân bay Đà Nẵng
Lịch sử đau thương và trách nhiệm hiện tại
Việc sử dụng vũ khí hóa học trong chiến tranh đã gây ra những thiệt hại không chỉ trong thời gian ngắn mà còn kéo dài trong nhiều thập kỷ. Chất độc hóa học, đặc biệt là các hợp chất như dioxin trong chất da cam, đã gây ra những tác hại nghiêm trọng đối với con người và môi trường. Theo số liệu được công bố tại Hội thảo quốc tế lần thứ 2 về chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam và tác hại lâu dài của nó đối với thiên nhiên và con người (tại Thủ đô Hà Nội, từ ngày 15 - 18/11/1993) đã đánh giá, trong suốt thập niên 1960, quân đội Mỹ đã biến miền Nam Việt Nam thành một phòng thí nghiệm khổng lồ cho các loại vũ khí hoá học. Chỉ trong vòng 10 năm (1961-1971), quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải gần 80 triệu lít chất độc hoá học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366kg dioxin, 9000 tấn chất độc CS xuống miền Nam Việt Nam. Các hoá chất độc hại này gây ô nhiễm môi trường nặng nề trên diện tích 3,06 triệu héc-ta, tương đường với khoảng 25% diện tích miền Nam Việt Nam. Hậu quả của hành động này là vô cũng thảm khốc. Chất độc không chỉ làm cho 4,8 triệu người dân bị phơi nhiễm, gây ra những căn bệnh hiểm nghèo cho hàng triệu người Việt Nam; Mà còn làm hệ sinh thái bị đảo lộn, nhiều loài động vật và thực vật bị tiêu diệt. Tại các sân bay quân sự như: Đà Nẵng, Phù Cát, Biên Hoà, trước đây Mỹ sử dụng để lưu trữ, pha trộn các chất độc hoá học, cho nên nồng độ dioxin đến ngày nay vẫn còn rất cao, gấp hàng trăm lần tiêu chuẩn cho phép. Hội thảo quốc tế về chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đã khẳng định: “Chất độc da cam của Mỹ đã hủy diệt thiên nhiên cây cỏ; hủy diệt sức khỏe con người, gây nhiều bệnh tật nặng nề; gây nên những biến đổi gen di truyền qua mẹ hoặc bố, gây tai biến sinh sản, quái thai, dị dạng, dị tật của những đứa con sinh ra; gây các bệnh ung thư,...”. Vì vậy, công tác khắc phục hậu quả chất độc hoá học sau chiến tranh là vấn đề quan trọng, có ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Bộ Quốc phòng bàn giao đất đã xử lý tại Thừa Thiên Huế
Những nỗ lực tiên phong của quân đội
Nhận thức sâu sắc về hậu quả do chất độc hoá học sau chiến tranh để lại, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, bộ, ngành. Đặc biệt, ngày 14/5/2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 43-CT/TW “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Chỉ thị khẳng định: “Công tác khắc phục hậu quả chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khoẻ con người là vấn đề cấp bách và lâu dài, là trách nhiệm của cấp uỷ đảng, chính quyền, của cán bộ đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị”. Ngày 24/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hoá học sau chiến tranh (Ban chỉ đạo 701); Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực, trực tiếp tổ chức, phối hợp với các bộ, ban, ngành, trong đó có Bộ TN&MT khảo sát, thu gom và xử lý các chất độc còn tồn lưu. Ngày 28/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2215/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hoá học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030. Trong đó, Bộ Quốc phòng thực hiện vai trò của Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 701, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức trong nước, quốc tế có liên quan tổ chức thực hiện kế hoạch. Mục tiêu cụ thể kế hoạch xác định: “Đến năm 2025 kiểm soát được trên 85% nguy cơ phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin từ các điểm nóng, khu vực ô nhiễm, đến năm 2030 đạt 100% để không làm gia tăng nạn nhân ở các khu vực này”.
Quán triệt sâu sắc nhiệm vụ được giao, trong những năm qua, Bộ Quốc phòng đã tích cực tham mưu, đề xuất cho Đảng, Nhà nước; tổ chức thực hiện nhiều dự án điều tra, thu gom, xử lý chất độc hoá học tồn lưu sau chiến tranh trên địa bàn 34 tỉnh, thành phố (thuộc các Quân khu: 4, 5, 7, 9) với khoảng 455 tấn chất độc CS và vũ khí chứa chất độc CS. Tại các sân bay quân sự, Bộ Quốc phòng đã tiến hành xử lý, chôn lấp hàng trăm ngàn mét khối đất nhiễm chất độc da cam/dioxin như: Sân bay Đà Nẵng, Bộ Quốc phòng đã phối hợp cùng Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tiến hành tẩy độc các khu vực nhiễm chất độc da cam bằng công nghệ hấp phân huỷ nhiệt với kinh phí hơn 80 triệu USD; đến năm 2018, dự án đã xử lý triệt để 13,7 ha đất bàn giao cho địa phương. Sân bay Phù Cát (Bình Định), Quỹ Môi trường toàn cầu Quốc tế (GEF) đã hỗ trợ 5 triệu USD cho Việt Nam sử dụng công nghệ chôn lấp cô lập 7.500 m3 đất nhiễm độc. Tại sân bay Biên Hoà, Bộ Quốc phòng phối hợp cùng USAID, đến năm 2019 đã xử khoảng 500.000 m3. Sân bay A So, bằng phương pháp chôn lấp cô lập và phân huỷ sinh học, sau 3 năm (2020 - 2023) đã xử lý tổng cộng 38.718m3,…. Việc triển khai các dự án xử lý chất độc da cam/dioxin tại các sân bay khẳng định những nỗ lực của Bộ Quốc phòng trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh, góp phần tái tạo môi trường, bảo đảm an toàn cho sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân ở khu vực đất nhiễm độc.
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng đã tham mưu, đề xuất với Chính phủ về vấn đề hợp tác quốc tế trong khắc phục hậu quả chất độc hoá học sau chiến tranh đạt được những kết quả quan trọng như: USAID (Hoa Kỳ) ký thỏa thuận với Bộ Quốc phòng Việt Nam, cam kết tài trợ kinh phí thực hiện xử lý ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa với kinh phí hơn 390 triệu USD; Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường và Tập đoàn Shimizu (Nhật Bản) đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác thử nghiệm công nghệ xử lý dioxin. Công tác khắc phục hậu quả chất độc hoá học sau chiến tranh mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực.
Tuy nhiên, với khối lượng chất độc hoá học mà Mỹ rải xuống Việt Nam là rất lớn, khắc phục hậu quả chất độc hoá học tồn lưu sau chiến tranh của quân đội có ý nghĩa thiết thực, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững kinh tế, xã hội. Trong thời gian tới, để làm tốt công tác khắc phục hậu quả chất độc hoá học tồn lưu sau chiến tranh, Bộ Quốc phòng tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, cụ thể:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác giáo dục, nâng cao nhận thức trách nhiệm cho các cấp, ngành, từng cán bộ, chiến sĩ đối với nhiệm vụ khắc phục chất độc hoá học tồn lưu sau chiến tranh đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Bên cạnh đó, chú trọng sử dụng các phương tiện truyền thông trong nước, quốc tế, các chương trình tuyên truyền về thành tựu của quân đội trong xử lý chất độc hoá học.
Thứ hai, Bộ Quốc phòng phát huy tốt vai trò của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 trong chỉ đạo, phối hợp với các ban, ngành liên quan, đánh giá mức độ ảnh hưởng của chất độc hoá học đối với người dân, môi trường, nhất là các điểm nóng ô nhiễm để kịp thời tham mưu, xây dựng kế hoạch xử lý triệt để.
Thứ ba, bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho đội ngũ trực tiếp tham gia xử lý chất độc hoá học, trong đó nòng cốt là Binh chủng Hoá học. Nghiên cứu đầu tư trang thiết bị hiện đại kết hợp khai thác có hiệu quả trang, thiết bị sẵn có trong xử lý chất độc hoá học.
Quân đội với nhiệm vụ khắc phục chất độc hóa học sau chiến tranh không chỉ là một khía cạnh trong công tác bảo vệ Tổ quốc mà còn là một phần không thể thiếu trong việc bảo vệ, khôi phục môi trường, cải thiện cuộc sống của hàng triệu người dân. Những nỗ lực không ngừng của quân đội Việt Nam trong việc xử lý hậu quả chất độc tồn lưu sau chiến tranh đã mang lại hy vọng cho một tương lai sạch sẽ và an toàn hơn. Chỉ khi chúng ta cùng nhau chung tay, vượt qua những khó khăn thử thách, thì tương lai ấy mới thực sự trở thành hiện thực.
Đại uý PHẠM LÂM ĐỨC
Đại học Nguyễn Huệ
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 3 năm 2025