
Quản lý đất đai và cách mạng công nghiệp 4.0
13/08/2022TN&MTCông nghệ số không ngừng biến đổi và phát triển, đó là phương thức và công cụ để xây dựng một xã hội thịnh vượng, tuy nhiên cũng đặt ra không ít thách thức đòi hỏi ngành Quản lý đất đai cần có những định hướng cụ thể để hướng quản lý đất đai theo hướng hiện đại ứng dụng công nghệ và phát triển bền vững.
Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư là một xu thế lớn đang diễn ra trên toàn thế giới. Nhiều kết quả nghiên cứu trong nước và quốc tế đã dự báo việc tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
ảnh minh họa
Đất đai luôn là vấn đề nóng và là sự quan tâm của toàn xã hội vì vậy chính sách pháp luật đất đai luôn được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ của người dân và toàn xã hội. Nhu cầu phát triển hệ thống quản lý đất đai hiện đại nhằm tạo điều kiện cung cấp các thông tin về đất đai đáp ứng yêu cầu của đất nước trong thời kỳ công nghệ thông tin phát triển và cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là một cơ hội để ngành quản lý đất đai triển khai, nghiên cứu ứng dụng công nghệ 4.0 thực hiện các tác nghiệp kỹ thuật trong công tác quản lý, sử dụng đất kịp thời, đầy đủ, chính xác và có hiệu quả, đồng thời giải quyết được vấn đề cung cấp thông tin và chia sẻ dữ liệu từ địa phương với trung ương và ngược lại một cách nhanh chóng và đồng bộ, đồng thời làm tăng tính sáng tạo hiệu quả năng xuất lao động, ứng dụng công nghệ cách mạng 4.0 (công nghệ chuỗi khối) việc truyền tải thông tin không qua trung gian và lưu trữ dữ liệu lớn trong thu thập, phân tích dữ liệu sẽ hỗ trợ rất lớn trong việc ra quyết định, chính sách phù hợp; nghiên cứu mở dữ liệu cung cấp cho cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển các ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Nhận diện thực trạng
Hiện nay hạ tầng kỹ thuật để phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin chưa được đầu tư đồng bộ từ trung ương đến địa phương, các thiết bị được đầu tư từ khá sớm, tính đến thời điểm hiện tại đã lạc hậu và dần dần không đủ năng lực tính toán và lưu trữ, cộng với định hướng tập trung hoá hạ tầng tính toán, dùng chung các phần mềm nền tảng, hệ quản trị cơ sở dữ liệu. Tại một số Sở Tài nguyên và Môi trường đã có dịch vụ công trực tuyến cung cấp ở mức độ 3, mức độ 4, tuy nhiên vẫn còn hạn chế về số lượng hồ sơ nộp trực tuyến. Nguồn nhân lực mặc dù đã được đào tạo bổ sung khả năng ứng dụng công nghệ trong thực hiện nhiệm vụ tuy nhiên vẫn chưa đạt yêu cầu. Một trong số đó là:
+ Hệ thống thông tin đất đai và cơ sơ dữ liệu đất đai ở nước ta chưa được đầu tư đồng bộ nên việc lưu trữ dữ liệu hiện nay còn phân tán, chưa được quản lý, vận hành một cách hợp lý, dẫn tới hiệu quả khai thác và sử dụng những dữ liệu này cho công tác quản lý của Nhà nước còn nhiều hạn chế.
+ Cơ sở về dữ liệu địa chính, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất... chưa được đầu tư, việc đảm bảo dữ liệu cập nhật, chia sẻ dữ liệu cho các đối tượng cùng nhau khai thác sử dụng còn nhiều hạn chế và chưa quan tâm, chú trọng đã phần nào giảm tính hiệu quả.
+ Cơ sở dữ liệu đất đai được triển khai xây dựng tại địa phương chưa có sự chia sẻ, kết nối thông tin với các lĩnh vực khác và với cấp Trung ương.
+ Hồ sơ đất đai chủ yếu được quản lý, sử dụng ở dạng hồ sơ giấy, việc lưu trữ dữ liệu hiện nay còn phân tán, chưa được quản lý, vận hành một cách hợp lý, dẫn tới hiệu quả khai thác và sử dụng những dữ liệu này cho công tác quản lý của Nhà nước còn nhiều hạn chế.
Tính đến nay đã có 100% Văn phòng Đăng ký đất đai đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ địa chính, quản lý đất đai; đến nay tất cả 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai với hơn 42 triệu thửa đất, trong đó có 216/705 đơn vị hành chính cấp huyện đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính và đưa vào quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng [1].
Cơ sở dữ liệu đất đai được triển khai xây dựng tại địa phương chưa có sự chia sẻ, kết nối thông tin với các lĩnh vực khác và với cấp Trung ương. Nền tảng chia sẻ, tích hợp (LGSP - National. Goverment. Service Platform) chưa có, chưa đáp ứng được yêu cầu liên thông nghiệp vụ, dữ liệu trong Chính phủ điện tử nói chung và của lĩnh vực quản lý đất đai nói riêng.
Cần phát triển theo hướng hiện đại hóa
Đất đai- nguồn tài nguyên của quốc gia
Ngành Quản lý đất đai cần được phát triển theo hướng hiện đại hóa trên cơ sở xây dựng mô hình tổ chức tiến tiến và ứng dụng công nghệ hiện đại. Việc tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm ứng dụng những công nghệ khoa học - kỹ thuật tiên tiến trong công tác điều tra cơ bản về đất đai; lập và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; theo dõi, giám sát quản lý, sử dụng đất; đo đạc bản đồ địa chính, đăng ký đất đai; giá đất. Tất cả những hoạt động này thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin được gắn kết, tích hợp thành hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu, là nền tảng chia sẻ và trao đổi thông tin với các ngành và lĩnh vực có liên quan hỗ trợ phát triển chính phủ điện tử. Để đạt được điều đó, ngành Quản lý đất đai cần có những quan điểm phát triển cụ thể, trong đó phải kể đến:
*Tích cực chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là tất yếu khách quan và là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt và lâu dài của ngành. Cần phải đổi mới tư duy và phương thức làm việc trong công tác quản lý nhà nước, thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn theo hướng tiếp cận mở, luôn đổi mới và sáng tạo.
*Phát triển theo hướng hiện đại hoá trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại và xây dựng mô hình tổ chức tiến tiến. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ phải là một trong những đột phá chiến lược chính để phát triển ngành Quản lý đất đai. Mô hình tổ chức phải chuyển đổi phù hợp với 17 quy trình quản lý dựa trên ứng dụng công nghệ hiện đại.
* Việc xây dựng một hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lớn toàn diện về tài nguyên đất đai, cơ chế tổ chức để cá nhân có thể khai thác, tiếp cận, sử dụng và tham gia đóng góp một cách rộng rãi trên cơ sở công nghệ, khả năng kết nối, phân tích, xử lý chia sẻ của cách mạng công nghiệp 4.0 đồng thời đảm đáp ứng được việc cung cấp các thông tin kịp thời, chính xác phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
*Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, khung pháp lý nhằm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai trong thời đại công nghệ 4.0, ưu tiên cho việc xây dựng thử nghiệm các ứng dụng công nghệ và kiểm soát các hoạt động thử nghiệm.
*Lấy con người là trung tâm, là động lực và nhân tố quyết định việc tham gia của ngành vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việc đào tạo, đào tạo lại và phát triển đội ngũ cán bộ ngành Quản lý đất đai vừa có chuyên môn, nghiệp vụ cao vừa có đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần, thái độ phục vụ tốt đáp ứng được mọi nhu cầu của phát triển bền vững phải được coi là nhiệm vụ then chốt.
*Tự động hóa, tin học hoá toàn bộ hệ thống quản lý đất đai trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong xây dựng, quản lý, vận hành và sử dụng hệ thống tư liệu, hồ sơ đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai và các công cụ quản lý khác trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai.
* Nâng cao tính dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch, có sự tham gia tích cực của người dân trong xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật, trong quy trình xây dựng và ban hành các quyết định và trong việc kiểm tra, giám sát việc thi hành chính sách, pháp luật đất đai.
Để ngành quản lý đất đai phát triển trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 cần Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đất đai thống nhất, minh bạch tạo hành lang pháp lý đủ mạnh trong đó ưu tiên việc nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống chính sách, các quy trình, quy định kỹ thuật để quản lý sử dụng đất trong thời đại công nghệ số, nhằm kết nối, chia sẻ thông tin với các ngành khác đồng thời cung cấp dịch vụ các thông tin về đất đai cho các đối tượng sử dụng; Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai trong đó đến năm 2030, hoàn thiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia đa mục tiêu, ứng dụng các phần mềm lưu trữ và tìm kiếm thông minh, sử dụng điện toán đám mây để chia sẻ dữ liệu.
Tổ chức đào tạo, đào tạo lại về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý đất đai cho đội ngũ cán bộ viên chức và người lao động từ trung ương đến địa phương để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trong thời đại ứng dụng công nghệ 4.0.
Để thực hiện được những điều đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai cần nghiên cứu xây dựng và tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại để kết nối cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia với cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường, đảm bảo quản lý được toàn diện, thống nhất trong phạm vi cả nước./.
Nguyễn Thị Lan Anh
Viện Nghiên cứu Quản lý đất đai