
Tạp chí Tài nguyên và Môi trường Hành trình đầy khát vọng!
20/12/2023TN&MTTôi mong muốn chặng đường phía trước, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường luôn không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, thường xuyên có những bài viết phân tích sâu sắc, định hướng đúng đắn dư luận xã hội trước những vấn đề bức xúc mà dư luận quan tâm. Cung cấp kịp thời các thông tin tài nguyên, môi trường đất nước và quốc tế, góp phần đáp ứng nhu cầu tìm hiểu các thông tin về tài nguyên, môi trường tới mọi đối tượng bạn đọc trong nước và quốc tế, bảo đảm tính định hướng, chính thống, trung thực thông tin của ngành Tài nguyên và Môi trường. Phát hiện, tôn vinh kịp thời và nhân rộng các tập thể, cá nhân có cách làm hay, mô hình tốt về bảo vệ môi trường; chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân đến với những người làm công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường,… Đó là chia sẻ của Bà Lê Thị Tuyết - Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, nhân dịp Tạp chí Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập.
Phóng viên: Tạp chí TN&MT được thành lập đến nay đã tròn 20 năm. Bà là một trong những thế hệ lãnh đạo đầu tiên điều hành và xây dựng Tạp chí phát triển, nhân dịp này xin Bà chia sẻ đôi nét về công việc của Tạp chí thời ấy?
Bà Lê Thị Tuyết: Tạp chí TN&MT được thành lập ngày 13/10/2003, theo quyết định số 07/2003/QĐ-BTNMT của Bộ trưởng Bộ TN&MT. Tiền thân của Tạp chí TN&MT là Tạp chí Địa chính. Đây là tờ Tạp chí có chức năng thông tin, tuyên truyền về lý luận, chính trị, khoa học và nghiệp vụ của Tổng cục Địa chính, trong đó tập trung chủ yếu vào hai lĩnh vực là Quản lý đất đai và Đo đạc bản đồ.
Thời gian đầu Tạp chí TN&MT thành lập, TS. Lê Thế Tiến là Phó Tổng biên tập phụ trách, tôi là Phó Tổng biên tập. Đến năm 2005, tôi được bổ nhiệm làm Tổng biên tập Tạp chí. Thời điểm đó, Tạp chí chỉ có 9 nhân sự, ngoài lãnh đạo Tạp chí, tòa soạn có Ban biên tập và Ban trị sự; kinh phí hoạt động theo cơ chế bao cấp và rất hạn hẹp; Tạp chí phát hành mỗi tháng một số,… Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, lãnh đạo Tạp chí đã tập trung giải quyết thành công một số vấn đề căn bản như: Tập trung vào việc ổn định tổ chức, đoàn kết nội bộ, nâng cao vai trò của Chi bộ và các tổ chức đoàn thể trong tòa soạn, tạo sự nhất trí cao, sự đồng lòng trên dưới, tất cả vì mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ được lãnh đạo Bộ giao.
Để giải quyết vấn đề tổ chức, biên chế, lãnh đạo Tạp chí đã báo cáo với lãnh đạo Bộ về tình hình nhiệm vụ và xin được tuyển dụng nhân sự, phóng viên bổ sung cho Tòa soạn.
Để giải quyết yêu cầu về kinh phí, Tạp chí đề xuất xin tự chủ về tài chính theo đơn đặt hàng bài viết và Bộ cấp kinh phí cho Tạp chí. Nhờ đó, tòa soạn đã chủ động được về mặt kinh phí, đồng thời các vụ chức năng của Bộ cũng quản lý tốt việc sử dụng kinh phí của Tạp chí.
Việc thực hiện cơ chế tài chính mới, đã tạo điều kiện cho tòa soạn tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng các bài viết, nhất là các bài viết chuyên sâu có hàm lượng trí tuệ cao. Để tuyên truyền kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ TN&MT và các hoạt động của ngành TN&MT, Tạp chí đã tăng kỳ phát hành từ 1 kỳ/tháng lên 2 kỳ/tháng. Ngoài các số Tạp chí phát hành định kỳ, Tạp chí đã phối hợp với các đơn vị xuất bản các số chuyên đề về lĩnh vực đất đai, môi trường, biến đổi khí hậu,…
Phóng viên: Trong thực hiện nội dung, bạn đọc ngày ấy quan tâm chuyên mục nào nhất của Tạp chí, thưa Bà?
Bà Lê Thị Tuyết: Thực hiện phương châm “Hướng về địa phương cơ sở, người dân, doanh nghiệp” của lãnh đạo Bộ, Tạp chí xây dựng chuyên mục “Giải đáp chính sách pháp luật”, “Kinh nghiệm và Thực tiễn”,… vì lúc đó các chuyên mục này rất cần thiết cho cán bộ xã, huyện trong xử lý và giải quyết công việc ở cơ sở. Để có các bài có chất lượng cao, sát với thực tiễn, đáp ứng mọi đối tượng từ trung ương đến cơ sở, ngoài việc đặt bài các đồng chí lãnh đạo Bộ, chuyên gia, các viện nghiên cứu, trường đại học, tòa soạn còn đặt rất nhiều các bài từ địa phương, đơn vị, cơ sở.
Thời kỳ này, Tạp chí phát hành qua hệ thống bưu điện, số lượng phát hành về địa phương ngày càng tăng lên. Ngoài ra, Tạp chí còn phối hợp với một số Dự án về quản lý đất đai, môi trường, để thực hiện các số chuyên đề riêng và phát hành Tạp chí đến xã, huyện và trong vùng triển khai dự án,...
Ban Biên tập rất chú trọng đến trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền được Bộ giao. Điều đó được thể hiện rõ nét trong các bài viết, nhất là việc quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ trong triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2003, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản, công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo về lĩnh vực đất đai.
Phóng viên: Tuy đã nghỉ hưu nhưng vẫn luôn dõi theo những bước phát triển của Tạp chí, Bà nhận thấy Tạp chí có những đổi thay như thế nào trong bối cảnh mới?
Bà Lê Thị Tuyết: Mặc dù nghỉ hưu đã hơn 10 năm, nhưng tôi vẫn dõi theo những hoạt động nghiệp vụ chuyên môn ở Tạp chí, những công việc từng phóng viên, biên tập viên và luôn đọc các bài viết trên từng số Tạp chí. Tôi rất mừng và nhận thấy thế hệ đi sau luôn năng động, sáng tạo và tiếp cận nhanh các vấn đề/lĩnh vực của Ngành, với xu hướng báo chí hiện đại. Thời tôi làm, Tạp chí xuất bản báo giấy, nay đã có thêm Tạp chí điện tử và đội ngũ nhân lực đông hơn gấp 2 gấp 3 lần.
Chính sự ra đời của Tạp chí điện tử tạo thêm kênh truyền thông mới, cung cấp thông tin về ngành TN&MT một cách nhanh nhất; những bài báo khoa học có giá trị nghiên cứu và thực tiễn, mang tính định hướng, ứng dụng trong công tác quản lý, nghiên cứu ngành TN&MT được lan tỏa sâu rộng. Cùng với Tạp chí in, Tạp chí điện tử TN&MT thực sự là một tòa soạn hội tụ, một kênh thông tin lý luận, chính trị, khoa học, nghiệp vụ nhanh nhạy, hiệu quả, đa dạng về nội dung và hình thức, tiếp cận gần với độc giả hơn.
Điều tôi nhận thấy sự bền vững nhất là Tạp chí luôn giữ được vững tôn chỉ mục đích của tờ Tạp chí lý luận, chính trị, khoa học và nghiệp vụ của Bộ TN&MT. Song song với nhiệm vụ chính trị, Tạp chí còn tổ chức tốt các hội thảo, tọa đàm, sự kiện về an sinh xã hội có tính lan tỏa cao. Nhờ bảo đảm nội dung và tính khoa học của một ấn phẩm chuyên ngành, nên Tạp chí đã trụ vững trước những thử thách của cơ chế thị trường; luôn chủ động về tài chính, duy trì ổn định các hoạt động cũng như sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ thế hệ trẻ đang điều hành và làm việc tại Tạp chí.
Phóng viên: Là thế hệ đi trước, có nhiều cống hiến và kinh nghiệm, Bà có điều gì chia sẻ và mong muốn ở thế hệ các nhà báo trẻ và chặng đường tiếp theo của Tạp chí?
Bà Lê Thị Tuyết: Tôi mong muốn thế hệ tiếp nối tôi luôn kiên trì, vừa hiệu chỉnh và vừa thúc đẩy sự phát triển của Tạp chí theo con đường đã được xác lập qua 20 năm tồn tại, lấy việc vun đắp và khẳng định từng bước sứ mệnh và tính chất khoa học chuyên ngành TN&MT để đóng góp vào những nỗ lực thiết lập nền tảng vững chắc về lý luận, chính trị, khoa học và nghiệp vụ của Bộ TN&MT.
Nên chăng, Tạp chí duy trì, triển khai một cấu trúc nội dung bao gồm phần cứng thường trực và phần mềm cô đọng. Cần tăng cường chất lượng của các bài viết, là khoa học phải ra khoa học, là phóng sự phải ra phóng sự. Mục sở thị hơn cả là phải chuyên nghiệp hóa cách thức và hình thức trình bày các nội dung bài viết, chuyên nghiệp hóa hình ảnh minh họa. Một Tạp chí chuyên ngành, tồn tại lâu dài thì cần thiết phải định hình rõ diện mạo của mình.
Đứng trước yêu cầu nhiệm vụ mới, tôi mong muốn trong thời gian tiếp theo Tạp chí vẫn tiếp tục phát huy được lợi thế về tính chuyên ngành, chuyên sâu, tính chính thống từ vị thế của ngành TN&MT. Trong đó, Tòa soạn cần tiếp tục nâng cao chất lượng các ấn phẩm khoa học có tính lý luận sâu sắc gắn với những giá trị thực tiễn bổ ích, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành. Tạp chí cần không ngừng đổi mới nội dung, hình thức các ấn phẩm với nội dung ngày càng tốt hơn, hình thức ngày càng đẹp hơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của bạn đọc.
Cần chú ý tập trung phát triển Tạp chí Điện tử bảo đảm thông tin nhanh, hiệu quả; đẩy mạnh các hoạt động kinh tế báo chí thông qua tăng cường và phát triển các quan hệ hợp tác, liên kết giữa Tòa soạn với các đối tác.
Tập thể lãnh đạo và cán bộ phóng viên, biên tập viên của Tòa soạn tiếp tục phát huy những kinh nghiệm tốt, những cách làm hay, năng động sáng tạo và thống nhất đoàn kết để đưa Tạp chí TN&MT ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, chuyên nghiệp hơn.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Bà!
Hồng Minh (thực hiện)
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 17+18 (Kỳ 1+2 tháng 9) năm 2023