
Thanh Hóa: Bệnh viện nghìn tỷ của Tập đoàn Sao Mai nằm lì trên giấy nhiều năm.
12/03/2024TN&MTDự án Bệnh viện quốc tế Sao Mai có tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng do Công ty CP Tập đoàn Sao Mai (Tập đoàn Sao Mai) làm chủ đầu tư vẫn nằm lì trên giấy suốt 7 năm.
Bệnh viện nghìn tỷ "nằm lỳ" trên giấy
Ngày 27/4/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký Quyết định số 1375/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Bệnh viện quốc tế Sao Mai tại xã Xuân Thịnh và xã Thọ Dân huyện Triệu Sơn có tổng mức đầu tư khoảng 700 tỷ đồng.
Dự án có quy mô diện tích khoảng 3,44 ha, cao 18 tầng (diện tích xây dựng khoảng 5000 m2) bao gồm các hạng mục chính như: Sảnh chính bệnh viện (400 m2); khối khám và điều trị ngoại trú (1.700 m2); khối điều trị nội trú (27.000 m2); khối kỹ thuật nghiệp vụ (200 m2); khối hành chính quản lý (1.100 m2); khối phục vụ và hậu cần kỹ thuật (1.500 m2) và các công trình hạ tầng kỹ thuật, phụ trợ khác. Công suất thiết kế 500 giường bệnh.
Mô hình dự án bệnh viện
Theo thiết kế được phê duyệt Bệnh viện có các khoa: Sản – nhi, chấn thương – chỉnh hình, tim mạch, tiêu hóa, ung thư, thần kinh – phẫu thuật thần kinh, tiết niệu và khoa xét nghiệm huyết học. Tiến độ dự án được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 khởi công xây dựng từ Qúy I/2018 hoàn thành, đi vào hoạt động 300 giường bệnh vào Qúy IV/2021. Giai đoạn 2 khởi công xây dựng nốt 200 giường bệnh còn lại vào Qúy IV/2021 và hoàn thành đưa vào sử dụng Qúy IV/2024.
Sau gần 3 năm kể từ khi được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương dự án vẫn nằm lỳ trên giấy, tại vị trí đầu tư vẫn chỉ là bãi đất trống. Đến ngày 24/1/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 384/QĐ-UBND về việc cho phép điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án (lần 1) nâng vốn đầu tư dự án từ 700 tỷ lên khoảng 1.280 tỷ đồng.
Về quy mô dự án sau điều chỉnh tại Khoản 5, Điều 1, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư từ 18 tầng nổi lên 19 tầng (bao gồm 01 tầng hầm, 18 tầng nổi) với diện tích xây dựng 8.962 m2. Công suất từ 500 giường bệnh xuống còn khoảng 450 giường bệnh. Vốn đầu tư ban đầu đầu khoảng 700 tỷ đồng được điều chỉnh nâng lên khoảng 1.280 tỷ đồng. Đồng thời, điều chỉnh tiến độ dự án: Giai đoạn 1 khởi công xây đựng 300 giường bệnh bắt đầu từ Qúy I/2019 và hoàn thành, đi vào hoạt động Qúy IV/2021. Giai đoạn 2 khởi công xây dựng 150 giường bệnh Qúy IV/2021 và hoàn thanh, đi vào hoạt động Qúy IV/2024. Các nội dung khác giữ nguyên theo Quyết định số 1375/QĐ-UBND ngày 27/4/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.
Tập đoàn Sao Mai có trách nhiệm hoàn thành hồ sơ, thủ tục về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, sử dụng đất theo quy định. Trong thời gian 180 ngày kể từ ngày ký, nếu Công ty CP Tập đoàn Sao Mai không hoàn thành thủ tục về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, sử dụng đất theo quy định thì Quyết định 1375/QĐ-UBND và Quyết định điều chỉnh chủ trương số 384/QĐ-UBND (lần 1) không còn giá trị pháp lý, Công ty không được bồi thường, hỗ trợ bất kỳ khoản kinh phí đã đầu tư, chi phí liên quan dự án.
Đến ngày 14/9/2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa đã có Văn bản số 5411/SKHĐT-KTĐN về việc thông báo hết hiệu lực Quyết định Số 1375 /QĐ-UBND ngày 27/4/2017 về chấp thuận chủ trương dự án và Quyết định số 384/QĐ-UBND ngày 24/01/2019 về điều chỉnh chủ trương dự án và không được Chủ tịch UBND tỉnh gia hạn hiệu lực pháp lý của chủ trương đầu tư dự án tại Công văn số 10814/UBND-THKH ngày 10/8/2020.
Do đó, chủ trương đầu tư dự án Bệnh viện quốc tế Sao Mai tại xã Thọ Dân, huyện Triệu Sơn của Tập đoàn Sao Mai đã hết hiệu lực pháp lý theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 1375/QĐ-UBND ngày 27/4/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh và Điều 43 Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư. Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo để Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai và các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan được biết và phối hợp thực hiện.
Nhưng Tập đoàn Sao Mai lại được duyệt nhiều dự án lớn tại Thanh Hóa.
Mặc dù đến nay gần 7 năm dự án Bệnh viện quốc tế Sao Mai vẫn nằm lỳ trên giấy nhưng Tập đoàn Sao Mai vẫn liên tục được duyệt giao đất và khởi công nhiều dự án lớn tại Thanh Hóa.
Cụ thể, ngày 10/6/2022, tại xã Thọ Lâm (Thọ Xuân), Tập đoàn Sao Mai đã tổ chức lễ khởi công dự án Resort Sao Mai Thanh Hóa. Đây là dự án khu du lịch phức hợp “tâm linh - khám phá dã ngoại về nguồn” nhằm mục đích khai thác lợi thế, tiềm năng du lịch mà vùng đất này mang lại, đồng thời đáp ứng nhu cầu về lưu trú, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cho người dân trong nước và du khách quốc tế.
Dự án Resort Sao Mai Thanh Hóa được đầu tư xây dựng trên tổng diện tích gần 54 ha, với vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng, quy mô phục vụ 1.200 khách. Theo kế hoạch, Resort Sao Mai Thanh Hóa sẽ được triển khai xây dựng theo 2 giai đoạn bao gồm các hạng mục: Đồi Tịnh tâm, Đảo Ngọc, Đảo Kim cương, khu villa, Trung tâm tổ chức sự kiện, hệ thống nhạc nước, chuỗi Bungalow ngầm, Bungalow trong lòng núi, Bungalow nổi trên mặt hồ, khu tắm bùn – tắm khoáng,… Trong đó, Đảo Ngọc sẽ là khu vui chơi giải trí, hoàn toàn biệt lập với các khu chức năng khác.
Gần đây nhất, ngày 28/12/2023, Tập đoàn Sao Mai phối hợp với UBND huyện Triệu Sơn tổ chức Lễ khởi công dự án Khu đô thị mới Sao Mai xã Minh Sơn và thị trấn Triệu Sơn. Khu đô thị mới Sao Mai xã Minh Sơn và thị trấn Triệu Sơn nằm ở vị trí ngay trung tâm huyện Triệu Sơn, cách TP. Thanh Hóa 20 km được đầu tư xây dựng trên tổng diện tích 43,44 ha với tổng kinh phí đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Theo thiết kế, khu đô thị được bố trí gồm 1.313 lô nhà phố liên kế, gần 30 lô biệt thự, hơn 41 lô khu phố thương mại kết hợp nhà ở, quy mô dân số trên 10.000 người.
Trước đó năm 2016, Tập đoàn Sao Mai đã đầu tư Khu đô thị Sao Mai xã Xuân Thịnh & xã Thọ Dân, huyện Triệu Sơn với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 và giai đoạn 2 trị giá hơn 1.200 tỷ đồng, tổng diện tích 52ha.
Tiếp đó là chợ Sao Mai được quy hoạch sẽ trở thành trung tâm mua sắm sầm uất phục vụ cho nhu cầu giao thương hàng hóa của các cư dân lân cận kể cả khách du lịch quá cảnh sân bay Thọ Xuân. Tuy nhiên, đến nay Chợ Sao Mai cũng chỉ mới dừng trên giấy, vẫn chưa bù đắp được sự mong mỏi của người dân nơi đây, cũng như sự mong đợi từ phía các nhà đầu tư.
Để lãng phí nguồn tài nguyên và chạy theo lợi ích đã và đang làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, của chính quyền địa phương sở tại.
Kiều Vượng