
Thành phố Huế tích cực triển khai các hoạt động hướng tới mục tiêu đô thị thông minh về nhựa
15/11/2022TN&MTTại Thừa Thiên Huế, thời gian qua, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) đã tích cực phối hợp cùng UBND thành phố Huế triển khai các chương trình nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng trong việc giảm thiểu ô nhiễm nhựa trên địa bàn. Với Sáng kiến các Đô thị giảm nhựa của WWF- Việt Nam và việc phối hợp triển khai các chương trình, hành động phù hợp với địa bàn thành phố Huế trong thời gian vừa qua, hình ảnh của TP. Huế với các danh hiệu: “Thành phố bền vững môi trường Asean”; “Thành phố Xanh quốc gia” và đô thị Huế “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường” sẽ tiếp tục được phát huy trong mắt du khách và bạn bè quốc tế. Đồng thời, các chương trình này góp phần cải thiện điều kiện sống và làm việc của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đóng góp cho việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc và các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Với dân số chiếm phần lớn của tỉnh Thừa Thiên Huế và lượng rác thải mỗi ngày không dưới 500 tấn rác sinh hoạt nên vấn đề phân loại chất thải rắn đang là yêu cầu cấp bách được TP. Huế chú trọng và đẩy mạnh triển khai. Trong đó, Dự án (DA) "Huế - Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam" do Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF- Việt Nam) khởi động vào năm 2021 với mong muốn giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường tự nhiên vào năm 2024. Trên cơ sở đó, Dự án đã đồng hành với UBND TP. Huế triển khai chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nhằm giảm thiểu lượng rác thải phát sinh, tăng tỷ lệ tái chế, tiết kiệm tài nguyên và góp phần làm cho Huế xanh, sạch, đẹp hơn, góp phần thúc đẩy và phát triển nền kinh tế tuần hoàn.
Lãnh đạo tỉnh, Tp. Huế cùng thực hiện nghi thức khởi động chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Chương trình do
UBND TP. Huế phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF- Việt Nam) tổ chức
Thay đổi thói quen, nâng cao ý thức cộng đồng về giảm thiểu ô nhiễm nhựa từ nguồn
Chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn giai đoạn 1 trên địa bàn TP. Huế được thực hiện trên cơ sở thực trạng lượng rác thải đang gia tăng mỗi ngày, gây sức ép về môi trường và mỹ quan đô thị. Trong khuôn khổ dự án “Huế- Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam”, tổ chức WWF- Việt Nam đã tài trợ 156 bộ thùng lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt đã phân loại và được lắp đặt tại một số điểm công cộng. Ngoài ra, TP. Huế đã lắp đặt thêm 148 bộ thùng lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt đã phân loại tại các trụ sở cơ quan, ban ngành, trường học trên địa bàn.
Hiện nay, thành phố đã có gần 500 thùng phân loại chất thải rắn sinh hoạt được lắp đặt tại 156 điểm công cộng tại 23 phường xã trên địa bàn. Theo mục tiêu đặt ra, 13 phường xã còn lại của thành phố sẽ được tiếp tục triển khai và hoàn thành trong năm 2023.
Bộ thùng lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt đã phân loại được lắp đặt tại một số điểm công cộng và tại các trụ sở cơ quan, ban ngành, trường học trên địa bàn TP. Huế
Theo đó, chất thải rắn sinh hoạt được các hộ gia đình phân loại thành 3 nhóm chính, bao gồm: Nhóm chất thải nguy hại; Nhóm chất thải tái chế, tái sử dụng (rác thủy tinh và các loại rác tái chế còn lại) và Nhóm chất thải còn lại. Đối với nhóm chất thải nguy hại và nhóm chất thải tái chế, tái sử dụng, các hộ gia đình mang đến các điểm lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại ở 156 vị trí lắp đặt trên địa bàn và bỏ vào các thùng theo quy định. Cụ thể thùng màu cam - chứa chất thải nguy hại, thùng màu xám - chứa rác thuỷ tinh, thùng màu trắng- chứa rác tái chế, tái sử dụng.
Rác nguy hại được Công ty Môi trường và Công trình Đô thị Huế (HEPCO) thu gom và vận chuyển bằng xe chuyên dụng theo tần suất tối thiểu 6 tháng/lần và đột xuất theo khối lượng thực tế; rác tái chế thủy tinh và rác tái chế, tái sử dụng được HEPCO thu gom và vận chuyển đến nơi xử lý theo tần suất tối thiểu 1 tuần/lần. Đối với nhóm chất thải còn lại (gồm chất thải rắn hữu cơ và các loại khác) vẫn được thu gom theo thường lệ.
Các hoạt động được triển khai nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; giúp các tổ chức, cá nhân từng bước hình thành thói quen phân loại rác thải tại nguồn; tăng cường hiệu quả các giải pháp nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa và quản lý rác thải nhựa. Đồng thời hướng dẫn tổ chức, cá nhân cách thức phân loại, lưu giữ và giao chất thải thu gom đúng quy định,... Trong đó, chất thải sinh hoạt phải được phân loại ngay từ nguồn nhằm tăng cường tái chế, tái sử dụng, giảm nguy cơ phát tán chất thải nguy hại ra môi trường; nâng cao hiệu quả hệ thống quản lý Nhà nước về quản lý chất thải sinh hoạt cũng như góp phần bảo vệ môi trường sống.
Các cấp chính quyền và người dân cùng chung tay hành động
Để chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đi vào thực tiễn, Dự án “Huế - Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” đã cùng phối hợp với UBND TP. Huế tổ chức lớp tập huấn cho các cán bộ nòng cốt tại các phường, xã hướng dẫn cách thức phân loại rác tại nguồn và truyền thông về phân loại rác thải và giảm thiểu rác thải nhựa. Thông qua các buổi sinh hoạt, tập huấn phân loại chất thải rắn sinh hoạt do phường, xã tổ chức, người dân sẽ ý thức được những tác hại về môi trường, tốn kém chi phí thu gom cũng như những lợi ích của việc tái chế rác thải nhựa nên chị đã hướng dẫn các thành viên trong gia đình tự phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nhà.
Chương trình được nhân rộng trên địa bàn TP. Huế
Cùng với đó, vừa qua các ban ngành, đoàn thể phường Đông Ba đã tổ chức hoạt động “Đổi rác lấy quà” nhằm vận động và nâng cao ý thức của người dân thông qua hoạt động phân loại rác. Chỉ sau 1 tiếng đồng hồ triển khai hoạt động này, kết quả thu gom được gần 70kg giấy, 16kg nhựa, 2 kg sắt và hàng ngàn vỏ lon các loại.
Người dân tham gia ngày hội đổi rác lấy quà
Theo lãnh đạo UBND phường Đông Ba, hoạt động trên nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của rác thải nhựa, tuyên truyền hướng dẫn người dân thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa một lần, thay vào đó là các sản phẩm thân thiện với môi trường, đồng thời hướng dẫn cách thức phân loại - lưu chứa - xả thải chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, điểm đặt thùng thu gom chất thải tái chế tái sử dụng và nguy hại trên địa bàn thành phố.
Tại các địa phương trên địa bàn TP. Huế, như An Đông, Xuân Phú, Vỹ Dạ, Thuỷ Xuân…, các thùng lưu chứa rác đã được phân bổ về, những lớp tập huấn hướng dẫn chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được tổ chức cho các ban ngành, đoàn thể, từ đó đưa các nội dung này đến từng tổ dân phố, người dân để triển khai thực, các phong trào “5 không 3 sạch”, “Đổi rác lấy quà”, “Thu gom rác thải nhựa tạo quỹ nhân ái”… tiếp tục được tổ chức nhằm thực hiện mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường.
Theo ông Trần Song- Phó Chủ tịch UBND TP. Huế, để chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố triển khai khai đồng bộ, có hiệu quả, đạt được các mục tiêu đề ra, thành phố đề nghị các cơ quan, tổ chức, các hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn cùng chung tay thực hiện công tác phân loại rác thải ngay từ nguồn thải để góp phần bảo vệ môi trường, tăng cường tái chế, tái sử dụng, giảm nguy cơ phát tán chất thải nguy hại ra môi trường. Song song với đó là phát huy Đề án ngày “Chủ Nhật xanh” để Huế luôn xanh- sạch -sáng - thông minh - thân thiện với môi trường, gắn với lợi ích bền vững của cộng đồng.
Thu Loan