
Trung tâm Dữ liệu vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Hướng tới “Đồng bằng thông minh”
05/03/2025TN&MTSau 2 năm khởi công xây dựng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây đã tổ chức lễ khánh thành Trung tâm dữ liệu vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Trung tâm) tại TP. Cần Thơ. Trung tâm có khả năng tích hợp dữ liệu đa ngành (tài nguyên, môi trường, nông nghiệp, kinh tế, xã hội), từng bước chuẩn hóa, khắc phục tình trạng thiếu hụt cơ sở dữ liệu, đồng bộ hóa các tài liệu thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; phục vụ phân tích, đánh giá và hỗ trợ ra quyết định về phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Khắc phục tình trạng thiếu hụt dữ liệu
Từ Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, Bộ TN&MT được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng để triển khai Nghị quyết từng bước phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, tư duy và hành động của các cấp, ngành, địa phương vùng ĐBSCL và được người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia hưởng ứng, đồng thời, huy động được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển. Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL” (ICRSL) đã được hình thành trong bối cảnh đó với các hợp phần là các Tiểu dự án triển khai trên địa bàn 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Theo đó, nhu cầu về một trung tâm dữ liệu với thông tin đồng bộ, hiện đại, có thể cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho việc hoạch định chính sách phát triển theo phương châm “Thuận thiên” là vấn đề cấp bách trong thời gian qua. Trung tâm dữ liệu ra đời nhằm phục vụ người dân có được thông tin để chủ động trong sản xuất nhằm tăng năng suất cây trồng, cung cấp thông tin kịp thời và chính xác giúp nhà khoa học có thể đưa ra các giải pháp, cải tiến kỹ thuật nhằm phát triển nông nghiệp thích ứng với BĐKH, nước biển dâng, hữu ích đối với nhu cầu phát triển KT-XH của vùng ĐBSCL.
Trung tâm Dữ liệu vùng ĐBSCL được xây dựng với hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung trên nền tảng công nghệ hiện đại để tích hợp chia sẻ dữ liệu liên ngành của vùng ĐBSCL và hướng tới mục tiêu đưa ĐBSCL thành “đồng bằng thông minh” trong tương lai.
Hệ thống thông tin của Trung tâm (Mekong Delta Center - MKDC) là một trong nhiều hệ thống trực thuộc nhóm ứng dụng chuyên ngành đặc thù, hỗ trợ công tác chuyên môn trong lĩnh vực chuyên ngành về TN&TM; đồng thời, đóng vai trò trong việc kết nối, liên thông đối với các hệ thống thông tin (HTTT) khác. Kiến trúc thông tin của MKDC được xây dựng nhằm tạo một mô hình thống nhất mang tính định hướng cho các đơn vị cấp vùng, hướng tới tăng cường khả năng kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ, kế thừa sử dụng lại thông tin, cơ sở hạ tầng thông tin của các hệ thống thông tin đã và đang triển khai; tăng cường khả năng giám sát, đánh giá đầu tư; bảo đảm việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đồng bộ, hạn chế trùng lặp, tiết kiệm chi phí, thời gian triển khai và nâng cao tính linh hoạt khi xây dựng, triển khai các thành phần, hệ thống thông tin theo điều kiện thực tế.
MKDC được xây dựng làm cơ sở cho việc triển khai các hoạt động CNTT trong vùng ĐBSCL về Chính phủ điện tử và Chương trình Quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Phù hợp với khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 3.0, hướng tới Chính phủ số và tuân thủ định hướng phát triển kiến trúc Chính phủ điện tử ngành TN&MT. Thông qua nền tảng xác thực và định danh tập trung MKDG-SSO dựa trên giải pháp mã nguồn mở WSO2 cho phép hệ thống quản lý, cấp phát, phân quyền người sử dụng trên toàn bộ hệ thống với cơ chế đăng nhập 1 lần và có thể truy cập toàn bộ hoặc một phần các ứng dụng của hệ thống theo phân quyền.
Đối với HTTT của các bộ, ban, ngành khác, dữ liệu số được trao đổi qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; hệ thống thông tin của MKDC tích hợp qua trục chia sẻ và tích hợp với dữ liệu của Bộ TN& MT.
Đối với HTTT cấp tỉnh gồm: Sở TN&MT và các sở, ban ngành khác của 13 tỉnh/thành phố thuộc vùng ĐBSCL, việc khai thác, chia sẻ dữ liệu đều thông qua trục LGSP MONRE.
Đối với các đơn vị chuyên ngành như: Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam; Cục Quản lý Tài nguyên nước;... dữ liệu vùng ĐBSCL số được chia sẻ, đăng tải lên trục LGSP MONRE để các trung tâm vùng có thể tích hợp và xử lý.
Trung tâm tích hợp dữ liệu đa ngành, đa lĩnh vực
Giai đoạn 2016 - 2021 và 2021 - 2025, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng được Bộ TN&MT giao làm chủ đầu tư 04 tiểu dự án 1, 2, 3, 4 thuộc Hợp phần I, Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL” từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Trong đó, tiểu dự án 1 “Đầu tư nâng cấp và hoàn thiện hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước mặt tại ĐBSCL”; tiểu dự án 2 “Nâng cấp, xây dựng mạng quan trắc nước dưới đất đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện BĐKH”; tiểu dự án 3 “Xây dựng Hệ thống giám sát biến động bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL bằng công nghệ viễn thám” và tiểu dự án 4 “Đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu vùng ĐBSCL tích hợp dữ liệu TN&MT của khu vực phục vụ phân tích, đánh giá và hỗ trợ ra quyết định về phát triển bền vững trong điều kiện BĐKH”.
Hiện nay, 4 tiểu dự án thuộc hợp phần I đã hoàn thành góp phần cung cấp dữ liệu trực tuyến trong việc quản lý nước mặt, nước dưới đất, viễn thám và đặc biệt là xây dựng xong Trung tâm dữ liệu vùng ĐBSCL phục vụ cung cấp dữ liệu, hỗ trợ ra quyết định. Đây là tiểu dự án quan trọng nhất trong Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL”. Hiện tại, BĐKH là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Việt Nam là một trong số các quốc gia hàng đầu sẽ phải đối mặt với sự BĐKH, trong đó vùng ĐBSCL, nơi sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất của BĐKH. Vì vậy, việc xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu đa ngành, đa lĩnh vực, thiết kế, tạo lập cơ sở dữ liệu và xây dựng các công cụ phần mềm xử lý, hỗ trợ ra quyết định là rất cần thiết và sẽ hỗ trợ xử lý kịp thời được các vấn đề trong bối cảnh BĐKH ngày càng nghiêm trọng tại khu vực.
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành Trung tâm, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng (Bộ TN&MT), sự vào cuộc quyết liệt của nhà thầu, đơn vị tư vấn, các chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là sự giúp đỡ của các bộ, ngành liên quan và sự phối hợp của UBND TP. Cần Thơ. Việc phát huy hiệu quả của nguồn vốn đầu tư cho hợp phần này sẽ mang lại hiệu quả vô cùng to lớn cho tất cả các ngành, các cấp trong quá trình hoạch định, xây dựng chính sách, quy hoạch,... từ dự án nhỏ đến các dự án có tính chất liên tỉnh, liên vùng. Chúng ta đã có dữ liệu này, làm sao dữ liệu đó phải luôn luôn là dữ liệu sống, được bổ sung đầy đủ. Sau này có điều kiện sẽ làm dầy, để làm sao số liệu đầu vào phải chính xác và được bổ sung liên tục. Từ đó, chúng ta sẽ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, kể cả trí tuệ nhân tạo (AI).
Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho biết, chưa kỳ vọng giai đoạn này Trung tâm Dữ liệu ĐBSCL như chìa khoá vạn năng, có thể giải quyết tất cả những khó khăn, vướng mắc, nhưng sẽ giải quyết được cơ bản. Mục tiêu Trung tâm phải sống và sống khỏe bằng năng lực, bằng dữ liệu đã thu thập được, bằng khả năng cung cấp dịch vụ cho khu vực Nhà nước và cả khu vực tư nhân. Để làm sao chúng ta tiết kiệm thời gian nhất, tiết kiệm chi phí nhất, nhưng lại có tư vấn chính xác nhất cho việc hoạch định, quyết định các công việc liên quan đến phát triển KT-XH của trung ương và địa phương.
HÀ ANH
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 24 (Kỳ 2 tháng 12) năm 2024