
Trưởng thôn thu về 300 triệu đồng nhờ chuyển đổi cây trồng hiệu quả
01/07/2025TN&MTTrong khi nhiều địa phương ở miền núi Thanh Hóa vẫn loay hoay với bài toán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thì tại xã Cẩm Thạch (mới), một số hộ dân đã mạnh dạn đi trước bằng việc tích tụ đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững. Mô hình trồng cam sạch của ông Đinh Văn Bê, một người dân thôn Phâng Khánh, đang trở thành điểm sáng khi cho thu nhập lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi vụ, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Từ cây truyền thống kém hiệu quả đến quyết định chuyển hướng
Xã Cẩm Thạch là địa bàn trung du miền núi, lâu nay vốn quen với các loại cây trồng truyền thống như keo, luồng, tre nứa. Tuy nhiên, sự bấp bênh của thị trường, giá cả thấp và chi phí nhân công cao đã khiến nhiều hộ dân rơi vào cảnh “làm nhiều mà không có dư”. Trồng luồng – loại cây từng là chủ lực tại Cẩm Thạch – nay không còn mang lại hiệu quả như trước. Giá luồng xuống thấp, tiêu thụ chậm, trong khi chi phí chăm sóc, vận chuyển lại không hề nhỏ. Tình trạng “trồng cho có” diễn ra phổ biến, khiến diện tích đất sản xuất bị bỏ hoang hoặc sử dụng không hiệu quả.
Trước thực trạng đó, một số hộ dân đã bắt đầu suy nghĩ lại về hướng đi lâu dài trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, ông Đinh Văn Bê – Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phâng Khánh – là một trong những người tiên phong thay đổi. Với mong muốn tạo ra giá trị thực sự trên chính mảnh đất quê hương, ông Bê đã mạnh dạn tìm hiểu mô hình canh tác hữu cơ, lựa chọn cây ăn quả phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng để thay thế cây luồng.
Vườn cam rộng 3,5 ha được trồng trên đất đồi trung du, tận dụng hiệu quả quỹ đất bỏ hoang sau khi chuyển đổi từ trồng luồng
Từ năm 2021, ông bắt đầu vận động các hộ dân trong thôn cho thuê đất hoặc góp đất sản xuất, hình thành khu tích tụ hơn 3,5 ha. Đây là bước ngoặt quan trọng, bởi hầu hết đất sản xuất tại địa phương vẫn còn chia nhỏ theo từng hộ, rất khó áp dụng cơ giới hóa hoặc kỹ thuật canh tác hiện đại.
Không chọn hướng đi an toàn như một số hộ khác trồng chuối, bưởi hay rau màu, ông Bê quyết định đầu tư cam Canh và cam Cao Phong – hai giống cây ăn quả được thị trường ưa chuộng, có khả năng thích nghi tốt với đất đồi trung du. Ông trực tiếp liên hệ với Học viện Nông nghiệp Việt Nam để mua giống chuẩn, đồng thời theo học các lớp tập huấn về canh tác hữu cơ, xử lý đất, quản lý sâu bệnh không hóa chất.
Vườn cam của ông hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu độc hại. Thay vào đó, ông dùng phân chuồng hoai mục, phân vi sinh và thuốc sinh học tự chế từ tỏi, gừng, ớt ngâm rượu để phòng trừ sâu bệnh. Cỏ trong vườn không phun thuốc mà được phát thủ công hoặc để cỏ tự hủy sinh học để giữ ẩm và cân bằng hệ sinh thái.
Ông Đinh Văn Bê, người tiên phong tích tụ đất đai và chuyển đổi cây trồng cam tại thôn Phâng Khánh, xã Cẩm Thạch
Phương pháp này giúp đất tơi xốp, giữ ẩm tốt, cây sinh trưởng đều và ít sâu bệnh. Sau hơn hai năm chăm sóc, vườn cam bắt đầu cho thu hoạch vụ đầu tiên vào cuối năm 2023. Kết quả vượt xa mong đợi: cam Canh bán với giá 28.000 đồng/kg, cam Cao Phong 15.000 đồng/kg, sản lượng ước tính hơn 12 tấn quả, đem lại thu nhập khoảng 300 triệu đồng.
“Hồi trước trồng luồng mỗi năm bán được vài chục triệu, nhưng công sức bỏ ra nhiều, vận chuyển vất vả. Giờ trồng cam, vừa nhẹ nhàng hơn, lại bán được giá. Hơn nữa, cây cam hợp khí hậu, không cần nhiều nước tưới, phù hợp với đất đồi như ở đây,” ông Bê chia sẻ.
Từ mô hình cá nhân đến hiệu ứng cộng đồng
Thành công từ vườn cam của ông Bê không chỉ dừng lại ở hiệu quả kinh tế. Quan trọng hơn, nó khơi dậy tư duy mới trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Từ mô hình ban đầu, nhiều hộ dân trong thôn Phâng Khánh và một số khu vực lân cận đã bắt đầu tìm hiểu, học tập kinh nghiệm. Một số gia đình trẻ mạnh dạn thuê đất, lập vườn theo hướng hữu cơ, trồng bưởi da xanh, chuối tây, dứa và mở rộng diện tích cây ăn quả.
Người dân ưu tiên dùng phân hữu cơ, vi sinh để giữ độ phì cho đất và đảm bảo an toàn thực phẩm
Đáng chú ý, phong trào tích tụ đất đai – vốn trước đây gặp khó vì tâm lý giữ đất “cha truyền con nối” – nay bắt đầu chuyển biến tích cực. Khi người dân thấy rõ hiệu quả từ việc tập trung ruộng đất, sản xuất theo vùng, họ sẵn sàng góp đất hoặc cho thuê lại đất hoang hóa để cùng nhau phát triển.
Mặt khác, việc áp dụng quy trình canh tác thân thiện với môi trường đang dần được người dân lựa chọn không chỉ vì hiệu quả, mà còn vì yếu tố sức khỏe. Ông Bê cho biết, trong những buổi chia sẻ kinh nghiệm, nhiều hộ đã quan tâm đến việc giảm thuốc hóa học, thay bằng phân hữu cơ, sử dụng thiên địch và công nghệ vi sinh để vừa bảo vệ đất, vừa nâng cao chất lượng nông sản.
“Lúc đầu làm hữu cơ cũng lo vì năng suất có thể thấp, sâu bệnh khó kiểm soát. Nhưng sau vài vụ thấy rõ: đất tốt lên, cây khỏe, quả đẹp, bán được giá cao hơn hẳn. Giờ không ai còn nghi ngờ nữa,” ông nói.
Sản phẩm cam cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng ngay trong vụ đầu tiên
Hiện tại, mô hình trồng cam của ông Bê đang tiếp tục được chăm sóc theo chu kỳ bền vững, hướng đến xây dựng thương hiệu riêng và đăng ký tiêu chuẩn VietGAP, tiến tới sản phẩm OCOP. Một số hợp tác xã, doanh nghiệp trong tỉnh cũng đã bắt đầu kết nối tiêu thụ cam hữu cơ Cẩm Thạch theo hợp đồng dài hạn.
Dù con đường phía trước vẫn còn không ít khó khăn – như vốn đầu tư ban đầu lớn, thời gian thu hồi chậm, thị trường tiêu thụ chưa ổn định – nhưng rõ ràng, mô hình này đang mở ra hướng đi khả thi để phát triển nông nghiệp hàng hóa có giá trị, thân thiện môi trường và có thể nhân rộng.
Từ câu chuyện của ông Đinh Văn Bê, có thể thấy rằng khi người nông dân có tư duy đổi mới, dám làm, dám thay đổi và biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thì hiệu quả mang lại không chỉ là thu nhập tăng cao, mà còn là sự chuyển biến trong cách nghĩ, cách làm – điều cốt lõi để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững tại các vùng nông thôn miền núi như Cẩm Thạch.
Hoàng Anh