
Vai trò của báo chí truyền thông trong công tác tuyên truyền Luật Đất đai (sửa đổi)
29/10/2022TN&MTĐất đai là tài nguyên quý giá của đất nước, việc sử dụng đất đai hợp lý, khoa học sẽ nâng cao hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên; Đảng và Nhà nước ta đã và đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện luật đất đai (sửa đổi). Nhằm lấy ý kiến người dân đóng góp về dự thảo Luật khách quan, trung thực, chính xác; vậy nên báo chí truyền thông đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền đến người dân để mọi người dân nắm bắt và tham gia đóng góp ý kiến vào Luật đất đai (Sửa đổi).
Theo kế hoạch trình Quốc hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật đất đai (sửa đổi). Dự án Luật đất đai (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại ba kỳ họp, lần đầu tại kỳ họp thứ 4 (20/10/2022), lần thứ hai tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Sau khi được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kì họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về những vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sau Kỳ họp thứ 4 và việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về Dự án Luât tại phiên họp thứ 18 (tháng 12/2022). Như vậy theo kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 12/2022 việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân sẽ được thực hiện, để thực hiện việc thu thập các ý kiến đóng góp của nhân dân đầy đủ, chính xác; với chức năng thông tin, tuyên truyền, báo chí luôn đóng vai trò là người hướng dẫn, là cầu nối đưa chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, trong đó có luật đất đai (sửa đổi) đến với Nhân dân.
Ảnh minh họa.
Được biết, trước đó Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Chỉ thị về nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu của các cơ quan báo chí trong nhiều giai đoạn. Ngày 30/3/2022, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027”, điều đó đã cho thấy Chính phủ rất quan tâm đến vai trò của các cơ quan báo chí trong truyền thông chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước. Vai trò quan trọng của báo chí trong công tác truyền thông chính sách pháp luật đến người dân. Việc thực hiện truyền thông nhanh chóng, đầy đủ sẽ giúp chính sách pháp luật của nhà nước ngay trong quá trình dự thảo xây dựng được nhân dân đồng thuận, góp ý kiến trên tinh thần cởi mở, công khai, minh bạch. Từ đó, văn bản pháp luật được ban hành sẽ mang hơi thở cuộc sống, có tính khả thi và pháp luật thực sự là của dân, vì dân. Nhất là trong thời gian hiện nay, Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ tư đang diễn ra; tại kỳ họp thứ tư này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo Nghị quyết; trong đó đáng chú ý có Luật đất đai (sửa đổi) với nhiều điểm mới cần tuyên truyền rộng rãi và cặn kẽ đến Nhân dân.
Ảnh minh họa.
Thứ nhất, cơ quan báo chí có chức năng giám sát và phản biện xã hội đã tích cực thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về Luật đất đai (Sửa đổi) và Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao". Nhiều báo đài đã có những bài đăng phân tích về những điểm mới, những điểm cần lưu ý trong luật đất đai (sửa đổi) và Nghị quyết số 18-NQ/TW; những bài đăng phản biện dựa trên những điểm mới của Luật đất đai và Nghị quyết 18 NQ/TW; những phản ánh của người dân về những điều luật đất đai (sửa đổi) nếu được thi hành .v.v rất nhiều số báo được ra đời xoay quanh vấn đề Luật đất đai (sửa đổi) và Nghị quyết 18 NQ/TW có thể thấy rằng báo chí đã và đang thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội tích cực đến nhân dân và phản hồi ngược lại.
Ảnh minh họa.
Thứ hai, Báo chí là kênh thông tin trao đổi giữa Đảng và Nhà nước với Nhân dân. Trong công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật, báo chí đóng vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Báo chí phản ánh những đề xuất, kiến nghị của người dân với Đảng, Nhà nước về các chính sách, các quy định pháp luật chưa thật phù hợp, về những bất cập, những vướng mắc, bức xúc trong thực tiễn thi hành, chấp hành pháp luật. Báo chí góp phần phản ánh thực tiễn thi hành pháp luật và hướng dẫn dư luận xã hội ủng hộ, biểu dương người tốt - việc tốt trong chấp hành pháp luật, lên án, phê phán những biểu hiện tiêu cực, những hành vi vi phạm pháp luật trong xã hội, tạo niềm tin vào pháp luật, vào công lý trong mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, ngày nay với sự phát triển đa dạng của các loại hình báo chí và việc phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ đã góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng của thông tin về pháp luật. Báo chí thông tin đến người dân về Luật đất đai (sửa đổi) và Nghị quyết 18 NQ/TW từ đó thu thập những phản hồi, ý kiến của người dân về Luật đất đai (Sửa đổi) và Nghị quyết 18 một cách công khai, minh bạch, rõ ràng; thể hiện quyền đóng góp của Nhân dân đối với một văn bản pháp luật đang trong quá trình hoàn thiện. Việc thực hiện lấy ý kiến nhân dân được thực hiện dưới hình thức góp ý trực tiếp bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, thông qua cổng thông tin điện tử và các hình thức phù hợp khác; đều được báo chí ghi chép, phản hồi, đăng báo nhằm ghi nhận những ý kiến đóng góp của Nhân dân cũng như cung cấp thêm thông tin cho bộ luật đang sửa đổi. Một số cơ quan báo chí đã phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của người dân và nêu hướng giải quyết trong từng trường hợp; giúp người dân hiểu rõ hơn về những thủ tục hành chính tuân theo Luật đất đai; một số cơ quan báo chí cũng có những bài phản ánh, phân tích về những chính sách thay đổi trong luật đất đai (Sửa đổi) và những tác động của luật khi ban hành đến Nhân dân.
Ảnh minh họa.
Thứ ba, Báo chí định hướng và tạo lập dư luận xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Định hướng dư luận xã hội có nghĩa là làm cho dân hiểu và quyết tâm làm cách mạng và giữ độc lập tự do cho dân tộc. Và Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân; vậy nên trong các vấn đề đặc biệt là sửa đổi Luật cụ thể là Luật đất đai (sửa đổi) ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống Nhân dân, việc định hướng và tạo lập dư luận đúng đắn tin tưởng và làm theo những chỉ đạo của Đảng, đồng thời định hướng người dân cho ý kiến xây dựng hoàn thiện điều luật là vai trò quan trọng của báo chí. Chức năng định hướng của báo chí chính là không ngừng nâng cao nhận thức chính trị, tính tự giác của quần chúng nhân dân; đồng thời, tạo lập dư luận xã hội theo đúng định hướng tuyên truyền của Đảng, theo những chủ trương, chỉ đạo của Đảng. Dư luận xã hội là đối tượng phản ánh báo chí, vì mọi thông tin trong xã hội đều là đối tượng của báo chí. Báo chí tác động bằng việc cung cấp thông tin, kiến thức thông qua các kênh hay một con đường nào đó đến với dư luận xã hội, đối tượng chấp nhận có khả năng làm theo chỉ dẫn thông tin (Lấy ý kiến người dân) đã tạo nên những hành động của cá nhân và các tập thể đoàn người. Báo chí truyền thông định hướng cho dư luận xã hội: thể hiện trách nhiệm xã hội của nhà báo. Bên cạnh việc phản ánh dư luận xã hội, truyền thông còn có một nhiệm vụ quan trọng là định hướng đúng đắn dư luận xã hội, khi Luật đất đai dần hoàn thiện và đi vào thực tiễn đời sống Nhân dân sẽ thực hiện Luật đúng luồng, phân biệt cái đúng cái sai, góp phần vào định hướng hành vi của cá nhân trong xã hội, vì lợi ích của cộng đồng; góp phần hạn chế những vi phạm trong Luật đất đai (sửa đổi).
PGS, TS. Dương Xuân Sơn