
Xây dựng mô hình truyền thông chính sách và pháp luật về tài nguyên và môi trường cho người dân các huyện, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo
19/12/2024TN&MTNgày 19/12/2024, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và Tạp chí Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội đồng đánh giá cấp cơ sở Đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ "Nghiên cứu xây dựng mô hình truyền thông chính sách và pháp luật về tài nguyên và môi trường cho người dân các huyện, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Áp dụng thử nghiệm cho một số huyện, xã tại khu vực ven biển miền Trung" Đề tài có mã số: TNMT.2023.01.08. PGS, TS. Lê Thị Trinh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng.
TS. Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường phát biểu
Phát biểu trước Hội đồng, TS. Đào Xuân Hưng thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về truyền thông chính sách pháp luật tài nguyên và môi trường, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường và Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp “Nghiên cứu xây dựng mô hình truyền thông chính sách và pháp luật về tài nguyên và môi trường cho người dân các huyện, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo”, sau thời gian thực hiện, hôm nay nhóm nghiên cứu báo cáo trước hội đồng kết quả của đề tài đã tổng quan được cơ chế, công cụ truyền thông chính sách và pháp luật Việt Nam với đối tượng là người dân các huyện, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; xác lập được cơ sở lý luận và thực tiễn về hoạt động truyền thông chính sách và pháp luật về tài nguyên và môi trường với đối tượng là người dân các huyện, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; Đề xuất được các giải pháp, mô hình truyền thông để tăng cường thực thi và tuân thủ chính sách và pháp luật về tài nguyên môi trường cho người dân các huyện, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo miền Trung.
TS. Vũ Văn Doanh - đại diện nhóm nghiên cứu trình bày nội dung và kết quả thực hiện đề tài. Ảnh: Sỹ Tùng.
Đại diện nhóm nghiên cứu, TS. Vũ Văn Doanh, Thư ký khoa học (Trường Đại học TN&MT Hà Nội) đã trình bày nội dung và kết quả thực hiện đề tài. TS. Vũ Văn Doanh cho biết, đề tài đã tiến hành khảo sát thực tế về hiện trạng hoạt động truyền thông chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường tại các huyện, xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Qua đó, đề xuất giải pháp xây dựng mô hình truyền thông phù hợp với đặc thù khu vực này. Từ kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu đã xây dựng 03 cuốn sổ tay và 02 bản tin nhằm phổ biến thông tin và hướng dẫn thực hiện truyền thông chính sách, pháp luật về tài nguyên môi trường. Trong quá trình thực hiện, đề tài đã tổng quan và đánh giá các cơ chế, công cụ truyền thông chính sách và pháp luật hiện hành tại Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu xác lập cơ sở lý luận và thực tiễn cho hoạt động truyền thông chính sách hướng đến đối tượng là người dân các huyện, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp và mô hình truyền thông cụ thể nhằm tăng cường hiệu quả thực thi và tuân thủ pháp luật về tài nguyên và môi trường tại khu vực này.
Toàn cảnh buổi họp Hội đồng. Ảnh: Sỹ Tùng
Về sản phẩm khoa học, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành đầy đủ các báo cáo theo yêu cầu đặt hàng, bao gồm: (1) Báo cáo đánh giá thực trạng hoạt động truyền thông chính sách và pháp luật về tài nguyên và môi trường cho người dân các huyện, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; (2) Báo cáo cơ sở lý luận và thực tiễn về hoạt động truyền thông chính sách và pháp luật về tài nguyên và môi trường cho người dân các huyện, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; (3) Báo cáo kết quả mô hình thử nghiệm truyền thông chính sách và pháp luật về tài nguyên và môi trường cho người dân các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; (4) Báo cáo đề xuất giải pháp, mô hình tổng thể về truyền thông chính sách và pháp luật về tài nguyên và môi trường để tăng cường thực thi và tuân thủ chính sách và pháp luật về tài nguyên môi trường cho người dân các huyện, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Ngoài ra, đề tài đã vượt chỉ tiêu với việc hoàn thành 02 bài báo khoa học đăng trên các Tạp chí uy tín trong nước, trong đó 01 bài báo đánh giá hiệu quả truyền thông tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, đăng trên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường và 01 bài trên Tạp chí Khoa học Biến đổi Khí hậu.
Về công tác đào tạo, nhóm nghiên cứu đã hỗ trợ đào tạo thành công 02 thạc sĩ, vượt chỉ tiêu đặt ra ban đầu. Đề tài đã hoàn tất việc chuyển giao báo cáo và các sản phẩm nghiên cứu cho 02 đơn vị tiếp nhận là Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường.
Theo TS. Vũ Văn Doanh, kết quả nghiên cứu của đề tài mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Trước hết, đề tài sẽ góp phần hỗ trợ các địa phương trong việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về tài nguyên và môi trường, đồng thời nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Đối với đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên và học viên, việc tham gia thực hiện đề tài không chỉ nâng cao năng lực chuyên môn mà còn tạo cơ hội phát triển kỹ năng nghiên cứu và chuyên sâu hơn về lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
PGS.TS Dương Xuân Sơn đề nghị nhóm nghiên cứu xuất bản sách chuyên khảo. Ảnh: Sỹ Tùng
Với vai trò tổ tưởng Tổ chuyên gia, PGS.TS Dương Xuân Sơn đánh giá cao tính ứng dụng của đề tài với các sản phẩm cụ thể như video clip minh họa bằng giọng nói, hình ảnh và âm thanh, được thực hiện công phu. PGS.TS Dương Xuân Sơn ghi nhận nỗ lực và trách nhiệm của nhóm nghiên cứu khi hoàn thành đề tài trước thời hạn 03 tháng, đồng thời đề nghị nhóm nghiên cứu xuất bản sách chuyên khảo để tăng giá trị học thuật. Các sản phẩm như báo cáo, sổ tay tuyên truyền chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường được thực hiện chỉn chu, đảm bảo chất lượng và đáp ứng yêu cầu theo yêu cầu đặt ra trong đề tài.
PGS.TS Dương Xuân Sơn đưa ra khuyến nghị, đề tài cần bổ sung thêm phỏng vấn sâu, mở rộng mẫu khảo sát và lược bỏ phần liệt kê tài liệu tham khảo trong báo cáo tổng quan. PGS.TS Dương Xuân Sơn nhấn mạnh, đề tài đã tuân thủ các quy định của Nhà nước và mang lại ý nghĩa thiết thực trong thực tiễn. Với sự công phu trong suốt hành trình khảo sát, nghiên cứu thực tiễn của đề tài, PGS.TS Dương Xuân Sơn đề nghị, sau khi được Hội đồng khoa học cấp Bộ nghiệm thu và thông qua, Nhà trường và đơn vị tiếp nhận cần nhanh chóng đưa kết quả nghiên cứu vào áp dụng thực tiễn trong công tác truyền thông chính sách TN&MT.
TS. Vũ Thị Mai (Đại học TN&MT Hà Nội) đề xuất ứng dụng công nghệ AI để tối ưu hóa mô hình. Ảnh: Sỹ Tùng
Ủy viên phản biện, TS. Vũ Thị Mai đã ghi nhận sự nỗ lực của nhóm nghiên cứu trong việc thực hiện khối lượng công việc lớn và triển khai đề tài đạt kết quả cụ thể, đặc biệt là các sản phẩm trực quan như 03 cuốn sổ tay với nội dung hay, phù hợp và độc đáo. TS. Vũ Thị Mai đưa ra nhận xét, không phải đề tài nào cũng có sản phẩm trực quan chất lượng như vậy. Tuy nhiên, TS. Vũ Thị Mai góp ý, phần hiện trạng cần làm rõ hơn đặc thù của các huyện, xã ven biển và hải đảo trong phạm vi nghiên cứu. Về phần kiến nghị, TS. Vũ Thị Mai đề xuất bổ sung kế hoạch tập huấn cán bộ địa phương để nâng cao năng lực thực thi mô hình. Đồng thời, mở rộng khả năng điều chỉnh mô hình này sang các lĩnh vực khác như bảo tồn tài nguyên hay ứng phó biến đổi khí hậu với nội dung đa dạng. TS. Vũ Thị Mai khuyến khích nhóm nghiên cứu mạnh dạn đề xuất ứng dụng công nghệ AI để tối ưu hóa mô hình, đặc biệt ở những địa phương có khả năng tiếp cận công nghệ cao, nhằm tăng hiệu quả và tính thực tiễn của đề tài.
ThS. Vũ Minh Lý mong sớm được tiếp nhận kết quả của đề tài. Ảnh: Sỹ Tùng
Trong khi đó, ThS. Vũ Minh Lý (Trung tâm Truyền thông TN&MT) bày tỏ, Trung tâm mong muốn sớm được tiếp nhận kết quả của đề tài để ứng dụng trong hoạt động truyền thông. Theo ThS. Vũ Minh Lý, kết quả nghiên cứu được thể hiện toàn diện qua các báo cáo về số lượng, chất lượng, biểu mẫu và số liệu, đảm bảo tính đầy đủ, khoa học, hợp lý và có độ tin cậy nhất định. Tuy nhiên, ông cũng góp ý rằng nếu có thêm thời gian và kinh phí, việc tăng số lượng mẫu khảo sát sẽ giúp nâng cao tính đại diện và chất lượng nghiên cứu. Mặc dù thiết kế mẫu và biểu mẫu được đánh giá cao, nhưng số lượng thu thập hiện tại còn ít, chưa đảm bảo tính đại diện đầy đủ khi xử lý thông tin. Mẫu phiếu khảo sát của đề tài được nhận xét là có thể học hỏi để áp dụng trong lĩnh vực truyền thông và doanh nghiệp. ThS. Vũ Minh Lý đặc biệt đánh giá cao các ấn phẩm của đề tài, nhất là cuốn sổ tay, vì chất lượng và khả năng ứng dụng ngay trong thực tế.
TS. Nguyễn Bá Dũng - Phó Chủ tịch Hội đồng tự đánh giá) góp ý hoàn thiện đề tài nghiên cứu. Ảnh: Sỹ Tùng
Phó Chủ tịch Hội đồng, TS. Nguyễn Bá Dũng (Trường Đại học TN&MT Hà Nội) nhất trí với các ý kiến của các thành viên trong Hội đồng và đóng góp thêm một số ý kiến quan trọng. Ông đề nghị, nhóm nghiên cứu thực hiện bổ sung các hướng dẫn cụ thể trong sổ tay, nhằm giúp người dân, cán bộ quản lý và các tổ chức chính trị xã hội có thể định danh được vùng biển mang tính đặc thù của Việt Nam. Điều này sẽ góp phần làm rõ hơn thông điệp truyền thông về chủ quyền biển đảo. Cuối cùng, TS. Nguyễn Bá Dũng khuyến nghị, nhóm nghiên cứu cần điều chỉnh lại phần kết luận và báo cáo tổng kết, sao cho phù hợp với 03 mục tiêu đã đề ra từ ban đầu.
TS. Phạm Thị Mỵ (Tổng Biên tập Tạp chí Sức khỏe & Môi trường) gợi ý nhóm nghiên cứu làm thêm tờ rơi để tăng tính hiệu quả truyền thông. Ảnh: Sỹ Tùng
Đồng tình với các nhận xét đã nêu, TS. Phạm Thị Mỵ, Tổng Biên tập Tạp chí Sức khỏe & Môi trường cho rằng, thông điệp truyền thông của đề tài cần phải rõ ràng và dễ hiểu, đặc biệt là đối tượng người dân, cán bộ thực thi chính sách. Ngoài 03 cuốn sổ tay, TS. Phạm Thị Mỵ đề nghị nhóm thực hiện bổ sung thêm tờ rơi, đặc biệt là dành cho đối tượng là người dân trình độ hạn chế hoặc ít tiếp cận với thông tin. TS. Phạm Thị Mỵ nhấn mạnh rằng, truyền thông là một quá trình hai chiều, khác với tuyên truyền một chiều. Vì vậy, tờ rơi cần phải đơn giản, dễ hiểu và mang tính cụ thể hơn, giúp người dân tiếp cận thông tin một cách dễ dàng. TS. Phạm Thị Mỵ chỉ rõ, truyền thông phải nhắm đến việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân. Đặc biệt, đối với các vùng bãi ngang, truyền thanh cơ sở là công cụ hiệu quả nhất, vì người dân ở đó thường tiếp cận thông tin qua các phương tiện này khi ra biển. TS. Phạm Thị Mỵ đề nghị nhóm cần thêm các phương thức truyền thông phù hợp để tăng tính hiệu quả.
TS. Phạm Thị Hồng Phương đánh giá cao kết quả đạt được của đề tài nghiên cứu. Ảnh: Sỹ Tùng
Góp ý cho nhóm nghiên cứu, TS. Phạm Thị Hồng Phương (Trường Đại học TN&MT Hà Nội) nhận xét, mặc dù nội dung về truyền thông không phải là mới, nhưng đề tài nghiên cứu có tính mới ở cách tiếp cận địa bàn và đối tượng nghiên cứu là các xã bãi ngang ven biển và hải đảo miền Trung. Việc lựa chọn phương pháp nghiên cứu định tính là một điểm cộng, tuy nhiên TS. Phạm Thị Hồng Phương cho rằng, nhóm nghiên cứu có thể đi sâu hơn vào phần phân tích kết quả để làm bật lên các kết quả định lượng, qua đó phân tích các mối tương quan một cách sâu sắc hơn, giúp đề tài có tính định lượng rõ ràng hơn.
TS. Bùi Thị Thu Trang (Trường Đại học TN&M Hà Nội) đánh giá cao quá trình thực hiện và kết quả nghiên cứu của nhóm, đặc biệt là sức lan tỏa của đề tài. Tuy nhiên, TS. Bùi Thị Thu Trang lưu ý, nhóm thực hiện đề tài cần rà soát lại báo cáo tóm tắt và báo cáo tổng kế. Phương pháp nghiên cứu cũng cần được bổ sung chi tiết hơn, chẳng hạn như làm rõ các tài liệu tham khảo, công trình nghiên cứu đã được sử dụng, đồng thời cần trình bày rõ cơ sở lựa chọn mẫu và phương pháp tiến hành. TS. Bùi Thị Thu Trang đề nghị, nhóm bổ sung các biểu đồ và tổng hợp ý kiến tham gia từ các hội thảo, tọa đàm để làm phong phú hơn kết quả nghiên cứu. TS. Bùi Thị Thu Trang nhấn mạnh, việc phân tích văn bản theo hệ thống từ cấp trung ương đến địa phương để có cái nhìn toàn diện hơn.
PGS.TS Lê Thị Trinh, Chủ tịch Hội đồng, đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu các ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng để hoàn thiện đề tài nghiên cứu. Ảnh: Sỹ Tùng
Theo PGS.TS Lê Thị Trinh, đề tài nghiên cứu này mang tính khoa học cao và cần tiếp thu các ý kiến phản hồi để hoàn thiện hơn. Tính mới của đề tài được thể hiện rõ qua việc khai thác tối đa các yếu tố như mô hình truyền thông, đối tượng và phạm vi nghiên cứu. PGS.TS Lê Thị Trinh đặc biệt nhấn mạnh việc làm rõ "mô hình" trong truyền thông, tránh nhầm lẫn với tuyên truyền một chiều. Bà cũng cho rằng nhóm cần phải làm rõ hơn ý nghĩa của các sản phẩm nghiên cứu, cần mô tả chi tiết hơn về tính khoa học và ứng dụng thực tiễn của sản phẩm. PGS.TS Lê Thị Trinh cũng đề nghị nhóm rà soát lại tài liệu tham khảo, cập nhật mới và bám sát mục tiêu của đề tài trong các kết luận và kiến nghị.
Các đại biểu tham dự buổi đánh giá cấp cơ sở đề tài nghiên cứu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Sỹ Tùng
Cuối cùng, Hội đồng tự đánh giá đã nhất trí thông qua kết quả xếp loại của đề tài và hoàn thiện, bổ sung những góp ý của Hội đồng, hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng cấp Bộ xem xét đánh giá nghiệm thu. Thời hạn hoàn thành theo kế hoạch là tháng 2/2025, nhưng với sự nỗ lực của chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu, các kết quả đã được hoàn thành trước thời hạn, đảm bảo chất lượng và hiệu quả cao.
Tính mới và sáng tạo:
Đề tài đã khảo sát thực tế hiện trạng hoạt động truyền thông chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường cho người dân các huyện, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo để đề xuất giải pháp xây dựng mô hình truyền thông chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường phù hợp với khu vực vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Đề tài đã xây dựng được 3 cuốn sổ tay cùng với 2 bản tin về quá trình thực hiện và kết quả truyền thông chính sách và pháp luật tài nguyên môi trường cho người dân các huyện xã, đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Kết quả nghiên cứu:
Đề tài đã tổng quan được cơ chế, công cụ truyền thông chính sách và pháp luật Việt Nam với đối tượng là người dân các huyện, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo;
Đề tài đã xác lập được cơ sở lý luận và thực tiễn về hoạt động truyền thông chính sách và pháp luật về tài nguyên và môi trường với đối tượng là người dân các huyện, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo;
Đề tài đã đề xuất được các giải pháp, mô hình truyền thông để tăng cường thực thi và tuân thủ chính sách và pháp luật về tài nguyên môi trường cho người dân các huyện, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo miền Trung.
Ngọc Huyền