
Bài học về sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược đúng đắn, sáng tạo của Đảng trong tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975
30/04/2025TN&MTĐại thắng mùa Xuân 1975 trở thành mốc son lịch sử dân tộc Việt Nam; là chiến thắng chung của cả nước và các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Để đi đến thắng lợi to lớn và quyết định này, trước hết phải khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, yếu tố then chốt quyết định trong suốt tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta trải qua gần 21 năm, là cuộc chiến tranh ác liệt và phức tạp nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.
Xe tăng Quân đội Nhân dân Việt Nam húc đổ cổng sắt tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975
50 năm đã trôi qua, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của nhân dân Việt Nam. Đánh giá về sự kiện lịch sử trọng đại này, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (12-1976) đã khẳng định: “Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả tổng hợp của một loạt nhân tố tạo nên sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam. Nguồn gốc của mọi nhân tố ấy chính là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta”; mà “trước hết là thắng lợi của đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn và sáng tạo của Đảng”. Đó là đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiến hành đồng thời và kết hợp chặt chẽ hai chiến lược cách mạng ở hai miền: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, nhằm mục tiêu chung là hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Đại thắng mùa Xuân 1975 là mốc son chói lọi, niềm tự hào của quân và dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng; là tài sản vô giá của dân tộc, để lại cho chúng ta những bài học quý báu trên nhiều phương diện. Bài học quyết định, mang tính tổng hợp, đó là đỉnh cao về tư duy lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối cách mạng của Đảng. Trong đó, trực tiếp là đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đường lối quân sự của Đảng ta được hình thành trên cơ sở nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh về chiến tranh cách mạng, tổ chức và xây dựng quân đội cách mạng: Quân đội của dân, do nhân dân và vì nhân dân, kết hợp với truyền thống nghệ thuật quân sự của dân tộc, được vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam.
Để đến với Đại thắng mùa Xuân 1975, một trong những nguyên nhân, đồng thời cũng là bài học sâu sắc nhất, là đỉnh cao về tư duy lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược sáng suốt của Đảng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử Xuân 1975. Đó là:
Thứ nhất, Đảng ta đã đánh giá đúng kẻ thù, có chủ trương, đường lối phù hợp lãnh đạo cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ (1954-1960). Đánh giá đúng kẻ thù, Hội nghị lần thứ 15 (1959) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) chỉ rõ: Mỹ - Diệm chẳng những là kẻ thù của nhân dân miền Nam đang bị chúng thống trị mà còn là kẻ thù của cả dân tộc Việt Nam, của nhân dân miền Bắc đã được giải phóng. Trong Diễn văn khai mạc Đại hội lần thứ
Với quan điểm xem xét khoa học, biện chứng và cách mạng, Đảng ta đã căn cứ vào tổng thể các yếu tố và khẳng định: Mỹ và tay sai có quân đông nhưng không có cơ sở chính trị sâu rộng và vững chắc, tuy quân sự chúng còn mạnh, nhưng chính trị của chúng lại rất yếu mà yếu nhất là ở nông thôn. Từ nhận định này, Đảng ta xác định: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân”. Với chủ trương đúng đắn đó, phong trào Đồng Khởi ở miền Nam Việt Nam đã nổ ra và nhanh chóng phát triển thành cao trào, khởi nghĩa từng phần và giành thắng lợi, đưa cách mạng miền Nam vượt qua thử thách, chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công.
Thứ hai, Lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược giữ vững và phát triển thế tiến công, đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ-ngụy (1961-1965). Từ cuối năm 1960, việc sử dụng chính quyền tay sai độc tài phát xít Ngô Đình Diệm đã liên tiếp bị thất bại. Để đối phó với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng miền Nam, chiếm lại những địa bàn, vùng dân cư đã mất sau cuộc Đồng Khởi của ta, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Đây là chiến lược đầu tiên trong ba loại chiến tranh nằm trong chiến lược quân sự toàn cầu “Phản ứng linh hoạt” của Mỹ.
Đối trọng với chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, Đảng ta chủ trương chuyển cách mạng Giải phóng miền Nam lên giai đoạn mới. Từ đây, cuộc khởi nghĩa từng phần phát triển lên thành cuộc chiến tranh cách mạng quy mô toàn miền. Trong những năm 1961-1964, Nhân dân miền Nam vừa đấu tranh, vừa chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng với sự chi viện hiệu quả từ miền Bắc. Nhiều trung đoàn chủ lực miền Nam được thành lập. Tích cực mở rộng căn cứ cách mạng, phát triển chiến tranh du kích, tăng cường đánh phá các căn cứ quân sự xung yếu của địch như sân bay, kho tàng, bến cảng, phá hệ thống ấp chiến lược do địch lập ra, liên tiếp giành thắng lợi trên các chiến trường. Điển hình là trận Ấp Bắc (01-1963), chiến dịch Bình Giã (12-1964 đến 01-1965), Ba Gia (5-1965 đến 7-1965), Đồng Xoài (5-1965 đến 7-1965).
Dựng lên sự kiện “Vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân. Ngày 05-8-1964, chúng mở cuộc tiến công “Mũi tên xuyên” đánh ồ ạt vào tuyến ven biển từ sông Gianh (Quảng Bình), Cửa Hội (Vinh), Lạch Trường (Thanh Hóa), Bãi Cháy (Quảng Ninh). Các đơn vị hải quân, phòng không, dân quân tự vệ của ta đã nâng cao cảnh giác, hiệp đồng chặt chẽ, mưu trí dũng cảm, chiến đấu ngoan cường, bắn rơi 8 máy bay. Ngày 05-8 trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của bộ đội Hải quân nhân dân Việt Nam. Chiến thắng ngày 05-8-1964 cổ vũ mạnh mẽ khí thế chiến đấu, củng cố niềm tin và khẳng định ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Trước tình hình leo thang chiến tranh của địch và những khó khăn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các hội nghị Trung ương lần thứ 11 (3-1965) và lần thứ 12 (12-1965) trên cơ sở phân tích một cách khoa học, so sánh lực lượng giữa ta và địch, Trung ương khẳng định sự thất bại không tránh khỏi của đế quốc Mỹ và hạ quyết tâm động viên lực lượng cả nước giữ vững chiến lược tấn công, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế, kiên quyết đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thứ ba, phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp, kết hợp chặt chẽ các mặt đấu tranh; kết hợp tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công để giành thắng lợi quyết định. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, Đảng ta đã động viên và phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân; đó là: sức mạnh của hậu phương lớn miền Bắc vừa chiến đấu, xây dựng, vừa chi viện đắc lực sức người, sức của cho miền Nam, kết hợp với sức mạnh của đồng bào và chiến sĩ miền Nam trực tiếp trên tuyến đầu đánh Mỹ và thắng Mỹ. Để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, Đảng ta đã kiên định và vận dụng sáng tạo quan điểm về con đường cách mạng miền Nam phải là con đường cách mạng bạo lực, với hai lực lượng cơ bản: lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang; kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao; kết hợp khởi nghĩa với chiến tranh cách mạng; đánh địch bằng ba mũi giáp công: quân sự, chính trị, binh vận; trên cả ba vùng chiến lược: rừng núi, nông thôn đồng bằng và thành thị; kết hợp chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy, thực hiện đánh địch trên mọi quy mô: đánh lớn, đánh vừa, đánh nhỏ của lực lượng vũ trang ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích); thực hiện làm chủ để tiêu diệt địch, tiêu diệt địch để giành quyền làm chủ. Quán triệt và nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công và phương châm chiến lược đánh lâu dài, nhưng đồng thời biết tạo thời cơ, tranh thủ thời cơ mở những cuộc tiến công chiến lược (1968, 1972) làm thay đổi cục diện chiến tranh có lợi cho ta, để cuối cùng thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đánh bại hoàn toàn quân địch, giành thắng lợi triệt để và trọn vẹn.
Cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975 là đỉnh cao về tư duy lãnh đạo, chỉ đạo điều hành chiến tranh của Đảng về sự kết hợp giữa tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công để đánh bại và làm tan rã toàn bộ lực lượng địch, kết thúc chiến tranh trong thời gian ngắn, có lợi nhất. Nó thể hiện nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh và tài thao lược quân sự sắc bén, sáng tạo, táo bạo mà đúng đắn của Đảng ta. Sự kết hợp giữa tiến công quân sự của bộ đội chủ lực và nổi dậy của quần chúng được thực hiện hết sức chặt chẽ, hiệu quả, trong suốt cuộc Tổng tiến công chiến lược. Những đòn tiến công quân sự của bộ đội chủ lực, bằng một loạt trận đánh hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, đánh thẳng vào các thành thị, trung tâm đầu não, căn cứ quân sự lớn của địch, tiêu diệt, làm tan rã lực lượng lớn và gây cho chúng hoang mang tột độ đã tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy lực lượng chính trị của quần chúng nổi dậy, đập tan bộ máy kìm kẹp của địch ở địa phương, cơ sở để giành quyền làm chủ. Tương tự như vậy, sự nổi dậy mạnh mẽ của lực lượng quần chúng đông đảo trên nhiều địa bàn từ nông thôn đến thành thị, với nhiều hình thức phong phú, linh hoạt đã tạo thuận lợi cho bộ đội chủ lực cả về thế, lực và điều kiện để nhanh chóng đập tan sự kháng cự của địch; đồng thời, để tập trung lực lượng vào những mục tiêu chủ yếu của cuộc Tổng tiến công chiến lược. Như vậy, có thể thấy trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, trong cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975 nói riêng, Đảng ta đã vận dụng rất sáng tạo cả quy luật chiến tranh cách mạng và quy luật khởi nghĩa vũ trang, để tạo nên sức mạnh tổng hợp lớn nhất, vào thời điểm quyết định, kết thúc toàn thắng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Thứ tư, nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công, tạo thế và lực, tạo thời cơ, kiên quyết tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giành thắng lợi trọn vẹn. Sau Hiệp định Pa-ri (1-1973), mặc dù buộc phải rút hết quân nhưng đế quốc Mỹ âm mưu củng cố ngụy quân, ngụy quyền làm công cụ thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới. Mỹ tăng cường chi viện tiền của, vũ khí, phương tiện chiến tranh cho quân ngụy, lấn đất giành dân, thực hiện các hoạt động ngoại giao xảo quyệt để ngăn chặn sự phát triển của cách mạng miền Nam. Đến tháng 5-1973, xu thế chống phá Hiệp định Pa-ri của địch ngày càng tăng. Chúng điên cuồng đánh phá hòng xóa bỏ vùng giải phóng của ta, đẩy lùi lực lượng cách mạng.
Tháng 7-1973, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 21 khẳng định: con đường cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực cách mạng. Bất kể trong tình hình nào, ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công và chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng miền Nam tiến lên. Hội nghị xác định nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam trong giai đoạn này là: “Đoàn kết toàn dân, đấu tranh trên 3 mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao một cách hết sức chủ động, linh hoạt, tuỳ theo từng lúc, từng nơi mà kết hợp giữa các mặt trận đó cho thích hợp, để buộc địch phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Pari về Việt Nam, không ngừng giữ vững và phát triển lực lượng cách mạng về mọi mặt, thắng địch từng bước và chủ động trong mọi tình huống đưa cách amngj miền Nam tiến lên”.
Đầu năm 1975, trên cơ sở đánh giá, so sánh lực lượng giữa ta và địch, nắm bắt thời cơ lịch sử, Bộ Chính trị hạ quyết tâm chiến lược, giải phóng miền Nam, đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh thực dân mới của Mỹ bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975. Trên cơ sở những thắng lợi có ý nghĩa quyết định, ngày 14 tháng 4 năm 1975, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh nhằm giải phóng Sài Gòn - Gia Định và hoàn toàn miền Nam. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, các đơn vị chủ lực của quân đội ta đã thực hiện cuộc hành quân thần tốc, tiến về giải phóng Sài Gòn. Ngày 30 - 4 -1975, các binh đoàn đột kích thọc sâu kết hợp với lực lượng bên trong nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu của địch. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng; cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975 thắng lợi hoàn toàn. Từ thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta có cơ sở để phát huy cao độ tiềm lực của cả nước, thực hiện đại đoàn kết dân tộc trong một Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, khắc phục mọi khó khăn, tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ngày nay, chúng ta xây dựng đất nước bước vào thế kỷ mới, thế kỷ vươn mình của dân tộc trong bối cảnh thế giới đang thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường, hòa bình, độc lập dân tộc, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh. Hợp tác, cạnh tranh, đấu tranh và sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, nhất là giữa các nước lớn ngày càng tăng;..... Đảng ta chỉ rõ: “Tình hình chính trị-an ninh thế giới thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp; tình trạng xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo, can thiệp lật đổ, khủng bố, chiến tranh cục bộ, chiến tranh mạng, ...tiếp tục diễn ra gay gắt ở nhiều khu vực”[1]; trong khi đó, các tình huống quốc phòng cùng những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đối với nước ta ngày một gia tăng, nhất là âm mưu, thủ đoạn thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch; bởi vậy cần phát huy cao độ trí tuệ và bản lĩnh của con người Việt Nam trong thời đại mới, để đánh thắng chiến tranh xâm lược của các thế lực thù địch. Chúng ta cần “tăng cường sức mạnh quốc phòng và an ninh, chủ động xử lý thành công các tình huống, không để bị động, bất ngờ”; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng ký ức hào hùng và niềm tự hào về Đại thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vẫn vẹn nguyên giá trị. Chiến thắng đó mãi mãi là động lực tinh thần to lớn để chúng ta kiên định, vững bước trên con đường mà Đảng và nhân dân ta đã chọn: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; tiếp tục công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi các chỉ thị nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; đẩy mạnh thực hiện nghị quyết Đại hội XII của Đảng, làm tốt công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng; giữ vững sự ổn định chính trị, tăng cường Quốc phòng, an ninh bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; ra sức phấn đấu vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định.
Thượng tướng TS. Lê Hữu Đức
Nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Uỷ viên Quân uỷ Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng