
Ông Hoàng Hải Minh (Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế): Ứng dụng khoa học công nghệ để ứng phó biến đổi khí hậu
04/01/2025TN&MTLà một địa phương miền Trung hàng năm phải hứng chịu nhiều đợt thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu, TP. Huế (trước đây là tỉnh Thừa Thiên Huế) đang cho thấy sự thích ứng tốt, đối phó với nhiều loại hình thiên tai thông qua nhiều giải pháp hiệu quả, đặc biệt là áp dụng công nghệ khoa học kỹ thuật tiên tiến, mạng xã hội để truyền tin dự báo, cảnh báo sớm thiên tai. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Huế.
PV: Thưa ông, thời gian qua, biến đổi khí hậu đã có tác động, ảnh hưởng thế nào đến TP. Huế?
Ông Hoàng Hải Minh:
Tỉnh Thừa Thiên Huế - nay là thành phố Huế (TP. Huế) có diện tích tự nhiên 4.947,11 km2 là một trong các tỉnh, thành phố được Bộ Tài nguyên và Môi trường, chuyên gia, các tổ chức quốc tế cảnh báo bị ảnh hưởng nặng của biến đổi khí hậu. Do yếu tố địa hình và vị trí đặc biệt về địa lý nên hàng năm TP. Huế thường xuyên chịu tác động của nhiều loại hình thiên tai như: bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, xói lở bờ sông, bờ biển, hạn hán, xâm nhập mặn, đặc biệt là bão và lụt gây thiệt hại lớn về người và tài sản
Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Huế
Biến đổi khí hậu đã làm cho các hiện tượng thiên tai trên địa bàn thành phố diễn biến ngày càng trở nên bất thường và nguy hiểm hơn. Đó là một trong những yếu tố gây cản trở trực tiếp tới sự phát triển kinh tế, phát triển bền vững, gia tăng đói nghèo, là trở lực lớn trong quá trình phấn đấu đạt các mục tiêu kinh tế - xã hội của thành phố.
Trong thời gian từ 2015 đến nay, các hiện tượng thời tiết, thiên tai cực đoan đã diễn biến phức tạp, khó dự đoán, hiện tượng mưa cực đoan trong thời đoạn ngắn, mưa lớn kéo dài, mưa lớn chuyển dần về các tháng cuối năm và đầu vụ Đông Xuân cho thấy rõ tác động của biến đổi khí hậu đã gây ra những hậu quả khó lường. Tần suất xuất hiện những đợt lũ lớn xảy ra thường xuyên hơn, cường suất lũ tăng lên rõ rệt, lũ quét xảy ra nhiều nơi.
Năm 2020, thiên tai tại TP. Huế diễn ra dị thường, khốc liệt, không theo quy luật,... tình trạng “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ” chưa từng có trong nhiều năm qua đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân trên địa bàn. Tiếp đến năm 2022, năm 2023 mưa lũ, ngập lũ xảy ra dồn dập. Mưa lũ sớm trái mùa xuất hiện thường xuyên hơn (tháng 3/2015, tháng 12/2016, tháng 12/2017, gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó mùa lũ kết thúc muộn hơn, kéo dài đến giữa tháng 1. Đặc biệt năm 2022, các đợt mưa bất thường tháng 4, tháng 5 là các đợt mưa có lượng và cường độ lớn, lũ trái mùa, mưa to ở vùng núi kết hợp với vùng đồng bằng đã gây ra đợt lũ trên diện rộng trên sông các sông, gây thiệt hại giảm năng suất lúa vụ Đông Xuân 30%, mất 61.800 tấn thóc, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp -7,49%.
Rét đậm kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống. Trong đợt siêu rét từ ngày 23-27/01/2016 đã ghi nhận mức nhiệt tại Bắc Bộ cả ngày và đêm thấp hơn 12 độ; băng giá, tuyết rơi tại khu vực vùng núi Phía Bắc, đặc biệt tại Ba Vì (Hà Nội) và các huyện miền núi Thanh Hóa, Nghệ An, xuất hiện mưa tuyết, băng giá hiếm thấy. Đây là đợt lạnh có cường độ mạnh nhất trong gần 40 năm tại Bắc Bộ. Tại TP. Huế đã có 24 đợt gió mùa đông bắc và không khí lạnh tăng cường mạnh, cao hơn TBNN gây ra rét, rét đậm, nhiệt độ thấp nhất vùng đồng bằng là 9,5 độ C (xấp xỉ năm 1999), vùng núi A Lưới 8,4 độ C.
Nắng nóng lịch sử xảy ra từ ngày 04-07/5/2023. Nhiệt độ cao nhất ngày 07/5 ở vùng đồng bằng và TP. Huế là 40oC; huyện Nam Đông 41.5oC, vượt giá trị nhiệt độ cao nhất lịch sử tháng 5 (41oC, ngày 22/5/1983); huyện A Lưới 38oC, vượt giá trị nhiệt độ cao nhất lịch sử tháng 5 (36,6°C, ngày 19/5/2019). Với tình hình ENSO đang ở trạng thái El Nino chuyển trạng thái sang pha trung tính và sang La Nina vào các tháng cuối năm 2024 và còn kéo dài đến những tháng đầu năm 2025. Những năm chuyển pha ENSO, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão, ANTĐ, mưa lớn,…thường có diễn biến bất thường và trái với quy luật, khó dự báo.
Trong 10 tháng đầu năm 2024, thế giới đã chứng kiến nhiều trận thiên tai khốc liệt, dị thường như: Nắng nóng diện rộng, siêu bão, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, động đất gây ra thiệt hại nặng nề về nhân mạng, tài sản và tổn thất rất lớn cho nền kinh tế toàn cầu. Tại Việt Nam, bão số 3 có tên quốc tế Yagi, là cơn bão mạnh nhất trong 70 năm qua trên đất liền, hoàn lưu của bão đã gây mưa lớn, sạt lở đất, ngập lụt trên phạm vi rộng, gây ra các thiệt hại nghiêm trọng cho 26 tỉnh, thành phố. Từ năm 2020 đến năm 2023 thiên tai đã là 52 người chết, 169 người bị thương, tổng thiệt hại ước tính 4.554 tỷ đồng.
PV: Nằm ở miền Trung và hứng chịu nhiều thiên tai, ảnh hưởng bởi Biến đổi khí hậu, TP. Huế đã có những kinh nghiệm, thực hiện các giải pháp cụ thể gì để thích ứng với bối cảnh trên?
Ông Hoàng Hải Minh:
Trước diễn biến thiên tai ngày càng khốc liệt, dị thường, công tác phòng, chống thiên tai tại thành phố đứng trước những khó khăn, thách thức, đòi hỏi cần có sự chung tay, góp sức, sự quan tâm của toàn xã hội. Năm 2024 với mục tiêu xây dựng và phát triển TP. Huế trở thành Đô thị di sản - thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”, đã là động lực giúp đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.
Huế thường xuyên phải hứng chịu nhiều thiên tai
Để phát triển bền vững trong môi trường thiên tai ngày càng khắc nghiệt TP. Huế đang tiếp tục bám sát, triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu, Chiến lược Quốc gia về phòng chống thiên tai, Khung hành động Sendai xây dựng lại tốt hơn; Khung hành động ASEAN về “Tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai” nhằm xây dựng cộng đồng với khả năng chống chịu cao và phục hồi bền vững trướcthiên tai và thảm họa. Việc Xây dựng và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu được thành phố cụ thể hoá trong quy hoạch chung đô thị được Thủ tướng chính phủ phê duyệt.
Về kinh nghiệm vận hành hồ chứa, trước mỗi trận lũ, bão, UBND thành phố sớm ban hành các Công điện, Văn bản chỉ đạo ứng phó trước khi xảy ra thiên tai; nhất là các lệnh vận hành yêu cầu các hồ trên lưu vực sông Hương phải tuân thủ nghiêm túc Quy trình vận hành liên hồ đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt; hạ dần về mực nước đón lũ theo quy định. Cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai thành phố đã được đào tạo, tập huấn nắm bắt, sử dụng thành thạo các phần mềm cảnh báo thiên tai của Trung tâm dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, Hệ thống Giám sát thiên tai của Bộ Nông nghiệp và PTNT; các mô hình dự báo thiên tai của thế giới như Windy, Mỹ, Nhật Bản, Philippin. Khi có tình huống thiên tai, cán bộ đã chủ động theo dõi sát tình hình mưa lũ theo từng giờ, để tính toán đưa ra tối thiểu 05 kịch bản vận hành/đợt mưa lũ (thấp, trung bình, cao, rất cao), lựa chọn phương án, lệnh vận hành hợp lý đã góp phần cắt lũ, giảm lũ, làm chậm lũ và tránh gây đột biến cho vùng hạ du, tăng thêm quỹ thời gian cho chính quyền và nhân dân vùng hạ du có thời gian chủ động triển khai công tác ứng phó với lũ lụt, làm giảm rất đáng kể thiệt hại có thể xảy ra.
Trong thời gian qua TP. Huế tăng cường kêu gọi các nguồn hỗ trợ của các tổ chức trong nước và nước ngoài, đồng thời chủ động đầu tư các trang thiết bị, trạm quan trắc, các mô hình dự báo toán, công nghệ phục vụ công tác phòng chống thiên tai ngày càng tốt hơn. Điển hình như hệ thống Radar XBand thuộc dự án “Vận hành hồ chứa nước trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện” do JICA tài trợ, các sản phẩm phần mềm của Dự án (ảnh Radar, đo mực nước các sông, đo lượng mưa) phục vụ hỗ trợ tham mưu, chỉ đạo, vận hành liên hồ chứa nước, giám sát mưa lũ trên địa bàn thành phố; chia sẻ thông tin đến các cơ quan, địa phương trên địa bàn thành phố góp phần thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai.
Thành phố đã quan tâm đầu tư, lắp đặt các trạm đo mưa, mực nước, đo gió, với tổng 49 trạm đo mưa tự động (Vrain), lắp đặt 02 máy đo gió bão tại Cảng cá Thuận An và Cảng cá Tư Hiền; Hệ thống giám sát ngập lụt 08 trạm, bổ sung 02 trạm quan trắc mực nước trên sông Hương, sông Bồ. Hệ thống này đã được tích hợp, công bố trên Website, App Vrain trên điện thoại thông minh, đồng thời được kết nối vào HueS, giúp các cơ quan, tổ chức và nhân dân tăng cường năng lực theo dõi, cảnh báo, ứng phó với mưa lũ theo thời gian thực góp phần giảm thiểu các thiệt hại do lũ lụt gây ra.
TP. Huế đã chú trọng và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong truyền tin dự báo, cảnh báo thiên tai như truyền thanh ở cơ sở, kích hoạt hệ thống ứng phó khẩn cấp của thành phố, tổng đài điện thoại khẩn cấp 19001075, Huế-S trong phòng chống thiên tai đã góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất các thiệt hại. Trước mỗi đợt mưa lũ đã chủ động cảnh báo sớm từ 48 đến 72 giờ trước khi thiên tai, mưa lũ xảy ra, phát huy hiệu quả hệ thống phát thanh thông minh toàn thành phố, thông qua Trung tâm điều hành đô thị thông minh IOC để nhân dân kịp thời phòng tránh.
Trong năm 2024, TP. Huế đã thí điểm lắp đặt và kích hoạt 02 còi hú công suất lớn (bán kính hữu dụng 05km) để cảnh báo thông báo cho nhân dân hạn chế ra đường khi có gió mạnh, mưa lớn do bão số 6-Tramy. Xây dựng bản đồ cảnh báo sạt lở đất, Bản đồ dừng, đỗ phương tiện giao thông ứng phó với lũ, ngập lũ tại các khu vực trọng điểm. Bản đồ đã được tích hợp lên HueS và được công bố cho người dân bước đầu sử dụng, phát huy hiệu quả trong các đợt lũ cuối tháng 10, đầu tháng 11 vừa qua.
Công tác phòng, chống thiên tai phải lấy phòng ngừa là chính, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” gắn với xây dựng cộng đồng an toàn; kết hợp giải pháp công trình và phi công trình, theo hướng đa mục tiêu; khôi phục, tái thiết sau thiên tai đảm bảo tính bền vững và yêu cầu xây dựng lại tốt hơn.
PV: Vậy công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai được TP. Huế triển khai ra sao, thưa ông?
Ông Hoàng Hải Minh:
Sau các đợt thiên tai thành phố đã chỉ đạo các sở, ban ngành; các địa phương theo chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền thực hiện, hỗ trợ các gia đình khó khăn với phương châm không để người dân thiếu đói khi xảy ra bão, mưa lũ. Chỉ đạo đã huy động lực lượng cán bộ chiến sỹ, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn thành phố cùng các lực lượng chức năng và người dân, nhiều phương tiện chuyên dụng hỗ trợ dọn dẹp bùn đất sau bão, mưa lũ nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường.
Nhiều giải pháp được thực hiện nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu
Triển khai công tác thống kê, đánh giá thiệt hại do mưa lũ gây ra, công tác khắc phục hậu quả thiên tai theo các nội dung quy định tại khoản 2, Điều 8 Thông tư liên tịch số 43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT ngày 23/11/2015 của Bộ NN&PTNT và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Quyết định số 373/QĐ-MTTQ-BTT ngày 24/4/2023 của Ban Thường trực Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam TP. Huế về mức hỗ trợ đột xuất, hỗ trợ có tính chất lâu dài cho cá nhân, hộ gia đình bị thiệt hại do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo trên địa bàn thành phố.
Hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai gây ra thực hiện theo quy định Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bênh; thủ tục hành chính thực hiện theo Quyết định 2462/QĐ-UBND ngày 08/10/2019 của UBND thành phố về việc công bố thủ tục hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP. Huế.Việc đầu tư xây dựng công trình khắc phục hậu quả thiên tai thực hiện theo Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Phòng chống thiên tai và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Về hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai (hạ tầng cơ sở, khôi phục sản xuất) cho các đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa theo tiêu chí quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 ngày 12/6/2017; tổ hợp tác; hợp tác xã. Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố tổng hợp báo cáo của các cơ quan, đơn vị, địa phương tham mưu UBND thành phố quyết định.
PV: Xin cảm ơn ông !
Hoàng Anh (thực hiện)