
Bà Rịa - Vũng Tàu: Bài 3 - Chính quyền địa phương để xảy ra nhiều sai phạm, ảnh hưởng đến di sản văn hoá Nhà Lớn Long Sơn
22/04/2024TN&MTÔng Nhà Lớn (Đạo Ông Trần) được lưu truyền nhiều đời với những đặc tính tốt đẹp về “Kỷ cương - Phép nước - Tu nhân - Học phật”, “Đoàn kết - Nhân Nghĩa - Nhẫn Hoà”, đó không chỉ là văn hoá tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống, nếp sống… mà còn là Di sản văn hoá (vật thể, phi vật thể) đã được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, đến nay tôn chỉ giáo đạo đó của Ông Nhà Lớn đã và đang bị tổn hại, gây nhiều bất cập bởi những hành vi sai phạm...
Qua phản ánh về những bất ổn đang diễn ra tại Nhà Lớn Long Sơn, Tạp chí TN&MT đã ghi nhận thực tế và đăng tải các bài viết liên quan: “Cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để bảo toàn Khu di tích cấp Quốc gia” và “Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhiều bất ổn về đất đai tại Khu Di tích Nhà Lớn”…
Quần thể Nhà Lớn Long Sơn được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia
Nguyên nhân sai phạm
Sự việc đã kéo dài hơn 10 năm qua, các chỉ đạo từ cấp Bộ, ngành chức năng, Cơ quan quản lý nhà nước đối với Di tích lịch sử cấp Quốc gia đã bị chính quyền địa phương phớt lờ, không thực thi, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, giám sát,… để xảy ra nhiều sai phạm, dẫn đến mâu thuẫn kéo dài, tổn hại đến di sản văn hoá, ảnh hưởng tín ngưỡng đạo Ông Trần.
Theo ghi nhận từ các văn bản của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh BR-VT và thực tế cho thấy, nguyên nhân để xảy ra các sai phạm tại Nhà Lớn Long Sơn (thôn 5, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), gây bất bình dư luận thời gian qua là có liên quan đến các hành vi sai phạm đã được quy định trong Luật Di sản, Luật Đất đai,… Trước tiên, thấy rõ trách nhiệm của UBND xã Long Sơn, nơi khu Di tích toạ lạc.
Thứ nhất, tại hai cuộc họp ngày 9/4/2006 và 28/4/2006, bà Lê Thị Kiềm - tông chi 1, kế thừa nội tộc Nhà Lớn, tự ý tổ chức cuộc họp gia tộc, có sự tham dự của (ông Lâm Văn Thanh và Hồ Văn Chắc) đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Long Sơn, để bãi bỏ vai trò của bà Lê Thị Đến - tông chi 2, kế thừa nội tộc Nhà Lớn.
Tại cuộc họp này, đại diện Xã Long Sơn đã không giải thích cho những người tham gia cuộc họp về Văn bản số 1371/QĐ, ngày 3/8/1991, công nhận Nhà Lớn (Đền Ông Trần) là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia, phải thực hiện đúng theo Luật Di sản văn hóa. Hơn thế nữa, Xã Long Sơn đã không “Thông báo” việc quản lý điều hành Nhà Lớn Long Sơn phải tuân thủ theo truyền thống “cha truyền con nối” của 2 nội tộc, tông chi 1 (bà Lê Thị Kiềm) và tông chi 2 (bà Lê Thị Đến) cùng các vị Hương chức (kỳ lão) đúng theo ý chỉ đặt để và tôn chỉ giáo đạo của Ông Nhà Lớn (vấn đề này đã vi phạm Điều 9, 20, 22 Luật Di sản văn hoá)...
Đạo Ông Trần được lưu truyền nhiều đời với đặc tính "Kỷ cương - Phép nước - Tu nhân - Học phật”, “Đoàn kết - Nhân Nghĩa - Nhẫn Hoà"
Thứ hai, trong quá trình bà Lê Thị Kiềm - đại diện Nhà Lớn cho xây dựng trái phép bãi đậu xe (hơn 10.000 m2), UBND xã Long Sơn đã “tắc trách” trong vai trò giám sát của chính quyền địa phương, để xảy ra tình trạng sai phạm về trật tự xây dựng, không ngăn chặn kịp thời việc xây dựng trái phép bãi đậu xe, gây bất ổn kéo dài... Cụ thể, UBND xã Long Sơn chậm trễ báo cáo tình trạng xây dựng trái phép bãi đậu xe Nhà Lớn theo Văn bản số 3735/TB-UBND, ngày 10/7/2019 của UBND TP. Vũng Tàu yêu cầu báo cáo..., nhưng đến gần 01 năm sau (ngày 20/4/2020), thì UBND xã Long Sơn mới có Văn bản số 347/UBND-ĐC gửi TP. Vũng Tàu, với nội dung: Phần diện tích đất do Nhà Lớn quản lý sử dụng đã được Nhà Lớn cải tạo làm bãi đậu xe phục vụ di tích Nhà Lớn Long Sơn.
Đáng chú ý, ngày 28/2/2023, UBND TP. Vũng Tàu có công văn số 1076 /UBND-QLĐT trả lời đơn của bà Lê Thị Kiềm - đại diện quản lý Nhà Lớn, về việc bà Kiềm đề nghị thi công bãi đậu xe bê tông cốt thép, xây dựng mái che cố định, xây mới nhà tắm và nhà vệ sinh,... phục vụ khu vực di tích Nhà Lớn Long Sơn (tại Thôn 5, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu) là “chưa có cơ sở xem xét, giải quyết”, nhưng bà Kiềm cố tình vi phạm, đã nhận tài trợ của Công ty dầu khí (ở xã Long Sơn) để khởi công, đổ bê tông bãi đậu xe và lắp đặt mái che cố định, xây dựng nhà cao tầng, kiên cố.
Đến ngày 10/4/2023, UBND TP. Vũng Tàu tiếp tục có công văn số 2147/UBND-QLĐT về việc trả lời đơn thư của bà Lê Thị Kiềm - đại diện quản lý Nhà Lớn Long Sơn (Đền Ông Trần) xin được lắp mái che cố định và lát xi măng làm bãi đậu xe phục vụ khu vực di tích Nhà Lớn. Nhưng UBND TP. Vũng Tàu vẫn giữ nguyên ý kiến theo công văn số 1076/UBND-QLĐT, khẳng định việc làm bãi đậu xe, thi công bê tông cốt thép có mái che cố định... là chưa có cơ sở xem xét, giải quyết.
Trước những vấn đề bức xúc, bà Lê Thị Đến - tông chi 2, kế thừa nội tộc Nhà Lớn đã nhiều lần gửi đơn đến Lãnh đạo UBND xã Long Sơn, đề nghị kịp thời ngăn chặn việc trùng tu, tôn tạo, xây dựng trái phép bãi đậu xe Nhà Lớn… Nhưng chính quyền địa phương vẫn để cho bà Kiềm tiếp tục xây dựng thêm nhà gỗ lớn, nhà cao tầng kiên cố trái quy định. Cho đến nay, nhiều hạng mục công trình trong bãi đậu xe đã hoàn thiện.
Cùng với đó, liên tục những sai phạm đã diễn ra trong giai đoạn bà Lê Thị Kiềm độc tôn quản lý Nhà Lớn, lấy danh nghĩa đại diện Nhà Lớn tự ý phân chia đất Nhà Lớn không đúng đối tượng, tranh chấp đất với bá tánh theo đạo Ông Nhà Lớn, thưa kiện ra toà (trường hợp ông/bà Đặng Văn Si - Huỳnh Thị Vàng (thôn 5), bà Phan Thị Hạnh (thôn 8), thuộc xã Long Sơn...), đồng thời sử dụng tài chính Nhà Lớn không đúng mục đích, gây bất ổn trong mọi hoạt động của Nhà Lớn, bất bình trong dư luận, khiếu nại kéo dài... Đối với các vấn đề trên, UBND xã Long Sơn đã trực tiếp sai phạm trong vấn đề thực hiện niêm yết công khai không đúng thực tế.
Ông Nguyễn Văn Mai - Phó Chủ tịch xã Long Sơn ký danh sách công khai niêm yết sai về nguồn gốc đất và thời gian sử dụng đất.
Chính những hành vi buông lỏng quản lý, tắc trách trong giám sát, kiến nghị của UBND xã Long Sơn, đã “tiếp tay” cho bà Lê Thị Kiềm lấy danh nghĩa đại diện Nhà Lớn Long Sơn làm sai lệch, tổn hại đến di sản văn hoá (vật thể, phi vật thể) cấp Quốc gia… Từ đó đã phá vỡ nếp sống tín ngưỡng, phong tục tập quán, ý chỉ đặt để của Ông Nhà Lớn và làm mất đi nét đẹp văn hoá truyền thống tồn tại hàng trăm năm, đã được Nhà nước công nhận, bảo vệ bởi quy định của pháp luật.
Thực tế cho thấy, tại Khoản 3, Điều 19, Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND, ngày 15/6/2018 của UBND tỉnh BR-VT về ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, đã nêu rõ, nhiệm vụ và quyền hạn của UBND cấp Xã là: Tiếp nhận và giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến di tích theo thẩm quyền; ngăn ngừa và xử lý các hành vi vi phạm; kịp thời báo cáo UBND cấp Huyện khi phát hiện di tích xuống cấp hoặc bị xâm hại; tuyên truyền nâng cao ý thức của nhân dân trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn; chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ, phòng ngừa, ngăn chặn và kịp thời báo cáo UBND cấp Huyện các hành vi vi phạm đến di tích, các nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của di tích và cảnh quan môi trường của di tích; kiểm tra và định kỳ báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp về hiện trạng di tích; chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra những vi phạm pháp luật tại di tích như: Việc tu bổ, sơn thếp tượng, đồ thờ, di dời, bổ sung đồ thờ, hiện vật khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền; các hành vi xâm lấn đất đai, xây dựng trái phép làm ảnh hưởng đến kiến trúc, cảnh quan môi trường di tích và các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến di tích.
Những kiến nghị cụ thể
Trước những bức xúc về sự bất ổn đang diễn ra tại Nhà Lớn Long Sơn, ngày 10/10/2023, bà Lê Thị Đến - kế thừa cha truyền con nối, nội tộc tông chi 2 Nhà Lớn đã có đơn phản ánh và đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT “khẩn trương” trực tiếp tổ chức đối thoại với công dân để xử lý hành vi sai phạm pháp luật về di sản văn hoá tại Điều 13 (Khoản 1, 2, 5), Điều 62 của Luật Di sản văn hoá, Điều 15 của Luật Đất đai và giải quyết khắc phục hậu quả sai trái, thể hiện qua các vấn đề cần thiết:
Bà Lê Thị Đến - kế thừa "cha truyền con nối", nội tộc tông chi 2 Nhà Lớn luôn trăn trở Di sản văn hoá Nhà Lớn đã và đang bị tổn hại
Về quản lý điều hành di tích Nhà Lớn (Đền Ông Trần), bà Đến đề nghị Lãnh đạo tỉnh BR-VT nhanh chóng ban hành văn bản phục hồi, giữ nguyên, công nhận thành phần nhân sự quản lý, điều hành Di tích Nhà Lớn Long Sơn (Đền Ông Trần) là Gia tộc Nhà Lớn gồm 2 nội tộc kế thừa “cha truyền con nối”, tông chi 1 (bà Lê Thị Kiềm) và tông chi 2 (bà Lê Thị Đến) và 08 vị Hương Chức (Kỳ Lão) Nhà Lớn (bá tánh theo tín ngưỡng ông Nhà Lớn) đúng theo ý chỉ đặt để cơ cấu nhân sự của Ông Nhà Lớn, quy định truyền thống Nhà Lớn được bảo vệ bởi quy định pháp luật.
Vì đây cũng là khẳng định của Bộ Văn hoá Thể thao - Du lịch tại văn bản số 4031/BVHTTDL-TTr, ngày 04/11/2013: Di tích Nhà Lớn Long Sơn được công nhận cấp quốc gia tại Quyết định số 1371/QĐ-VH ngày 3/8/1991. Di tích này được duy trì tồn tại qua nhiều năm dưới sự hoạt động của Ban điều hành Nhà Lớn, gồm đại diện gia tộc Nhà Lớn kế thừa cha truyền con nối cùng các vị Hương chức (kỳ lão) điều hành, quản lý hoạt động việc Nhà Lớn...
Đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu xem xét thành lập tổ công tác của tỉnh, kiểm tra xác minh sự việc, giải quyết đơn của bà Kiềm, bà Đến. Làm rõ nguyên nhân việc khiếu kiện kéo dài giữa hai bên, làm rõ đúng sai; Cần thành lập một tổ chức hợp pháp để điều hành, quản lý có hiệu quả Khu di tích lịch sử - văn hoá Nhà Lớn, có sự đồng thuận trong nội tộc, các chi thứ nhất (trong đó có bà Lê Thị Kiềm), chi thứ hai (trong đó có bà Lê Thị Đến) và các Hương chức (kỳ lão) dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, công khai, dân chủ, minh bạch theo quy định pháp luật...
Về quản lý sử dụng đất Nhà Lớn, bà Đến đề nghị Lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kịp thời giải quyết khắc phục hậu quả những sai phạm pháp luật về di sản văn hóa tại Khoản 5, Điều 13 của Luật Di sản văn hoá và Điều 15 của Luật Đất đai, giao trả đúng hiện trạng đất ban đầu cho Nhà Lớn.
Bãi đậu xe Nhà Lớn xây dựng trái phép, đã mọc lên những căn nhà kiên cố và nhiều hạng mục hoàn thiện
Đồng thời, đề nghị các ngành chức năng trực tiếp chỉ đạo, giải toả việc xây dựng trái phép đối với: Thửa đất số 848 (diện tích 623m2), thuộc thôn 5, xã Long Sơn (gò Trâm Bầu, cây xanh Huyền Vũ của ông Nhà Lớn để lại 100 năm nay), là phần đất của Nhà Lớn đã bị bà Lê Thị Kiềm tự ý bán cho người khác (hiện đã xây dựng nhà trái phép); Xây trái phép Bãi đậu xe Nhà Lớn (diện tích 10.325m2), thực hiện trái với Đề án về bãi đậu xe Nhà Lớn kết hợp cây xanh “gỗ” và khu vực cây xanh “gỗ” (công viên cây xanh) Ban điều hành Nhà Lớn ký thoả thuận với Sở Giao thông Vận tải tại Biên bản thoả thuận ngày 29/7/2004 và Đề án này được UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đồng thuận tại Thông báo số 191/TB-UB, ngày 01/09/2004.
Ngoài ra, Bà Lê Thị Đến đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cấp giấy Chứng nhận QSDĐ hương hỏa còn lại của Nhà Lớn cho Nhà Lớn, do 2 nội tộc kế thừa “cha truyền con nối”, tông chi 1 (bà Lê Thị Kiềm) và tông chi 2 (bà Lê Thị Đến) cùng nhau sử dụng vào mục đích chung cho Nhà Lớn, đúng theo ý chỉ đặt để và tính truyền thống của Ông Nhà Lớn về giáo dục và nhân nghĩa (hương hỏa, sinh hoạt tín ngưỡng, trùng tu tôn tạo và phúc lợi xã hội).
Bảo vệ và phát huy Di sản văn hoá phải đúng Luật
Trao đổi những vấn đề trên, Luật sư Trần Đức Phượng - Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho rằng, Luật Di sản văn hoá năm 2001 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã quy định rất rõ việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá (vật thể, phi vật thể). Cụ thể, theo Điều 13 (khoản 1, khoản 2, khoản 5) của luật này nghiêm cấm các hành vi chiếm đoạt, làm sai lệch di tích lịch sử - văn hóa danh lam thắng cảnh; huỷ hoại hoặc gây nguy cơ huỷ hoại di sản văn hoá; lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan và thực hiện những hành vi khác trái pháp luật.
Điều 14, Điều 15, 16 của Luật Di sản văn hoá cũng nêu rõ về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đối với di sản văn hoá là sở hữu hợp pháp di sản văn hóa, tôn trọng bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; ngăn chặn hoặc đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi phá hoại, chiếm đoạt, sử dụng trái phép di sản văn hóa; thông báo kịp thời cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp di sản văn hóa có nguy cơ bị làm sai lệch giá trị, bị hủy hoại, bị mất.
Và các Điều 20, Điều 62, Điều 66 của Luật Di sản văn hoá đã cụ thể nhiều vấn đề: Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, ngăn chặn nguy cơ sai lệch, bị mai một hoặc thất truyền; Nguồn tài chính dành cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả; Thanh tra Nhà nước về văn hoá thể thao và du lịch là nơi tiếp nhận và kiến nghị việc giải quyết khiếu nại tố cáo về di sản văn hoá; kiến nghị các biện pháp để bảo đảm thi hành pháp luật về di sản văn hoá…
Tính truyền thống kế thừa hàng trăm năm gây dựng của Ông Nhà Lớn đang bị phá vỡ, ảnh hưởng đến văn hoá tín ngưỡng, đồng nghĩa với việc giá trị di sản văn hoá (vật thể, phi vật thể) bị tổn hại, không được bảo vệ, phát huy,... Mặc dù có nhiều chỉ đạo của ngành chức năng liên quan, nhưng đến nay vẫn chưa khôi phục được truyền thống kế thừa “cha truyền con nối” của 2 nội tộc tông chi 1 (bà Lê Thị Kiềm) và tông chi 2 (bà Lê Thị Đến) cùng các vị Hương chức (kỳ lão) đúng theo ý chỉ đặt để của Ông Nhà Lớn.
PV