
Chung tay hành động vì một mô hình "Pleiku xanh"
05/06/2023TN&MTViện Nghiên cứu Sức khoẻ và Phát triển Giáo dục Tây Nguyên học làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hưởng ứng tháng hành động vì môi trường đã triển khai chương trình “Mỗi người một cây xanh, mỗi nhà nhiều cây xanh và mỗi đơn vị một rừng xanh” và mô hình ”lấy kiến thức đổi cây xanh” nhằm kêu gọi các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, các đoàn thể,… cùng chung tay bảo vệ môi trường bằng các hành động thiết thực nhằm lan toả thông điệp đồng lòng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua hành động trồng cây xanh đô thị dựa theo một bảng thiết kế chi tiết phù hợp, mang đậm bản sắc văn hoá vùng miền, góp phần hấp dẫn và phát triển du lịch TP. Pleiku, hướng tới xây dựng thành phố xanh đẹp đáp ứng được mục tiêu “Cao nguyên xanh vì sức khoẻ”.
Bác Hồ với cây xanh
Nhà sàn Bác Hồ với vườn cây xanh rợp bóng mát
Nói về tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh, sinh thời, Bác Hồ thường xuyên quan tâm đến vấn đề trồng cây xanh và bảo vệ môi trường sống. Nhận thức được tầm quan trọng của thiên nhiên và cây xanh đối với đời sống con người, Người đã sớm quan tâm tới việc xây dựng một môi trường sống trong lành cho nhân dân, lấy việc trồng, bảo vệ cây xanh là đòn bẩy cho hoạt động bảo vệ môi trường. Người quan niệm rằng trồng cây không chỉ là công việc nông lâm đơn thuần, mà còn có ý nghĩa quan trọng là giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu tại căn cứ địa Việt Bắc, trên những chặng đường kháng chiến gian khổ, nơi ở của Bác thường rất đơn sơ với tre, nứa, cây rừng,... Sau ngày kháng chiến thành công, trở về Hà Nội làm việc trong khu Phủ Chủ tịch, Người sống và làm việc trong ngôi nhà sàn giản dị nằm giữa vườn cây xanh rợp bóng mát. Hiện nay, toàn bộ vườn cây Khu di tích đã có 1.271 cá thể, thuộc 161 loài cây, 54 họ thực vật trong đó có 35 loài cây ăn quả, 59 loài cây bóng mát, 67 loài hoa và cây cảnh, có nhiều cây cổ thụ hàng trăm tuổi. Các loài cây được trồng xen kẽ nhau tạo nên những nét chấm phá làm tăng sự hấp dẫn, sinh động của cảnh quan môi trường.
Ngày nay, khi Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu, vâng lời Bác dạy, nhiều người góp phần trồng cây xanh, toàn Đảng, toàn dân ta tiếp tục duy trì và phát động phong trào trồng cây, gây rừng rộng rãi từ thành thị đến nông thôn, với mong muốn trồng cây bảo vệ môi trường tự nhiên. Dù vậy, trong thời gian qua, nhiều đô thị, tỉnh thành trồng cây xanh vẫn chưa theo một quy hoạch, thiết kế khoa học, trồng cây theo cảm tính đã phá hỏng cảnh quan, ảnh hưởng đến hệ sinh thái gây ra sự lãng phí không đáng có.
Học và làm theo tư tưởng đó của Người, TS. Phùng Thị Kim Huệ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện Nghiên cứu Sức khoẻ và Phát triển Giáo dục Tây Nguyên - đã khởi xướng dự án “Pleiku xanh” nhằm mục tiêu định hướng phát triển hệ thống cây xanh đô thị ở địa bàn Tp. Pleiku trên cơ sở một thiết kế chi tiết được các nhà khoa học, các chuyên gia cây xanh, các kiến trúc sư đô thị tiến hành thực hiện, tiêu chí thiết kế quan tâm đến các loài cây đường phố, cây bụi, cây tầm thấp có hoa theo vỉa hè, giàn dây leo trước nhà, lựa chọn cây xanh phù hợp để trồng, cho hoa theo mùa, hoa nở quanh năm, phù hợp đặc điểm thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu tiểu vùng Tp. Pleiku; đồng thời đảm bảo bản sắc văn hoá, mỹ quan đô thị như màu sắc, hình dáng, kích thước, mật độ lá và chiều cao,... của cây và hoa, tạo sự hòa hợp, đẹp mắt mà không độc với con người; dễ trồng, ít công chăm sóc,… có giá trị bảo vệ môi trường khu dân cư bền vững.
Thiết kế mảng xanh đô thị theo quan điểm của Tiến sỹ Phùng Thị Kim Huệ đảm cân bằng và ổn định môi trường sinh thái tự nhiên, đặc trưng bản sắc văn hoá vùng miền, phù hợp thổ nhưỡng khí hậu, hấp dẫn du lịch
Học theo gương Bác, ta phải nhận thức được rằng trồng cây không chỉ là lợi ích trước mắt, mà còn bảo vệ môi trường sinh thái và làm cho đất nước phát triển bền vững. Bác dạy, trong việc trồng cây xanh cần quan tâm cả quy luật phát triển của môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Đối với môi trường tự nhiên là tổng thể các yếu tố tự nhiên xung quanh gồm khí quyển, thổ nhưỡng, sinh vật…Trong đó, cây xanh là yếu tố quan trọng, là một bộ phận cơ bản của môi trường sống, có khả năng tác động đến địa hình, khí hậu, đất đai, nước, không khí... và có ý nghĩa sống còn đối với đời sống con người. Vì vậy, phát triển các mảng xanh đô thị theo quan điểm của TS. Phùng Thị Kim Huệ thì khả năng cân bằng và sự ổn định môi trường sinh thái tự nhiên càng lớn, góp phần vào việc điều hoà khí hậu khu dân cư, góp phần chống lại sự biến đổi khí hậu của trái đất. Đối với môi trường xã hội, Người khuyên: “Việc trồng cây xanh là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người - từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng đều có thể hăng hái tham gia”. Người xem việc trồng cây là phong trào thi đua yêu nước lâu dài trong Nhân dân và muốn kết nối giữa các thế hệ người Việt Nam, ai ai cũng có thể tham gia trồng cây và trồng cây là ích nước, lợi nhà, là sự kết nối xanh tươi giữa các vùng miền, giữa các giai cấp, giữa các dân tộc, giữa các thế hệ, giữa các lực lượng xã hội, giữa các tôn giáo, đó chính là góp phần xây dựng môi trường xã hội bền vững.
Xây dựng mô hình “lấy kiến thức đổi cây xanh”
Lấy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm định hướng, TS. Phùng Thị Kim Huệ đã đề xuất chương trình “mỗi người một cây xanh, mỗi nhà nhiều cây xanh và mỗi đơn vị một rừng xanh” cùng mô hình ” lấy kiến thức đổi cây xanh” và trồng cây xanh đô thị với nguồn vốn xã hội hoá nhằm mục đích để mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, mọi thành phần đều chung tay góp sức, trong đó thanh niên, học sinh, sinh viên trong các nhà trường, trong tổ chức Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, các cơ quan ban ngành,… có thể tham gia phong trào trồng cây xanh nhằm phủ xanh các khu đô thị, các vùng đất trống, đồi núi trọc nói chung và đô thị nói riêng, giúp ngăn chặn lũ lụt, thiên tai, mang lại bầu không khí trong lành, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cho cuộc sống của con người, góp phần bảo vệ môi trường, chống lại những tác động của biến đổi khí hậu.
Thiết kế mảng xanh (ảnh 3D) trường TCPH trong chương trình “Mỗi người một cây xanh, mỗi nhà nhiều cây xanh, mỗi đơn vị một rừng xanh” thuộc dự án “Pleiku xanh” của TS. Phùng Thị Kim Huệ
Quan điểm trồng cây xanh và những kinh nghiệm về bảo vệ môi trường mà Bác Hồ kính yêu đã để lại cho chúng ta là một bài học quý báu, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay nhân loại đang đối diện với rất nhiều vấn đề cấp bách về môi trường. Sự phát triển kinh tế càng nhanh thì càng kéo theo hệ lụy ảnh hưởng đến môi trường sống. Nhiều khu công nghiệp đang xả chất thải sản xuất trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước và đất đai. Nạn chặt phá rừng, buôn bán gỗ lậu diễn ra ngày càng tinh vi trên khắp các cánh rừng gây ra nhiều hậu quả nặng nề như làm gia tăng nhiệt độ trái đất kéo theo lũ lụt, sạt lở đất,...Các đô thị đang được mở rộng, nâng cấp và xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực nội thành, mở rộng thành phố ra ngoại ô, trong đó có đô thị Pleiku của chúng ta nhưng chưa đồng thời gắn liền với việc xử lí rác thải, phát triển hệ thống cây xanh,… khiến cho nhiều đô thị đang bị ô nhiễm, đe dọa sức khỏe và chất lượng sống của con người ở khu dân cư. Theo đó, khi dự án “Pleiku xanh” triển khai thành công theo mô hình trên, không chỉ là Tp. Pleiku đạt kì vọng trở thành đô thị “Cao nguyên xanh vì sức khỏe” mà còn tạo nên sự lan toả, là mô hình để phát triển cây xanh trên khắp mọi miền đất nước, mang lại những lợi ích lớn lao, vừa góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân, vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, vừa xây dựng một môi trường xã hội bền vững, giúp mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn, trong lành hơn cho con người phù hợp với lời Bác Hồ đã từng dạy “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây; vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người.”.
Hồng Hải