
Công ty Cổ phần Môi trường Bình Định: Hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2023
22/02/2024TN&MTNăm 2023, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, nhưng Công ty Cổ phần Môi trường Bình Định (Công ty) đã quyết tâm vượt khó hoàn thành nhiệm vụ được giao. Phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tấn Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty xung quanh hoạt động của doanh nghiệp.
PV: Xin ông cho biết kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty trong năm 2023 vừa qua?
Ông Nguyễn Tấn Nghĩa: Năm 2023, mặc dù bị ảnh hưởng bởi tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu, các hoạt động của Công ty Cổ phần Môi trường Bình Định cũng phần nào chịu ảnh hưởng. Ban Lãnh đạo Công ty luôn nỗ lực chỉ đạo linh hoạt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, thực hiện đảm bảo khối lượng, chất lượng công việc, tăng năng suất lao động, tối ưu hóa các hoạt động, giảm thiểu chi phí, hoàn thành vượt các chỉ tiêu kế hoạch về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước, ổn định việc làm, tăng thu nhập, đảm bảo đời sống cho người lao động. Qua đó người lao động đã có phúc lợi tốt hơn và yên tâm làm việc tại Công ty.
Ông Nguyễn Tấn Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Môi trường Bình Định
Cùng với tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, để nâng cao chất lượng dịch vụ vệ sinh môi trường, Công ty đã quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị, phương tiện. Đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa trong công tác vệ sinh môi trường, triển khai phương án sử dụng xe chuyên dùng chạy các tuyến đường để thu gom, vận chuyển rác. Sử dụng hiệu quả xe quét, hút bụi các tuyến đường chính trong thành phố Quy Nhơn, bố trí xe sàng cát biển dọc bãi biển Quy Nhơn góp phần giảm sức lao động và tăng năng suất làm việc của người lao động.
Công nhân Công ty đang miệt mài lao động
Thực hiện thu gom, vận chuyển rác đảm bảo vệ sinh, xử lý kịp thời các điểm rác phát sinh nơi công cộng, đề xuất cấp có thẩm quyền cho thực hiện mở rộng thu gom rác khu vực ngoại thành và các đô thị mới, tăng tỷ lệ thu gom, vận chuyển rác, tăng tần suất thu gom đặc biệt tại các khu vực ngoại thành. Đông thời, vận hành khu xử lý chất thải rắn đảm bảo vệ sinh môi trường, không để phát sinh ô nhiễm môi trường ra khu vực xung quanh.
Công nhân Công ty thực hiện nạo vét hệ thống thoát nước
Đối với công tác thoát nước, Công ty đã tập trung lãnh đạo việc tăng cường công tác tuần tra, kịp thời phát hiện các hư hỏng, tuyến thoát nước, hố ga không đảm bảo tiêu thoát nước. Xây dựng kế hoạch báo cáo cấp có thẩm quyền cho thực hiện duy tu, sửa chữa, nạo vét, thi công xây dựng các tuyến thoát nước mới trước mùa mưa. Cùng với đó tổ chức thi công đảm bảo kịp tiến độ, quản lý, vận hành hệ thống xử lý nước thải đô thị theo quy trình kỹ thuật, đảm bảo quy chuẩn hiện hành. Thường xuyên kiểm tra, khắc phục và xử lý kịp thời các sự cố xảy ra trên toàn hệ thống, hạn chế tối đa việc nước thải chưa xử lý xả ra môi trường.
Công nhân Công ty dùng các xe đạp trợ lực vừa thu gom rác vãng lai vừa tuyên truyền nhân dân giữ gìn vệ sinh, bỏ rác đúng quy định
Ngoài ra, Công ty còn thực hiện các chương trình truyền thông, triển khai thực hiện các mô hình, giải pháp mới, sáng tạo như: Mô hình vệ sinh môi trường cơ động, công nhân dùng các xe đạp trợ lực vừa thu gom rác vãng lai vừa tuyên truyền nhân dân giữ gìn vệ sinh, bỏ rác đúng quy định; Tổ xung kích chống ngập úng đã kịp thời thu gom rác, khơi thông, tháo gỡ các vật che đậy hố ga, hố thu nước trước, trong và sau mưa bão đảm bảo hiệu quả tiêu thoát nước trên địa bàn thành phố Quy Nhơn;…
PV: Đánh giá của ông về công tác quản lý và xử lý chất thải của Công ty trong thời gian vừa qua?
Ông Nguyễn Tấn Nghĩa: Công ty Cổ phần Môi trường Bình Định là đơn vị thực hiện dịch vụ vệ sinh môi trường đô thị trên địa bàn thành phố Quy Nhơn. Trong những năm qua, Công ty từng bước nâng cao năng lực, cải tiến phương tiện, thiết bị, đồng hành, góp phần xây dựng thành phố Quy Nhơn sạch, đẹp, đáp ứng nhu cầu phát triển của Thành phố.
Năm 2024, Công ty tiếp tục triển khai hệ thống hoá và chuyển đổi số các cơ sở dữ liệu của Công ty, ứng dụng các phần mềm trong quản lý khách hàng, quản lý công việc, quản lý nhân sự, xây dựng các bản đồ số để quản lý công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn và quản lý hệ thống thoát nước; từ đó, góp phần chuyên nghiệp hoá công tác quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ và xây dựng thương hiệu Công ty ngày càng vững mạnh.
Về công tác xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố Quy Nhơn, sau khi thu gom rác trên địa bàn các phường, xã trong Thành phố, Công ty vận chuyển về Khu xử lý chất thải rắn Quy Nhơn (tại thôn Thanh Long, xã Phước Mỹ, thành phố Quy Nhơn) để xử lý. Tại đây, Công ty sẽ xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh. Ngoài ra, một số ít rác hữu cơ là các phế phẩm nông nghiệp, rác thu gom từ các chợ được xử lý tái chế thành phân compost.
Đặc biệt, Công ty đã ký thoả thuận với Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) về việc thiết lập cơ sở thu hồi vật liệu MRF tại Khu xử lý chất thải rắn Long Mỹ. Theo đó, UNDP sẽ hỗ trợ cho Công ty về mặt công nghệ tái chế rác thải nhựa. Công ty đã thiết lập hai điểm truyền thông có địa chỉ tại số 40 Phan Bội Châu, phường Lê Lợi và số 75 Nguyễn Diêu, phường Nhơn Phú, thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) nhằm thu hồi phế liệu nhựa từ cộng đồng cư dân xung quanh. Công ty đã tổ chức sự kiện “Giới thiệu mô hình vận hành MRF và sự tham gia của lao động phi chính thức” và cũng đã ký kết hợp tác với 02 khách sạn, 03 vựa phế liệu về việc tham gia mạng lưới đối tác của MRF. Tính đến tháng 12/2023, đã có tổng cộng gần 800 kg phế liệu nhựa được thu gom về cho MRF.
Công ty Cổ phần Môi trường Bình Định đã xử lý chất thải rắn theo đúng quy trình, quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đồng thời thực hiện đầy đủ việc quan trắc môi trường định kỳ và các biện pháp kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hiện nay, với khối lượng rác thải ngày càng tăng, việc xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp chiếm nhiều diện tích đất, không phù hợp với xu hướng đô thị hóa.
Hiện nay, cơ sở MRF có diện tích 1.000 m2, với công suất xử lý 02 – 04 tấn nhựa một ngày và đang bước vào giai đoạn xây dựng nhà xưởng, lắp đặt hệ thống thiết bị, dự kiến sẽ đi vào vận hành chính thức trong quý I năm 2024. Ước tính với việc hình thành cơ sở MRF sẽ giảm thiểu được 01 tấn chất thải phải chôn lấp, tạo công ăn việc làm cho hơn 200 lao động trên địa bàn. Đồng thời, giảm nhẹ gánh nặng cho hệ thống quản lý chất thải rắn thông qua việc giảm khối lượng chất thải chôn lấp.
PV: Đâu là những bất cập trong công tác thu gom, phân loại và xử lý rác thải hiện nay?
Ông Nguyễn Tấn Nghĩa: Mặc dù, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các Nghị định của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu đã quy định rất rõ trách nhiệm của chủ phát thải phải thực hiện phân loại rác tại nguồn. Nhưng thực tế hiện nay phần lớn chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại rác tại nguồn. Các chương trình phân loại rác tại nguồn còn mang tính thử nghiệm, phong trào, mang tính khuyến khích,...
Việc triển khai phân loại rác tại nguồn cần được triển khai đồng bộ với việc đầu tư các thiết bị, phương tiện, công nghệ cho công tác vận chuyển và xử lý chất thải. Đảm bảo chất thải sau khi được phân loại rác tại nguồn được vận chuyển và xử lý riêng theo công nghệ phù hợp, tái chế chất thải có khả năng tái chế.
Cần phải có chính sách khuyến khích, chế tài, sự tham gia của các cấp chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện phân loại rác tại nguồn. Phải xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào tái chế rác thải, ông Nguyễn Tấn Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Môi trường Bình Định.
Công tác ứng dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện đại từ các nước chưa phù hợp với đặc thù của chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam, do chưa được phân loại tại nguồn, độ ẩm của rác cao, nhiệt trị thấp,...Các thiết bị, công nghệ xử lý chất thải trong nước chưa hoàn thiện. Trong khi, Nhà nước chưa có định hướng về sử dụng công nghệ rõ ràng, chưa có tiêu chí lựa chọn thiết bị, công nghệ phù hợp.
PV: Vậy chương trình, kế hoạch hành động bảo vệ môi trường của Công ty trong năm 2024 như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Tấn Nghĩa: Để tiếp tục duy trì và phát huy danh hiệu đã được công nhận của thành phố Quy Nhơn - “Thành phố du lịch sạch ASEAN” do diễn đàn du lịch ASEAN (ATF) bình chọn với 07 tiêu chí. Trong đó, quản lý môi trường chung, đường phố sạch sẽ, vệ sinh; chính quyền và cộng đồng có ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh đường phố là 02 tiêu chí quan trọng. Công ty sẽ cố gắng duy trì, tăng cường, thực hiện tốt công tác thường nhật của mình là vệ sinh môi trường tại bãi biển, nơi công cộng, thu gom xử lý rác kịp thời, bảo đảm không có rác thải ứ đọng trong các khu dân cư, khu du lịch và bãi biển.
Công nhân Công ty thu gom rác thải trên bãi biển Quy Nhơn
Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp về bảo vệ môi trường liên quan đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty, trong đó chú trọng các công trình xử lý chất thải tại Khu xử lý chất thải rắn Long Mỹ, Lò đốt rác thải xã Nhơn Châu, 02 nhà máy xử lý nước thải Nhơn Bình và 2A, với mục tiêu không phát sinh ô nhiễm, sự cố môi trường. Nhằm hướng tới xây dựng Công ty “vì môi trường sạch - đẹp - bền vững”, hài hoà giữa hoạt động kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ chính trị trong công tác vệ sinh môi trường và chỉnh trang đô thị, góp phần vào mục tiêu phát triển du lịch, tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định.
Trong thời gian tới, Công ty cũng sẽ mở rộng địa bàn hoạt động, tìm kiếm cơ hội hợp tác để đầu tư công nghệ xử lý chất thải rắn bền vững, hạn chế việc chôn lấp, tăng cường tái chế như đốt rác phát điện hoặc thu hồi nhiệt, thu hồi nhiên liệu, tái chế rác hữu cơ thành phân compost, sản xuất hạt nhựa,… Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức các hoạt động truyền tải thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm soát, giải quyết ô nhiễm nhựa; hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Đỗ Hùng (thực hiện)