
Công ty Nhiệt điện Ninh Bình: Chú trọng bảo vệ môi trường
20/12/2024TN&MTNhững năm qua, Công ty cổ phần Nhiệt điện Ninh Bình (Công ty) luôn tích cực tuân thủ pháp luật và thực hiện tốt các giải pháp bảo vệ môi trường (BVMT). Phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Quốc Trung, Tổng Giám đốc Công ty xung quanh vấn đề này.
PV: Xin ông đánh giá công tác BVMT Công ty trong thời gian vừa qua?
Ông Vũ Quốc Trung: Trong những năm qua, Công ty cổ phần Nhiệt điện Ninh Bình đã và đang thực hiện tốt công tác BVMT, tuân thủ các quy định về môi trường của pháp luật hiện hành và luôn coi bảo vệ môi trường là nội dung quan trọng không thể tách rời kế hoạch phát triển và sản xuất kinh doanh.
Ông Vũ Quốc Trung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhiệt điện Ninh Bình phát biểu trong Đại hội cổ đông bất thường năm 2024 của Công ty
Dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban lãnh đạo Công ty, sự tham mưu hiệu quả của bộ phận chuyên môn và sự chung sức đồng lòng của toàn thể người lao động, trong những năm gần đây Công ty đã đạt một số thành quả đáng kể.
Tháng 10/2020, Công ty đã hoàn thành lắp đặt bảng điện tử hiển thị công khai minh bạch các thông số phát thải đến cộng đồng dân cư tại cổng Công ty theo quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ.
Năm 2021, Công ty đã được cấp Giấy chứng nhận hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14001:2015 do Tổ chức chứng nhận DAS UK phê duyệt và được UKAS công nhận.
Đặc biệt, vào ngày 15/05/2023, Công ty đã nhận được Giấy phép môi trường số 142/GPMT-BTNMT do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho Công ty thực hiện các hoạt động BVMT của Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình. Cùng với đó, ngày 02/06/2023 Công ty cũng đã nhận được quyết định phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu số 407/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình cấp.
Khuôn viên Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình luôn Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp
Việc được các cơ quan quản lý nhà nước công nhận và cho phép thực hiện các hoạt động BVMT là động lực to lớn để Công ty cố gắng hơn nữa trong việc cải thiện hiệu suất môi trường như nghiên cứu sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn, giảm phát thải. Đồng thời, góp phần tuyên truyền cho người lao động trong Công ty và truyền thông cho cộng đồng xung quanh. Qua đó nâng cao uy tín và niềm tin của các bên liên quan về công tác quản lý, BVMT của Công ty.
PV: Vấn đề xử lý nước thải được Công ty thực hiện ra sao, thưa ông?
Ông Vũ Quốc Trung: Trong quá trình hoạt động Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình phát sinh 02 loại nước thải là nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt.
Về nước thải sinh hoạt của Nhà máy đang được thu gom vào các bể tự hoại (hiệu quả xử lý của bể tự hoại đối với nước thải sinh hoạt là 80 - 85%). Nước thải sau khi xử lý qua bể tự hoại thu gom về hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung 50 m3/ngày đêm. Công ty đã cải tạo hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung (theo yêu cầu của GPMT số 142/GPMT-BTNMT) và đã ban hành quy trình vận hành hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung theo Quyết định số 660/QĐ-NBTPC ngày 28/12/2023.
Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình
Theo báo cáo kết quả quan trắc định kỳ chất lượng nước thải sinh hoạt xả ra sông Đáy của Công ty vẫn đảm bảo nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 14:2008/BTNMT Cột A; K =1,2.
Đối với nước thải công nghiệp (gồm: nước thải xỉ, nước vệ sinh công nghiệp, nước xả cặn hệ thống xử lý nước thô, nước làm mát máy biến áp) đã được Công ty đưa xuống hầm bơm thải xỉ. Nước tại bãi thải xỉ sẽ được lắng phần xỉ xuống dưới, phần nước sẽ được đi qua 08 hồ lắng trong để loại bỏ các cặn bẩn, thành phần ô nhiễm theo hình thức tự chảy.
Sau khi xử lý qua các hồ lắng trong, nước thải sẽ được đưa về trạm bơm và được bơm ngược trở lại cho hoạt động của Nhà máy. Lượng nước thải này được tuần hoàn ngược trở lại cho hoạt động của nhà máy và không thải ra ngoài môi trường.
Còn với nước làm mát bình ngưng tuabin, sau khi làm mát bình ngưng tuabin (không sử dụng hóa chất) nước thải được dẫn 01 phai nước ra kênh Cánh Diều và 01 phai xả ra sông Đáy. Tùy thuộc vào nhu cầu cấp nước phục vụ tưới canh tác nông nghiệp trong vùng, nước làm mát một phần được lấy vào kênh thủy nông (kênh Cánh Diều, hiện do Công ty TNHH MTV KTCT thủy lợi tỉnh Ninh Bình quản lý), phần còn lại sẽ được đưa ra sông Đáy qua cửa xả số 02 - vị trí xả nước thải làm mát.
Trồng hoa cây cảnh trong khuôn viên Công ty
PV: Công tác giảm phát thải khí nhà kinh đã được Công ty triển khai như thế nào, thưa ông?
Ông Vũ Quốc Trung: Trước tình hình mới, thực hiện các cam kết của Việt Nam về phát triển năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng công bằng tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26, COP28), Công ty đã chủ động tích cực phối hợp với Tổng Công ty phát điện 3, Ngân hàng thế giới (Word Bank) thực hiện nghiên cứu hỗ trợ kỹ thuật chuyển đổi nhiên liệu, sử dụng năng lượng sạch và bền vững.
Trong năm 2020, Lãnh đạo Công ty cùng các bộ phận chuyên môn đã tiến hành thử nghiệm sử dụng vật liệu biomass đốt cùng với than theo các tỷ lệ (15%, 20%; 18%, 28% và 43%); Các thử nghiệm này bước đầu đã cho những kết quả khả quan trong việc giảm thiểu nồng độ phát thải khí thải lò hơi.
Công nhân Công ty thực hiện vệ sinh môi trường trong khuôn viên Nhà máy
Tuy nhiên, giải pháp này còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Về phần giá, Bộ Công Thương chưa có cơ chế về giá điện cho các nhà máy điện khi thực hiện đồng đốt Biomass với than nên đang khó khăn trong việc triển khai thực hiện. Đối với phần trữ lượng nguồn nguyên liệu Biomass chưa có đủ cơ sở cam kết về sản lượng và giá thành khi thực hiện đồng đốt Biomass cùng than.
PV: Đâu là những khó khăn, bất cập trong công tác BVMT mà Công ty đã gặp phải trong quá trình hoạt động, thưa ông?
Ông Vũ Quốc Trung: Hiện tại khi thành phố Ninh Bình đang là đô thị loại II, áp dụng QCVN 22:2009/BTNMT thì giới hạn nồng độ các thông số ô nhiễm khí thải của Công ty vẫn đảm bảo nằm trong quy chuẩn.
Tuy nhiên, trong trường hợp thành phố Ninh Bình từ đô thị loại II lên loại I theo QCVN 22:2009/BTNMT quy định về khí thải công nghiệp Nhiệt điện hệ số KV - hệ số vùng sẽ thay đổi từ 0,8 thành 0,6. Khi đó nồng độ tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong khí thải sẽ thấp hơn hiện tại và việc đảm bảo các thông số nằm trong quy chuẩn (đặc biệt là nồng độ khí SO2) gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, nếu áp dụng theo dự thảo quy chuẩn quốc gia về khí thải công nghiệp (mới) của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì nồng độ các thông số phát thải của nhà máy hiện tại rất khó và không đáp ứng được yêu cầu của QCVN (đặc biệt là nồng độ khí SO2).
Bên trong Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình
Trong khi đó, theo kết luận Hội nghị làm việc giữa UBND tỉnh Ninh Bình và Tập đoàn Điện lực Việt Nam số 71/TB-VBUBND ngày 28/6/2022 đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam không đầu tư nâng cấp Nhà máy điện, xem xét và thống nhất với tỉnh về phương án dừng hoạt động Nhà máy điện Ninh Bình. Chính vì vậy, việc đầu tư các hệ thống xử lý khí thải là không phù hợp với tình hình hiện tại của nhà máy.
Do vậy, Công ty cổ phần Nhiệt điện Ninh Bình đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục cho phép Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình áp dụng QCVN 22:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp nhiệt điện cho đến hết thời gian hoạt động (theo Dự thảo Thông tư QCVN thay thế).
Trong trường hợp, Nhà máy chuyển đổi nhiên liệu sinh khối (đốt biomass kèm than) theo QCVN 22:2009/BTNMT đang hướng dẫn áp dụng cho các nhà máy đốt than. Vì vậy, Công ty kiến nghị Dự thảo Thông tư QCVN mới vẫn tiếp tục cho Công ty được áp dụng QCVN 22:2009/BTNMT cả trong trường hợp Nhà máy đốt nhiên liệu sinh khối kèm than.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Đỗ Hùng (thực hiện)