
Cục trưởng Trần Tuấn Ngọc: Nhiều thành tựu đạt được sau 05 năm thực hiện Chiến lược Viễn thám Quốc gia
08/10/2024TN&MTNgay sau khi Thủ tướng Chỉnh phủ ban hành Chiến lược phát triển Viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 theo Quyết định số 149/QĐ-TTg, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 2/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc và ban hành Kế hoạch thực hiện chiến lược. Sau 05 năm thực hiện, nhiều kết quả đã đạt được, những thông tin cụ thể đã được ông Trần Tuấn Ngọc chia sẻ với phóng viên Tạp chí TN&MT trong nội dung sau đây.
Ông Trần Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Viễn thám Quốc gia
PV: Thưa ông, ở phương diện quản lý nhà nước, xin ông cho biết công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 được triển khai như thế nào?
Ông Trần Tuấn Ngọc:
Ở nhiệm vụ này, chúng tôi chúng tôi đã triển khai rất quyết liệt. Ngay sau khi Thủ tướng Chỉnh phủ ban hành Chiến lược, khi chính thức có hiệu lực (từ tháng 2/2019), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc thực hiện chiến lược. Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược.
Cụ thể, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Công văn số 1413/BTNMT-VTQG ngày 27/03/2019 gửi các Bộ, ngành, địa phương đề nghị xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược viễn thám và cử cơ quan đầu mối thực hiện công tác quản lý nhà nước về viễn thám; Ban hành Quyết định số 1135/QĐ-BTNMT ngày 07/5/2019 về việc thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc thực hiện “Chiến lược phát triển lĩnh vực viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040”.
Đồng thời, ban hành Quyết định số 1170/QĐ-BTNMT “Phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040” ngày 10/5/2019.
Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 1740/QĐ-BTNMT ngày 07/8/2020 “Phê duyệt Đề án Giám sát tài nguyên và Môi trường bằng công nghệ viễn thám”; Ban hành và gửi đến các Bộ, ngành địa phương Công văn số 872/BTNMT-VTQG ngày 22/02/2022 về việc hướng dẫn thực hiện ứng dụng viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Mới đây, Bộ đã ban hành Quyết định số 2127/QĐ-BTNMT ngày 01/8/2024 về kiện toàn Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc thực hiện “Chiến lược phát triển lĩnh vực viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040”.
Từ năm 2019 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức các đoàn kiểm tra tại các Sở Tài nguyên và môi trường của 23 tỉnh. Kết quả kiểm tra cho thấy, hầu hết các địa phương đã thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về viễn thám trên các phương tiện thông tin, trong các hội nghị trên địa bàn tỉnh, đồng thời các tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển viễn thám.
Trên cơ sở chiến lược viễn thám các Bộ, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai Chiến lược. Theo báo cáo từ các địa phương có 33/37 địa phương ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược đạt 89,19% số đơn vị có báo cáo, 78,4% địa phương đã triển khai kế hoạch thực hiện Chiến lược.
Tuy nhiên, một số địa phương chưa ban hành Kế hoạch này như: Hải Dương, Yên Bái và Tuyên Quang,..; kinh phí đầu tư cho lĩnh vực viễn thám còn hạn hẹp; công chức và cán bộ kỹ thuật của các đơn vị hầu hết có trình độ chuyên môn về quản lý đất đai, môi trường, trắc địa, bản đồ,… Vì vậy, việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước tại địa phương về viễn thám còn nhiều hạn chế.
PV: Vậy xin ông cho biết một số kết quả đạt được trong việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của Chiến lược này?
Ông Trần Tuấn Ngọc:
Trong công tác hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về viễn thám nhanh chóng được hoàn thiện, từng bước giải quyết những vấn đề về cơ chế, chính sách pháp luật, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động liên quan đến viễn thám.
Cho tới nay, đã xây dựng và ban hành 26 văn bản, trong đó có 01 Nghị định của Chính phủ; 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 23 Thông tư do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành; 01 Thông tư do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành liên quan đến lĩnh vực viễn thám.
Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về viễn thám đã được hình thành thống nhất từ trung ương tới địa phương. Nguồn nhân lực ứng dụng viễn thám được phân bố ở nhiều ngành và lĩnh vực.
Về xây dựng hệ thống thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám, Việt Nam đã bước đầu làm chủ được việc thiết kế, tích hợp các cấu phần của vệ tinh qua việc chế tạo và đưa vào quỹ đạo một số vệ tinh tự thiết kế và thuê nước ngoài chế tạo. Các chuyên gia, nhà khoa học trong nước với sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài đã nghiên cứu chế tạo thành công các vệ tinh nhỏ và siêu nhỏ điển hình là đưa lên quỹ đạo các vệ tinh MicroDragon và NanoDragon.
Ngoài vệ tinh VNREDSat-1 đang hoạt động trên quỹ đạo, chúng ta sẽ phóng thêm 01 vệ tinh viễn thám vào đầu năm 2025. Các trạm thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám đã có khả năng đáp ứng được các nhu cầu của người sử dụng trong nước, từ dữ liệu độ phân giải trung bình và thấp phục vụ cho mục đích nghiên cứu khí hậu, thiên tai đến các dữ liệu ảnh viễn thám quang học độ phân giải cao, siêu cao. Máy bay không người lái đã được sử dụng rất rộng rãi trong nhiều hoạt động kinh tế - xã hội ở nước ta.
Việt Nam đã có khả năng thiết kế, tích hợp, hệ thống máy bay không người lái. Đã đạt được thành công chế tạo khinh khí cầu trong đề tài nghiên cứu khoa học. Cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia về cơ bản đã xây dựng xong sẽ đi vào hoạt động trong năm 2025.
Ứng dụng viễn thám ở các bộ, ngành hiện nay đang được ứng dụng khá rộng, đặc biệt là ở Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Công nghệ viễn thám đã được sử dụng trong cung cấp thường xuyên thông tin phục vụ quản lý nhà nước của một số ngành lĩnh vực như thông tin nhiệt độ, độ mặn, hàm lượng chất diệp lục trong bề mặt nước biển, độ cao mực nước hồ lớn phía thượng nguồn sông Hồng, sông Mê Kông, đánh giá tài nguyên rừng,… Hơn 50% các địa phương đã triển khai dụng viễn thám, mặc dù tỷ lệ này là thấp hơn so với nhu cầu ứng dụng viễn thám của gần 80% các địa phương.
Bên cạnh đó, nghiên cứu khoa học và công nghệ được triển khai rất mạnh mẽ với 01 chương trình khoa học cấp nhà nước chuyên về viễn thám. Nhiều chương trình khoa học cấp nhà nước, chương trình khoa học cấp Bộ có nội dung, nhiệm vụ phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng công nghệ viễn thám. Hợp tác quốc tế có vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt là trong làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh, phát triển hạ tầng thu nhận dữ liệu viễn thám.
PV: Vâng, xin chúc mừng về những kết quả đã đạt được ở lĩnh vực Viễn thám. Vậy, trong quá trình triển khai nhiệm vụ này, đơn vị có gặp những khó khăn gì không thưa ông?
Ông Trần Tuấn Ngọc:
Trước hết, dưới góc độ là nhà quản lý, tôi nhận thấy việc chỉ đạo thực hiện Chiến lược được các Bộ, ngành và địa phương thực hiện rất quyết liệt. Văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực viễn thám dần được hoàn thiện, đưa các hoạt động viễn thám vào nề nếp và thúc đẩy ứng dụng viễn thám ra nhiều ngành, lĩnh vực. Đã bước đầu làm chủ được công nghệ chế tạo, tích hợp vệ tinh viễn thám.
Hạ tầng kỹ thuật về viễn thám ở nước ta đã được hình thành đầy đủ từ vệ tinh viễn thám, trạm điều khiển vệ tinh, trạm thu nhận dữ liệu viễn thám, cơ sở dữ liệu viễn thám. Ứng dụng viễn thám đã bước đầu được thực hiện ở địa phương mặc dù còn nhiều khó khăn. Hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ về viễn thám đang diễn ra hết sức mạnh mẽ cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng văn bản quy phạp pháp luật, phát triển ứng dụng viễn thám. Hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, đóng vai trò hết sức quan trọng trong làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh, phát triển hạ tầng thu nhận dữ liệu viễn thám.
Tuy nhiên, còn rất nhiều những khó khăn như: Nguồn nhân lực về viễn thám còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng và có xu hướng suy giảm. Việc thu hút nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao làm việc quản lý nhà nước, ứng dụng và phát triển viễn thám hiện rất khó khăn.
Văn bản quản lý lĩnh vực viễn thám chưa được hoàn thiện nhất là hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật. Chưa xây dựng được lộ trình trung và dài hạn trong phát triển hệ thống vệ tinh viễn thám. Điều này dẫn đến đứt gãy trong chuỗi cung ứng dữ liệu, cản trở cho việc thu hút lực lượng lao động trong lĩnh vực viễn thám.
Cơ sở dữ liệu viễn thám hiện chưa được xây dựng hoàn thành nên gây cản trở không nhỏ đến việc công bố siêu dữ liệu viễn thám. Hơn nữa, việc thời gian xây dựng cơ sở dữ liệu viễn thám kéo dài (hơn 10 năm) nên không tránh khỏi các lạc hậu bởi tư duy xây dựng cơ sở dữ liệu cách đây cả thập kỷ đó là chưa tích hợp được nhiều nguồn dữ liệu, tạo cơ sở dữ liệu lớn làm nền tảng cho ứng dụng trí tuệ nhân tạo chiết xuất thông tin từ dữ liệu viễn thám phục vụ quản lý nhà nước và phát triển kinh tế xã hội.
Ứng dụng công nghệ viễn thám mặc dù được đẩy mạnh dưới sự thúc đẩy của Chiến lược viễn thám, tuy nhiên, Việt Nam còn chưa bắt kịp với trào lưu của thế giới đó là ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích, xử lý, chiết xuất thông tin từ dữ liệu viễn thám. Chưa hình thành được các phòng thí nghiệm với phần cứng đủ mạnh, hiệu năng cao hỗ trợ việc xử lý dữ liệu lớn. Chưa xây dựng được bộ dữ liệu đào tạo làm nền tảng cho ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong viễn thám.
PV: Xin ông chia sẻ thêm một số định hướng của Chiến lược phát triển Viễn thám quốc gia giai đoạn 2025-2030?
Ông Trần Tuấn Ngọc:
Trong bối cảnh quốc tế việc cạnh tranh trong chinh phục không gian đang diễn ra mạnh mẽ. Triển khai nhiều vệ tinh trên quỹ đạo dẫn đến không gian quỹ đạo Trái đất ngày càng chật trội, làm tăng nguy cơ va chạm và tìm kiếm các vị trí quỹ đạo thuận lợi để vệ tinh hoạt động. Với sự gia tăng mạnh mẽ trong khai thác, sử dụng không gian vũ trụ của các nước phát triển, những nước đang phát triển như Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ bị thách thức trong đảm bảo chủ quyền trên không gian vũ trụ.
Lợi ích kinh tế của hoạt động chinh phục không gian đang ngày càng lớn và có tiềm năng phát triển. Tiềm năng kinh tế của chinh phục không gian không giới hạn bởi việc chế tạo vệ tinh, dịch vụ phóng vệ tinh, định vị vệ tinh, viễn thông, viễn thám mà ngày càng mở rộng, đã và đang chứng tỏ tiềm năng mang lại lợi ích kinh tế cao như du lịch không gian, năng lượng từ vũ trụ, tài nguyên từ vũ trụ,…
Việc phát triển các vệ tinh viễn thám của các nước tư bản phát triển đang chuyển dịch theo xu hướng xã hội hóa. Việc phát triển vệ tinh, phóng vệ tinh và vận hành vệ tinh do các công ty tư nhân thực hiện dẫn đến các tranh chấp trong khai thác, sử dụng không gian vũ trụ ngày càng nhiều.
Cơ sở dữ liệu này đang phát triển nhanh chóng và có xu hướng thương mại hóa. Các công ty tư nhân khổng lồ như Google, Amazone đã phát triển các cơ sở dữ liệu viễn thám thành các nền tảng cho phép người sử dụng có thể chiết xuất thông tin địa lý từ cơ sở dữ liệu khổng lồ này thông qua các tiện ích của hệ thống. Điều này cho phép viễn thám ngày càng trở nên gần gũi với người sử dụng và ngày càng trở nên thiết yếu với cuộc sống.
Với dữ liệu thu thập từ các cảm biến viễn thám ngày càng nhiều thì việc xử lý dữ liệu thủ công và bán tự động là không khả thi. Việc xây dựng các cơ sở dữ liệu lớn và sử dụng trí tuệ nhân tạo trong xử lý dữ liệu mở ra nhiều cơ hội mới và cải thiện hiệu suất của các ứng dụng viễn thám.
Trong nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong 10 năm qua, Việt Nam tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn; cơ bản đã thoát khỏi tình trạng đói nghèo; đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 4.284,5 USD, dự tính đạt 7.500 USD vào năm 2030. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên; quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng cao; tính tự chủ của nền kinh tế được cải thiện.
Theo quan điểm về tổ chức không gian phát triển của Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Quốc hội thì việc Tổ chức không gian phát triển quốc gia phải gắn kết giữa khu vực đất liền với không gian biển; quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả không gian ngầm, vùng biển, vùng trời. Không đất liền, vùng biển thì đã có cơ quan quản lý, văn bản pháp luật đầy đủ, tuy nhiên vùng trời thì còn nhiều hạn chế. Luật Hàng không dân dụng Việt Nam chỉ điều chỉnh về “hoạt động hàng không dân dụng, bao gồm các quy định về tàu bay, cảng hàng không, sân bay, nhân viên hàng không, hoạt động bay, vận chuyển hàng không, an ninh hàng không, trách nhiệm dân sự, hoạt động hàng không chung và các hoạt động khác có liên quan đến hàng không dân dụng”.
Như vậy, không gian vùng trời của chúng ta chưa có cơ quan quản lý, đạo luật nào quản lý, điều này dẫn đến khoảng trống trong quản lý cũng như hạn chế của việc tham gia các điều ước quốc tế về không gian vũ trụ mà chúng ta đã ký.
PV: Ông có đề xuất gì để nhiệm vụ này được phát triển toàn diện, hiện đại?
Ông Trần Tuấn Ngọc:
Do công nghệ viễn thám đang có những bước phát triển nhanh chóng trong thời gian gần đây, ngày càng có nhiều nước tham gia vào công cuộc chinh phục không gian như chế tạo vệ tinh, phát triển công nghệ tên lửa đẩy, đưa người lên không gian,… Số lượng vệ tinh đưa lên quỹ đạo ngày càng nhiều dẫn đến không gian vũ trụ ngày càng chật hẹp. Như vậy, vấn đề quản lý không gian vũ trụ đang ngày càng trở thành vấn đề cần đặt ra đối với các quốc gia nhất là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Do vậy, Việt Nam cần nhanh chóng thiết lập thể chế để quản lý không gian vũ trụ.
Một số các đề xuất cụ thể cho nhiệm kỳ 2025-2030: Trước hết, cần rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về viễn thám; Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền về viễn thám, coi đầu tư vào viễn thám nói riêng và công nghệ vũ trụ nói chung là đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đầu tư cho phát triển bền vững, tránh quan điểm đầu tư để sinh lợi nhuận.
Đồng thời, quan tâm đầu tư hơn nữa vào phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thám như nghiên cứu chế tạo tên lửa đẩy, vệ tinh, hạ tầng thu nhận dữ liệu; Xây dựng cơ chế phối hợp hạ tầng điều khiển vệ tinh viễn thám, thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám, hình thành mạng lưới trạm điều khiển vệ tinh viễn thám, trạm thu nhận dữ liệu viễn thám.
Cùng với đó, xây dựng cơ sở dữ liệu viễn thám theo hướng tích hợp dữ liệu đa nguồn, tạo nền tảng cho ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chiết xuất thông tin không gian từ dữ liệu viễn thám; Đầu tư các hệ thống máy tính hiệu năng cao, có thể xử lý dữ liệu lớn; Đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xử lý dữ liệu thu nhận từ vệ tinh viễn thám.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Nhất Nam (thực hiện)