
Doanh nghiệp Việt sẵn sàng hành động: Vì một đại dương khỏe mạnh
14/05/2022TN&MTTrong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế về Kinh tế đại dương bền vững và Thích ứng với biến đổi khí hậu, ngoài việc Việt Nam để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong công tổ chức Hội nghị, nhiều đại biểu và quan khách quốc tế đánh giá cao những sáng kiến, mô hình tham gia triển lãm trưng bày. Điều này đã thể hiện việc chung tay mạnh mẽ và năng lực của cộng đồng doanh nghiệp với đất nước trong sự nghiệp phát triển kinh tế biển xanh, thích ứng với BĐKH và nước biển dâng. Đồng thời, khẳng định với bạn bè quốc tế về một quốc gia biển vững mạnh, tự tin cùng quốc tế vươn ra biển lớn.
Tham dự trưng bày các mô hình, sản phẩm và công nghệ tại triển lãm là các tập đoàn, doanh nghiệp vừa và nhỏ như các doanh nghiệp của SIB, FDI, UNDP, Na Uy và những mô hình sáng kiến chuyển đổi vật liệu để hạn chế rác thải trong nuôi trồng hải sản biển như Tập đoàn Nhựa HDPE Super Trường Phát, hay mô hình giúp dân thích ứng với BĐKH và nước biển dâng như mô hình nhà nổi cho người dân vùng lũ ven biển,…
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân tham quan các gian hàng tại
Triển lãm sáng kiến của doanh nghiệp
Với 11 gian hàng trưng bày, triển lãm giới thiệu công nghệ mới, các đóng góp và sáng kiến mới của mình góp phần vào nền kinh tế xanh bền vững (du lịch biển và ven biển, nuôi trồng thủy hải sản, giao thông hàng hải, công nghiệp đóng tàu, năng lượng tái tạo và công nghệ sinh học biển).
Những sáng kiến, mô hình, công nghệ tại triển lãm thu hút sự quan tâm của các đối tác về giải pháp chống ô nhiễm ven biển, ô nhiễm nhựa đại dương, hạn chế vấn nạn xả rác thải tự do ra biển góp phần vào quy hoạch và phát triển bền vững các thành phố ven biển cũng như các cộng đồng ven biển, tăng cường khả năng phục hồi của các cộng đồng ven biển. Qua đó, tạo điều kiện và nuôi dưỡng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, nâng cao hiểu biết về vai trò và đóng góp của các doanh nghiệp và khu vực tư nhân trong quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang nền kinh tế biển xanh bền vững và đạt được các cam kết COP26.
Tính đến nay, 4.100 ngôi nhà an toàn chống chịu bão, lụt đã được hỗ trợ xây dựng cho những hộ dân nghèo ở các tỉnh ven biển miền Trung. Đây là một sáng kiến chung giúp cộng đồng chống chọi với các rủi ro và tác động liên quan đến khí hậu đã được khởi xướng dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với sự hợp tác chặt chẽ của UNDP và Quỹ Khí hậu Xanh. Sáng kiến này kết hợp hỗ trợ viện trợ không hoàn lại và chương trình nhà ở quy mô lớn của Chính phủ để xây dựng các ngôi nhà chống bão và lũ lụt ở một số địa điểm dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai nhất của Việt Nam.
Bà Caitlin Wiesen, quyền Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc và Đại diện thường trú của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho biết: “Tất cả những ngôi nhà này đã chống chọi rất tốt với những cơn bão liên tiếp và lũ lụt quy mô lớn đổ bộ vào Việt Nam vào năm 2020. Những căn nhà này đã bảo vệ an toàn cuộc sống và sinh kế của người dân và tại nhiều cộng đồng những căn nhà này cũng đã bảo vệ những người hàng xóm sống gần đó. Chúng tôi cam kết xây dựng thêm 1.450 căn nhà, mở rộng đến tỉnh Bình Định và Cà Mau”.
Các đại biểu quốc tế và doanh nghiệp chụp ảnh tại gian hàng
Cùng với mô hình ngôi nhà an toàn chống lũ, thì mô hình lồng/ống/phao nhựa làm từ nhựa HDPE phục vụ cho nuôi nghề nuôi trồng hải sản biển theo công nghệ của Na Uy cũng để lại nhiều dấu ấn. Một trong những ưu thế hiện nay của vật liệu này là giá thành sản phẩm hợp lý với nhu cầu người nông dân nuôi biển trong nước công nghệ tích hợp tiện ích với đặc thù ở 28 tỉnh thành có biển. Đặc biệt hơn, các chuyên gia quốc tế đã đánh giá về giá trị xã hội của sản phẩm, của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dương đang ô nhiễm nghiêm trọng bởi rác, mà rác thải bỏ từ lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đang là thủ phạm chính gây ra ô nhiễm trên các vùng biển Việt Nam. Vì vậy, vật liệu nhựa HDPE được sản xuất thành các lồng/ống/phao cho nuôi trồng thủy hải sản đang đem lại nhiều giá trị nhân văn, giá trị kinh tế cho người dân vùng biển và sự nỗ lực của Tập đoàn nhựa Super Trường Phát đang được người dân địa phương đón nhận, các nhà quản lý cấp địa phương cũng đang đồng hành để cùng nhau vận động chính sách, xây dựng các dự án chuyển đổi vật liệu trong nuôi biển, nhanh chóng giữ lại màu xanh của đại dương cùng cộng đồng quốc tế đã cam kết tại Hội nghị Quốc tế về Kinh tế đại dương bền vững và Thích ứng với biến đổi khí hậu này.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc đã chia sẻ khi các chuyên gia quốc tế đến thăm gian hàng tại triển lãm, Bà Bình cũng đề xuất với đại sứ quán Na Uy quan tâm và hỗ trợ để doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận khoa học, hợp tác hỗ trợ để nâng tầm công nghệ, có những dự án hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt cộng đồng nuôi biển chuyển đổi sinh kế, vật liệu theo mô hình mà đất nước Na Uy đã và đang làm để vùng biển Việt Nam xanh trở lại và đem lại giá trị kinh tế cao từ đại dương.
Các doanh nghiệp đến với Hội nghị, tham gia triển làm không mang tính thương mại mà đến với triển lãm các doanh nghiệp xác định là dịp cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy mạng lưới và quan hệ đối tác, thu hút thêm nguồn vốn và đầu tư để phát triển các công nghệ và sản phẩm sáng tạo, thúc đẩy nền kinh tế biển xanh bền vững và khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Hy vọng những dấu ấn, cam kết của cộng đồng quốc tế sau Hội nghị sẽ là một động lực để thúc đẩy các doanh nghiệp hành động tốt, nhanh, mạnh hơn nữa trên hành trình cùng đất nước, quốc tế vươn ra biển lớn.
Hồng Minh