
Giới trẻ và "văn hóa" sử dụng đồ nhựa dùng một lần: Suy ngẫm để hành động
28/02/2025TN&MTViệc sử dụng đồ nhựa dùng một lần đã trở thành một phần quen thuộc trong đời sống hiện đại, đặc biệt là đối với giới trẻ. Từ cốc trà sữa, hộp cơm mang đi đến túi nilon đựng hàng hóa, những sản phẩm tiện lợi này dường như không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, đằng sau sự tiện lợi ấy là những hệ lụy nghiêm trọng đối với môi trường và sức khỏe con người. Để thay đổi thực trạng này, cần có sự chung tay của toàn xã hội, từ mỗi cá nhân đến các tổ chức, doanh nghiệp, cũng như các chính sách của Nhà nước.
Thực trạng đáng báo động
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn nhất thế giới, trong đó giới trẻ là đối tượng tiêu thụ đồ nhựa dùng một lần nhiều nhất. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ thói quen tiêu dùng nhanh, chuộng sự tiện lợi và sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, đặc biệt là các dịch vụ giao đồ ăn, mua sắm trực tuyến.
Ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, phát biểu tại buổi tọa đàm "Suy ngẫm về văn hóa dùng đồ nhựa một lần ở giới trẻ"
Tại buổi tọa đàm “Suy ngẫm về văn hóa dùng đồ nhựa một lần ở giới trẻ” diễn ra ngày 26/02 vừa qua, ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhấn mạnh: “Ô nhiễm nhựa đã và đang hiện hữu trong cuộc sống, đe dọa nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người. Nguồn gốc của vấn đề này xuất phát từ việc sản xuất, tiêu dùng và thải bỏ nhựa một cách thiếu bền vững. Chúng ta đang đánh đổi sự sống bền vững của hành tinh để đổi lấy sự tiện lợi trước mắt. Đã đến lúc cần phải suy ngẫm lại, đặc biệt là giới trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.”
Câu hỏi đặt ra là: Liệu chúng ta đã bao giờ thực sự nghĩ đến những tác động lâu dài của nhựa dùng một lần đối với thế hệ tương lai? Mỗi cá nhân có thể góp phần giảm thiểu rác thải nhựa bằng những hành động nhỏ nhưng ý nghĩa, như sử dụng bình nước cá nhân thay vì cốc nhựa, hạn chế ống hút nhựa hay mang theo túi vải khi mua sắm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần đóng vai trò quan trọng trong việc đổi mới công nghệ sản xuất, tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Vì sao khó thay đổi thói quen dùng nhựa một lần?
Một trong những rào cản lớn nhất trong việc từ bỏ đồ nhựa dùng một lần chính là thói quen tiêu dùng đã ăn sâu vào đời sống. Nhiều người cho rằng, hành động của một cá nhân không thể tác động đáng kể đến vấn đề môi trường toàn cầu. Quan điểm này đã vô tình tạo ra hiệu ứng đám đông, khiến việc sử dụng nhựa một lần tiếp tục được duy trì và lan rộng.
Theo nghiên cứu năm 2023 của Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, một trong những trở ngại lớn đối với việc chuyển đổi sang các sản phẩm thân thiện với môi trường là chi phí. Cụ thể, giá thành túi sinh học cao gấp 2,6 lần so với túi nilon, trong khi hộp giấy có giá đắt hơn từ 2 đến 10 lần so với hộp nhựa. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng ngần ngại thay đổi.
83% sinh viên, tương đương 2.900/3.945 phản hồi, đồng tình rằng người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm chính trong việc giảm thiểu nhựa dùng một lần
Phân tích sâu hơn về vấn đề này, TS. Kim Thị Thúy Ngọc từ Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường) nhận định: “Việc sử dụng nhựa đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Từ hàng quán, chợ dân sinh đến siêu thị và các cửa hàng ăn nhanh, đâu đâu cũng thấy sự hiện diện của các sản phẩm nhựa dùng một lần. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự thay đổi từ nhận thức đến hành động của mỗi cá nhân, đồng thời phải có các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thay thế.”
Muốn giảm thiểu tối đa tác hại của ô nhiễm nhựa, mỗi cá nhân cần thay đổi nhận thức và hành vi, đồng thời thực hiện nghiêm túc các chiến lược và quy định của Chính phủ, như Luật Bảo vệ Môi trường. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã tiên phong sản xuất các sản phẩm xanh từ khoai mì, bã mía, tre,… với mẫu mã đa dạng. Tuy nhiên, thị trường cho các sản phẩm này vẫn chưa được mở rộng do giá thành cao và thời hạn sử dụng ngắn.
Thay đổi thói quen tiêu dùng là yếu tố then chốt, nhưng không chỉ dựa vào ý thức cá nhân mà còn cần có sự hỗ trợ từ các chính sách vĩ mô. Nhà nước và doanh nghiệp nên xem xét áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn, như đánh thuế hoặc thu phí đối với sản phẩm nhựa một lần, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang các lựa chọn thân thiện với môi trường.
Nhận thức được mức độ nghiêm trọng của ô nhiễm nhựa, Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu giải quyết vấn đề này lên hàng đầu thông qua các điều luật, quy định và chương trình hành động cụ thể. Chẳng hạn như, đến năm 2025, 100% túi nilon và bao bì sử dụng trong các trung tâm thương mại sẽ phải thân thiện với môi trường. Kể từ ngày 1/1/2026, Việt Nam sẽ ngừng sản xuất và nhập khẩu túi nilon khó phân hủy sinh học có kích thước dưới 50 cm và độ dày dưới 50 micromet. Quan trọng hơn, đến năm 2030, nước ta sẽ dừng hoàn toàn việc sản xuất và nhập khẩu sản phẩm nhựa dùng một lần, ngoại trừ những sản phẩm đạt chứng nhận nhãn sinh thái.
Giới trẻ nghĩ gì về văn hóa sử dụng nhựa một lần?
Theo kết quả khảo sát “Hơn 3.000 sinh viên nói gì về văn hóa sản phẩm nhựa dùng một lần” do NPAP và Hiệp hội Thương mại Điện tử VCOM phối hợp thực hiện cho thấy thế hệ trẻ không chỉ nhận thức rõ vấn đề mà còn mong muốn lên tiếng và hành động nhằm góp phần thay đổi môi trường sống. Cụ thể, khảo sát được thực hiện từ tháng 11 đến tháng 12/2024 thu hút gần 3.500 phản hồi qua hình thức trực tuyến (Google Form). Cuộc khảo sát nhằm hai mục tiêu chính: đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến nhận thức và thói quen tiêu dùng của giới trẻ, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu hỗ trợ các đề xuất, kiến nghị nhằm giảm thiểu ô nhiễm nhựa tại Việt Nam trong tương lai.
Kết quả điều tra cho thấy, phần lớn sinh viên vẫn duy trì thói quen sử dụng nhựa một lần trong đời sống hằng ngày. Có tới 60% sinh viên xác nhận túi nilon là sản phẩm nhựa dùng một lần phổ biến nhất và cần được ưu tiên trong các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm nhựa tại Việt Nam. Đặc biệt, tần suất sử dụng túi nilon trong tuần lên tới 54%, phản ánh mức độ phổ biến của thói quen này. Nhìn sâu hơn vào các yếu tố tác động đến hành vi tiêu dùng, khảo sát chỉ ra rằng sự tiện lợi là nguyên nhân lớn nhất khiến sinh viên tiếp tục sử dụng nhựa một lần, với tỷ lệ lên tới 67%. Bên cạnh đó, giá cả cũng là một rào cản đáng kể khi có 39% sinh viên cho rằng các sản phẩm thay thế nhựa một lần có chi phí cao. Ý thức bảo vệ môi trường và áp lực xã hội cũng có ảnh hưởng nhất định, tác động đến 38% sinh viên. Đáng chú ý, sự sẵn có của các sản phẩm thay thế lại không phải là yếu tố quyết định, cho thấy nhiều bạn trẻ vẫn lựa chọn nhựa một lần dù đã có các giải pháp thay thế trên thị trường.
Về nhận thức tiêu dùng, khảo sát cho thấy mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông tin về tác hại của nhựa một lần. Có tới 92% sinh viên cho biết họ tiếp cận thông tin này qua các nền tảng như Facebook, TikTok, Instagram. Khi mua sản phẩm nhựa dùng một lần, 39% sinh viên thừa nhận họ cảm thấy áy náy ở các mức độ khác nhau. Đặc biệt, 40% sinh viên cho biết họ có động lực thực hiện các biện pháp giảm thiểu nhựa trong tiêu dùng. Đáng chú ý, 83% sinh viên, tương đương 2.900/3.945 phản hồi, đồng tình rằng người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm chính trong việc giảm thiểu nhựa dùng một lần.
Dưới góc nhìn của sinh viên, hơn 50% cho rằng rào cản lớn nhất trong việc giảm thiểu nhựa một lần chính là thói quen tiêu dùng. Ngoài ra, 53% nhận định sự tiện lợi là yếu tố khiến họ tiếp tục sử dụng nhựa một lần, trong khi 54% cho rằng thiếu chính sách khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi sang sản phẩm thân thiện với môi trường cũng là một trở ngại lớn.
Theo bà Nguyễn Vũ Linh, Trợ lý Truyền thông và Kết Nối NPAP Việt Nam, mặc dù khảo sát chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và với quy mô giới hạn, kết quả thu được cho thấy một bộ phận đáng kể giới trẻ Việt Nam đã nhận thức rõ về vấn đề ô nhiễm nhựa, sẵn sàng thay đổi hành vi tiêu dùng và tích cực ủng hộ các chiến dịch truyền thông về sản phẩm xanh. Điều này mở ra nhiều cơ hội để xây dựng những chương trình hành động thực tế nhằm thúc đẩy lối sống bền vững, hướng tới một môi trường xanh – sạch – đẹp hơn trong tương lai.
Giải pháp thực thi
Một trong những giải pháp quan trọng nhằm giảm thiểu nhựa dùng một lần là thúc đẩy thay đổi hành vi trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Theo TS. Kim Thị Thúy Ngọc (Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường), việc hạn chế sử dụng túi nilon và đồ nhựa dùng một lần trong sinh viên có thể được thực hiện thông qua các cuộc thi, câu lạc bộ xanh và chiến dịch môi trường. Những sáng kiến này không chỉ giúp nâng cao nhận thức mà còn tạo ra động lực để sinh viên chủ động tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường. Đồng thời, sự thay đổi từ phía doanh nghiệp trong việc sản xuất và cung cấp các sản phẩm thay thế cũng đóng vai trò quan trọng, góp phần định hướng xu hướng tiêu dùng bền vững trong giới trẻ.
Từ góc độ người tiêu dùng, Nguyễn Văn Thịnh, Đại học Quốc gia Hà Nội, một sinh viên trẻ đang thực hành lối sống xanh, cho rằng dù giới trẻ mong muốn giảm thiểu nhựa, nhưng hành vi tiêu dùng vẫn mang tính ngẫu hứng, thiếu tính nhất quán. Vì vậy, cần có những cơ chế khuyến khích rõ ràng, chẳng hạn như trao thưởng hoặc ghi nhận hành động sử dụng sản phẩm thay thế đồ nhựa. Khi được ghi nhận và khuyến khích, người trẻ sẽ dễ dàng duy trì thói quen tiêu dùng bền vững, từ đó hình thành ý thức bảo vệ môi trường một cách tự nhiên và lâu dài.
Bên cạnh yếu tố nhận thức, việc áp dụng các giải pháp cụ thể như chính sách ưu đãi khi sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, chương trình đổi sản phẩm nhựa dùng một lần lấy các vật dụng tái sử dụng, hay việc doanh nghiệp chuyển đổi dần sang bao bì thân thiện là những hướng đi thiết thực. Giới trẻ, với tinh thần sáng tạo và năng động, có thể trở thành lực lượng tiên phong trong công cuộc thay đổi thói quen tiêu dùng, thúc đẩy một nền kinh tế tuần hoàn và xây dựng một môi trường sống bền vững hơn.
Trịnh Nhật Linh