
Luật Đất đai 2024: Gỡ “nút thắt” trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng
31/07/2024TN&MTNhững điểm mới của Luật Đất đai 2024 sẽ có tác động sâu rộng tới đời sống của người dân cả nước nói chung, đặc biệt là về vấn đề bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Để hiểu rõ hơn về nội dung này, Phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Quốc Việt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An.
PV: Thưa ông, xin ông cho biết những điểm mới nổi bật, điểm nhấn trong Luật Đất đai 2024 là gì ?
Ông Hoàng Quốc Việt:
Luật Đất đai 2024 gồm 16 chương với 260 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai 2013 và bổ sung mới 78 điều. Theo đó, Luật Đất đai 2024 có nhiều nội dung mới mang tính đột phá, cụ thể một số nội dung nổi bật như về vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất. Bổ sung 01 điều quy định về vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong tham gia xây dựng, phản biện chính sách pháp luật về đất đai; cho ý kiến đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tham gia hòa giải, giải quyết tranh chấp về đất đai,....
Về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, bổ sung quy định cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa trong hạn mức giao đất, trường hợp quá hạn mức thì phải thành lập tổ chức kinh tế, phải có phương án sử dụng đất trồng lúa và phải được UBND cấp huyện phê duyệt.
Ông Hoàng Quốc Việt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An
Luật đã giao cho các địa phương trong việc xác định các chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất để các địa phương chủ động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình. Chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia chỉ kiểm soát đối với đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất quốc phòng, đất an ninh...
Đối với vấn đề thu hồi đất, Luật đã quy định cụ thể 31 trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng để công khai, minh bạch trong thực thi và giám sát. Ngoài ra, Luật còn phân cấp cho UBND cấp huyện quyết định thu hồi đất để sử dụng vào mục mục quốc phòng, an ninh, để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mà không phân biệt theo đối tượng sử dụng đất như Luật Đất đai 2013.
Sửa đổi, bổ sung nguyên tắc bồi thường theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường về đất, hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi được bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác hoặc bằng nhà ở phù hợp với nhu cầu của người có đất bị thu hồi và quỹ đất của từng địa phương.
Quy định cụ thể và mở rộng về thành phần Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định với sự tham gia của đại diện Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, đại diện của người sử dụng đất có đất bị thu hồi…để đảm bảo sự khách quan, minh bạch, sự tham gia của các bên liên quan trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Về phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất, so với Luật Đất đai 2013 thì chương này là chương mới hoàn toàn, Chương này quy định về nguyên tắc phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất; đất do tổ chức phát triển quỹ đất phát triển, quản lý, khai thác; quỹ phát triển đất và tổ chức phát triển quỹ đất. Đây là nội dung quan trọng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội.
Luật đã bãi bỏ quy định về khung giá đất của Chính phủ; quy định cụ thể nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất; quy định bảng giá đất được xây dựng hằng năm và bảng giá đất lần đầu được công bố và áp dụng từ ngày 01/01/2026, được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất từ ngày 01/01 của năm tiếp theo; việc xây dựng bảng giá đất theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất.
Luật phân cấp thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể cho Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất, xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất, cho thuê đất, điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết, thu hồi đất thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện.
Luật đã quy định nguyên tắc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, theo đó việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai phải bảo đảm sự bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch; phương thức thực hiện đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, lồng ghép trong việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai.
PV: Những điểm mới của Luật Đất đai 2024 có tác động sâu rộng tới đời sống của người dân như thế nào, thưa ông?
Ông Hoàng Quốc Việt:
Nghệ An có diện tích tự nhiên gần 16.500 km2, trong đó đa phần diện tích là đất nông nghiệp. Do đó, tất cả mọi sự thay đổi của Luật Đất đai 2024 đều ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến quyền lợi của người dân. Cụ thể có 2 vấn đề nổi bật, đó là:
Về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:
Luật Đất đai 2024 mở rộng mốc thời gian sử dụng đất không có giấy tờ được cấp "sổ đỏ" thêm 10 năm so với Luật Đất đai 2013 (từ 1/7/2004 thành 1/7/2014). Như vậy, từ năm 2025, người dân được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất không có giấy tờ sử dụng trước 1/7/2014. Bổ sung quy định giao cho UBND cấp tỉnh quy định các loại giấy tờ khác về quyền sử dụng đất có trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 cho phù hợp với thực tiễn của địa phương. Với quy định nói trên sẽ tháo gỡ cơ bản được về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trường hợp sử dụng đất tồn đọng lâu nay chưa được giải quyết.
Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An đã trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1045/QĐ-UBND trong đó có 02 nhiệm vụ trọng tâm chính: Xây dựng văn bản QPPL (quy định 19 nội dung mà Luật giao thẩm quyền cho tỉnh), hiện nay phòng Quản lý đất đai đang tích cực xây dựng các văn bản thuộc thẩm quyền Quốc hội và Chính phủ giao; Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật đất đai cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất:
Luật Đất đai 2024 và Nghị định số 88/2024/NĐ-CP ngày 15/7/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung nguyên tắc bồi thường theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường về đất, hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi được bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác hoặc bằng nhà ở phù hợp với nhu cầu của người có đất bị thu hồi và quỹ đất của từng địa phương; cụ thể hóa nguyên tắc“có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” thông qua quy định tiêu chí khu tái định cư về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, địa điểm thực hiện tái định cư.
Một trong những điểm sửa đổi quan trọng, đó là chúng ta đã thể chế hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, đó là bỏ khung giá đất, tạo điều kiện cho việc xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Vì lâu nay, những khiếu kiện về đất đai đều có nguyên nhân sâu xa là chưa giải quyết hài hòa lợi ích kinh tế giữa các bên như Nhà nước, doanh nghiệp, người sử dụng đất bị thu hồi thông qua việc xác định giá đất.
Luật Đất đai lần này đã sửa đổi, bổ sung cơ chế xác định giá đất. Giá đất để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất được xác định theo giá đất cụ thể, còn giá đất để tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất tái định cư là giá đất quy định tại Bảng giá đất; còn đối với các dự án thương mại khác không vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì nhà đầu tư, doanh nghiệp phải thỏa thuận với người dân theo nguyên tắc thị trường giữa hai bên.
Đến ngày 01/8/2024, khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thì “nút thắt” trong công tác bồi thường GPMB có căn cứ giải quyết.
PV: Vậy kế hoạch triển khai Luật Đất đai 2024 trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến thời điểm này và kế hoạch tiếp theo sẽ như thế nào, thưa ông?
Ông Hoàng Quốc Việt:
Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An đã trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1045/QĐ-UBND trong đó có 02 nhiệm vụ trọng tâm chính: Xây dựng văn bản QPPL (quy định 19 nội dung mà Luật giao thẩm quyền cho tỉnh), hiện nay phòng Quản lý đất đai đang tích cực xây dựng các văn bản thuộc thẩm quyền Quốc hội và Chính phủ giao; Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật đất đai cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Trong thời gian tới, để khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã kịp thời thực hiện tốt các nội dung như:
Tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về đất đai bằng nhiều hình thức và phương pháp phù hợp, nhằm nâng cao ý thức, nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc chấp hành pháp luật về đất đai, để thực hiện đúng, đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý sử dụng đất đai theo thẩm quyền; kịp thời phát hiện và xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật (tập trung vào thanh tra, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về đất đai của chính quyền các địa phương trên địa bàn; tình trạng tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, lấn chiếm đất và các vi phạm về đất đai khác của các hộ gia đình, cá nhân; kiểm tra theo thẩm quyền việc quản lý, sử dụng đất của các tổ chức được giao đất, cho thuê đất,...); tập trung giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực đất đai, không để tình trạng đơn thư tồn đọng, vượt cấp, nhằm đảm bảo ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội trên địa bàn.
Bám sát, thực hiện các nội dung, nhiệm vụ được UBND tỉnh Nghệ An giao tại Quyết định số 1045/KH-UBND ngày 26/4/2024.
Ngày 26/7/2024, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch số 605/KH-UBND công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đất đai trên địa bàn tỉnh; Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan triển khai Kế hoạch này của UBND tỉnh.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông !
Hoàng Anh (Thực hiện)