
Luật Đất đai tạo cơ hội phát triển tốt hơn cho lĩnh vực bất động sản
19/07/2024TN&MTVấn đề pháp lý đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển vững mạnh của thị trường bất động sản. Do vậy, chỉ ít ngày nữa Luật Đất đai năm 2024 chính thức có hiệu lực, với những sự thay đổi trong các văn bản pháp luật trụ cột gần đây sẽ tác động rất lớn đến lĩnh vực bất động sản.
Vừa qua, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã xem xét, cho phép cùng với Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, sớm hơn 5 tháng so với dự kiến ban đầu.
Vấn đề pháp lý đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển vững mạnh của thị trường bất động sản. Do vậy, chỉ ít ngày nữa khi Luật Đất đai năm 2024 cùng các luật khác chính thức có hiệu lực, với những sự thay đổi trong các văn bản pháp luật trụ cột gần đây sẽ tác động rất lớn đến lĩnh vực bất động sản. Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam xung quanh nội dung này.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam
PV: Thưa ông, Luật Đất đai sẽ có hiệu lực từ ngày 01/08 tới đây không chỉ là mong muốn mà còn là yêu cầu đặt ra của Quốc hội khi biểu quyết thông qua. Với nhiều quy định mang tính đổi mới, tiến bộ, được người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn mới, vậy ông kỳ vọng như thế nào về tác động của Luật này đến thị trường bất động sản Việt Nam?
Ông Nguyễn Chí Thanh: Khi Luật đất đai năm 2024 đi vào thực thi từ ngày 01/08 tới đây, tôi cho rằng những vấn đề đang gây bức xúc hiện nay như xác định giá đất sẽ được rút ngắn rất nhiều về mặt thời gian.
Về phía doanh nghiệp, đây là điều đáng mừng đối với các doanh nghiệp đang trong quá trình đợi hoàn thành các thủ tục triển khai thực hiện dự án.
Về phía người dân, thực tế cho thấy, dù nhiều người đang sinh sống ổn định trên mảnh đất của họ nhưng do các quy định trước đây, họ chưa được hợp thức hóa việc cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, với Luật Đất đai mới lần này, đã cho phép hợp thức hóa cấp sổ đỏ, giúp người dân có cơ hội có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Qua đó phía nhà nước sẽ tăng cường được công tác quản lý cũng như có thêm nguồn thu cho ngân sách.
Tôi tin tưởng rằng, Luật đất đai năm 2024 được áp dụng sớm sẽ xử lý kịp thời những vướng mắc còn tồn tại, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, ổn định an sinh xã hội trong thời gian tới.
ảnh minh họa
PV: Cùng với Luật đất đai, Luật nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản cũng sẽ có hiệu lực từ 01/08, liệu rằng các luật này có siết chặt hơn hoạt động của môi giới bất động sản hay không, thưa ông?
Ông Nguyễn Chí Thanh: Với Luật Kinh doanh bất động sản, luật này sẽ giúp tăng cường trách nhiệm của pháp nhân khi tham gia vào hoạt động kinh doanh bất động sản, phân loại đối tượng chuyên kinh doanh bất động sản hay môi giới bất động sản.
Cụ thể, hiện nay các chủ đầu tư đều đã chọn những công ty có quy mô và uy tín trên thị trường, nhưng với những dự án, giao dịch nhỏ lẻ thì chưa có quy định pháp nhân phải chịu trách nhiệm về vấn đề này từ đó tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho khách hàng. Tuy nhiên, Luật mới ban hành có quy định nhà môi giới phải tham gia vào tổ chức có pháp nhân hoạt động kinh doanh bất động sản. Điều này giúp tăng cường trách nhiệm của người tham gia giao dịch, môi giới bất động sản đảm bảo cho quyền lợi của cả hai bên.
Bên cạnh đó, Luật Kinh doanh bất động sản cũng có quy định mang tính bảo vệ quyền lợi của người mua nhà hơn, các quy định về kinh doanh bất động sản đã rõ ràng hơn không còn bị lẫn ở nhiều luật khác nhau như trước đây.
Dẫu vậy, theo tôi, vẫn còn một số vẫn đề trên thực tế chưa thể giải quyết hết được, nhưng ít nhất cũng giúp cho thị trường tăng tốc hồi phục, có cơ hội phát triển tốt hơn trong thời gian tới.
PV: Chuyên nghiệp hóa thị trường là một trong những mục tiêu mà những quy định mới nói trên hướng đến, vậy theo ông các doanh nghiệp cũng như cá nhân hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản cần phải chủ động, thích ứng ra sao để tồn tại và phát triển bền vững?
Ông Nguyễn Chí Thanh: Với những quy định mới, những người tham gia hoạt động kinh doanh môi giới bất động sản phải thực hiện một cách nghiêm túc nếu không sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Minh chứng, trước đây, vấn đề đặt cọc bị lách rất nhiều, nhưng với quy định mới đã cho phép đặt cọc, giúp chủ đầu tư minh bạch rõ ràng trong việc thu tiền đặt cọc, đồng thời người tham gia đặt cũng được đảm bảo quyền lợi.
Từ đó, thị trường bất động sản sẽ dần ổn định và phát triển bền vững, mở ra cơ hội tạo niềm tin cho các nhà đầu tư khi họ quay lại. Ngoài ra, với mức lãi suất thấp như hiện nay, kênh đầu tư bất động sản chắc chắn sẽ là một kênh hấp dẫn.
PV: Có ý kiến cho rằng, một điểm mới trong Luật đất đai năm 2024 cho phép người Việt Nam ở nước ngoài được mua bất động sản sẽ khiến những người có thu nhập thấp, trung bình khó tiếp cận với nhà ở và đất đai hơn, ông bình luận như thế nào về ý kiến này?
Ông Nguyễn Chí Thanh: Rõ ràng, những Việt kiều hay người Việt Nam ở nước ngoài họ có thu nhập trung bình tốt hơn so với người dân trong nước. Trong câu chuyện mua nhà, họ thường nhắm đến những phân khúc từ trung bình, khá trở lên. Còn với những người thu nhập trung bình trong nước, mong muốn lớn nhất của họ lại là mua nhà ở xã hội hoặc nhà giá thấp.
Trong khi đối tượng được mua nhà ở xã hội trong quy định mới không có Việt kiều hay người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài. Do đó, không ảnh hưởng đến quyền lợi của những người thu nhập thấp hay trung bình ở trong nước.
Với Luật Đất đai năm 2024, nhà nước đang muốn khuyến khích các đối tượng mua các sản phẩm bất động sản sang trọng, chung cư cao cấp để mở rộng tệp khách hàng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
PV: Ông kỳ vọng gì vào sự chuyển biến tích cực của bất động sản khi Quốc hội vừa đồng ý cho Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai có hiệu lực sớm từ 1/8/2024?
Ông Nguyễn Chí Thanh: Tôi nghĩ rằng, không phải ngẫu nhiên Quốc hội, Chính phủ cũng như các cơ quan ban ngành rất quyết liệt và ủng hộ cho việc thực thi sớm hơn 5 tháng đối với 3 luật này từ ngày 1/8 tới đây.
Lý do là bởi doanh nghiệp bất động sản hiện nay đang gặp phải rất nhiều vướng mắc, bức xúc, cần phải luật hóa mới để tháo gỡ được những vấn đề còn tồn tại.
Bên cạnh đó, người dân cũng đang mong mỏi vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất đai sinh hoạt ổn định của họ, giúp họ yên tâm sinh sống làm ăn, hỗ trợ việc vay mượn để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Với hai lý do xuất phát từ thực tế nêu trên, việc áp dụng sớm trước 5 tháng sẽ tạo ra những động lực tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội cũng như phát triển thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Đặc biệt, khi luật quy định càng rõ, các cán bộ, công chức cũng dễ dàng kiểm soát, phê duyệt các dự án mới, tránh tình trạng sợ trách nhiệm do luật cũ còn nhiều điểm chưa thực tế.
PV: Để hiện thực hóa những kỳ vọng đó thì rõ ràng còn rất nhiều việc phải làm và sự vào cuộc của nhiều bên, từ các cơ quan quản lý, địa phương đến các doanh nghiệp, chủ đầu tư, phân phối, môi giới đến sự chủ động của từng khách hàng. Vậy theo ông, đâu sẽ là chìa khóa để huy động sự vào cuộc đồng bộ như trên?
Ông Nguyễn Chí Thanh: Từ khâu làm luật đến khâu soạn thảo các văn bản hướng dẫn, công tác lấy ý kiến đóng góp đã được thực hiện rất tốt, đảm bảo cho luật cùng các văn bản dưới luật sẽ bám sát thực tế, mang lại hiệu quả cao nhất. Điều này thể hiện sự cầu thị rất cao của các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường,…
Tôi cho rằng, với tinh thần như vậy sẽ giải quyết được nhiều vấn đề khi các Luật, Nghị định mới được áp dụng từ 01/08. Đồng thời, doanh nghiệp và người dân cũng sẽ hưởng ứng tích cực những quy định mới này.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Bảo Loan (thực hiện)