
Ninh Bình: Xe chở than, vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường đe dọa an toàn giao thông
05/04/2024TN&MTCứ mỗi lần xe tải đi qua, dọc tuyến đê hữu Đáy, bụi than, bụi tro phủ dày như sương mờ, kéo dài ra đến tận ngã tư giao với Quốc lộ 10, gây ô nhiễm môi trường và luôn tiềm ẩn mất an toàn giao thông.
Đó thực trạng diễn ra hàng ngày tại tuyến đê hữu Đáy đoạn từ băng chuyền Nhà máy đạm Ninh Bình đến đến trạm cân Phúc Lộc thuộc địa bàn xã Ninh Phúc, phường Bích Đào, thành phố Ninh Bình. Điều đáng nói tuyến đê này đã được cắm biển báo cấm tổng tải trọng trên 12 tấn lưu thông trên đê.
Xe xếp thành đoàn vào cảng ăn hàng
Tuy nhiên theo phản ánh của người dân nơi đây từ khoảng cuối tháng 3/2024 đến nay, trên tuyến đê hữu sông Đáy đoạn từ băng chuyền Nhà máy đạm Ninh Bình xã Ninh Phúc, TP. Ninh Bình và đoạn cảng Việt Nhật (phường Bích Đào, TP Ninh Bình) liên tục xuất hiện nhiều xe đầu kéo, liên tục nối đuôi nhau ra vào lấy hàng, đổ hàng tại các bến bãi dọc sông Đáy. Cứ mỗi lần xe tải đi qua, bụi than, bụi tro bay mịt mù phủ dày như sương mờ, kéo dài ra đến tận ngã tư giao với QL 10 gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn mất an toàn giao thông.
Tại khoản 6 Điều 7 Luật đê điều 2006 quy định các hành vi bị cấm là gồm: sử dụng xe cơ giới vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê; sử dụng xe cơ giới đi trên đê khi có biển cấm trong trường hợp đê có sự cố hoặc có lũ, lụt, bão, trừ xe kiểm tra đê, xe hộ đê, xe làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, cứu thương, cứu hỏa.
Cứ mỗi lần xe tải đi qua, dọc tuyến đê hữu Đáy, bụi than, bụi tro phủ dày như sương mờ
Mặc dù tuyến đê này đã được cắm biển báo cấm tổng tải trọng trên 12 tấn lưu thông trên đê
Bụi bay mù mịt như sương mờ
Khi gặp bụi gặp nước đường chở nên lét nhét bẩn thỉu
Những chiếc xe đầu kéo sau khi ăn hàng tại kho bãi chạy thẳng lên đê hữu sông mà không được xịt rửa bánh xe
Điều 7 Luật Đê điều 2006 Luật đê điều 2006 quy định 11 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đê điều:
Khoản 1: phá hoại đê điều.
Khoản 2: nổ, phá gây nguy hại đến thân đê, trừ trường hợp khẩn cấp được người có thẩm quyền quy định tại Điều 34 của Luật Đê điều 2006 quyết định nổ, phá nhằm phân lũ, làm chậm lũ để hộ đê.
Khoản 3: vận hành trái quy chuẩn kỹ thuật đối với công trình phân lũ, làm chậm lũ, cống qua đê, công trình tràn sự cố, cửa khẩu qua đê, trạm bơm, âu thuyền trong phạm vi bảo vệ đê điều.
Khoản 4: vận hành hồ chứa nước thượng lưu trái quy chuẩn kỹ thuật gây ảnh hưởng đến đê điều.
Khoản 5: xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt.
Khoản 6: sử dụng xe cơ giới vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê; sử dụng xe cơ giới đi trên đê khi có biển cấm trong trường hợp đê có sự cố hoặc có lũ, lụt, bão, trừ xe kiểm tra đê, xe hộ đê, xe làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, cứu thương, cứu hỏa.
Khoản 7: đổ chất thải trong phạm vi bảo vệ đê điều, ở bãi sông, lòng sông; để vật liệu trên đê, trừ vật tư dự trữ phòng, chống lũ, lụt, bão.
Khoản 8: chiếm dụng, sử dụng hoặc di chuyển trái phép vật tư dự trữ phòng, chống lũ, lụt, bão.
Khoản 9: phá hoại cây chắn sóng bảo vệ đê, trừ trường hợp khai thác cây chắn sóng quy định tại khoản 2 Điều 29 của Luật Đê điều 2006.
Khoản 10: khai thác đất, đá, cát, sỏi, khoáng sản khác; đào ao, giếng trong phạm vi bảo vệ đê điều và các hoạt động khác gây cản trở dòng chảy và thoát lũ.
Khoản 11: sử dụng sai mục đích ngân sách đầu tư cho xây dựng, tu bổ, nâng cấp, kiên cố hóa và bảo vệ đê điều.
Kiều Vượng