
Ông Đặng Phước Bình: Thừa Thiên - Huế thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ an ninh nguồn nước
22/10/2024TN&MTNước là nguồn tài nguyên quan trọng và không thể thiếu cho cuộc sống và sự phát triển kinh tế - xã hội. Việc quản lý, bảo vệ, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước ra sao luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của bất kỳ địa phương nào. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Phước Bình, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế.
PV: Thưa ông, thời gian qua, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế được triển khai như thế nào?
Ông Đặng Phước Bình:
Nguồn tài nguyên nước của tỉnh Thừa Thiên - Huế khá phong phú, nhất là tài nguyên nước mặt của hệ thống sông Hương. Ngoài ra, trong vùng còn có một số hệ thống sông khác như sông Ô Lâu, sông Nông, sông Truồi, sông Cầu Hai, Sông Bù Lu, sông A Sáp là những sông nhỏ nội vùng. Đặc biệt, tính độc đáo của hệ thống thủy văn Thừa Thiên - Huế còn thể hiện ở chỗ, nơi hội tụ của hầu hết các con sông trước khi ra biển là hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Ông Đặng Phước Bình, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế
Bên cạnh đó, tài nguyên nước dưới đất của tỉnh cũng đa dạng, theo tài liệu điều tra về tài nguyên nước bao gồm cả nước nhạt và nước khoáng nóng, được phân bố tương đối đều trên địa bàn toàn tỉnh. Tổng trữ lượng nước dưới đất ở các vùng đã nghiên cứu ở cấp C1 đạt gần 9.200m3/ngày. Chính lượng nước này cùng hệ thống các thủy vực dày đặc với tổng lượng nước mặt phong phú đã đảm bảo cho Thừa Thiên - Huế tránh được những đợt hạn hán khốc liệt và kéo dài.
Trong thời gian qua (từ năm 2013 đến 8/2024), Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung quy định pháp luật về tài nguyên nước thông qua các hình thức như bản tin Tài nguyên và Môi trường của Đài Phát thanh truyền hình Thừa Thiên - Huế, Báo Thừa Thiên-Huế… tham gia các đợt tập huấn, phổ biến pháp luật của Sở đến với các huyện, cán bộ liên quan; tham gia phổ biến quy định pháp luật về tài nguyên nước đến các lớp trung cấp lý luận chỉnh trị tại Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh…
Thực hiện thẩm định, Sở đã tham mưu UBND tỉnh cấp Giấy phép khai thác tài nguyên nước: 03 Giấy phép thăm dò nước dưới đất; 07 Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất và 16 Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt và thực hiện đăng ký khai thác nước dưới đất đối với 08 tổ chức; 01 tổ chức đăng ký khai thác nước mặt đối với 06 hồ thuỷ lợi, 33 trạm bơm.
Thực hiện Nghị định số 82/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và Nghị định số 41/2021/NĐ-CP ngày 30/3/2021 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ Quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước với tổng số tiền hơn 6,8 tỷ đồng.
Nguồn tài nguyên nước của tỉnh Thừa Thiên – Huế khá phong phú
PV: Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thực hiện các giải pháp gì để ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, đồng thời bảo vệ và phát huy nguồn tài nguyên nước góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh, thưa ông?
Ông Đặng Phước Bình:
Hiện nay, nhận thức về tầm quan trọng của tài nguyên nước, bảo vệ nguồn nước của một bộ phận người dân vẫn chưa cao nên nguy cơ bị ô nhiễm, suy thoái, khan hiếm, cạn kiệt nguồn nước là vấn đề cần được quan tâm. Cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước vẫn chưa hoàn chỉnh hệ thống để phục vụ quản lý, chia sẻ, phân bổ tài nguyên nước một cách phù hợp trong phát triển chung. Tác động của biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng rất lớn có thể ảnh hưởng đến suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa,… đã sử dụng nhiều mặt nước, nguồn nước nhưng chưa có giải pháp phù hợp để sử dụng vào bảo vệ chất lượng nước phù hợp,…
Việc bảo vệ nguồn nước tại Thừa Thiên - Huế được triển khai bằng nhiều phương thức khác nhau, như đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải trước khi xả vào nguồn nước tiếp nhận. Ngày 22/02/2019, UBND tỉnh ban hành Công văn số 924/UBND-TN về việc thống nhất việc triển khai công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Theo đó, đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh đầu tư mới phải đảm bảo xử lý nước thải đạt cột A. Tại các khu công nghiệp Phú Bài, Phong Điền đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Thi công, lắp đặt các tuyến ống đảm bảo cấp nước an toàn trên địa bàn toàn tỉnh
Tỉnh tập trung xây dựng công trình khai thác nước, xử lý nước đạt tiêu chuẩn để cung cấp nước cho việc sinh hoạt, ăn uống của người dân. Xây dựng công trình đập cửa biển để ngăn nước biển xâm nhập vào sông nhằm phục vụ khai thác nước sinh hoạt, sản xuất nông, công nghiệp,… Xây dựng hồ thượng nguồn để góp phần điều tiết nước, sử dụng bền vũng về khối lượng nước cũng như chất lượng nước.
Ngay từ đầu mùa khô của từng năm, tại các trạm bơm của tỉnh đã được quản lý điều tiết chặt chẽ nguồn nước, đáp ứng thực tế nhu cầu dùng nước của từng địa phương, đồng thời tỉnh cũng làm việc với các xã duy tu, nạo vét để khơi thông dòng chảy, đảm bảo khi đến mùa khô hạn nhu cầu dùng nước cấp thiết thì các địa phương luôn chủ động được nguồn nước trong quá trình vận hành.
Những công trình trên cầu dưới đập đã cơ bản giải quyết tình trạng xâm nhập mặn, đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Trong đó phải kể đến đập Thảo Long. Nhờ có đập này, hệ thống ruộng lúa ở các địa phương ven sông, đầm phá Tam Giang, phía hạ lưu sông Hương không còn xảy ra tình trạng nhiễm mặn trong mùa khô hạn. Độ mặn trên vùng đầm phá được bão hòa, ổn định, dao động mức an toàn cho nuôi trồng thủy sản nước lợ,…
Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên - Huế cũng đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà máy nước sạch và tuyến cung ứng phân bổ nước đến hơn 90% hộ dân sử dụng nước sạch. Mặt khác, nhằm bảo vệ nguồn nước UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3559/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 về việc phê duyệt đề cương nhiệm vụ Lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, sau khi hoàn thành UBND tỉnh sé ban hành Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ và hàng năm sẽ tiến hành cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước. Ngoài ra, các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh đã thực hiện việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với các hồ chưa thủy điện và bàn giao mốc giáo cho UBND cấp xã có liên quan để quản lý, bảo vệ.
PV: Để Luật Tài nguyên nước phát huy hiệu quả, tỉnh Thừa Thiên – Huế sẽ đề ra kế hoạch, mục tiêu, giải pháp gì trong thời gian tới?
Ông Đặng Phước Bình:
Để tăng cường quản lý tài nguyên nước có hiệu quả, tỉnh sẽ thực hiện nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu như triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến và tập huấn thi hành huấn Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật; Cung cấp, cập nhật thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước thuộc phạm vi quản lý vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia; xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý và tổng hợp, cập nhật kết quả vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia; Tổ chức rà soát chức năng nguồn nước trong quy hoạch tỉnh; xác định, công bố chức năng đối với nguồn nước mặt nội tỉnh trong trường hợp chưa có quy hoạch hoặc quy hoạch chưa thể hiện chức năng nguồn nước; Tổ chức lập, công bố, điều chỉnh danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước; phê duyệt, điều chỉnh phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước, kế hoạch, phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước; giao mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước cho Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã để quản lý, bảo vệ.
Bảo vệ, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Bên cạnh đó, xác định, điều chỉnh vị trí, giá trị dòng chảy tối thiểu trên sông, suối nội tỉnh; công bố dòng chảy tối thiểu trên các sông, suối nội tỉnh; phê duyệt, công bố dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu đập, hồ chứa xây dựng trên các sông, suối quy định tại điểm b khoản 1 Điều 24 Luật Tài nguyên nước thuộc thẩm quyền đăng ký, cấp phép khai thác tài nguyên nước; Kiểm soát các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt; xác định và tổ chức việc công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; tổ chức quan trắc, công bố thông tin chất lượng nguồn nước sinh hoạt, cảnh báo hiện tượng bất thường về chất lượng nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, xem xét, quyết định việc chuyển đổi mục đích sử dụng đối với các moong khai thác khoáng sản, đất, vật liệu xây dựng sau khi dừng khai thác tạo thành hồ để điều hòa, tích trữ nước, cấp nước, tạo cảnh quan khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định của Luật Tài nguyên nước, pháp luật về đầu tư, đất đai, bảo vệ môi trường, khoáng sản và cập nhật, bổ sung vào danh mục nguồn nước mặt nội tỉnh và danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp.
Tổ chức thực hiện việc khoanh định, công bố, điều chỉnh danh mục vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; quyết định đưa ra khỏi danh mục vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất khi nguồn nước dưới đất đã phục hồi; Xây dựng kế hoạch bảo vệ nước dưới đất; Xây dựng kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước phù hợp với kịch bản nguồn nước; Xây dựng, vận hành mạng quan trắc tài nguyên nước đối với các nguồn nước nội tỉnh; giám sát hoạt động khai thác tài nguyên nước đối với các công trình thuộc thẩm quyền cấp phép; Xây dựng kế hoạch, lộ trình quy định các loại dự án phải có phương án sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước đối với các dự án tại các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước và xác định các ưu đãi mà dự án đó được hưởng theo quy định của pháp luật.
Lập, công bố, điều chỉnh danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp đối với hồ, ao, đầm, phá thuộc nguồn nước mặt nội tỉnh. Thẩm định, quản lý hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước, thăm dò nước dưới đất, hành nghề khoan nước dưới đất và hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; Kiểm tra, thanh tra, đôn đốc việc chấp hành pháp luật về thực hiện quy định của giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất, giấy phép khai thác tài nguyên nước, giấy phép thăm dò nước dưới đất, kê khai, đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước, dịch vụ về tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trên phạm vi cả nước; Cải cách quy trình về thủ tục hành chính để có thể ứng dụng tối đa công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hướng tới cung cấp toàn bộ thông tin về thủ tục hành chính trên môi trường mạng.
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND cấp huyện, UBND cấp xã tổ chức việc thực hiện phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn việc kê khai trên ứng dụng kê khai, đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước thuộc địa bàn nhằm đảm bảo thực thi hiệu quả, nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên nước, khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Ngoài ra, tỉnh cũng đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm xây dựng kết nối thông tin tiềm năng tài nguyên nước địa bàn trong tỉnh, liên tỉnh, liên vùng, liên quốc gia để có bức tranh chung phục vụ điều phối, sử dụng phù hợp. Đẩy mạnh công tác quy hoạch, phân bổ, lập hành lang bảo vệ nguồn nước; khoanh địch khu vực khai thác phù hợp…
PV: Xin cảm ơn ông !
Hoàng Anh (Thực hiện)